Vài hồi ức về nhà thơ Nguyễn Mỹ

Nhà thơ Nguyễn Mỹ cùng quê hương Tuy An (Phú Yên) với tôi. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Đầu năm 1954, rất tình cờ tôi gặp anh. Khi đó tôi là chú bé liên lạc 14 tuổi đi đưa công văn của Tỉnh đội cho Tiểu đoàn chủ lực tăng cường để chống chiến dịch Ắc - lăng của địch. Khi đến Tiểu đoàn Bộ thì mọi người đang văn nghệ. Một anh bộ đội trẻ đẹp trai, áo sơ mi vải xi ta có cầu vai của vệ quốc quân đang ngâm thơ, bài thơ do anh sáng tác được mọi người vỗ tay nhiệt liệt, đó chính là anh lính 18 tuổi Nguyễn Mỹ, quê ở xã An Nghiệp.

Khoảng năm 1958 - 1960, những năm đầu cầm bút, tôi quen nhà thơ Nguyên Hồ cùng quê Phú Yên với tôi, ông đang làm việc ở nhà xuất bản Phổ Thông. Qua anh, tôi có bài in trong những tập sách nhỏ về phong trào thủy lợi. Những ngày trên đất Bắc ấy, người Phú Yên rất ít, bởi vì theo Hiệp định Giơnevơ thì Phú Yên phải bàn giao địa bàn cho địch ngay sau ngày hòa bình. Tỉnh ủy phải trú đóng trên đất tỉnh Bình Định, vì vậy số cán bộ đi tập kết rất ít, cho nên mỗi khi gặp được người cùng quê Phú Yên chúng tôi quý mến như ruột thịt. Tại nhà xuất bản tôi gặp lại Nguyễn Mỹ.

Anh Nguyên Hồ giới thiệu và nói chuyện một lúc tôi mới nhận ra anh, người thanh niên ngâm thơ hồi chống Pháp. Chúng tôi thường gặp nhau nói chuyện thơ văn. Tôi thường đọc thơ anh trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi với Nguyễn Mỹ gần nhau vì là cùng bộ đội Phú Yên chống Pháp, nhất là cùng quê ở Tuy An, nên thỉnh thoảng ngày nghỉ rủ nhau đi thư viện hoặc dạo chơi đâu đó.

Một lần vào năm 1965, tối thứ 7, Nguyễn Mỹ rủ tôi đi Câu lạc bộ Thống nhất. Những năm đất nước còn chia cắt, ở Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm ngày Chủ nhật là nơi anh chị em miền Nam về dạo để mong gặp người quen, vì vậy có thời gian gọi hồ Hoàn Kiếm là “hồ tìm kiếm”. Và bên bờ hồ phía gần đền Lê Lợi có một ngôi nhà to nằm ở ngã ba đường Hàng Trống và đường Lê Thái Tổ được Ban Thống nhất cho làm Câu lạc bộ Thống nhất, cuối tuần thường có những cuộc nói chuyện tình hình miền Nam, xem văn nghệ, chiếu phim… Và nơi đây cũng là nơi bà con miền Nam gặp gỡ nhau.

Trong Câu lạc bộ có những món ăn miền Nam như bún bò Huế, bún mắm Nam Bộ, bánh xèo, bánh tráng cuốn miền Trung… Hôm đó đúng là đêm thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng ngâm các bài thơ viết về miền Nam, về nỗi nhớ mong miền Nam, về khát vọng thống nhất đất nước. Nguyễn Mỹ nghe chăm chú, bỗng người xướng ngôn giới thiệu Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ ngâm thơ số một lúc bấy giờ sẽ ngâm bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Cả hai chúng tôi vui mừng vỗ tay. Tôi biết Nguyễn Mỹ viết bài thơ này và đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, được mọi người khen, nhưng không ngờ bài thơ được ngâm hôm nay.

Vài hồi ức về nhà thơ Nguyễn Mỹ - 1

Nhà thơ Nguyễn Mỹ.

Người nghe im phăng phắc, khi nghệ sĩ kết thúc, các tràng pháo tay kéo dài. Một người giọng Nam Bộ đứng lên yêu cầu ngâm lại.

Bài thơ nói về cuộc chia ly để người chồng ra chiến trường đánh Mỹ với lòng đầy tự tin ở ngày chiến thắng. Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết cảm ơn chỉ xin ngâm lại một đoạn. Mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Hôm ấy, tôi thấm sâu hơn về tính chiến đấu, về tài năng của Nguyễn Mỹ.

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời”.

“Và người chồng ấy đã ra đi...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ

Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...

Tôi nắm chặt tay Nguyễn Mỹ với tất cả sự rung cảm đang trào dâng. Chúng tôi vui hân hoan. Một người bên cạnh vỗ tay kêu “bốp” thật to và nói theo kiểu Nam Bộ: “Thằng cha nào viết hay quá, đúng quá, giỏi quá ta!”. Anh ta đâu có biết rằng tác giả của bài thơ hay đó đang ngồi bên cạnh, đang vui sướng trong lòng. Nguyễn Mỹ im lặng, tôi nói khẽ vào tai anh: “Phần thưởng cho anh đấy”. Những ngày ấy, chỉ một bài thơ này đã đưa Nguyễn Mỹ bước vào quỹ đạo thơ Việt Nam.

Năm 1968, khi ấy tôi về công tác ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng, Nguyễn Mỹ gặp tôi thông báo anh được chấp nhận trở về miền Nam chiến đấu. Anh vui lắm, thấy rõ sự rạo rực cả trên nét mặt và ánh mắt của anh. Một hôm, biết tin Nguyễn Mỹ được chọn đi B. Nhân có bài mới in được nhuận bút, tôi mời anh và anh Nguyên Hồ cùng chú Tường Linh của tôi lúc đó làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là người hay viết ca dao với Nguyên Hồ thời chống Pháp ra Hồ Trúc Bạch ăn bánh tôm Tây Hồ, uống bia hơi để chia tay Nguyễn Mỹ. Nguyễn Mỹ đọc tặng chúng tôi bài thơ về Phú Yên, về Tuy An quê hương:

Tuy An đất mẹ dịu hiền này

Những thung vui như cối gạo đầy

Núi như đàn ngựa chồm ra biển

Sông Cái như tà áo lụa bay.

Chúng tôi chia tay nhau, ngày anh vào chiến trường cũng chỉ mới 30 tuổi. Anh vào Khu V làm phóng viên cho Báo Cờ Giải phóng Trung Trung Bộ. Tôi vẫn đọc được thơ, được bài của anh qua những trang báo từ Khu V gửi ra. Nhưng tài năng đang chói sáng ấy đã tắt, anh đã hy sinh bên bờ sông Đăk Tu của chiến trường Quảng Đà (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) chỉ sau 3 năm ra chiến trường.

Nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ không có nhiều thơ, đến khi hy sinh Nguyễn Mỹ cũng chưa có tác phẩm in riêng. Mãi chục năm sau ngày anh đi xa, tác phẩm Nguyễn Mỹ mới được xuất bản. Tuy nhiên, chỉ một bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của anh đã tạo được dấu ấn. Vũ Quần Phương đã nhận xét rất đúng: “Nguyễn Mỹ đã lập được đường bay của mình, riêng biệt độc đáo, rất có ý nghĩa đối với sự cách tân của cả thi đàn”. Rất tiếc, tài năng ấy, cánh bay ấy đã hy sinh. Nhà nước đã truy tặng anh Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Cũng vì thế, tôi xin giới thiệu toàn văn tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Mỹ kèm theo bài viết này:

Cuộc chia ly màu đỏ

Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời

Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi

Và rạng đông đang bừng trên nét mặt

- Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi

Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai

Ngày mai sẽ là ngày sum họp

Ðã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!

Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si

Và người chồng ấy đã ra đi...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ

Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau..."

Tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét...

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly...

(9-1964)

Trình Quang Phú

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm trực tuyến hơn 300 tài liệu, hình ảnh về y dược triều Nguyễn

Triển lãm trực tuyến hơn 300 tài liệu, hình ảnh về y dược triều Nguyễn

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), 130 năm thành lập Viện Pasteur Nha Trang (1895-2025), 100 năm Viện Pasteur Hà Nội (1925-2025), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm 3D trực tuyến với chủ đề “Y dược triều Nguyễn: Gạch nối nền y học Đông - Tây”.