Vũ Viết Ngà bền bỉ một nguồn thơ

1. 

Văn chương có thể làm khuynh đảo từ thiên cung tới địa ngục, sức mạnh của văn chương là vô tận, nó gần như là thứ “Bất khả tư nghị”! Tuy nhiên, với nhiều người nó chỉ đơn thuần là cuộc chơi của cảm xúc và chữ nghĩa, trong ấy, mỗi nhà thơ nhà văn vừa là đối tượng và cũng là người tổ chức cuộc chơi của chính mình.

Cảm xúc và chữ nghĩa thăng hoa sẽ giúp tác giả giải phóng, giải thoát những ẩn ức, những xung đột trong thế giới quan của họ. Nếu sự tương tác và giải toả ấy diễn ra liên tục thành hệ thống thì mặc nhiên nó sẽ tạo nên tư tưởng của tác giả, tác phẩm trong cõi phù sinh này. Bởi vậy, mỗi khi được nâng trên tay một tuyển thơ tôi đều minh định rằng mình đang ở ngưỡng cửa tái sinh của một kiếp người sang kiếp chữ.

Vũ Viết Ngà bền bỉ một nguồn thơ - 1

Nhà thơ Vũ Viết Ngà.

2. 

Tuyển tập thơ Vũ Viết Ngà là một ấn phẩm khá bề thế của một nhà thơ sinh ra và lớn lên ở huyện Trực Ninh của tỉnh Nam Định. Trong gần bảy trăm trang thơ khổ lớn này là ngồn ngộn những vạt hoài niệm, những góc ký ức ám động, những phút thực tại ám gợi… được tác giả tạo dựng bằng mạch ngôn ngữ thơ dung dị, mạch lạc của lối viết truyền thống. 

Nhà thơ Vũ Viết Ngà đã xuất bản bảy ấn phẩm văn chương, bao gồm: Bài hát cuộc đời (thơ), NXB Hội Nhà văn; Bình minh ngày mới (thơ), NXB Hội Nhà văn; Bốn mùa yêu thương (thơ), NXB Hội Nhà văn; Hương thơm ngày cũ (thơ) NXB Hội Nhà văn; Một thời để nhớ (thơ), NXB Hội Nhà văn; Một thời tuổi trẻ (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn; Ngày trở lại quê hương, (tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn… hiện ông đang là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội. 

Những trang thơ trong tuyển thơ này được tổ chức xuất bản theo ba mạch chính, đó là: Quê hương và hoài niệm, Ký ức thời tuổi trẻ cùng những cảm thức thơ về Tổ quốc và cuộc sống hôm nay. Ba mạch thơ ấy đã làm nên một tuyển thơ khá đầy đặn về nội dung và tư tưởng của một người thơ miền Sơn Nam Hạ. 

Đọc mảng thơ viết về quê hương qua những bóng chữ khi mang hoài niệm, khi tươi mới những đổi thay từ hiện thực hôm nay, như thấy những câu chữ mướt xanh đọng tháng ngày xưa cũ: “

Chan thơ từ nước sông làng/ Cánh cò cõng nắng thu vàng dạo chơi/ Hồn thơ man mác ru hời/ Thân cò, thân vạc từ đời mẹ cha/ Vơi đầy lắng giọt phù sa/ Nhớ mùa lễ hội tháng Ba rộn ràng” (Tình thơ tình đời).

Những hoài niệm từ cổ tích quê hương, lay thức suốt một đời người, đời thơ, chỉ chờ đủ duyên thơ để nương náu vào thân chữ: “

Tiếng em văng vẳng giữa đồng/ Thu vàng sóng sánh mênh mông nắng chiều/ Đêm ôm súng nhớ mùa yêu/ Để bây giờ tóc muối tiêu phong trần” (Hương lúa).

Thơ Vũ Viết Ngà trong mạch viết về quê hương hiện hữu dày đặc những chi tiết ám gợi, thấm đẫm hồn quê. Này đây, một mảnh ao quê trong thơ ông mà đủ gợn sóng những yêu thương trong suốt cả một kiếp người: “

Ao quê khoả sóng xôn xao/ Hình in đáy nước lặn vào mắt nhau/ Bốn mùa sóng gợn ao sâu/ Gấp đôi thuyền lá thả câu hẹn thầm” (Sóng sánh ao quê). 

Đây, một mảnh nón mê đặc trưng của người mẹ quê nghèo, chiếc nón tần tảo và nhỏ nhoi ấy đã đối diện với trời xanh từ hàng ngàn năm qua để che chắn những phận người qua bốn mùa mưa nắng: “

Nón nghiêng che mát đồng làng/ Làm ra hạt bạc hạt vàng nuôi tôi/ Mười năm đời lính xa xôi/ Tôi về khóc mẹ bồi hồi nhớ thương/ Chiếc đinh còn đóng trên tường/ Nón mê theo mẹ, khói hương về trời!” (Chiếc nón của mẹ).

Trong mạch thơ viết về những ký ức thời tuổi trẻ của tuyển tập này, người đọc sẽ gặp những trang thơ mang dấu tích của tháng ngày binh lửa, gặp những mất mát, hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Nhà thơ Vũ Viết Ngà có mười năm là lính Trường Sơn, nên đọc những trang thơ của người cùng thời viết về đồng chí, đồng đội mình, thấy tính chân thực và xúc động hiển hiện trong từng con chữ: “

Đạn bom năm tháng, nắng mưa/ Anh em nằm lại những mùa chiến chinh/ Nhìn hàng cây lá rung rinh/ Linh thiêng đồng đội hiện hình về đây/ Lang thang đất bạn bao ngày. Lên xe! Chung chuyến, khoác tay cùng về/ Nắm xương tan giữa đất quê/ Về nằm bên Mẹ, bốn bề yêu thương/ Tay cầm nắm đất chiến trường/ Mắt nhoà khóc bạn, khói hương quặn trời” (Thăm bản Đông). 

Quả thật, trong nghề văn chương, người ta có thể sáng tạo và tưởng tượng ra đủ thứ để đưa vào tác phẩm của mình, nhưng riêng tính chân thực của thơ tự sự, thì chỉ có sự thật đích thực, sự thật tiêu biểu mới tạo nên sự lan tỏa và lay thức cho tác phẩm: “

Nhớ ngày về phép thăm quê/ Em còn rất trẻ ngô nghê đòi quà/ Mẹ ướm gần, bố hỏi xa/ Bén duyên em nhỏ bên nhà hay chưa?/ Quê hương chùm khế ngọt chua/ Ăn non thì chát, đợi mùa thì lâu/ Chiến trường gian khổ dãi dầu/ Đường thư không tới, lỡ câu hẹn hò”… (Chuyện thời trai trẻ). 

Trải suốt sáu bảy trăm trang thơ của tuyển thơ này, chúng ta gặp rất nhiều những lát cắt ký ức như vậy, những lát cắt ấy đã trở thành tài sản vô giá của một thế hệ cha anh. Khi những mảnh ký ức ấy chạm vào cảm thức văn chương, nó vụt sáng lên, bởi những mất còn, những lỡ dở, cắt chia của một thời hoa lửa đã làm nên những tròn trịa, tươi xanh của non nước hôm nay: “

Mắt đen ươn ướt sân đình/ Ngày anh nhập ngũ chúng mình xa nhau/ Vườn nhà trổ chục mùa cau/ Đợi lâu em đã qua cầu sang ngang/ Xa quê nhớ hội nhớ làng/ Đường về phố huyện nắng vàng đung đưa/ Tóc sương, mình bước vào chùa/ Nhặt thưa! Tiếng mõ, nắng mưa … tiếng lòng” (Nhớ hội chùa). 

Mạch thơ thứ ba của ấn phẩm này là những trang thơ Vũ Viết Ngà viết về Tổ quốc và cuộc sống. Quả thật, đọc thơ của những người lính trận đã từng chan tuổi trẻ qua Trường Sơn một thuở, khi họ viết về cuộc sống hôm nay, người ta nhận ra rất rõ tình yêu Tổ quốc, quê hương của họ đặt trong từng thớ chữ: “

Bạc Liêu, biển nối đất liền/ Sáu câu vọng cổ ru miền Tây xa/ Dạt dào chân sóng tôi qua/ Mãi không quên được sắc hoa bên hồ” (Hoa sen trắng ở Bạc Liêu). 

Trong nếp thơ truyền thống, đôi khi rõ ràng là những trang thơ tự sự đấy, tuyến tính đấy mà khi đọc lên, cái hiệu ứng của câu chữ, của ý tứ trong ấy lại hướng người đọc, người nghe đến với một tầng tư tưởng khác của tứ thơ ấy. Viết được ra những trang thơ như thế, viết thành mạch, thành vỉa cái lối thơ ấy, là bởi thơ ấy đã được sinh ra từ một tư duy thơ có tổ chức, có ngầm ý sắp đặt để tạo nên tư tưởng cho thơ. Như bài thơ dưới đây, tác giả phải yêu quê lắm, thức ngủ với quê lắm, mới ra được cái nết thơ này: “

Nơi mình khắc dấu năm xưa/ Thân cây gạo cổ nắng mưa xoá rồi/ Trăm năm cây vẫn lộc chồi/ Tháng Ba thắp lửa đỏ tươi gọi mùa/ Hội làng bao đận nhặt thưa/ Hoa bung sắc thắm góc chùa đợi em/ Ngày xuân đi gặp người quen/ Em tôi đóng cửa, cài then… phương nào” (Bên cây gạo chùa).

Vũ Viết Ngà bền bỉ một nguồn thơ - 2

3.

Nói về thơ của nhà thơ Vũ Viết Ngà,  PGS,TS Phạm Thu Yến đã có những nhận định rất chính xác và chân thành: “Thơ Vũ Viết Ngà sử dụng lối thơ truyền thống giàu cảm xúc trực cảm, đậm đà yếu tố tự sự, kể chuyện đời, chuyện mình luôn chân thành, giản dị nên dễ tạo hiệu ứng đồng điệu với người đọc” (Trích Lời bạt). 

Nhà thơ Vũ Viết Ngà tương tác và chia sẻ cùng cuộc sống qua thi ca bằng lối viết truyền thống, quen thuộc, thì chắc chắn trong sáu bảy trăm trang ấy không thể tránh được đôi chút cái mòn cũ, cái lặp lại người, lặp lại mình thấp thoáng trong bài nọ, tứ kia. Tuy nhiên sự đam mê, sự trải nghiệm phong phú, cùng nét lãng tử trong ông, đã tạo nên một ấn phẩm thơ đầy đặn và mạch lạc. 

Tuyển thơ này là kết quả từ một cuộc chơi sòng phẳng, xanh chín, vô tư giữa cảm xúc và chữ nghĩa của nhà thơ Vũ Viết Ngà. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường thơ, được tạo dựng bởi niềm đam mê bền bỉ với thi ca cùng sự biết mình biết người của một người thơ đã ở tuổi xế chiều.

Nguyễn Thế Kiên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Stargazer và Suzuki XL7: Hai thế giới khác biệt trong cùng một phân khúc

Stargazer và Suzuki XL7: Hai thế giới khác biệt trong cùng một phân khúc

Hyundai Stargazer và Suzuki XL7 cùng định vị trong phân khúc MPV 7 chỗ phổ thông, cùng tầm giá dưới 700 triệu đồng. Thế nhưng, giữa “người mới nổi” đầy phá cách và “cựu binh” thực dụng, hai mẫu xe này lại mở ra hai thế giới hoàn toàn khác biệt về thiết kế, công nghệ và trải nghiệm.

Thể loại hành khúc trong âm nhạc Việt Nam

Thể loại hành khúc trong âm nhạc Việt Nam

Hành khúc là một trong những thể loại ra đời rất sớm, kể từ khi nền âm nhạc mới Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ trong nền âm nhạc cách mạng thông qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ở thế kỷ XX. Hành khúc vẫn tiếp tục có vị trí riêng trong đời sống âm nhạc cũng như trong nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu nhạc ở nước ta cho đến tận ngày nay.