Đứa trẻ được phép ăn vặt và bị cấm ăn vặt khi còn nhỏ, đây mới là đứa trẻ trưởng thành tốt hơn
Trẻ em ăn vặt nhiều không tốt cho sức khoẻ, nhưng ở một mức độ kiểm soát cho phép thì bố mẹ cũng không nên cấm trẻ tuyệt đối.
Đồ ăn vặt có thể nói là món khoái khẩu của hầu hết trẻ nhỏ. Ngay cả những đứa trẻ chưa bao giờ ăn đồ cay trước đây cũng sẽ ăn đồ ăn vặt cay một cách thích thú. Nhưng người lớn đều biết rằng, đồ ăn vặt dù ngon nhưng chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản và những thứ này không có lợi cho sự phát triển của trẻ, nên phần lớn phụ huynh vẫn quyết định cấm con ăn.
Tuy nhiên thực tế cũng sẽ không tránh được những tình huống, người bố và ông bà luôn thích lén cho trẻ ăn khi người mẹ vắng nhà, hoặc không nhìn thấy, chẳng hạn như đồ chiên, các loại kẹo đóng gói,... bởi vì thực sự gương mặt tỏ ra thèm muốn, khát khao được ăn đồ ăn vặt giống như các bạn khác của con khiến cho người thân trong gia đình cảm thấy rất tội.
Đó là lý do vì sao mà câu hỏi: "Có nên cho con ăn vặt hay không?" là câu hỏi nhiều bậc bố mẹ ngày nay đang loay hoay tìm đáp án phù hợp. Nguyên nhân không cho con ăn vặt là vì sức khỏe của con, tuy nhiên với vấn đề này thì cũng có không ít phụ huynh có suy nghĩ rằng “đừng quá tuyệt đối trong mọi việc, phương pháp và mức độ mới thực sự quan trọng khi giáo dục con cái”.
Nghĩa là bố mẹ có thể không cấm trẻ tuyệt đối ăn vặt, mà thay vào đó là thiết lập cho trẻ một phạm vi phù hợp. Điều này sẽ không chỉ không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất của trẻ, mà còn có lợi cho trẻ về mặt sức khoẻ tinh thần.
Khác biệt giữa đứa trẻ được phép và bị cấm ăn đồ ăn vặt
Lúc nhỏ càng không có được, lớn lên sẽ càng muốn
Đối với nhiều đứa trẻ, càng nhiều thứ mà trẻ không thể có được khi còn nhỏ thì bé lại càng muốn có chúng khi lớn lên. Sự cám dỗ của đồ ăn vặt đối với trẻ em, đã bị kìm nén trong một thời gian dài trong thời thơ ấu và nó đã trở thành nỗi ám ảnh, nên sau khi lớn thì tâm lý bù đắp sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
Chẳng hạn như có một người bạn thuở nhỏ nhà nghèo hầu như không bao giờ ăn quà vặt, nay đã lập gia đình. Để thỏa mãn những thứ hồi nhỏ không có được, anh đã đặc biệt chuẩn bị một tủ đồ ăn vặt ở nhà, với đủ loại que cay, thạch và khoai tây chiên, giống như mở một cửa hàng nhỏ. Bởi vì không kiểm soát được tâm lý ham muốn "bù đắp" của bản thân mà cân nặng của anh ở hiện tại cũng nặng hơn 100 cân so với thời trung học, đồng thời cơ thể béo phì lúc này còn kèm theo các loại khó chịu về sức khoẻ thể chất.
Cho con ăn vặt đúng cách, đúng mức độ cũng giống như cho con tình yêu thương, nếu bố mẹ dành cho con đủ tình yêu thương thì sau này con sẽ không tìm kiếm tình yêu thương trong xã hội, con sẽ không thương hại nhìn đồ ăn vặt của người khác và tùy tiện xin đồ của người khác.
Ham muốn bị kiểm soát lúc nhỏ sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý bù đắp gấp đôi khi lớn.
Sự hoang tưởng về một sở thích
Không có gì sai khi trẻ em cũng như người lớn, cũng có những sở thích cá nhân, nhưng nếu một sở thích nào đó trở nên mất kiểm soát và nó quá nhiều, thì đó có thể là do tuổi thơ thiếu hụt quá nghiêm trọng.
Những ham muốn luôn bị kiểm soát chặt chẽ và đè nén khi còn nhỏ, sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành một số sở thích hoặc tính cách hoang tưởng sẽ xuất hiện khi đứa trẻ trưởng thành. Những hoang tưởng này có thể làm tổn thương đến nhiều mặt của trẻ, chẳng hạn như ăn quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều,...
Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái
Trẻ em rất thích ăn quà vặt, nhìn bề ngoài thì có vẻ rất tham ăn, nhưng thực chất trẻ vẫn có rất nhiều nhu cầu tâm lý, trong đó có nhu cầu được bố mẹ yêu thương và bảo vệ. Nếu bố mẹ nghiêm cấm tuyệt đối việc ăn quà vặt của trẻ, thì khi nhìn thấy những đứa trẻ khác được ăn quà vặt, trong lòng con chắc chắn sẽ nảy sinh sự so sánh, và có suy nghĩ rằng "phải chăng bố mẹ không thương mình", rồi sau đó rơi vào tâm trạng chán nản, thất vọng, buồn bã...
Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái có những vết nứt, ngày càng xa cách vì lúc này đứa trẻ có thể hạn chế việc tương tác với bố mẹ, hoặc thậm chí nếu có tương tác thì cũng là với một thái độ không thoải mái, đôi khi còn xảy ra cả sự xung đột.
Từ những khác biệt trên có thể thấy, việc cho trẻ ăn đồ ăn vặt hoặc cấm ăn tuyệt đối cũng sẽ có những mặt hại mặt lợi. Ăn quá nhiều, ăn không kiểm soát sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của trẻ, chẳng hạn như gây ra bệnh béo phì, tiểu đường, tình trạng dậy thì sớm... Nhưng nếu bố mẹ cấm tuyệt đối việc này thì cũng sẽ tác động đến sức khoẻ tinh thần của trẻ, khiến cho tâm lý của trẻ không được phát triển một cách toàn diện nhất.
Đó là lý do mà bố mẹ cần xem xét cẩn thận trong vấn đề này, và đưa ra lựa chọn phù hợp sao cho không làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất và cả sức khoẻ tinh thần của trẻ, như vậy thì mới có thể giúp con trưởng thành trong môi trường lành mạnh.
Nếu bố mẹ cấm trẻ tuyệt đối về điều mà trẻ muốn, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ khó gắn kết.
Ăn quá nhiều đồ ăn vặt cũng không tốt, không ăn cũng không tốt, vậy bố mẹ nên làm gì?
Vì sức khỏe của con mà bố mẹ kiểm soát không cho con ăn vặt, dù sao trong đồ ăn vặt hiện nay có quá nhiều chất phụ gia, dễ khiến sức khoẻ của trẻ gặp vấn đề bất ổn. Tuy nhiên thay vì cấm đoán tuyệt đối, bố mẹ có thể cho con ăn với một mức độ phù hợp theo những phương pháp sau:
Mua đồ ăn vặt dựa trên danh sách thành phần
Đồ ăn vặt có nhiều loại, không phải đồ ăn vặt nào cũng có hại. Vì vậy khi lựa chọn mua đồ ăn vặt cho trẻ, bố mẹ nên xem xét kỹ danh sách thành phần của nó. Nếu có nhiều thành phần có các từ như "đường", "mật ong" và "ngọt" thì bố mẹ nên hạn chế, vì ăn nhiều trẻ sẽ dễ bị bệnh béo phì.
Những thứ có phẩm màu thực phẩm, hoặc có những tên thành phần trông giống như tên chất hóa học là chất bảo quản thì đều sẽ không tốt cho sức khỏe... Bên cạnh đó, đồ ăn vặt có quá nhiều chất phụ gia thì bố mẹ cũng nên loại trừ.
Phân loại đồ ăn vặt
Phân loại có nghĩa là mua đồ ăn vặt theo mức độ lành mạnh cho sức khoẻ của trẻ, tỷ lệ tốt nhất là 6:3:1. Cách này không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu ăn vặt của trẻ, mà còn âm thầm cải thiện thói quen ăn vặt cho bé:
- "6": đồ ăn vặt lành mạnh có thể ăn thường xuyên, chẳng hạn như trái cây;
- "3": Đồ ăn vặt có thể ăn vừa phải, chẳng hạn như bánh quy ít nguyên liệu;
- "1": Đồ ăn vặt chỉ lâu lâu mới ăn, chẳng hạn như đồ chiên rán.
Thay vì mua đồ ăn vặt ở ngoài, để đảm bảo chất lượng tốt cho sức khoẻ thì mẹ có thể tự làm ở nhà cùng con.
Bố mẹ cần lưu ý những loại đồ ăn vặt dưới đây được khuyến khích cho trẻ ăn.
- Thứ nhất là các loại sản phẩm từ sữa, nếu lo lắng về loại sữa chua mua về, bố mẹ cũng có thể tự làm sữa chua, phô mai và các loại thực phẩm khác cho con;
- Thứ hai là các sản phẩm từ trái cây;
- Thứ ba là các sản phẩm ngũ cốc, chẳng hạn như bánh quy, bánh ngọt và bánh mì, đặc biệt là bánh mì và đồ ăn vặt bố mẹ có thể tự nướng, thành phần chỉ bao gồm chất đạm, chất béo và đường, không chứa chất phụ gia và chất bảo quản;
- Cuối cùng là các loại hạt như hạt óc chó, tốt nhất nên chọn loại hạt ít thêm đường và dầu.
Ngoài ra khi cho phép trẻ ăn vặt, bố mẹ cũng nên ghi nhớ những lưu ý, đó là mỗi khi mua một món ăn vặt thì trẻ phải ăn hết trước khi mua lại; không cho trẻ ăn vặt một giờ trước bữa ăn; và cố gắng hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn vặt của người khác khi ở bên ngoài.
Bình luận