Anh chồng Mỹ tặng vợ Việt kém 37 tuổi mảnh vườn hơn 6.500m2, trồng đầy rau quả thuần quê hương vợ
Từ ngày có khu vườn, gia đình chị Quỳnh Như được ăn nhiều món Việt hơn. Mỗi lần thu hoạch rau củ, vợ chồng chị dành một ít tặng người thân, bạn bè và đó cũng là cách chị lan tỏa văn hóa, ẩm thực của người Việt trên nước Mỹ.
"Em mong có một khu vườn trồng đầy hoa quả và rau củ Việt Nam. Khi đó, em sẽ nấu những món ngon quê nhà cho anh và các con thưởng thức". Đó là lời chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (38 tuổi) từng nói với ông xã người Mỹ William Andrew Maley (75 tuổi), khiến anh đau đáu trong lòng và tìm cách thỏa mãn ước mơ của vợ. Và rồi, chị Quỳnh Như đã được như ý nguyện.
Chị Quỳnh Như cho biết, chị lớn lên ở TP.HCM, hiện đang làm nghề làm tóc và nails. Gần 19 năm trước, chị kết hôn với anh William và theo chồng sang Mỹ định cư ở thành phố Surprise, bang Arizona. Hiện cặp đôi đã có với nhau 2 con trai, 16 và 14 tuổi.
“Anh William từng làm nghề lính, giáo viên, nhạc công. Nói chung, anh rất đa tài. Và cũng vì ngưỡng mộ sự đa tài của anh, cùng tính cách hiền lành, siêng năng của anh mà tôi đã đem lòng yêu anh”, chị Quỳnh Như bộc bạch.
Chị Quỳnh Như.
8X chia sẻ thêm, anh William lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm sống nên rất thấu hiểu và biết cách chiều chuộng vợ con. Điển hình là món quà ông xã tặng chị 4 năm trước đây – một mảnh vườn rộng 1,65 mẫu Anh (khoảng 6.700 m2).
Ông xã đã mua vườn tặng chị Quỳnh Như.
Năm đó, dịch Covid-19 bùng phát, không thể đi làm được, lại biết thông tin mảnh đất gần nhà rao bán nên chồng chị Quỳnh Như đã lập tức mua lại để biến ước mơ của vợ thành hiện thực. “Từ hồi còn nhỏ xíu, mình đã luôn mơ về một mái nhà tranh và khu vườn nhỏ để tha hồ trồng những loại cây trái mình thích.
Nhưng trước đó vì quá bận rộn với công việc, con cái nên mình chỉ có thể trồng vài cây trước cửa như hành, ớt, rau sống,… để thỏa mong ước, cũng là để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Vì thế khi được ông xã tặng cho mảnh vườn này, mình mừng lắm, còn vui hơn trúng vé số vì ước mơ đã trở thành hiện thực”, chị Quỳnh Như chia sẻ.
Mẹ 2 con cho biết, mảnh vườn này nằm ngay trung tâm thành phố Surprise, cách nhà chị 10 phút lái xe. Miếng đất ở vị trí đẹp, nhưng bị bỏ hoang từ lâu, lại là đất sa mạc rất khô cằn, đầy sỏi đá nên vợ chồng chị Quỳnh Như tốn rất nhiều công sức để cải tạo.
“Vì chủ cũ bỏ hoang đã lâu nên khu đất không có cổng, hàng rào hay lối vào, cỏ dại cao ngút đầu. Lúc đó lại đang dịch bệnh nên không thể thuê người làm, vì thế anh William phải một mình dọn vườn từ khâu dọn cỏ, cải tạo đất, lắp ống nước,... Anh tự mày mò học trên mạng rồi làm, mua sắm tất cả các máy móc đào xúc, cuốc xẻng”, chị Quỳnh Như cho hay.
Ông xã chị Quỳnh Như đã tự tay cải tạo đất, làm vườn.
Cụ thể, anh lái máy xúc vỡ từng thửa đất nhỏ, nhặt hết rễ cỏ để diệt cỏ dại. Sau đó, anh loại bỏ sỏi đá rồi tận dụng mọi phế liệu từ nhà bếp, băm nhỏ những cành cây gỗ chờ mục dần và dùng phân bò để cải tạo đất, giúp đất màu mỡ hơn. Bên cạnh đó, anh còn đổ thêm đất mới.
Nhưng khó khăn nhất là khâu lắp đường ống nước. Vùng Arizona khí hậu khô nóng, tuy đủ nhiệt để trồng cây nhiệt đới nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Một tháng đầu cải tạo vườn, anh sút gần 10kg.
Trong vườn sẵn có chiếc giếng cũ, anh Willam phải đào hố làm đường ống dẫn nước quanh khu vực trồng cây, đồng thời làm thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để tránh bay hơi và tiết kiệm nước. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm nên gặp một vài trục trặc kỹ thuật, phải đào lên lắp lại 2,3 lần mới thành công.
Chị Quỳnh Như tâm sự: “Một tháng cải tạo vườn mà chồng mình sút gần 10kg. Tay chân anh chi chít vết thương do cỏ và sỏi đá nhọn cứa vào. Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới lại xuất hiện.
Vì không quen công việc chân tay nên lúc đầu cứ làm được 1 tiếng là anh phải nghỉ. Nhưng khi quen dần, tăng dần thời gian làm việc từ hai tiếng lên 7-8 tiếng mỗi ngày. Và sau 4 tháng cải tạo, chúng mình đã trồng được lứa cây đầu tiên”.
Sau khi cải tạo đất, vì chị Quỳnh Như thích cây ăn quả nên ông xã chị đã bắt đầu trồng xoài hạt lép, cóc, ổi, khế,… Tuy nhiên, vì mùa hè ở Arizona nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 45-46 độ C nên xoài, mãng cầu không thể sống nổi, chỉ có những giống cam, quýt,… là phát triển được.
Không nản chí, ông xã chị lại lục tung các trang mạng, xem video hướng dẫn chăm sóc cây ăn quả vùng nhiệt đới tham khảo. Sau một thời gian, anh đã nằm lòng đặc tính sinh trưởng của từng loại cây trong vườn để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Trời không phụ người có công, tới năm thứ 2, xoài, ổi, khế đã cho thu hoạch những trái đầu tiên.
Trong vườn trồng đủ loại rau quả Việt Nam.
Từ thành công của lứa đầu, ông xã chị Quỳnh Như tìm mua thêm giống cây thuần Việt khác như mía, mãng cầu, me, tắc,… Anh William không mua tùy hứng mà mỗi loại cây đều gắn bó mật thiết tới kỷ niệm thời thơ ấu của vợ. Ví dụ như, vì muốn tái hiện một phần tuổi thơ của vợ trên đất Mỹ, anh đã trồng cây me chua, mãng cầu – loại cây từng được trồng ở nhà bà cố và bà nội của vợ tại Quy Nhơn, Bình Định.
Ngoài ra, anh còn trồng cây theo sở thích của hai vợ chồng. “Mình và ông xã đều mê món nước mía tắc với nước chanh dây. Lần đầu về Việt Nam ra mắt, anh được cho uống loại nước này nên mê tít, vì thế khi có vườn, anh phải mua giống trồng cho bằng được”, chị Quỳnh Như chia sẻ.
Một số loại rau thuần Việt trong vườn nhà.
Trồng cây ăn quả thành công, William lại tiếp tục khai hoang thêm đất để trồng rau củ và một số loại hoa. Đa phần hạt giống của các loại rau củ Việt như cà pháo, bụp giấm, dưa gang, bầu, bí, khổ qua, rau sam, chùm ngây,… đều được đặt mua online hoặc nhờ người nhà mang từ Việt Nam sang.
Bên cạnh đó, vợ chồng chị Quỳnh Như còn lặn lội tới các nơi để đi mua cây giống. Chị kể: “Bên các chợ Mỹ không có nhiều giống cây của Việt Nam nên vợ chồng mình phải tới các nhà vườn của Việt Nam mua, mà đa số họ ở cách xa nhà mình hơn cả tiếng lái xe. Hoặc có dịp đi Califonia, Hawaii, Alaska,… thì đi đến đâu mình cũng hay lùng mua cây giống hay hạt giống mang về trồng”.
Trong vườn còn trồng đủ loại hoa khác nhau như hoa hồng, hoa nhài, hoa giấy,...
Về phương pháp trồng rau, William canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Để đất trồng màu mỡ, anh đi xin phân bò, dăm gỗ, bã cà phê, tự tủ phân từ rác nhà bếp để trộn đất. Để chống sâu bệnh, anh học cách giăng lưới, làm bẫy diệt côn trùng.
Tất cả các khâu từ cải tạo đất đến trồng trọt, chăm sóc phần lớn đều do ông xã chị Quỳnh Như làm, chị chỉ có thể phụ giúp chồng vài việc lặt vặt vào mỗi cuối tuần. Càng làm, anh chồng người Mỹ càng mê, có lúc ngoài trời nắng nóng trên 50 độ hay lạnh tới 0 độ C thì anh vẫn ở ngoài vườn.
Các loại nông sản trong vườn nhà chị Quỳnh Như.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, chị Quỳnh Như cho biết, vợ chồng chị có ý định xây căn nhà nhỏ để dưỡng nhà, trồng hoa trên mảnh đất này.
Giờ đây, mỗi lần ra vườn ngắm thành quả chồng tự tay vun trồng, chị Quỳnh Như đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn. May mắn vì đã gặp và cưới được đúng người. Hạnh phúc vì được chồng chiều chuộng, biến ước mơ của mình thành hiện thực.
“Mình cảm thấy rất may mắn khi gặp và cưới được ông xã. Anh đã biến ước mơ của mình thành hiện thực là có một gia đình hạnh phúc và khu vườn trong mơ”, chị Quỳnh Như hạnh phúc chia sẻ.
Bình luận