Người lính và Sư đoàn trưởng của mình

1- Mùa hè 1969, từ những mái trường phổ thông, những nhà máy xí nghiệp, những luống cày dang dở ngoại thành, những con đường thơm hương hoa sữa… hàng trăm thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ và được đưa về huấn luyện tại sư đoàn 320B - một sư đoàn được tách ra từ sư đoàn 320 (Đồng Bằng) thuộc Quân khu Hữu Ngạn chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu.

Khi ấy, miền Bắc cũng đang trong chiến tranh, nhiều khó khăn gian khổ, nhưng việc chi viện sức người sức của cho chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu. Lính tráng cái ăn cái mặc được chăm lo chu đáo, tháng 21kg gạo, ngày ba bữa ăn uống thỏa thuê, gấp nhiều lần khi ở nhà thường ăn cơm độn sắn, độn mỳ… Vấn đề còn lại là luyện rèn thế nào để làm sao chỉ trong vòng một thời gian ngắn sẽ trở thành những chiến sĩ tinh thông súng đạn, sáng ngời lý tưởng và lòng dũng cảm, đủ sức khỏe “chân cứng đá mềm” vào chiến trường...

Sư đoàn trưởng của chúng tôi ngày ấy, cũng kể là sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi, mang một cái tên thoạt nghe tưởng người dân tộc: Hà Vi Tùng. Lại nghe nói ông sinh ra tại Tuyên Quang, có lẽ là người Thái hay người Tày. Lại nghe nói ông đánh vùng rừng núi rất giỏi, từng tham gia những trận đầu tiên diệt quân Mỹ ở Tây nguyên, càng thêm niềm tin hẳn ông là người con của núi rừng. Nhưng sau này gần ông chúng tôi mới hay, Hà Vi Tùng là tên ông theo cách mạng, chứ tên khai sinh ông là Hà Đình Tùng, gốc người thuộc làng Đa Phúc, Sài sơn, xứ Đoài.

Cha ông là ông Hà Đình Thung, vốn là trưởng một dòng họ Hà Đình ở làng Thầy, đi làm ăn mãi trên xứ Tuyên, lấy vợ đẻ con và rồi chọn đất Tuyên làm quê hương. Ông Tùng sinh ra ở đây. Được giác ngộ cách mạng và tham gia Việt Minh cũng ở đây. Tháng 10 /1945, tròn 20 tuổi, ông là chỉ huy một tiểu đội tự vệ tham gia cướp chính quyền, rồi được cử đi học trường Quân chính khóa 1 tại Hà nội. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu như thế, và rồi trọn cuộc đời ông là cuộc đời của một chiến binh quả cảm, của một người lính dạn dày trận mạc, của một cuộc đời binh nghiệp với nhiều chiến tích rất vẻ vang...

Người lính và Sư đoàn trưởng của mình - 1

Tướng Hà Vi Tùng đang trình bày ý kiến về phát triển kinh tế biển kết hợp quốc phòng tại Trường Sa. Nguồn ảnh: Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp & Hội nhập

Sau khi tốt nghiệp khóa quân chính, ông xung phong Nam Tiến, là những người lính lên tàu Nam tiến đầu tiên chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ, Khánh hòa. Người sĩ quan 20 tuổi này từng là chỉ huy một tiểu đoàn rất nổi tiếng thuở ấy là tiểu đoàn Lá mít, kể như “307” của chiến trường Liên khu Năm. Ông trưởng thành qua từng trận đánh, qua từng chiến dịch, từ cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, đến trung đoàn.

Năm 1954 ra miền Bắc tập kết, nghĩa là trở về quê hương bản quán, ông vẫn tiếp tục đời quân ngũ, lần lượt giữ các chức vụ tham mưu trưởng sư đoàn, lữ đoàn trưởng, rồi một đêm trăng theo lệnh Bác Hồ lặng lẽ trở lại chiến trường xưa, năm 1965 là tham mưu trưởng sư đoàn chỉ huy và đánh những chiến dịch đầu tiên ở mặt trận Tây Nguyên.

Chính với những kinh nghiệm dặn dày trên chiến trường đánh Pháp đánh Mỹ, ông trở thành sư đoàn trưởng 320B, trực tiếp huấn luyện những người chiến sĩ sẽ đi chiến đấu ở những mặt trận đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi được vinh dự làm lính của ông, với những bài học, kinh nghiệm, tinh thần, ý chí, kỹ chiến thuật, binh pháp… ông trao cho vô cùng quý giá.. Và rồi từ đây, hàng vạn chiến sỹ đã lên đường tăng cường cho mặt trận, với vinh dự là lính Sư đoàn 320B, lính sư đoàn Hà Vi Tùng...

*

Theo kế hoạch, chúng tôi được huấn luyện bộ binh quãng 6 tháng rồi vượt Trường sơn tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Nhưng mới được ba tháng, do yêu cầu khẩn thiết của mặt trận phía Tây, hơn 100 chiến sỹ có lệnh ba lô lên đường, sớm vào mặt trận, bổ sung cho một tiểu đoàn pháo cao xạ mặt trận Lào. Kể cũng là chéo giò, bởi chúng tôi được rèn luyện, huấn luyện để thành những người lính bộ binh chuyên đánh vùng rừng núi, thế mà nay lại trở thành những người lính cao xạ, những pháo thủ số một, số hai… chưa qua một ngày học tập, rèn luyện yếu lĩnh pháo cao xạ.

Thế mà rồi vẫn hoàn thành sứ mệnh, chỉ bởi một điều đơn giản: Những phẩm chất, yếu lĩnh của một người lính ra trận 320B đã cho chúng tôi tất cả. Từ bản lĩnh,ý chí, sức mạnh của người lính, cho tới yếu lĩnh, kỹ, chiến thuật hành quân,bắn súng, đâm lê… Bởi vậy chúng tôi ngồi lên mâm pháo rất vững vàng, và chỉ qua một vài trận đánh, với thêm sự hướng dẫn của các pháo thủ đi trước, chúng tôi đã có thể “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, thậm chí còn bắn rơi máy bay của Mỹ...

Chính ở mặt trận này, thêm một lần chúng tôi lại được làm quân của tướng Hà Vi Tùng. Năm 1974, tiểu đoàn cao xạ chúng tôi được tăng cường bảo vệ Cánh đồng Chum. Rất vui là, thủ trưởng Hà Vi Tùng của chúng tôi cũng đang ở mặt trận này, ông là phó tư lệnh sư đoàn 31 mặt trận Cánh đồng Chum - Hạ Lào. Chỉ tiếc là, chúng tôi không có dịp gặp ông, báo cáo thủ trưởng  hay thành tích của những chiến sĩ do ông huấn luyện ở 320 B những năm trước đây, nay  đã chiến đấu ở các mặt trận thế nào, đã trưởng thành ra sao, lập những chiến công gì , và ai còn ai mất, ai liệt sỹ ai anh hùng... để luôn xứng đáng với danh hiệu người lính đồng bằng, luôn xứng đáng với danh hiệu người lính sư đoàn của ông!

2-

Tháng 8 năm 2017, tôi đã là một cựu chiến binh, nhưng vẫn say mê cầm bút viết về những năm tháng chiến tranh, viết về những người lính. Cũng bởi vậy nên tôi đã được mời tham gia một trại viết của Tổng cục chính trị quân đội và Bộ văn hóa về “Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tổ chức tại Đồng đế-Nha Trang. Có một buổi sáng sớm, có một người đàn ông cũng quãng tuổi 70 gõ cửa phòng tôi. Ông tự giới thiệu ông là một cựu chiến binh, sinh hoạt trong hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, có đọc một vài tập truyện tôi viết,và nghe tin tôi tham gia trại viết này nên đến xin gặp...

Thấy tay ông ôm một chồng sách vở, tôi thầm nghĩ có lẽ ông cũng là người say mê văn chương, ôm bản thảo đến trao đổi với nhau kinh nghiệm viết lách. 

Vâng, mời anh uống trà. Có vấn đề gì xin anh cứ trao đổi...

Thì hóa ra không phải như tôi nghĩ, chồng sách vở ông ôm trên tay không phải là chồng bản thảo , mà là tư liệu về một vị tướng, một thủ trưởng cũ của đơn vị ông. Người cựu chiến binh ấy, mong tôi là một nhà văn chuyên viết về người lính, từ những tài liệu này, từ những câu chuyện kể của ông, sẽ viết về vị tướng này:

-Vâng, anh ấy tên là Hà Vi Tùng, thiếu tướng Hà Vi Tùng anh ạ. Anh ấy là một người lính Nam tiến  đã chiến đấu và gắn bó cả cuộc đời với quê hương Nha Trang chúng tôi, được chúng tôi hết mực yêu quý, và hằng coi là thần tượng của mình!

Tay tôi nổi da gà theo mỗi lời ông nói, nhất là khi nghe tên tướng Hà Vi Tùng. Tôi nắm lấy bàn tay người cựu chiến binh:

-Nói thật với anh, Hà Vi Tùng cũng chính là sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi, là thần tượng của những người lính Hà nội chúng tôi. Chỉ tiếc là 45 năm nay, tôi không được gặp lại thủ trưởng....

-Thế ngày xưa anh ở đơn vị nào? Làm quân ông Tùng ở đâu? Chẳng hóa ra chúng ta từng một đơn vị, từng là lính của anh Tùng hay sao? Thế thì may quá, tiện quá...

Thế là suốt buổi sáng hôm ấy, tôi và ông ôn lại những chặng đường lính của đời mình. Chúng tôi là lính ông Hà Vi Tùng thì hẳn rồi, nhưng vào dịp nào, ở đơn vị nào, vì bước chân ông Tùng trải dài ba cuộc kháng chiến, in dấu khắp các chiến trường, chỉ huy cũng tới hàng chục đơn vị từ tiểu đoàn tới sư đoàn, tới Mặt trận, Quân khu nên lính của ông ấy nhiều lắm...

-Tôi làm lính tướng Hà Vi Tùng ở mặt trận Tây nguyên anh ạ.Lúc ấy anh Tùng tầm tuổi 40, được điều vào làm tham mưu trưởng mặt trận B3. Đây, hồi ký của thượng tướng Nguyễn Hữu An ngày ấy cũng ở Tây nguyên viết rõ: “Khi tới Công Tum, tôi, anh Nguyễn Minh Đức chính ủy và một số anh em trong bộ tư lệnh sư đoàn rẽ vào Đắc Un, nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận B3 ( Mật danh chỉ Mặt trận Tây Nguyên.). Tưởng Bộ chỉ huy Tây Nguyên là ai xa lạ, hóa ra quen thuộc cả. Các anh Nguyễn Chánh tư lệnh, anh Đoàn Khuê chính ủy, Hà Vi Tùng tham mưu trưởng. Riêng chính ủy Đoàn Khuê là người tôi mới gặp lần đầu. Mọi người mới cũ đều tỏ ra vui mừng xúc động thăm hỏi nhau...”

Thế rồi quân ta tổ chức các chiến dịch lớn đầu tiên tiêu diệt sinh lực Mỹ được trang bị tối tân ở Tây nguyên. Chắc anh vẫn còn nhớ những chiến công vang lừng buổi đấu ấy như PLÂY-ME - IA-ĐRĂNG, những chiến công nức lòng quân dân cả nước và càng khẳng định tinh thần Nguyễn Chí Thanh - Chính ủy quân giải phóng: “Không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ”. Anh Hà Vi Tùng là tham mưu trưởng chỉ huy trực tiếp những trận đánh này, khiến cho quân thù điên đảo và sau này họ  phải viết về anh...

Ông đưa tôi xem bản photo tập sách  Firepower in Small Wars do the National Defense University Press xuất bản do một trung  tá Mỹ là Robert H. Scales, Jr viết, ở chương Firepower and Maneuver in the Second Indochina War có đoạn về ông Hà Vi Tùng: “Đại Tá Hà Vi Tùng là Tham mưu trưởng của Vùng IV Chiến thuật Bắc Việt tại Cao nguyên. Vùng hành quân của ông bắt đầu từ lãnh thổ Căm Bốt, cắt ngang qua khúc giữa của Nam Việt Nam, và tận cùng tại Biển Đông. Một con người nhỏ thó với nét mặt khắc khổ phong sương, Tùng chứng tỏ là một cựu chiến binh của nhiều trận chiến với quân lính Pháp. Sứ mạng mới của ông trong năm 1965 là đôn đốc sư đoàn tân lập của ông tiến công tại Cao Nguyên với mục tiêu tối hậu là cắt đôi Nam Việt Nam.

Từ mật khu trong vùng rừng rậm tại rặng núi Chu Prong, ngay phía tây thung lũng Ia Drang vắt ngang qua biên giới Căm Bốt, Đại Tá Tùng hoạch định kỹ lưỡng chiến dịch sắp tới. Ông lưu ý ban tham mưu của ông là một cuộc hành quân tầm cỡ lớn như vậy có thể buộc họ phải chiến đấu với các đơn vị lớn Mỹ lần đầu tiên. Kế hoạch của ông tập trung vào việc phá hủy một trại Lực lượng đặc Biệt tại Plei Me, trú ngự bởi một nhóm 300 người Thượng Jarai và 10 viên cố vấn Mỹ. Tùng có trong tay hai trung đoàn thiện chiến để dùng cho cuộc hành quân - một trung đoàn sẽ lấn chiếm trại và trung đoàn kia phục kích đoàn quân tiếp cứu mà phe Nam Việt Nam sẽ nhất định phải phái tới để giải cứu trại. Để phòng hờ cuộc xung phong đầu tiên bất thành, Tùng cũng sẽ điều động một tiểu đoàn súng phòng không hạng nặng dọc theo các tuyến bay để bảo vệ các quân lính của ông bị phi cơ giết hại.

Vào ngày 19 tháng 10 năm 1965, Tùng và ban tham mưu của ông di chuyển đến một địa điểm cách trại vài dậm và thiết lập một đường giây radiô liên lạc với các trung đoàn tấn công. Cũng vào tối ngày hôm đó quân lính của ông khai hỏa trận chiến bằng cách vây quanh Plei Me và sáp tới đánh dứt điểm.

Đại Tá Tùng là một chiến binh chuyên nghiệp thượng thặng để mà từ bỏ thế chủ động mà không lâm chiến thêm một lần nữa. Trong bầu khi tương đối thinh lặng của nơi ẩn trú trên một đỉnh núi, Đại Tá Tùng tụ họp các trung đoàn trưởng, kể cả chỉ huy trưởng của Trung Đoàn 66 mới đặt chân tới chiến trường, và điều nghiên kế hoạch cho một cuộc tái tấn công. Hành động dưới sự thúc đẩy của những lý do không rõ, Đại Tá Tùng chọn phát huy một cuộc tấn công dứt điểm nhắm thẳng vào trại Lực Lượng Đặc Biệt Plei Me. Lần này, ông dự tính tung cả ba trung đoàn vào vòng chiến và đưa thêm vào một tiểu đoàn bích kích pháo hạng nặng và một tiểu đoàn súng phòng không 14.5 ly. Trong 5 ngày kế tiếp, quân Bắc Việt chuẩn bị cho cuộc tấn công mới lần đầu tiên với một cuộc hành quân cấp sư đoàn tại Nam Việt Nam...”

-Đấy, anh thấy đấy, quân đội đối phương cũng đánh giá rất cao ý chí và tài năng tổ chức chiến dịch của tướng lĩnh quân đội mình, trong đó có anh Hà Vi Tùng. Dưới con mắt đối phương, anh Tùng là như vậy đấy.  Chúng tôi là những người lính tham gia trận đánh, thì càng khâm phục các anh ấy lắm. Lần đầu đụng nhau với thằng Mỹ, chưa hiểu nó ra làm sao, đánh đấm thế nào, chỉ biết vũ khí nó vô cùng hiện đại, tối tân, lại được trang bị tới tận răng, mà chúng ta đã đánh nốc ao chúng nó như thế, làm phấn chấn quân dân cả nước, thì lính chúng ta chẳng dũng cảm, tướng chúng ta chẳng tài giỏi là gì phải không anh?

Thế mà rồi chúng ta vẫn còn quá ít, quá ít những tác phẩm về những vị tướng như thế, trong đó có anh Hà Vi Tùng ...

Tôi cũng xin thưa với anh là Tướng Hà Vi Tùng  không chỉ có vậy. Năm 1979 ông lên biên giới phía Bắc, là Tham mưu trưởng Quân khu một, bước vào một cuộc chiến đấu mới, với một kẻ thù mới. Như vậy là cả ba cuộc kháng chiến anh Hà Vi Tùng đều có mặt, đều kiên cường ở vị trí hàng đầu.”

Phải nói những gì người cựu chiến binh ấy vừa nói với tôi là rất thuyết phục. Với những vị tướng dạn dày trận mạc, chói ngời chiến công như người lính Nam Tiến năm xưa Hà Vi Tùng, hay nhiều vị tướng lĩnh khác của quân đội chúng ta, quả là  chúng ta phải có nhiều tác phẩm hơn nữa viết về họ. Không chỉ cho hôm nay như  mong muốn của những người cựu chiến binh này, mà cho cả các thế hệ mai sau. Chúng ta sẽ để cho thế hệ sau điều gì? Phải chăng trước hết là những tấm gương, những kinh nghiệm, những bài học trên dặm dài bảo vệ non sông gấm vóc? Nhất là ở những năm tháng qua chúng ta phải đối mặt với rất nhiều cường quốc để giữ gìn từng thước đất, từng ngọn cỏ, từng lượn sóng ông cha để lại?

*

Buổi chiều ấy, theo nguyện vọng của tôi, người cựu chiến binh ấy đã đưa tôi đến dâng hương tại nhà lưu niệm của tướng Hà Vi Tùng. Chở tôi bằng chiếc xe honda đã cũ, phải đi gần một tiếng chúng tôi mới tới được xã Vĩnh Phương ngoại thành Nha Trang,  nơi có nhà lưu niệm của tướng Hà Vi Tùng là một ngôi nhà nhỏ nhìn ra phía trước là cánh đồng lúa rì rào.

 Người cựu chiến binh giới thiệu:

-Ông Hà Vi Tùng là người lính Nam Tiến, chinh chiến  giặc giã  khắp các mặt trận, nhưng rồi cuối đời ông nằm lại với quê hương chúng tôi, khi đã hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của đời binh nghiệp là Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 3 và là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Khánh Hòa. Những người con của ông, mà con đầu lòng là một đại tá quân đội, đã thể theo nguyện vọng của cha , để ông mãi mãi nằm lại Nha Trang, nơi ông đã nhận làm quê hương, bên người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Năm. Nơi ông yên nghỉ cũng là cũng là  nơi buổi đầu ông Nam tiến vào đây, đóng quân xây dựng lực lượng ở đây và cũng từng lập chiến công ở đây. Năm 1949, tiểu đoàn 360 do ông chỉ huy đã diệt gọn một đại đội Pháp và lực lượng địch tại đồng Xuân Phong này. 

Tôi thắp nén nhang dâng lên bàn thờ của ông.Trong khói nhang mờ ảo, gương mặt võ tướng nhưng hiền hòa của ông như  từ tấm ảnh linh thiêng  bước ra, nhập với hình ảnh của ông ngày nào là sư đoàn trưởng của chúng tôi ở sư đoàn 320 B.

-Thưa thủ trưởng- Tôi thầm thì cùng ông - Chúng em (Ngày ấy chúng tôi hay xưng là em với các thủ trưởng) là những người người lính sư đoàn 320B năm xưa được thủ trưởng dìu dắt và huấn luyện, sau đó được bổ sung cho các mặt trận, chiến trường. Chúng em trở thành những người lính chiến dũng cảm, hoàn thành sứ mệnh với quê hương đất nước cũng một phần từ chính sự huấn luyện, giáo dục, yêu thương của các thủ trưởng”.

Bất giác, tôi thầm đọc ông nghe một bài thơ tôi viết về những người lính Hà nội ngày ấy do ông huấn luyện, vào chiến đấu ở mặt trận và anh dũng hy sinh: “Hà nội ơi có biết bao chàng trai/Như bạn tôi đã không về nữa/Sông Hồng vẫn trôi và mây trắng vẫn bay/Nhưng lắng nghe từ trong hương hoa sữa/Như có mùa thu của ngày ấy lên đường/Nhưng lắng nghe từ trong hương hoa sữa/Có bạn về trong mỗi làn hương...”

-Vâng, thưa thủ trưởng, chúng em đã chiến đấu, đã sống xứng đáng với những gì thủ trưởng đã trao, đã dạy dỗ,huấn luyện, xứng đáng với truyền thống của sư đoàn 320B ngày ấy. Mãi mãi chúng em không bao giờ quên các thủ trưởng, quên người sư đoàn trưởng đầu tiên của mình...

4-

Trên đường trở về Đồng Đế từ Vĩnh Phương, khi đi qua những bãi biển dạt dào sóng vỗ, người cựu chiến binh Nha Trang bất giác nói với tôi một ý nghĩ hằng nung nấu trong lòng anh:

-Tôi cứ ước mong anh ạ - Ước mong của một người lính quê hương Khánh Hòa- một ngày không xa trên thành phố quê hương chúng tôi sẽ có những con phố mang tên những vị tướng lĩnh đã chiến đấu hết mình cho quê hương đất nước như tướng Hà Vi Tùng. Những con phố mang tên các vị tướng lĩnh ấy, sẽ án ngữ, sẽ trấn giữ trước cửa biến Đông, không chỉ để con cháu mãi mãi nhớ về các ông,không chỉ để lịch sử ngời sáng mãi tên tuổi các ông, mà còn  để những kẻ nào hòng nhòm ngó đất nước, biển  khơi của chúng ta, hãy nhìn vào đấy mà tự răn mình có nên đụng chạm đến hay không, vì dải đất này, đất nước này có những vị tướng, có những người lính như thế, tất “chúng bay sẽ bị đánh bại vong” như các cụ xưa đã truyền..

Lời người cựu chiến binh ấy cháy bỏng. Thật lòng tôi đã nghĩ tới một ngày mai trên thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, sẽ có một con phố mang tên Hà Vi Tùng...

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân ch

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, đối tác quản lý Ryan McIntyre của Sprott Inc đánh giá cao sức mạnh của vàng và dự báo các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua vào khi giá giảm.