Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin

Sự kiện “Ký ức và Niềm tin” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội là lời tri ân, thể hiện lòng biết ơn tới lực lượng quân nhân, thân nhân các gia đình chiến sĩ, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu cho nền hòa bình của dân tộc.

Sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và bao gồm 3 hoạt động chính: tọa đàm “Có một thời như thế”, tiếp nhận kỷ vật chiến tranh và khai mạc triển lãm “Ký ức và Niềm tin”.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 1

Sự kiện “Ký ức và Niềm tin” được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào sáng 19/12 tại Hà Nội.

Những câu chuyện về một thời như thế

Tọa đàm “Có một thời như thế” xuất hiện những nhân vật từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ đã chia sẻ những ký ức về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, những câu chuyện về lý tưởng cách mạng, tinh thần vượt khó phụng sự Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh và thời bình.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 2

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Có một thời như thế”.

Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Kim Vinh, sinh năm 1939 tại Hà Nội. Năm 1965, bà gia nhập Đại đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ Giao thông Vận tải khi con trai bà mới 1 tuổi, còn chồng đang chiến đấu ở miền Nam. Bà đã cùng đồng đội mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Năm 1966, bà được cử tham dự Đại hội Ba đảm đang và sau đó học lớp trung cấp giao thông.

Bà Kim Vinh chia sẻ, quyết định tham gia kháng chiến là thời gian bà khắc phục mọi khó khăn để lên đường: “Ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong lòng tôi, tôi nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường đi chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi nguyện đem hết sức lực của tuổi trẻ ra phục vụ trận tuyến, tôi có đầy đủ tinh thần dũng cảm để nhận bất cứ việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu...”.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 3

Bà Hoàng Thị Kim Vinh cùng con trai Nguyễn Hoàng Sinh (lúc 3 tuổi) khi bà ra Hà Nội tham dự Đại hội 3 đảm đang do Thành hội Phụ nữ Hà Nội tổ chức, năm 1966.

Ông Nguyễn Tiến Lịch, sinh năm 1943, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, D530, Trung đoàn 5 – Đoàn Dũng sĩ Cát Bi cũng là một trong những tấm gương quên mình vì đồng đội. Ông đã từng đứng bên quả bom hẹn giờ thổi kèn Harmonica bài Vì nhân dân quên mình để động viên đồng đội gấp rút vượt qua kịp thời gian hiệp đồng tác chiến trên chiến trường năm 1971.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 4

Chiếc kèn Harmonica của ông Nguyễn Tiến Lịch.

Kể về ký ức đó, ông Nguyễn Tiến Lịch vẫn không khỏi xúc động: “Năm 1971, sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị tôi tới cao nguyên Bô-lô-ven trên đất bạn Lào. Một hôm, đến đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đá trơn trượt thì giao liên thông báo có bom hẹn giờ. Một số đồng chí cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát. Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người, thời gian nổ là bao lâu thì không xác định.

Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử. Trước không khí căng thẳng tới nghẹt thở, tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài “Vì nhân dân quên mình” để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Từng tốp vượt qua nhanh chóng, lúc đó sự sống được tính bằng giây.”

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 5

Ông Nguyễn Tiến Lịch chia sẻ về bức tranh vẽ lại ký ức ông thổi bản nhạc bài “Vì nhân dân quên mình” tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng tham gia quân ngũ từ khi còn rất trẻ, 21 năm trong quân ngũ trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng bà luôn biết ơn những năm tháng đó.

“Tôi đã từ một cô bé 14 tuổi rụt rè, nhút nhát thành một doanh nhân can trường chốn thương trường. Những kỷ luật trong quân đội đã tôi luyện tôi thành người bản lĩnh, kiên cường và có ý chí chiến đấu. Để đến hôm nay, mỗi lần gặp khó khăn, thử thách tôi nhủ mình phải bằng mọi cách vượt qua, để không hổ danh là một nữ quân nhân”, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền bày tỏ.

Tọa đàm cũng có sự góp mặt của ông Hoàng Nam Tiến, con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng. Là người con trong gia đình quân nhân, ông Tiến thấu hiểu những thiệt thòi và khó khăn mà gia đình có cha là lính trận phải đối mặt. Những tháng ngày xa cách cha, đối mặt với sự hiểm nguy của bom đạn, đã hun đúc trong ông sự kính trọng sâu sắc đối với thế hệ đi trước.

Câu chuyện của những nhân vật tại tọa đàm không chỉ mang đến những câu chuyện sống động về quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ hôm nay.

200 hình ảnh, hiện vật về những ký ức hào hùng của dân tộc

Triển lãm “Ký ức và Niềm tin” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua. Đó là kết quả của những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 6

Không gian triển lãm “Ký ức và Niềm tin”.

Triển lãm gồm ba chủ đề: Sẵn sàng lên đường; Niềm tin chiến thắng Ngày trở về. Chất liệu chính trong triển lãm là những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện và thước phim sống động về những ký ức hào hùng của dân tộc.

Qua gần 200 hình ảnh, hiện vật gốc trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội… sẽ giúp người xem trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy. 

Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” - “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh Sống một đời đáng sống.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 7

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận những kỷ vật chiến tranh do chính các cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ trao tặng. Đó là những bức tranh, những trang thư và dòng nhật ký, hay kỷ vật vô giá còn thấm đẫm tinh thần của một thời hoa lửa.

Những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật chứa đựng ký ức và niềm tin - 8

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận những kỷ vật chiến tranh.

Đại diện bảo tàng cho biết, những hiện vật này sẽ được Bảo tàng trân trọng lưu giữ và tiếp tục phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân những đóng góp và hy sinh của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất