Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh

Bắc Kinh là thủ đô của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nằm ở phía Bắc bình nguyên Hoa Bắc vùng hạ lưu sông Hoàng Hà, vùng đất sinh ra dân tộc và nền văn hoá Trung Hoa cổ đại. Bắc Kinh đã có trên 3000 năm lịch sử. Từ năm 1057 trước Công nguyên, đã là đô thành của nước Yên (lúc đó có tên là Kế Thành). Từ khi nhà Tần tiêu diệt nước Yên, rồi trải qua các triều đại kế tiếp hơn 1000 năm sau đó, Kế Thành luôn luôn là một trung tâm văn hoá, kinh tế quan trọng. Năm 938 sau Công nguyên, vương triều Liêu đổi tên Kê Thành ra Yên Kinh. Hơn 100 năm sau, vương triều Kim chiến thắng, đóng đô tại đây và đổi tên thành Trung Đô. Năm 1267, Trung Đô trở thành kinh đô của đế quốc Nguyên Mông. Năm 1403, Minh Thành Tổ lên ngôi, định đô tại đây và đổi thành Bắc Kinh. Nhà Thanh lật đổ nhà Minh cũng lấy Bắc Kinh làm kinh đô.

Một đôi nét điểm xuyết như thế để thấy rằng, nếu chúng ta có dịp đi thăm đất nước Trung Quốc, bằng đường bộ từ phía Nam ngược lên, thì hành trình này sẽ đưa ta ngày một đi sâu hơn vào vùng đất cổ, vùng đất khai sinh của đất nước Trung Quốc, và Bắc Kinh chính là tiêu điểm của cuộc hành trình vạn lý đó.

Bắc Kinh ngày nay là một thành phố hiện đại và rộng lớn, tuy vậy về mặt qui hoạch. Thành phố vẫn mang dáng dấp sắp xếp tổng thể của Bắc Kinh cổ thời Nguyên - Minh - Thanh.

Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh - 1

Thiên Đàn, Bắc Kinh

Lịch sử còn ghi lại, vào năm 1215, khi tấn công chiếm thành Trung Đô, quân Mông cổ đã đốt hết lâu đài, cung điện, chỉ còn sót lại Thái Ninh Cung (nay là công viên Bắc Hải). Đến năm 1267, cháu Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt cho định đô tại đây, lấy Thái Ninh cung làm trung tâm, khởi công xây dựng đô thành với qui mô lớn. Quan niệm của người xưa về vũ trụ trời tròn đất vuông, được thể hiện qua ý đồ qui hoạch thành Trung Đô thời đó. Bao quanh Thái Ninh cung có 2 vòng thành là Cung Thành và Đại Thành, chu vi của Đại Thành khi đó đã dài tới 28,6 km. Đến thời Minh, Trung Đô đổi tên là Bắc Kinh, được xây dựng bổ sung trên qui mô lớn hơn, với 3 vòng thành là Cung Thành, Hoàng Thành và Đại Thành. Từ các vòng thành hình chữ nhật này, Bắc Kinh lại tiếp tục phát triển ra ngoại vi bốn phía ngày một rộng hơn, nhưng vẫn trên một nền cơ bản hình chữ nhật gần vuông.

Tử Cấm Thành là cung điện của nhà vua được xây dựng ở trung tâm bên cạnh Thái Ninh cung, xung quanh có thành cao, hào sâu bảo vệ. Khoảng đất giữa 3 vòng thành là đại lộ, đường xá được xây dựng. Đan xen là các lô đất được chia ô vuông vức, trên đó người ta xây dựng cung điện, đền đài, sông suối, vườn hoa, cầu cống, nhà cửa, chợ búa... cách phân bố dân cư Bắc Kinh thời đó, theo một cách đại thể là quan lại, tầng lớp giầu có ở vòng trong, bình dân nghèo khó ở vòng ngoài.

Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh - 2

Tử Cấm Thành

Trên cái nền tổng thể đó, đến đời Thanh, qui hoạch không có sự thay đổi mấy. Chỉ có khác là việc xây dựng được đẩy mạnh, nhiều cung điện, đền đài lớn, khu vui chơi lớn, đường xá lớn được xây dựng, làm cho bộ mặt của Bắc Kinh trở nên tráng lệ và hoàn hảo hơn. Bộ mặt kiến trúc và qui hoạch đô thị đó còn được giữ gìn trên tổng thể, thậm chí nhiều khu vực còn được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn cho tới hôm nay.

Đi thăm Trung Quốc, được tận mắt chứng kiến các danh lam thắng cảnh, chúng tôi có một phát hiện thú vị là, người Trung Hoa tự cổ chí kim, bất cứ ở đâu hay lúc nào, dường như họ đều có một tính cách chung là thích dành cho những công trình, tác phẩm do mình làm ra những kỷ lục quốc gia, quốc tế. Cầu Nam Phố - Dương Phố là 2 trong 10 cây cầu treo top ten lớn nhất thế giới. Tháp truyền hình Minh Châu Đông Phương cao thứ ba thế giới. Đang thăm Trung Quốc chúng tôi còn được nghe tin người ta đang tạc một bức tượng phật bằng đá cẩm thạch cao nhất thế giới ở Tứ Xuyên...

Về mặt này, có lẽ cũng không nơi nào ở Trung Quốc có thể sánh nổi với Bắc Kinh. Bản thân thành phố thủ đô với tuổi đời trên 3000 năm đã là một kỷ lục kim cổ lưu truyền. Bắc Kinh với hàng trăm phố cổ và khu phố cổ, mang những cái tên cổ vẫn còn giữ được dáng xưa. Những khu thương mại vài trăm năm tuổi vẫn sầm uất như ngày mới lập. Nhưng bao trùm lên tất cả là hàng trăm danh thắng đồ sộ, kỳ vĩ nổi tiếng thế giới vẫn còn bền vững với thời gian.

Quảng trường Thiên An Môn 50ha rộng nhất thế giới, có sức chứa hơn nửa triệu người, với rất nhiều sự kiện kinh thiên động địa thánh thần lẫn ma quỉ, chấn động lòng người.

Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh - 3

Quảng trường Thiên An Môn

Cố cung - Tử Cấm Thành là một cung điện giữ nhiều kỷ lục: cổ nhất và lớn nhất thế giới còn giữ được nguyên vẹn, rộng 720.000m2 với 9.999 phòng, nếu có ai đó được sống ở đây mỗi ngày 1 phòng, thì từ lúc mới sinh ra cho tới khi ra khỏi Cố Cung, người đó đã hơn 27 tuổi!

Di Hoà Viên là một vườn sinh thái cổ đại rộng nhất thế giới 290 ha, với những công trình kiến trúc cổ bất hủ còn lưu giữ nguyên vẹn: Trường lang ( hành lang có mái che ) dài 728m, trong đó còn treo giữ được 14.000 bức bích họa cổ. Những cung điện nguy nga, tráng lệ như Lầu Phật Hương, Ngọc Lan Đường, Di Vân Quán, Lạc Thọ Đường... gắn liền với đời sống kỳ lạ của một người phụ nữ quyền lực bậc nhất thiên hạ Đông Tây kim cổ là Từ Hy Thái Hậu.

Huyện Xương Bình và Thanh Hà ngoại thành Bắc Kinh, là vùng trồng đào ăn quả rộng nhất Trung Quốc. Đây còn là khu Thập Tam Lăng, quần thể lăng mộ 13 đời vua nhà Minh với chu vi lên tới 40 km còn được giữ nguyên vẹn.

Xa hơn chút nữa về phía Tây Bắc thành phố là Vạn Lý Trường Thành dài hơn 10 nghìn km, với câu nói thoảng chất giang hồ của Mao Trạch Đông “Bất đáo Trường Thành phi Hảo Hán”, còn được dựng bia trên mặt thành. Đây là một công trình nhân tạo vĩ đại bậc nhất thế giới, cổ xưa và nguyên vẹn nhất thế giới, mà con người có thể nhìn bằng mắt thường từ mặt trăng.

Không thể kể hết những công trình và tác phẩm kỷ lục của Bắc Kinh, nhưng có thể khẳng định là rất nhiều, rất nhiều những cái như thế mà Bắc Kinh đang sở hữu. Và sự giầu có này cũng lại là một kỷ lục khó có thành phố nào trên thế giới vượt qua.

Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh - 4

Vạn Lý Trường Thành

Từ khi trở thành thủ đô của nước Trung Hoa mới năm 1949, Bắc Kinh cũng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhanh chậm khác nhau, để đến hôm nay đã trở thành một thành phố khổng lồ, hiện đại nổi tiếng trên thế giới với số dân 13,5 triệu người, diện tích khoảng 17.000km2. Tuy vậy hình thể qui hoạch tổng thể của thành phố hôm nay vẫn còn giữ dáng dấp “Trời tròn Đất vuông” thuở xưa. Hệ thống đường vành đai cao tốc 1,2,3 bao quanh thành phố được thiết kế và xây dựng theo sơ đồ hình vuông nhỏ lớn từ trong ra ngoài, giống như hệ thống vòng thành hình vuông từ thời Nguyên - Minh - Thanh. Vành đai giao thông cao tốc thứ tư đang chuẩn bị khởi công xây dựng với tổng chiều dài lên tới trên 200 km, vượt ra cả bên ngoài khu vực công viên Di Hoà Viên ở phía Tây Bắc thành phố, với dự toán kinh phí khoảng 80 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 10 tỷ đô la Mỹ.

Cao ốc mới của Bắc Kinh cũng nhiều vô kể, nhưng hình dáng bên ngoài luôn thể hiện được các đường nét kiến trúc của phương Đông, không quá vuông thành sắc cạnh, và đặc biệt không mọc san sát thành rừng như Thượng Hải. Cao ốc ở đây dù tập trung hay phân tán, đều được xây cất hài hoà, đan xen với những công trình thương mại, vườn hoa, sông rạch rất khéo léo. Nhiều đường phố mới hoàn toàn hiện đại, đã mọc lên thay thế cho những phố nhỏ nghèo nàn khu ngoại vi Bắc Kinh cổ. Những khu phố mới, những công trình lớn nhất, đẹp nhất đang phát triển với tốc độ phi mã trên vùng đất nằm giữa vành đai 3 và 4.

Nền công nghiệp không khói Bắc Kinh - 5

Thành phố Bắc Kinh Trung Quốc

Có thể là sự hài hoà giữa cái hoành tráng hiện đại và cái kỳ vĩ cổ kính của một kinh đô nhiều triều đại, đã tạo nên lực hấp dẫn không thể cưỡng nổi của kinh thành Bắc Kinh. Ai cũng tâm niệm rằng, nếu có cơ hội đến Trung Quốc thì không thể không đến Bắc Kinh, và chưa đến Bắc Kinh thì chưa thể nói là đã đến Trung Quốc.

Người Trung Hoa nói chung và người Bắc Kinh nói riêng là những bậc đại sư phụ trong thiên hạ trong nghiệp đánh thức và thoả mãn những ham muốn của con người. Họ nắm bắt rất kỹ và tinh tế mọi nhu cầu của khách tham quan du lịch. Nhu cầu nào cũng được đáp ứng, tầng lớp nào cũng được phục vụ. Từ nhà tỷ phú tới người bình dân, hễ cứ đến đây là bỗng dưng có nhu cầu mua sắm. Tài thật!

Hôm vào tham quan hiệu thuốc Đồng Nhân Đường, anh Minh Triết Quang, hướng dẫn viên công ty Du lịch Thế Giới - Bắc Kinh đã ân cần dặn chúng tôi, thuốc gì không cần thì đừng mua. Chúng tôi cũng tâm niệm như thế từ lúc ở nhà, và trên đường đi vẫn cứ thỉnh thoảng nhắc nhau luôn. Sau khi nghe một vị giáo sư bác sĩ kính trắng gọng vàng, giới thiệu qua loa về bản hiệu Đồng Nhân Đường bằng tiếng Việt khá trôi chảy, chúng tôi được mời vào các phòng bắt mạch khám bệnh.

Mỗi người ra khỏi phòng với một toa thuốc, đến khi mua mới té ra chẳng có vị có bài gì cả, anh nào cũng như anh nào, nam thì bổ thận phúc Xuân Hoàn 210 tệ/hộp, nữ thì ô Kê Bạch Phượng Hoàn 180 tệ/hộp. Tặc lưỡi, thuốc Bắc vô hại, cứ mua. Lại một chị trong đoàn tôi, dám bỏ ra 185 tệ mua 10 đồng cân Đông Trùng Hạ Thảo rồi mới giải thích hộ đội bạn rằng, đây là một loại thuốc cực hiếm, trông khẳng khiu như một đoạn rễ cây khô, mùa đông thì nó sống như côn trùng, mùa hạ lại biến thành cây cỏ, đông trùng hạ thảo là thế, 185 tệ được 17 đoạn rễ, một con gà giò chỉ cần 2 rễ ninh cách thuỷ, cải lão hoàn đồng ngay. Thế là cả đoàn mua cứ rào rào. Rồi chè hoa cúc, rồi dầu gió hải cẩu, rồi bao thứ khác nữa, vị nào cũng một túi xách nặng bước ra.

Chiều hôm ấy cũng vẫn theo hướng dẫn của Minh Triết Quang, đoàn chúng tôi vào thăm xưởng chế tác đá quí mang tên Buốc Nội, vẫn rất ân cần và cảm thông, Quang dặn chúng tôi là không có nhu cầu thì đừng mua, tham quan để biết sản phẩm mỹ nghệ Trung Quốc là chính. Biết thế, chủ động thế, cảnh giác thế mà cứ như lạc vào mê hồn trận. Cả một thế giới ngọc ngà châu báu bầy ra như vẫy gọi, mời chào. Vòng ngọc trung bình 2000 tệ, cao là 4000 tệ, nhẫn mặt ngọc trên dưới 1000, tượng con giống long ly qui phượng hổ báo tạc bằng ngọc thì vô kể, nhỏ thì 800 đến 1000, trung bình 60-70.000 tệ, lớn thì trên 100 ngàn tệ. Anh chị em chúng tôi cũng người cái này, kẻ cái khác, mắm môi mắm lợi cho đỡ cơn thèm. Một anh mua được 1 cái vòng ngọc vân xanh làm quà cho vợ, thì thầm với tôi như vớ được của: “Ngày xưa những thứ này có nằm mơ cũng không thấy, chỉ có bà phán Cảnh, bà lớn Nghị mới có mà dùng. Giầu đeo vàng, sang đeo ngọc mà, 3200 tệ cũng đáng”. Tôi biết anh là người rất chí thú, mà quăng ra 3200 tệ tương đương 385 Đô la cứ nhẹ như mua chiếc quần ka ki đầu vụ, thì không hiểu nó ra làm sao. Trong khi đó một cặp vợ chồng trẻ tuổi Nam Hàn đang kiểm tra đóng hòm 2 con sư tử ngọc cỡ lớn, giá 110 ngàn tệ một con, 26 ngàn Đô chứ có phải nhỏ đâu, thế mà còn vui vẻ nói, ở Seoul giá phải gấp đôi.

Thư giãn và yêu đời nhất có lẽ phải kể đến cái vụ lên Vạn Lý Trường Thành. Kính thưa các kiểu dịch vụ! Khi ô tô vừa đỗ trước cửa ải Cư Dung - Bát Đạt Lĩnh, chân thành Vạn lý, thì tiếng kèn Tầu đã réo rắt nổi lên mời chào, hoá ra đấy là âm nhạc của đám rước kiệu. Tám phu rước ăn mặc kiểu đời Thanh, cũng mũ Phổ Nghi và đuôi sam ngoe nguẩy, cả tám đều bước đi ngật ngưỡng như say rượu, người ngồi kiệu được đà nhún nhẩy thấp cao theo tiếng nhạc vui như tết. Một vòng sân 20 tệ, anh nào nhanh tay nhờ bạn chụp cho một kiểu, về mà phóng to treo phòng khách thì có mà 200 tệ cũng vẫn là rẻ.

Leo lên thành độ 100 mét, còn đang thở hắt ra thì đã thấy một anh phó nháy kéo tay chỉ vào một cửa bước ra lan can phụ. Một chú lạc đà khổng lồ đang đứng nhai lại trên nền thành, một chiếc thang sắt dựa vào lưng con vật, hoá ra là dịch vụ chụp ảnh với lạc đà. Một kiểu ảnh mầu 9x12 ngồi trên lưng lạc đà, lấy cảnh vạn lý Trường Thành phía sau 30 tệ, nếu lại lồng vào một “bằng chứng nhận” là đã lên tới Trường Thành rồi, ép plastic toàn bộ thì thêm 20 tệ nữa. Đã dám ngồi kiệu 20 tệ thì 50 tệ này có là cái gì. Ai mà có sức khoẻ, chân cứng đá mềm, leo lên được điểm cao 880 mét, thì cố mà ôm lấy tấm bia khắc câu nói của Mao Trạch Đông “Bất Đáo Trường Thành phi Hảo Hán” mà chụp một bức ảnh ghi lại thời khắc mình đang hoá thân thành hảo hán, có 20 tệ tiền đứng cạnh tấm bia thôi, rẻ lắm. Bằng chứng là người ta rồng rắn chờ đến lượt mình chụp ảnh nhờ đấy thôi.

Xuống đến chân thành, cả hội còn đang khoe nhau những tấm ảnh, những tượng đồng, những phù điêu vạn lý vừa mua, tôi nhanh mắt liếc thấy một cửa hàng khắc triện đá, thấy lạ bước vào, các phôi triện bằng đá đủ màu sắc, đủ kích cỡ bầy la liệt trong tủ kính. Người Tây, người Ta, người Tầu có cả, anh thì đang đóng thử triện tên mình vừa khắc, anh đang trao đổi mẫu tên sắp khắc. Kỳ lạ thay, mấy anh em tôi nổi máu nghệ sĩ. Chẳng chức quyền gì mà có tên khắc dấu, nay thử làm triện tên mình đóng chơi cho sướng.

Nghĩ sao làm vậy, tôi chọn một cái triện đá mầu ngọc, 4 con rồng cuốn lấy nhau, đầu đuôi đều rõ, mặc cả 50 tệ không bớt, ừ thì chơi luôn. Đúng 10 phút xong, đóng thử, tên mình hẳn hoi, sáng rực trên nền son màu đỏ tươi, đã đời! Triện rồi lại phải mực dấu. 20 tệ một hộp dấu, thực chất là một cái đĩa nhỏ xíu đựng son có nắp, xinh như một tác phẩm gốm, thế là complê trọn bộ, đã chơi là không được tiếc.

Đến đâu cũng thế, chúng tôi cứ như bị bùa mê thuốc lú, cứ cuốn vào hàng này rồi lại nhập vào hàng kia, tiền rút ra liên miên, hào phóng, nhiều người bị cháy túi. Lần thứ ba tôi hỏi vay tiền chị An thì được trả lời là cũng vừa vay ông Ba 200 Đô. Cái cảnh như thế này, tôi xin cam đoan rằng không phải chỉ diễn ra ở đoàn chúng tôi.

Đoàn Học viện Chính trị Quốc gia hôm gặp chúng tôi ở Thập Tam Lăng, vì quen biết nhau nên cũng bật mí, lộ bem như vậy. Đấy là chưa kể tiền vé vào danh lam thắng cảnh, 50 tệ tháp truyền hình Thượng Hải, 40 tệ Cố Cung, 30 tệ Thiên Đàn, 30 tệ Di Hoà Viên, 30 tệ Vạn lý Trường Thành, 30 tệ Thập Tam Lăng... Minh Triết Quang cho chúng tôi biết, tiền thu vé tham quan danh thắng là nhiều vô kể, những ngày thường Cố Cung thu khoảng 3 triệu tệ, Di Hoà Viên, Thiên Đàn 2 triệu tệ... còn những ngày trong tuần lễ vàng thì phải hơn, có khi gấp đôi mức bình thường. Đi giữa dòng thác khách du lịch từ các ngả đổ về đây, tôi tin những điều anh bạn hướng dẫn viên họ Minh đã nói là đúng.

Nhìn cái đống tiền bạc mà thiên hạ năm châu đổ vào cái máng du lịch Trung Quốc, tôi cứ lẩm cẩm nghĩ rằng, chẳng biết tổ tiên người Hoa có tiên đoán được đến thế kỷ 20, 21 là nghề du lịch xuyên quốc gia phát triển hay không, mà sao họ xây lắm lâu đài, cung điện, lăng tẩm, thành quách đến thế? Đã xây nhiều lại còn giữ gìn bảo quản tốt đến thế, để đến hôm nay, con cháu họ có biết bao nhiêu thứ để mà tự hào, để mà khoe với thiên hạ và cũng có bao nhiêu thứ để mà thu tiền!

Nhưng dù sao vẫn cứ phải nói thêm thế này, dẫu của cải cha ông để lại có nhiều, có quí đến mấy mà không biết làm ăn, thì của ấy cũng như hương như hoa, như của phù vân mà thôi. Về mặt giữ gìn của thừa kế của tổ tiên, và giữ gìn bản sắc dân tộc thì người Trung Hoa vốn là truyền thống. Lại để phát triển cái vốn ban đầu đó lên, thì họ cũng chẳng chịu thua kém dân tộc nào.

Họ rất tinh tường và hiểu rõ cái vốn cha ông để lại, nhưng họ còn biết linh hoạt chuyển đổi, quay vòng cái vốn đó một cách thông minh và điệu nghệ. Bất cứ ở đâu và lúc nào, cái công việc chuyển hoá hình thái các loại vật chất để biến thành tiền, và thành những lượng tiền lớn hơn, công việc mà người ta gọi là thương mại ấy, người Trung Hoa luôn luôn là những bậc thầy trong thiên hạ, và với chúng ta, những người hàng xóm tối lửa tắt đèn với họ cũng nên nhìn nhau nói khẽ mà rằng, cái này là nên học tập họ đấy!

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.