Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm

Vì tôi không biết đây là tập thơ thứ năm của Trần Đàm, nên “Tiếng Khèn” cứ đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại sao một người rất giỏi về nhiếp ảnh lại làm thơ khá thế? Ấn tượng nhất là mảng thơ viết về miền núi. Vẫn những cảnh người ta thường bắt gặp trong thơ của các cây bút khác, nhưng trong “Tiếng Khèn”, nó hoàn toàn khác, đó là những gì rất riêng của Trần Đàm. Một hiện thực giống nhau đã được nhìn và cảm bằng con mắt của nhà nhiếp ảnh và trái tim của nhà thơ. Đây không phải là cố khác mà là khác một cách hồn nhiên, tự nhiên, chứa đầy những rung cảm thơ thành thực và độc đáo.

Đọc Trần Đàm, tôi nhận ra rằng, khi nào nhà thơ hoàn toàn vâng theo sự mách bảo của trái tim mình thì bài thơ sẽ hiện ra nguyên hình nguyên khối, mang một sinh mệnh khác, một sự sống khác. Và khi đó, phần thưởng đã thuộc về tay nhà thơ.

Bài Tiếng Khèn là một thành công xứng đáng mở đầu tập thơ và đứng tên cho cả tập:

Tiếng khèn trèo lên sàn nhà 

Rót vào tai mẹ 

Rót vào tai cha

Rót đầy chum rượu

Rót đầy ngực em

Uống say tiếng khèn

Ngất ngây bờ trúc 

Tiếng khèn vọng núi ngân nga 

Cái hay ở đây là tác giả lấy sự sống để tái hiện sự sống, lấy cái cụ thể để vẽ cái trừu tượng. Nghệ thuật đánh tráo khái niệm ở đây được sử dụng rất tinh tế, táo bạo và nhuần nhuyễn. Cái hay nữa là khi sự liên tưởng đã được đẩy lên đến đỉnh cao thì tác giả biết dừng ngay. Bài thơ nhờ đó mà có dư vang, ám ảnh.

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm - 1

Tập thơ "Tiếng khèn" của Trần Đàm.

Là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, Trần Đàm rất thạo về việc đi săn hình ảnh. Nhưng có những điều không nói hết được bằng hình ảnh thì phải nhờ đến thơ. Có điều, hình ảnh trong thơ và hình ảnh trong ống kính không giống nhau. Một thứ được chụp bằng mắt, một thứ được ghi lại bằng trái tim. Có những câu thơ làm ta nhớ được bài thơ, cũng như đôi mắt làm ta nhớ lại một con người. Trong Tiếng Khèn, Trần Đàm có khá nhiều những câu thơ như thế. Những câu thơ kết tinh tài năng thơ của tác giả. Công bằng mà nói Bản Lát là một bài thơ khá. Nhưng nếu không có những câu thơ sau đây thì bài thơ sẽ rơi vào loại trung bình. Đó là những câu:

Cửa vóng, mế ngồi nhìn mây lạc 

Đường trơn, em liêu xiêu vác nước 

Bếp lửa đỏ, cha ngồi hơ tuổi tác

Tiếng khèn xa vọng lại bồn chồn

Em như cây luồng, cây lim ngay thẳng

Mang gió xuân về ba lô vai anh 

Trong bài Thiên Thần Của Núi cũng có một câu rất lạ:

Khúc khuỷu sương khuya

Đôi chân gầy, khuôn mặt em nắng lửa

Những câu thơ như thế nó nói được rất nhiều thứ. Vì nó rất mới, rất lạ và rất thơ. Đây là bài học sống còn của việc làm thơ. Một nhà thơ mà không có những câu thơ hay thì thử hỏi lấy gì để níu được người đọc giữa bộn bề chữ nghĩa.

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm - 2

Ảnh minh họa.

Trong bài Phiên chợ vùng cao tác giả cũng có một câu tôi rất thích: 

Nụ cười nhẹ một khoảng trưa

Có bao nhiêu người tả nụ cười theo những kiểu cách khác nhau. Đến lượt mình, Trần Đàm đưa ra một kiểu cách mới. Anh không ví von, không so sánh, không tả mà là cảm. Từng chữ ở đây có dấu vết của tâm trạng. Và người ta có thể hiểu về nó, bình về nó theo rất nhiều nghĩa khác nhau. Đương nhiên ai chả biết làm thơ là để nói lên, để gửi gắm một điều gì đó về xã hội, về con người, về trời đất. Muốn làm được điều đó phải có những binh hùng tướng mạnh, đó là đạo quân chữ. Đọc Tiếng Khèn, tôi thấy đội quân chữ của Trần Đàm được rèn binh luyện cán khá tốt, nhờ đó góp phần rất quan trọng làm nên chất lượng của tập thơ. Nếu như trong bài thơ Dáng Núi, anh làm ta yêu mến cuộc sống của miền núi qua hình ảnh một cô gái:

Chợ phiên tuần có một lần

Một lưng củi với một thung gió đầy

Thì ở bài Vu Lan Nhớ Mẹ, anh lại làm ta xúc động về sự tảo tần, hết mình dâng hiến cho con của bà mẹ: 

Một đời gồng gánh đa đoan

Mẹ như cánh vạc muộn màng về khuya

Trong bài Gọi Mùa, tác giả có những câu thơ mở đầu rất gợi:

Những tia nắng

Thả thang xuống đồng

Đánh thức mùa trĩu hạt

Mẹ gùi ấm no về bản 

Bản sáng lên theo quầng váy mẹ 

Đọc thật kỹ, soi vào từng chữ, ta thấy hết công lao của tác giả trong một nỗ lực làm mới thơ không ngừng. Trong những câu thơ tôi đã biểu dương trên kia, bảo là dân tộc thì rất dân tộc, bảo hiện đại thì nó cũng rất hiện đại. “Những tia nắng/ thả thang xuống đồng/ mẹ gùi ấm no về bản...” thật là độc đáo và sáng tạo.

Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần tập thơ Tiếng Khèn và thấy rõ cái công của tác giả chịu đi, chịu sống, đầy tình cảm và trách nhiệm với đời sống ngày hôm nay. Điều đó thật đáng trân trọng. Điều đáng quý hơn nữa là hầu hết những bài thơ anh viết đều ở những năm xấp xỉ 80 tuổi.

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm - 3

Với những thành công đã đạt được mà tôi không thể nói hết trong một bài viết ngắn, tôi tin tưởng rằng, Tiếng Khèn rất xứng đáng được giải cao về thơ năm 2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. 

                     

BẢN LÁT

Ta đặt chân lên thuyền độc mộc

Từ Tén Tằn xuôi về bản Lát

Sông in hồn bài thơ Tây Tiến

Mái chèo khua mặt nước trong xanh 

Bản Lát yên lành câu thơ cũ

Mái tranh rêu rủ xuống sàn nhà

Cửa vóng, mế ngồi nhìn mây lạc

Đường trơn, em liêu xiêu vác nước

Bom Buôi bản chiều chìm trong khói

Tiếng hoẵng kêu âm vang mé núi

Bếp lửa đỏ, cha ngồi huơ tuổi tác

Tiếng khèn xa vọng lại bồn chồn

Gặp lại em dưới gốc lim vạn đại

Bóng cây già ấm áp chở che

Một chút ánh mặt trời trên đôi má

Đủ tưng bừng từng sắc lá rào tre

Rồi xa em, qua dòng trôi nước xiết,

Sông Mã lặng im trong chiều tím biếc

Em như cây luồng, cây lim ngay thẳng

Mang gió xuân về ba lô vai anh.

Ngày trở về cầu đã bắc qua sông, 

Luồng thành rừng, bản nhà cao lồng lộng

Gốc lim già chỉ mình anh lẻ bóng

Sông Mã lắng chìm bản Lát mờ sương.

THIÊN THẦN CỦA NÚI

                    (Tặng Thoi Cổ Lũng)

Đoạn đường ấy, 

Cùng ta chiều nắng, đêm mưa.

Khúc khuỷu sương khuya,

Đôi chân gầy, khuôn mặt em nắng lửa.

Em nhặt về vạt rẫy, vạt nương.

Mồ hôi khét, váy mùi chuột chũi,

Khói bếp gầy không đủ hong khô

Khúc suối cạn, con cá bằng lạt má

Ngọn rau rừng đủ ngọt bếp nhà.

Em thoăn thoắt như con chim chọn hạt,

Tự ru mình, tự dệt váy, tự em... 

Rồi vụt lớn thành thiên thần của núi,

Nụ cười tươi, hoa nở đỏ mường.

Ven suối lạnh em trồng rau đặc sản, 

Bàn tay hoa trên bàn phím dò tìm,

Để thêm nghề, thêm sản phẩm xanh tươi. 

Ngày xuân ấy em gặp anh tất tưởi

Tay nắm tay chỉ để tặng nụ cười,

Ôi nụ cười của thiên thần của núi.

GỌI MÙA

Những tia nắng

Thả thang xuống đồng

Đánh thức mùa trĩu hạt

Mẹ gùi ấm no về bản

Bản sáng lên theo quầng váy mẹ.

Lời ông chám, 

Vui bên chóe rượu cần.

Lời cồng ngọt mời chào, 

Binh bang, binh bang

Cây cần chao nghiêng khóe mắt.

Bếp lửa thì thầm, 

Củi reo tí tách

Gái bản múa khặp, câu xường văn vắt

Chòm Đốc đung đưa,

Chòm Đốc gọi mùa - mùa trăng.

                                               24-9-2019

DÁNG NÚI

Ra đi từ lúc mờ sương,

Dầm mưa em bước nẻo đường xa xăm.

Chợ phiên tuần có một lần, 

Một lưng củi với một thung gió đầy. 

Bâng khuâng bóng núi đổ dài, 

Khói sương phủ trắng nhà ai giữa rừng.

Đường về lắng tiếng ngựa rung,

Bóng em nhòe lạnh giữa lưng chừng trời. 

                                                     Hà Giang, 5-2004

Hữu Thỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất