Adobe lậu ở sự kiện Samsung: "Tuyên truyền bảo mật nhưng lại dùng crack thì thật phi lý"
Đó là nhận định của chuyên gia bảo mật liên quan việc phần mềm lậu xuất hiện trong sự kiện livestream ra mắt Samsung Galaxy Z Fold6 và Z Flip6.
Thông báo phần mềm bẻ khóa bị vô hiệu hóa trong phiên livestream ra mắt Samsung Galaxy Z Fold6 và Z Flip6 trên kênh YouTube của Samsung Vietnam. (Ảnh chụp màn hình)
Tối 10/7, khi Samsung Việt Nam đang livestream sự kiện ra mắt Samsung Galaxy Z Fold6 và Z Flip6 thì một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Màn hình máy tính của đơn vị livestream tại Việt Nam bất ngờ xuất hiện thông báo "Ứng dụng không được phép của bạn đã bị vô hiệu hóa. Hãy thay thế ứng dụng đó bằng ứng dụng Adobe chính hãng".
Liên quan tới sự việc này, ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn đã có những nhận định, đánh giá và chia sẻ góc nhìn về thị trường bản quyền phần mềm trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi.
Ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn. (Ảnh: NVCC)
Xin chào ông,
Với thông báo bản quyền đang lan truyền trên mạng xã hội, theo ông, nó thể hiện đơn vị livestream đã sử dụng phần mềm như thế nào?
Sự việc xuất hiện thông báo bản quyền lậu của Adobe trên máy tính lúc livestream sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Samsung là một sự việc rất nóng về bản quyền, chính xác là bẻ khóa (crack). Dù cho máy dùng crack Adobe là của nhân viên Samsung hay của đối tác tổ chức sự kiện thì đây cũng là việc không mong muốn của Samsung, và nó đã làm nóng câu chuyện sử dụng bản quyền tại Việt Nam.
Chúng ta đang tuyên truyền tăng cường bảo mật, nhưng lại dùng phần mềm bẻ khoá một cách công khai như vậy thì thật phi lý. Tất cả chúng ta đều phải tôn trọng bản quyền phần mềm, nói không với phần mềm lậu nói chung và đặc biệt là crack nói riêng.
Ngoài crack, phần mềm lậu còn bao gồm những cách "lậu" nào khác nữa, thưa ông?
Phần mềm lậu có thể là dạng bẻ khoá phần mềm qua các bản crack, patch dễ dàng tìm thấy ở các diễn đàn. Người dùng chỉ cần tải về và cài vào máy tính để bỏ qua xác nhận bản quyền.
Một dạng khác là bản quyền được chia sẻ một key dùng cho rất nhiều thiết bị, vi phạm tiêu chuẩn sử dụng bản quyền nên hãng khoá key.
Một dạng khác nữa là mua key qua các nguồn không rõ ràng, giá rẻ và không được hỗ trợ kỹ thuật.
Vậy, những rủi ro an ninh mạng gì có thể xảy ra khi sử dụng phần mềm lậu?
Phần mềm lậu thường kèm theo các liên kết nguy hiểm, cho phép hacker mở cửa hậu để lây nhiễm virus vào thiết bị của nạn nhân. Một khi thiết bị đã nhiễm virus thì hacker có thể tính toán khả năng tấn công tài khoản ngân hàng hoặc các tài sản có gì trị của người dùng đó. Ngoài ra, phần mềm lậu cũng làm cho thiết bị vận hành không ổn định do bị lỗi phần mềm.
Việt Nam có quy định như thế nào và chế tài xử phạt ra sao với các cá nhân, doanh nghiệp dùng phần mềm lậu?
Từ lâu, các chương trình kiểm tra việc sử dụng bản quyền tại doanh nghiệp đã phát hiện những vi phạm rất lớn đối với hệ điều hành Microsoft Windows và các sản phẩm đồ họa của Adobe. Phần mềm diệt virus cũng bị bẻ khoá nhưng khó hơn, và người dùng hiện nay đã dần quen hơn và chịu chi hơn cho các phần mềm diệt virus chính hãng tại Việt Nam vì giá rẻ và phù hợp túi tiền.
Còn bản quyền của các hãng phần mềm nước ngoài đang tính theo giá quốc tế thì vẫn đang bị vi phạm bản quyền rất nhiều, có thể vì giá quá cao do không có chính sách giá rẻ cho thị trường Việt Nam.
Khi phát hiện có nơi vi phạm bản quyền, các cơ quan chức năng thường xử phạt bằng số tiền vi phạm bản quyền nhân với số năm hoạt động của doanh nghiệp. Theo tôi, đây là một hình phạt răn đe đủ mạnh.
Ông có hiến kế nào cho bài toán sử dụng phần mềm bản quyền tại Việt Nam?
Trước hết, tuyên truyền chính là giải pháp phải thực hiện liên tục, xuyên suốt. Chúng ta tuyên truyền phải nói rõ lợi ích của việc sử dụng phần mềm có bản quyền và tác hại khi sử dụng phần mềm không bản quyền. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp biết những điều đó, nhưng họ đang bỏ ngoài tai để tiếp tục sử dụng phần mềm lậu. Tuy nhiên, "mưa dầm thấm đất", chúng ta vẫn phải duy trì việc tuyên truyền, đặc biệt các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tiếp theo đó là tăng cường kiểm tra và xử phạt. Khi doanh nghiệp chây lỳ, cố tình vi phạm thì bắt buộc phải răn đe thật nặng. Theo tôi được biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Liên minh Phần mềm (BSA) có trụ sở ở Mỹ đang có chiến dịch thúc đẩy sử dụng phần mềm bản quyền tại Việt Nam bằng cả biện pháp tuyên truyền và thanh tra, xử phạt.
Bên cạnh đó, về phía các hãng sản xuất phần mềm, họ nên nghĩ lớn hơn bằng cách làm giá đặc biệt cho người dùng Việt Nam, như Kaspersky đã làm cách đây 15 năm và hiện rất thành công. Khi giả bản quyền rẻ hơn, phù hợp hơn với túi tiền, mang lại một hệ thống hoạt động ổn định và đầy đủ tính năng thì không ai muốn vi phạm bản quyền để dính vào những rắc rối như Samsung hay đơn vị livestream sự kiện của Samsung đang gặp phải.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận