50 năm nghiên cứu phê bình văn học Hà Nội
Sau đại thắng mùa xuân 1975, non sông liền một dải. Đất nước thống nhất. Năm 2025 này chúng ta đang nhìn lại nửa thế kỉ đất nước đổi mới, phát triển. Dịp này Ban tuyên giáo Trung ương có tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025) những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Với Thủ đô Hà Nội, được biết cũng có chủ trương tổng kết thành tựu của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật. Và trong số đó, Hội nhà văn Hà Nội cũng đánh giá thành tựu văn học 50 năm qua.
Tôi là một người viết nghiên cứu, phê bình, vì có quan tâm đến lĩnh vực này nên cũng có một số tư liệu. Thiết tưởng, một đánh giá toàn diện và đầy đủ sẽ là đánh giá của Ban Lý luận phê bình của Hội nhà văn Hà Nội chúng ta.
Bài viết này chỉ phản ánh một góc nhìn của người làm chuyên môn.
Trước hết cần khẳng định rằng lực lượng nhà văn sống làm việc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước chiếm phần lớn số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thành tựu lí luận phê bình văn học của Hà Nội đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của cả nước.
Khuê Văn Các. Tranh Nguyễn Quang Linh (ảnh minh họa)
Trước khi nói về đóng góp của nhà văn Hà Nội, xin phép được thống kê những cây bút chuyên về nghiên cứu phê bình của Hà Nội mà chúng ta đều biết. Đó là các nhà văn: Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Ngọc Thiện, Phong Lê, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Huệ Chi, Bùi Việt Thắng, Chu Văn Sơn, Vũ Bình Lục, Vũ Nho, Vân Thanh, Nguyên An, Đỗ Ngọc Yên, Lã Nguyên, Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Phan Trọng Thưởng, Trần Thị Trâm, Hoàng Kim Ngọc, Lưu Khánh Thơ, Tôn Phương Lan, Bích Thu, Tôn Thảo Miên, Lã Nhâm Thìn, Nguyễn Thanh Hùng, Chu Nga, Nguyễn Thị Thiện,…
Còn phải kể đến các nhà văn nhà thơ không chuyên về nghiên cứu, phê bình, nhưng viết phê bình cũng rất thành công. Đó là các tác giả Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Vũ Từ Trang, Mã Giang Lân, Anh Chi, Nguyễn Hoàng Sơn, Hữu Đạt, Trần Đăng Khoa, Phạm Khải, Nguyễn Thị Mai, Mai Nam Thắng, Đinh Quang Tốn, Văn Giá, Đặng Huy Giang, Trúc Thông, Vân Long, Nghiêm Thị Hằng, Quang Hoài, Nguyễn Ngọc Quế, Cao Ngọc Thắng, Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Công Trứ,…
Ấy là còn chưa kể đến những cây bút không vào hội đoàn nào, nhưng viết nghiên cứu phê bình cũng có chất lượng cao như nhà giáo, cựu chiến binh Hoàng Dân, TS Nguyễn Văn Đường,…
Có thể tự hào mà nói rằng lực lượng viết nghiên cứu phê bình của Hà Nội thật đông đảo và thành tựu của các cây bút ở Hà Nội góp phần rất lớn vào sự thành công của giới nghiên cứu phê bình cả nước.
Về thành tựu nghiên cứu phê bình cũng rất phong phú và đa dạng. Có nghiên cứu văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại. Có nghiên cứu về các tác giả lớn được UNESCO vinh danh, có chân dung các nhà văn, có nghiên cứu về cách tân, đổi mới thi ca,…
Chúng tôi chỉ nêu lên ấn tượng về một số công trình quan trọng mà bản thân đã tiếp xúc, hoặc đã viết bài giới thiệu. Tất nhiên trong số các cuốn sách - công trình đó, có những cuốn đã đoạt giải thưởng cao của các tổ chức văn hóa, văn học, song chúng tôi không đánh giá chỉ dựa vào tiêu chí giải thưởng.
Về các tác giả chuyên về lí luận phê bình, xin được điểm một số cuốn sách và tác giả mà chúng tôi ấn tượng.
Trần Đình Sử công bố nhiều sách chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu, Những thế giới nghệ thuật thơ, Thi pháp Truyện Kiều, Trên đường biên của lí luận văn học… Tác giả là người đưa hướng nghiên cứu thi pháp về Việt Nam.
Cuốn Vừa đi vừa nghĩ của Vũ Bình Lục là một cuốn sách đồ sộ hơn 1000 trang khổ lớn 16x24cm. Trước đó tác giả đã công bố một loạt các tác phẩm Hồn thiền trong thơ Lí Trần, Hồng hạc trời Nam, Giải mã kho báu văn chương (gần 3000 trang, 5 quyển).
Cuốn Ba đỉnh cao thơ mới của Chu Văn Sơn nghiên cứu về Xuân Diệu Hà Mặc Tử, Nguyễn Bính. Phần viết về Nguyễn Bính rất đặc sắc.
Cuốn Văn học dân gian sau 1986 của Trần Thị Trâm. Đó là “một cuốn sách độc đáo, công phu, giàu giá trị lý luận và thực tiễn”.
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng nghiên cứu về truyện ngắn, tiểu thuyết với 2 cuốn chuyên luận về thể loại. Tác giả còn công bố những tập tiểu luận phê bình có giá trị như Hà Nội từ góc nhìn văn chương, Khúc bi tráng thứ tư.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện công bố nhiều chuyên luận. Tác giả còn là chủ biên nhiều cuốn sách về văn học. Tác giả từng nhận giải cao của Hội đồng lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương. Nguyễn Ngọc Thiện có sự nghiệp “trước tác đẳng thân” đáng kính nể.
Nhà văn Nguyên An với tập tiểu luận Sương lại càng long lanh về chân dung các nhà văn quân đội, được giải thưởng của Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật. Có một cuốn sách công phu Văn học thiếu nhi Việt Nam, khảo luận và chân dung.
Lê Thị Bích Hồng viết nhiều chuyên luận. Từng nhận nhiều giải thưởng như: Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Những người tự đục đá kê cao quê hương, Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng, Về miền hoa ban đỏ,…
Nguyễn Thị Minh Thái nghiêng về phê bình sân khấu. Các tác phẩm đã công bố: Sân khấu và tôi, Đối thoại với văn chương, Con mắt xanh,…
Hoàng Kim Ngọc với cuốn Đi tìm dấu vân chữ. Cuốn sách nghiên cứu phê bình dưới góc độ nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Tác giả đã bác bỏ luận điểm sai của một người vĩ cuồng, chê thơ Nguyễn Du không chuẩn vần.
Trần Đăng Suyền có nhiều chuyên luận được tái bản nhiều lần. Có thể kể Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, Nhà văn - hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Bích Thu có nhiều chuyên luận. Nhà nghiên cứu viết về Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Nhật Ánh, Đạm Phương,… Đáng chú ý là 2 tập Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học.
Lưu Khánh Thơ biên soạn nhiều sách về Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Lưu Quang Thuận. Chúng tôi chú ý đến Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại”.
Xin nói một chút về Vũ Nho.
Tôi đã xuất bản Hà Nội văn chương từ một góc nhìn, một tập tài liệu về nhà văn Hà Nội, Nhà văn viết ở Hà Nội và nhà văn viết về Hà Nội, cuốn sách có ảnh, dày 656 trang.
Bình thơ, giải C của Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương,
Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều, so sánh và bình luận (tái bản lần thứ nhất), Hồ Xuân Hương, đời và thơ trên những tư liệu mới.
Đỗ Ngọc Yên chuyên viết nghiên cứu, phê bình. Nhà văn đã công bố khoảng 2080 trang in phê bình, tiểu luận văn chương khi công bố cuốn sách Chiến sĩ ta cầm bút. Gần đây tác giả lại công bố cuốn Nội lực của một cây viết nữ 256 trang.
Chúng tôi muốn nhắc đến nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Thiện mới trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị Thiện viết, đăng báo chăm chỉ. Đã công bố 8 tập bình thơ với lời bình cho hơn 250 bài thơ từ cổ chí kim…
Về các nhà văn, nhà thơ có thành tựu viết nghiên cứu phê bình dày dặn chúng tôi xin nêu một số tên tuổi tiêu biểu:
Nhà thơ Vũ Quần Phương với nhiều tập phê bình văn chương. Ví dụ như Đọc thơ Hương tích, Thơ với lời bình, Ba mươi tác giả văn chương. Nổi trội nhất là tập Bình Thơ, tập sách đồ sộ bình các bài thơ từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa với tập Chân dung và đối thoại tái bản nhiều lần và tập Hầu chuyện Thượng đế.
Nhà thơ Vương Trọng với Cùng lính trẻ đọc thơ hai tập, Đố Kiều và khảo luận, trao đổi.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn với Tranh luận văn học, Văn đàn - Thời sự và bình luận.
Nhà thơ Anh Chi viết nhiều sách nghiên cứu, khảo luận. Đang chú ý có các tập: Đường đời đường văn, Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại.
Công cuộc hội nhập văn học Việt Nam với thế giới.
Nhà ngôn ngữ, nhà văn Hữu Đạt với Các vấn đề của ngôn ngữ nghệ thuật, Từ văn học kháng chiến đến văn học đổi mới.
Phạm Khải làm thơ nhưng cũng viết nghiên cứu, phê bình. Tập Trang sách mạch đời được Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, đã làm mới cách viết phê bình.
Nguyễn Thị Mai làm thơ, có cuốn Cái đẹp ẩn chìm phía sau mặt chữ.
Nhà thơ Mai Nam Thắng có tập Theo dòng sáng tạo được giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.
Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng có Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương với nhiều phát hiện mới mẻ.
Nhà thơ Vân Long có hai tập chân dung văn học sinh động: Những gương mặt – Những trang đời, Những người rót biển vào chai.
Nhà thơ Cao Ngọc Thắng có Lí lẽ của trái tim, nhà thơ Quang Hoài có tập Nhìn trăng đáy nước, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế có tập Những người thơ tôi yêu.
Nguyễn Việt Chiến làm thơ, viết tiểu thuyết, nhưng có cuốn Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân đồ sộ dày 1104 trang.
Trên đây, tôi đã dùng “con mắt hạt đậu” để thử đánh giá sơ lược về đội ngũ và thành tựu viết nghiên cứu phê bình của Hà Nội trong vòng 50 năm qua kể từ khi thống nhất đất nước. Rõ ràng đội ngũ rất đông đảo, thành tựu vô cùng to lớn. Vì chỉ một mình lướt qua lĩnh vực rất rộng lớn này, nên chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót khi thống kê tác giả, tác phẩm. Một số tư liệu, chúng tôi dẫn từ cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ 5, năm 2020. Đến nay đã 5 năm, chưa được bổ sung. Rất mong các tác giả có tác phẩm chưa được nhắc đến dành cho sự cảm thông và không trách cứ. Mong các bậc thức giả bổ khuyết cho hoàn chỉnh.
Khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta đã có những tập sách công phu Tuyển tập truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập ký, tản văn,… gồm nhiều tập. Chúng tôi nghĩ rằng kỷ niệm 50 đất nước thống nhất, rất nên có Tuyển tập nghiên cứu phê bình Hà Nội, tập hợp đầy đủ thành tựu của nhà văn Hà Nội. Để ai có đóng góp về lĩnh vực này đều được ghi nhận. Mong lắm thay!
Bình luận