Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh: Đến hẹn lại lên

Đây là những trang bút ký khoa học ghi lại để làm kỷ niệm và cũng có thể giúp ít nhiều việc tổ chức giải thưởng khoa học. Nhà văn Gorki xem bút ký khoa học là một thể loại bút ký nói chung. Cứ năm năm một lần, đến hẹn lại lên, Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh lại tiến hành trao giải một đợt mới.

Khởi đầu là từ năm 1996. Đợt mở đầu này chỉ dành cho Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài... đều được trao giải trong đợt này. Về phía các nhà khoa học xã hội cũng được tiến hành ngay từ đợt đầu.

Tôi nhớ cuộc họp đầu tiên của Trung tâm Khoa học xã hội được tiến hành cùng thời gian quy định. Cuộc họp gồm có 8 người. Hai ông Nguyễn Duy Quý (Chủ tịch) và Vũ Khiêu cùng điều khiển. Phía bên phải là các ông Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, đều là Viện trưởng. Phía bên trái gồm các ông Hoàng Trinh, Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức. Tôi tham dự với tư cách Viện trưởng Viện Văn. Cuộc họp trao đổi và đề cử các vị Đặng Thai Mai, Vũ Khiêu, Hoàng Trinh, Định Gia Khánh, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo. Hai vị Phạm Huy Thông và Trần Đức Thảo đề nghị để lại cho lần sau. Không bỏ phiếu không giơ tay cứ thế là xong. Giữa chừng cuộc họp có một cán bộ đưa hồ sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào. Tôi phát biểu cuộc họp này không đủ tư cách xét hồ sơ của Đại tướng. Phải ở một hội nghị cấp cao với danh hiệu cao quý. Sau đó, hồ sơ lại được chuyển đi.

Giải thưởng Nhà nước và Chí Minh lúc này được chỉ đạo và tiến hành ở hai bộ, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bộ Khoa học và Công nghệ. Kỳ họp thứ hai của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Chu Tuấn Nhạ chủ trì và lãnh đạo. Trong cuộc họp lần này được tiến hành chu đáo, mỗi thành viên ứng cử có một đến hai phản biện. Tôi được giáo sư Đinh Gia Khánh phản biện. Giáo sư Phan Huy Lê do thượng tướng Hoàng Minh Thảo phản biện. Tôi được 11,75 phiếu, đủ con số bầu nhưng phải làm tròn 12 thì thiếu 0,25. Bộ trưởng Chu Tuấn Nhạ có công văn đề nghị Chính phủ xét vớt trường hợp này. Trong lần họp Hội đồng Quốc gia giáo dục, Phó Thủ tướng gặp tôi và nói “Đồng chí thì giỏi đấy nhưng chúng tôi không vớt Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Lúc đó, tôi chỉ được Giải thưởng Nhà nước cùng với các anh Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Phương Lựu.

Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh: Đến hẹn lại lên - 1

Lần thứ ba được tiến hành vào những năm 2005, 2006. Tôi đăng ký dự Giải Hồ Chí Minh ở Bộ Văn hóa. Kết quả ở Hội đồng cuối cùng có các vị trúng Giải Hồ Chí Minh như Đình Quang, Đặng Nhật Minh, chị Anh Thơ, Hà Minh Đức.... Cuộc họp kết thúc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng công bố hoàn thành công việc và chuyển sang giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông Doãn Hợp về thay, làm lại một số khâu về tổ chức nhân sự. Ngành điện ảnh vắng một số cần bổ sung thêm thành viên Hội đồng xét duyệt của Bộ vắng mặt cần có ý kiến và tham gia bỏ phiếu, cộng thêm những phức tạp khác nên ông Doãn Hợp cho bỏ phiếu lại. Ngành điện ảnh có thêm Bùi Đình Hạc, Hải Ninh... Trong đợt bỏ phiếu lại tôi thêm 2 phiếu. Chị Anh Thơ lúc này đã mất. Năm năm sau, 2000, 2001, mặc dù không vui và ngại ngùng chuyện phức tạp tôi không nhiệt tình tham dự như những lần trước. Thời gian, này tôi xuất bản nhiều sách có chất lượng. Bạn bè khuyên tôi nên tham dự và chuyển sang Hội đồng Chính phủ của Bộ Khoa học và công nghệ.

Năm 2020, lần thứ 7 đến hẹn lại lên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các hội tiến hành sớm ngay từ cuối năm. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thông báo cho các hội viên ứng cử và nộp những tư liệu cần thiết cho Hội. Thực sự mỗi lần đăng ký tham dự giải thưởng là một lần mệt nhọc. Những công việc cần theo quy định vẫn phải làm. Ban chấp hành theo điều lệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Ban chấm giải thưởng vòng 1 Hội Nhà văn gồm 9 thành viên, gồm các ông Hữu Thỉnh (Chủ tịch), Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch), Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch) các ủy viên chấp hành Nguyễn Trí Huân, Trần Văn Tuấn và ba nhà văn đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm các nhà văn Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Hà Minh Đức và cùng một nhà văn cao niên (trên 90 tuổi) Vũ Hạnh ở miền Nam. Một bộ phận hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ các thành viên tham dự làm việc từ ấy tháng trước, rất công phu và kỹ càng. Các cuộc họp lần đầu đến đầy đủ các thành viên. Các lần sau vắng mặt nhà văn Vũ Hạnh vì tuổi cao, nhưng đều tham gia gián tiếp đầy đủ.

Các ủy viên Ban chấm giải có 9 thành viên nên phải đạt 8 phiếu mới được. Quy định hơi ngặt nghèo, chỉ cần hai trong chín người không bỏ phiếu là bị trượt. Vòng 1 ở các Hội đồng không giống nhau mà tùy theo các ứng viên ở cơ sở nhiều hay ít. Ở Viện Văn học, vòng 1 chỉ có 6 người dự thi và đều trúng cả. Ở các tỉnh cũng có hội đồng riêng, kết quả chuyển thẳng về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không ứng cử ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng Văn hóa, văn nghệ tỉnh đề nghị giải Hồ Chí Minh lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà thơ Trần Nhuận Minh trước ứng cử Giải Hồ Chí Minh ở Hội Nhà văn Việt Nam sau rút và về tham dự ở tỉnh.

Con đường từ tỉnh lên bộ thường vắng vẻ hơn, ít cạnh tranh, người có uy tín với địa phương thường được trân trọng tôn vinh. Ở Hội vòng 1 của Hội Nhà văn có đông đảo các nhà văn tham dự. Danh sách tham dự Giải Nhà nước lần đầu có tất cả 115 người, số 1 là Lê Đức Nam và số 115 là Đặng Nguyệt Anh. Chọn lọc người đủ tiêu chuẩn ứng cử còn lại là 93, số 1 là Lê Đức Anh và 93 là Hoàng Quảng Uyên.

Rất phong phú, tài hoa, đa dạng. Có những nhà văn đã khuất núi nổi tiếng một thời như Hà Minh Tuấn, Nguyễn Thế Phương, Việt Phương. Có những nhà văn cao niên như Chân Quang, cây đại thụ về báo chí Hoàng Minh Châu. Các nhà thơ, văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trầm Hương, Hà Khánh Linh, Võ Thị Xuân Hà. Danh mục tham dự Giải Hồ Chí Minh bảng đầu Hoàng Trung Thông và số 23 Thanh Thảo.

Danh mục còn lại 17 người, có những nhà văn đã khuất như Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Kim Lân, nhiều nhà thơ thời chống Mỹ như Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Lê Thành Nghị. Các nhà lý luận phê bình có Mai Quốc Liên, Phong Lê.

Kết quả về Giải Hồ Chí Minh có các ông Hoàng Trung Thông, Mai Quốc Liên, Phong Lê và nhà thơ Thanh Thảo. Về Giải thưởng Nhà nước số lượng đạt yêu cầu khá đông, khoảng trên hai chục người. Có đầy đủ các thể loại sáng tác thơ, tiểu thuyết, bút ký. Các vị Hà Minh Tuân, Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Bắc Sơn, Trầm Hương, Hà Khánh Linh, Nguyễn Huy Thiệp, Việt Phương, Lê Văn Vọng… đều đủ phiếu. Tôi không nhớ hết và nhớ kỹ.

Điều đáng tiếc là các nhà lý luận phê bình nổi tiếng như Lý Hoài Thu, Đinh Xuân Dũng, Hồ Sỹ Vịnh, Trần Đăng Suyền… đều không đủ phiếu. Nhà thơ Hữu Thỉnh và tôi đều thấy không công bằng giữa giới sáng tạo và lý luận phê bình. Từ phát biểu tình hình trên có nguyên nhân là các nhà văn, nhà thơ ít tiếp xúc, đọc lý luận phê bình. Nhà văn Hồ Sỹ Vịnh đăng ký nhiều tuyển tập trên hai nghìn trang sách không dễ đến với các nhà sáng tác, trong khi đó một bài thơ hay Mùa hoa đỏ của Thanh Tùng lại hấp dẫn. Các nhà văn Lý Hoài Thu, Đinh Xuân Dũng Trần Đăng Suyền đều đạt nhiều giải, đặc biệt nhà văn Phan Trọng Thưởng.

Tuy nhiên cuối cùng chỉ được anh Phan Trọng Thưởng. Chủ tịch Hữu Thỉnh đề nghị bỏ phiếu riêng cho các nhà lý luận, đặc biệt Lý Hoài Thu, Hồ Sỹ Vịnh, Đinh Xuân Dũng, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Văn Dân. Kết quả vẫn không ai đủ số phiếu cần thiết. Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng cần thành lập hai hội đồng để có điều kiện giới hiệu đầy đủ về nhau hơn. Khép lại vòng 1 có nhiều niềm vui, cũng có những nỗi buồn. Có anh chị tiếp tục tham dự Hội đồngkhác thuộc các trường đại học, các viện. Danh sách hồ sơ do Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xét đề nghị Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2021 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải, lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 30/12/2021 đến hết ngày 18/01/2022, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh dự Nhà nước trao cho văn nghệ sĩ, các nhà khoa học có công trình đặc biệt xuất sắc. Qua đánh giá, chọn lọc qua nhiều vòng, và nhiều cấp, công phu, chặt chẽ. Tuy nhiên không tránh khỏi sự may rủi, thiệt thòi cho nhiều tài năng do nhiều điều kiện, không có điều kiện tham dự hoặc do những đổi thay trong cơ cấu, tổ chức.

Một số nhà khoa học lão thành, nguyên cũng là những người có chức vụ chính quyền. Các vị có công trạng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng khi hòa bình lập lại không có đủ điều kiện về thời gian, tư liệu để nghiên cứu khoa học. Các công trình khoa học do đó không tránh khỏi sơ lược, vay mượn nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu để đạt giải thưởng. Các giáo sư như Ngụy Như Kontum, Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Giàu đều có nhiều công trạng và được vinh danh có tên phố trang trọng. Cũng có những trường hợp có vị đạt cả Cài danh vị, đóng góp công trạng và công trình như giáo sư Đặng Thai Mai.

Một thực tế cần quan tâm là có những nhà khoa học gửi công trình nhưng mất sớm, cơ quan chủ quản không làm hồ sơ để dự thi như các giáo sư Đỗ Đức Dục, Trần Đình Hượu và đặc biệt tài năng như nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo.

Chưa hết những chuyện may rủi không thuộc cá nhân mà thuộc về cơ quan và cách tổ chức.

Trong lần xét giải lần thứ ba ở cơ quan Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn. Danh sách ở Hội đồng Viện Văn đưa lên có các ông Đỗ Đức Dục, Nam Mộc, Vũ Đức Phúc đều đăng ký Giải Hồ Chí Minh tuy chưa có Giải Nhà nước. Lại thêm ông Huỳnh Lý cũng cùng trường hợp tương tự. Hội đồng xét duyệt các vị trên đều không trúng Giải Hồ Chí Minh. Nếu trường hợp số phiếu Giải Hồ Chí Minh cao bằng Giải Nhà nước theo lệ các năm trước thi được tặng Giải Nhà nước, nhưng theo quy cách lần này đều bị trượt. Ở mức độ khiêm tốn và phù hợp với sức lực ông Bùi Nguyên chỉ đăng ký Giải Nhà nước và đạt kết quả. Cũng lại chuyện ở Hội đồng chuyên ngành Giải Nhà nước lần thứ 6, các thành viên ngành văn, xã hội, sử, ngôn ngữ tham dự đầy đủ. Các vị Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Thị Đức Hạnh đều được phiếu cao, nhiều người dường như tuyệt đối. Chuyển lên Hội đồng cuối cùng gặp một sự cố là Hội đồng gồm cả thành viên Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên (điều này trước đây chưa có). Đa số ứng viên trên đều trượt. Giáo sư Nguyễn Hải Hà, một chuyên gia về văn học Nga trình lên công trình nghiên cứu về L.Tônxtôi bị một thành giám khảo khoa học tự nhiên hỏi “Những nghiên cứu L.Tônxtôi của tác giả có được ở bên Nga dịch hay không?”. Trong giấc mơ cũng không thể có. Hiểu được chính xác và biết chọn lọc cho hợp với Việt Nam đã là quý rồi.

Năm ấy, các nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ đều mất mùa, trừ một hai công trình về chữ Nôm, chữ Hán.

Giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh được tổ chức trao giải 7 lần, lần cuối vào năm 2021. Rồi đây với tài năng phát triển hoặc vớt cạn, hoặc có hình thức vinh danh nào thác cũng nhằm thúc đẩy khích lệ cho sự phát triển tài năng văn nghệ và khoa học nước nhà.

Hà Minh Đức

Tin liên quan

Tin mới nhất