Cuộc săn người ngoài hành tinh trên Sao Kim chính thức bắt đầu

Sự sống có thực sự tồn tại trên Sao Kim? Một tàu thăm dò sắp tới tận nơi để tìm câu trả lời.

Một sứ mệnh không gian do các nhà khoa học Vương quốc Anh dẫn đầu đang được triển khai với mục tiêu đầy tham vọng là tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên sao Kim. Nhưng thay vì bề mặt "địa ngục", mục tiêu của họ lại là những đám mây lơ lửng phía trên, nơi điều kiện có thể đủ ôn hòa cho vi sinh vật tồn tại.

Kế hoạch táo bạo này được thúc đẩy bởi những phát hiện gây chấn động trong những năm gần đây. Các nhà khoa học đã liên tục phát hiện dấu vết của hai loại khí đặc biệt trong khí quyển sao Kim là phosphine và amoniac. Trên Trái Đất, những loại khí này gần như chỉ được tạo ra bởi hoạt động sinh học hoặc công nghiệp. Điều này đã làm dấy lên giả thuyết rằng "một thứ gì đó" đang sống và "thở" trong các đám mây của hành tinh láng giềng.

Cuộc săn người ngoài hành tinh trên Sao Kim chính thức bắt đầu - 1

Giới khoa học bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Sao Kim.

Việc phát hiện ra phosphine lần đầu vào năm 2020 đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn trong giới khoa học. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó đã làm sáng tỏ bí ẩn rằng loại khí này dường như chỉ có thể được phát hiện vào ban đêm và nồng độ của nó thay đổi theo thời gian, có thể do bị ánh sáng mặt trời phá hủy.

"Cách duy nhất để biết chắc chắn điều gì đã tạo ra chúng là phải đến đó", nhà thiên văn học Jane Greaves từ Đại học Cardiff khẳng định.

Tại Cuộc họp Thiên văn học Quốc gia của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia, kế hoạch chi tiết đã được công bố. Sứ mệnh có tên VERVE sẽ gửi một tàu thăm dò siêu nhỏ (kích thước CubeSat) đến sao Kim.

Con tàu này sẽ "đi nhờ" sứ mệnh lớn hơn mang tên EnVision của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), dự kiến phóng vào năm 2031. Khi đến nơi, VERVE sẽ tách ra, lao vào khí quyển sao Kim và thực hiện một cuộc khảo sát độc lập, với nhiệm vụ chính là tìm kiếm và lập bản đồ các loại khí được cho là "dấu hiệu sinh học".

Mặc dù bề mặt sao Kim là một "địa ngục" thực sự với nhiệt độ lên tới 450 độ C, nhưng ở độ cao khoảng 50 km trong các tầng mây, điều kiện lại trở nên dễ chịu hơn rất nhiều, với nhiệt độ chỉ từ 30-70 độ C. Các nhà khoa học tin rằng môi trường này có thể là ngôi nhà của các "sinh vật ưa khắc nghiệt" (extremophiles), tương tự như những loài được tìm thấy ở các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển sâu của Trái Đất.

Dù chưa có gì đảm bảo, sứ mệnh VERVE đại diện cho một bước tiến quan trọng và đầy hy vọng trong hành trình trả lời một trong những câu hỏi lớn nhất của nhân loại: Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ?

Thanh Phong - Gizmodo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bộ phim “Superman” mới nhất của DC đã mang về 22,5 triệu USD chỉ trong suất chiếu sớm tối thứ Năm tuần trước. Đây không chỉ là cú hích doanh thu mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ cho một thời kỳ mới dưới bàn tay của James Gunn và Peter Safran.