Bí ẩn nghệ thuật

Đành rằng, không phải ai cũng viết được văn, làm được thơ. Người người viết văn, nhà nhà làm thơ như hiện nay cũng là nhảm. Nhưng viết văn làm thơ cũng không đến nỗi huyền bí lắm. Có những điều tưởng chừng huyền bí, đấy là do chúng ta chưa giải mã được mà thôi.

Tức cảnh sinh tình

Mọi người thường quan niệm: Các nhà thơ nhìn cảnh đẹp mà nảy ra ý thơ, tức là tức cảnh sinh tình. Nên các danh thắng hay có nhiều thơ ca ngợi. Điều ấy có đúng một phần. Rồi các nhà nho xưa còn có phong tục khai bút đầu năm, tức là tức cảnh trước một năm mới. Thôi thì đó là một niềm vui cũng tốt. Nhưng thực ra thơ đích thực không hoàn toàn như vậy. Nó là thơ phát ra từ hồn một cách bất ngờ, không có ý định trước. Còn thơ tức cảnh sinh tình trực tiếp như trên có rất ít bài hay. Mà nếu có bài hay thì chắc chắn nó đã hội tụ những yếu tố khác rồi.

Đúng là nhà thơ Thôi Hiệu (Đời Đường – Trung Quốc) có bài thơ Hoàng Hạc lâu nổi tiếng đề ở lầu Hoàng Hạc. Bài thơ hay đến mức đã làm cho thi tiên Lý Bạch phải buông bút mà thốt lên: “Nhãn tiền hữu cảnh họa bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh đẹp mà không làm thơ được, bởi Thôi Hiệu đã đề thơ ở trên đầu mất rồi). Nhưng có phải Thôi Hiệu đến lầu Hoàng Hạc tức cảnh sinh tình mà phát ra thơ đề vào đấy không, thì chỉ có ông mới biết, mà không thể có nhà nghiên cứu nào khẳng định được. Bởi rất có thể, Thôi Hiệu đã đến lầu Hoàng Hạc nhiều lần mà không làm thơ.

Rồi một thời gian sau, có thể gần có thể lâu, ông đang ở một nơi nào khác thì bất ngờ ý thơ về lầu Hoàng Hạc ập đến và ông viết ra, rồi sau đó tới Lầu Hoàng Hạc đề lên đấy! Nhà thơ Chế Lan Viên có hơn chục bài thơ viết về Yên Tử, nhưng phần nhiều ông không viết trực tiếp ở đấy: “Giữa chiều náo nhiệt phố phường/Vụt nhớ ngàn cao Yên Tử/ Vắng tanh vạn gốc tùng im/ Thiếu bóng mình đi dưới đó” (Chơi Yên Tử nhớ Hoa Yên).

Bí ẩn nghệ thuật - 1

Ảnh minh họa

Thơ viết về các sự việc cũng vậy thôi. Đừng nghĩ rằng người chứng kiến sự việc thì viết hay về sự việc ấy, đó là một cách nghĩ trực quan. Thơ cao siêu hơn nhiều. Mọi người đều thừa nhận bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu là một bài thơ hay. Đó là món nợ mà các nhà thơ Việt Nam đã trả được trước chiến công “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” của dân tộc. Nhưng nhà thơ Tố Hữu không tham gia chiến dịch Điện Biên. Khi ấy ông đang làm nhiệm vụ ở thủ đô gió ngàn Việt Bắc. Bài thơ ấy từ hồn ông phát ra do sự ngưỡng vọng, dõi theo bộ đội ta từng ngày từng giờ “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”… Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (với bút danh Vũ Ngàn Chi khi in tập thơ Đêm Quảng Trị), nói rằng tập thơ này ông chủ yếu viết ở Hà Nội, tất nhiên là sau thời gian dài ông sống cùng quân và dân Quảng Trị.

Thơ sáng tác theo kiểu “tức cảnh sinh tình” chỉ là cách “ăn xổi ở thì”. Một ngành nào đấy, một địa phương nào đấy mời các văn nghệ sĩ đi thực tế ngành mình, địa phương mình và mong ước ngay lập tức có được tác phẩm hay thì tôi không tin. Ngay những nhà văn sống gắn bó với con người và sự việc ở đấy một cách trực tiếp mà cũng không viết được thì  người đến thực tế kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” làm sao mà hơn được! Một tác phẩm ra đời, dẫu chỉ là bài thơ bốn câu cũng phải hội tụ rất nhiều yếu tố, chứ đâu đơn giản “tức cảnh sinh tình” mà thành. Cảm hứng sáng tác văn chương bắt nguồn từ những yếu tố rất sâu xa, có thể rất bình dị, cũng có thể rất cao siêu, mà đến nay vẫn là một điều còn rất nhiều bí ẩn, chưa có nhà lý luận, nhà nghiên cứu văn chương nào lý giải được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục.

Cảm hứng sáng tác

Khi không có cảm hứng sáng tác mà cố tình viết thì chỉ viết ra chữ giống như củi khô, không có nhựa, không có hồn, mặc dù vấn đề được viết ra rõ ràng, có ý tưởng. 

Nhà thơ Raxun Gamzatốp (Đaghextan - Nga) có nói: Nếu thấy vấn đề gì cũng viết thì một năm nhà thơ có thể viết được một khối lượng khổng lồ. Ông nghi ngờ những bài thơ giả ra đời trong đêm tân hôn cô dâu đang chờ được âu yếm mà chú rể lại ngồi làm thơ ca ngợi tình yêu, hoặc khi nhà thơ có người thân chết, anh ta không lo tang lễ cho chu đáo mà lại ngồi làm thơ về nỗi đau mất mát…

Cảm hứng sáng tác đến với mỗi nhà văn nhà thơ một khác. Mọi người đã kể, nhà thơ Tế Hanh thường sáng tác thơ trong mỗi lần đi bộ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường viết truyện khi mở nhạc, ai đó chỉ sáng tác khi nghe sóng biển rì rầm… Quan sát những bài thơ của Tố Hữu thì thấy cảm hứng sáng tác đến với nhà thơ khá dồn dập, nhất là khi đất nước có những sự kiện.

Ngược lại, cảm hứng sáng tác đến với nhà thơ Chính Hữu rất thưa thớt, nó đằm sâu, lắng đọng mãi mới phát ra. Có người thì giai đoạn này cảm hứng sáng tác đến dồn dập, giai đoạn khác nó lại lảng  tránh không đến. Có nhà văn giai đoạn này có cảm hứng viết truyện, giai đoạn khác lại cảm hứng làm thơ, rồi lại có giai đoạn có cảm hứng viết phê bình… Nhà văn này cảm hứng đến mới ngồi vào bàn viết. Nhà văn khác lại ngồi vào bàn viết rồi cảm hứng sáng tác mới đến… Mỗi người mỗi khác, chẳng có quy luật nào. Có phải chính vì vậy mà mỗi nhà thơ nhà văn là một thế giới khác biệt mới sáng tác nên những tác phẩm đơn chiếc, và mỗi lần sáng tác cũng là một lần hoàn toàn khác với những lần trước đó. Không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào. 

Những nhà thơ nhà văn đích thực thường có tài nhận biết khi nào cảm hứng sáng tác đang đến và thường có những ứng xử kịp thời để tạo nên những tác phẩm có chất lượng nhất. ấy là khi cần tập trung tình cảm và trí tuệ vào vấn đề mà cảm hứng sáng tác nảy sinh, trút được tâm huyết vào đó. Khi ấy, những tác phẩm ra đời thường hoàn hảo, không phải sửa sang gì mấy. Cảm hứng sáng tác là một cảm hứng tự nhiên, đừng cố tạo ra nhưng cũng đừng thụ động ngồi chờ, bởi muốn có mùa gặt thì phải gieo hạt và chăm bón.

Tuy vậy những tâm hồn thơ lớn như Xuân Diệu mà cũng phải thốt lên: “Thơ ơi, quặng thải bao lần – biết bao giờ mới ra vần kim cương”. Thì thấy trong cuộc đời, cảm hứng sáng tác có thể đến nhiều nhưng cũng chưa chắc đã đơm hoa kết trái, và dẫu đã đậu quả vẫn có những hạt lép. Tài năng là ở chỗ, cứ trổ hoa là đậu quả và cho những hạt mẩy. Vì thế các nhà văn trẻ ơi xin chớ ảo tưởng hão huyền, hãy sống hết mình và lặng lẽ làm việc, nếu bạn thực sự muốn suốt đời gắn bó với văn chương nghệ thuật.

Viết văn như lên đồng, như trời hành?

Bí ẩn nghệ thuật - 2

Ảnh minh họa

Tôi thường nghe một số người viết văn thần thánh hóa công việc của nghề viết. Nào là viết văn như nhập đồng, như trời hành, như quỷ ám, như cầu nguyện, như thoát xác v.v… và v.v. Nghĩa là viết văn là một công việc huyền bí lắm, hình như là trời cử nhà văn xuống trần gian để cải hóa loài người. Vì là người viết xoàng nên tôi chưa bao giờ được ông trời nhắm giao cho nhiệm vụ tối thiêng liêng đó, nên cũng chưa thấy có cảm giác ấy bao giờ. Nhưng vì vừa làm thơ, tôi lại có một chút máu phê bình nên cũng để ý đến công việc bếp núc của sáng tác, thì thấy các nhà văn nhà thơ lớn rất ít người nói thế.

Đại thi hào Nguyễn Du thì viết: “Lời quê chắp nhặt dông dài - Mua vui cũng được một vài trống canh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”… chứ Người cũng có bảo rằng trời giao cho mình nhiệm vụ gì to lớn đâu?

Đành rằng, không phải ai cũng viết được văn, làm được thơ. Người người viết văn, nhà nhà làm thơ như hiện nay cũng là nhảm. Nhưng viết văn làm thơ cũng không đến nỗi huyền bí lắm. Có những điều tưởng chừng huyền bí, đấy là do chúng ta chưa giải mã được mà thôi.

Về hiện tượng thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Tố Hữu có bảo: “Ông giời mượn cái miệng của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc”. Hay khi nhà văn Đỗ Chu còn trẻ mới buổi đầu viết văn, truyện ngắn nào viết ra cũng hay, cũng được khen thì anh lo lắng kể chuyện đó với nhà văn Nguyễn Khải. Nhà văn Nguyễn Khải đã nói với anh rằng: “ối trời ơi, trời đang cho thì anh cứ viết ra đi!”. Tôi cho rằng, đó chỉ là những cách nói. Ông trời ở đây chính là lúc suy nghĩ và cảm xúc của người viết ở độ chín, nó kết hợp và dồn nén rồi bộc phát ra bằng hệ thống hình tượng mà tạo nên những tác phẩm lung linh.

Thôi thì mỗi người một cách nói, một cách viết. Có người trông chẳng có tướng mạo nhà văn gì cả mà lại có những tác phẩm nổi tiếng. Ngược lại, có người cố tình làm ra lập dị, trông giống tướng mạo nhà văn thiên tài nào đó ở nước ngoài nhưng tác phẩm lại nhạt như nước ốc. Giới nhà văn cũng giống như mọi giới khác, có đủ những kiểu cách khác nhau. Thì cũng “cát bụi chân ai” mà! Nên tôi cũng rút ra được kinh nghiệm rồi: Mặc ai la thét, tuyên ngôn; mặc ai lập dị tóc dài, guốc mộc; mặc ai đánh bóng tuổi tên… Anh là ai, thì hãy trình tác phẩm ra cho thiên hạ. Còn anh viết ra bằng cách nào không quan trọng lắm. Miễn là sản phẩm phải ngon, tác phẩm phải hay. Nếu tác phẩm dở thì anh, chị có viết như cầu nguyện, như thoát xác, như trời hành cũng chẳng có giá trị gì!

Đinh Quang Tốn

Nghệ thuật và cuộc sống
Nghệ thuật và cuộc sống

Môi trường dù trong lành, thanh khiết đến đâu thì vẫn có những bụi bẩn. Âm thanh dù trong trẻo đến mấy vẫn có tạp...

Tin liên quan

Tin mới nhất