Đã có chìa khóa dẫn đến vị trí của MH370?

Các tín hiệu từ những người đam mê radio có thể là yếu tố quan trọng giúp xác định vị trí của máy bay MH370, giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không thế giới.

Đã có chìa khóa dẫn đến vị trí của MH370? - 1

Tia hy vọng về việc tìm thấy máy bay MH370 lại được thắp lên khi quá trình tìm kiếm được tiếp tục. Ảnh: Telegraph

Chính phủ Malaysia gần đây thông báo, nước này đồng ý tiếp tục cuộc tìm kiếm MH370, chiếc Boeing 777 biến mất vào tháng 3/2014 khi đang chở 239 người.

Nỗ lực lần này sẽ tập trung vào một khu vực đáy biển mới rộng khoảng 15.000 km², theo lời ông Anthony Loke, Bộ trưởng Giao thông Malaysia.

Cuộc tìm kiếm sẽ do công ty thám hiểm dưới nước Ocean Infinity - đơn vị đã thực hiện cuộc tìm kiếm cuối cùng vào năm 2018 - dẫn đầu. Theo Telegraph, lần này, cuộc tìm kiếm dự kiến áp dụng một lĩnh vực nghiên cứu mới liên quan đến các tín hiệu gọi là WSPR.

WSPR là gì?

Đã có chìa khóa dẫn đến vị trí của MH370? - 2

Cách thức máy bay gây nhiễu loạn sóng radio. Ảnh: Việt hóa từ Telegraph

WSPR (viết tắt của Weak Signal Propagation Reporter) được thiết kế như một phương thức truyền và nhận tín hiệu công suất thấp để thử nghiệm khả năng của các ăng-ten mà những người đam mê radio nghiệp dư sử dụng, cũng như phạm vi hoạt động của các ăng-ten này.

Các máy phát WSPR gửi hàng nghìn tín hiệu radio công suất thấp khắp thế giới cứ mỗi hai phút. Theo lý thuyết, bất kỳ tín hiệu nào trong số này cũng sẽ bị nhiễu loạn nếu có máy bay đi qua. Những nhiễu loạn này thường rất yếu và khó phát hiện bằng cách thông thường trong dữ liệu, khiến chúng được tờ Telegraph ví như những "tín hiệu ma" - ám chỉ tính chất huyền bí của các tín hiệu này: chúng không được phát hiện ngay lập tức khi xảy ra mà chỉ lộ diện khi phân tích kỹ lưỡng dữ liệu lịch sử.

Richard Godfrey, kỹ sư hàng không vũ trụ đã nghỉ hưu từng làm việc cho NASA, Boeing và Airbus, đã phát triển giả thuyết cho rằng việc phân tích dữ liệu lịch sử của WSPR có thể giúp xác định đường bay của MH370. Phân tích của ông chỉ ra khu vực tìm kiếm có bán kính dưới 32 km, cách thành phố Perth, Úc, khoảng 1.600 km về phía tây.

Tiến trình tìm kiếm mới

Ông Godfrey nói với tờ Telegraph rằng ông hiểu khu vực mục tiêu mà ông xác định sẽ nằm trong khu vực tìm kiếm mới của Ocean Infinity. Công ty này cũng sẽ xem xét các nhánh nghiên cứu song song như việc phân tích dữ liệu âm thanh thủy lực từ thời điểm MH370 mất tích.

Đài BBC đã khám phá giả thuyết về WSPR trong bộ phim tài liệu Why Planes Vanish: The Hunt for MH370 (Tại sao máy bay biến mất: Cuộc tìm kiếm MH370) vào tháng 3 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 10 năm MH370 mất tích.

Trong chương trình đó, ông Godfrey nói rằng: “Không có vùng phủ sóng radar nào ở Ấn Độ Dương nhưng có các tín hiệu radio”, và các tín hiệu này tương tự như “dấu vết vụn bánh mì”. Ông tuyên bố đã tìm thấy 130 điểm nhiễu tín hiệu ở Ấn Độ Dương vào đêm MH370 biến mất, có thể chỉ ra quỹ đạo cuối cùng của máy bay này.

Ý kiến trái chiều

Giáo sư Joseph Taylor, nhà vật lý thiên văn đoạt giải Nobel và cũng là người đam mê radio nghiệp dư, nghiên cứu về WSPR, cho rằng dữ liệu lịch sử từ WSPR không có nhiều giá trị trong việc theo dõi máy bay.

Tuy nhiên, giả thuyết về việc các tín hiệu WSPR có thể giúp xác định vị trí MH370 vẫn nhận được sự ủng hộ. Giáo sư Simon Maskell, kỹ sư máy tính và giáo sư tại Đại học Liverpool (Anh), cho rằng việc loại bỏ tiềm năng của WSPR là quá sớm. Ông cho biết công nghệ bộ lọc hạt (particle filter) do nhóm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Úc phát triển có thể giúp loại trừ dữ liệu không liên quan và thu hẹp khu vực tìm kiếm.

Thử nghiệm thực tế

Theo Telegraph, giáo sư Maskell, người đang tư vấn cho công ty Ocean Infinity, đang thử nghiệm độ chính xác của việc theo dõi dựa trên WSPR bằng dữ liệu thực tế từ các máy bay trên không trung trong một ngày cụ thể. Nhóm của ông cũng sử dụng cùng công nghệ bộ lọc hạt để cải thiện dự đoán về vị trí rơi của máy bay dựa trên nơi các mảnh vỡ đã trôi dạt vào bờ.

Đã có chìa khóa dẫn đến vị trí của MH370? - 3

Vị trí mảnh vỡ được tìm thấy và khu vực tìm kiếm. Ảnh: Việt hóa từ Telegraph

Ông Maskell nói: “Câu hỏi quan trọng là liệu tất cả những phân tích này có giảm thiểu được khu vực tìm kiếm hay không. Ngay khi bạn có thể chắc chắn nói rằng máy bay không thể bay về phía bắc hoặc không thể bay xa hơn về phía nam, bạn đã thu hẹp phạm vi và điều đó rất hữu ích”.

Hợp đồng tìm kiếm

Ocean Infinity, thành lập năm 2017 và có trụ sở tại Southampton (Anh) và Texas (Mỹ), đã đệ trình đề xuất nối lại cuộc tìm kiếm vào tháng 5/2024. Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho biết công ty này đã được trao hợp đồng 18 tháng theo hình thức “không tìm thấy, không lấy phí” nhưng sẽ nhận được 70 triệu USD nếu tìm thấy bằng chứng đáng kể về “nơi an nghỉ” của máy bay MH370 cùng 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia nói: “Tất cả dữ liệu đã được trình bày. Đội ngũ của chúng tôi đã xem xét và nhận thấy rằng kế hoạch tìm kiếm mới có tính khả thi. Không ai biết chắc chắn. Đã hơn 10 năm. Chúng tôi hy vọng lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, tìm thấy xác máy bay và mang lại sự an ủi cho gia đình những người trên máy bay”.

Vị trí tìm kiếm mới

Không có vị trí cụ thể nào cho khu vực tìm kiếm mới được tiết lộ, mặc dù Giáo sư Maskell cho biết ông hiểu rằng khu vực mới sẽ mở rộng hơn trước thêm khoảng 20 km².

Chuyến bay MH370 đã gửi tín hiệu cuối cùng 40 phút sau khi rời Kuala Lumpur (Malaysia) đi Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay sau đó, máy phát tín hiệu của nó bị tắt, và radar quân sự cho thấy rằng máy bay đã quay về phía nam, băng qua bán đảo Malaysia và tiến ra Ấn Độ Dương.

Dữ liệu từ các kết nối tự động với vệ tinh Inmarsat cho thấy một vòng cung rộng mà máy bay có thể đã bay qua. Các tính toán và suy luận dựa trên lượng nhiên liệu còn lại đã dẫn đến việc các nhà tìm kiếm từ Malaysia, Úc và Trung Quốc tập trung vào một khu vực rộng 120.000 km² ở phía tây thành phố Perth (Úc).

Trong khi các mảnh vỡ từ máy bay đã trôi dạt vào bờ biển châu Phi và các đảo trên Ấn Độ Dương, cuộc tìm kiếm máy bay vẫn không mang lại kết quả.

Lâm Nhã Du - Telegraph

Tin liên quan

Tin mới nhất

Biến đổi khí hậu và câu chuyện ứng phó từ Việt Nam

Biến đổi khí hậu và câu chuyện ứng phó từ Việt Nam

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.