Mẹ chồng đưa 500 nghìn bảo tôi làm 2 mâm cơm 10 món, lúc đồ ăn dọn ra cả nhà choáng váng

Cầm 500 nghìn mà tôi ngẩn cả người. Vật giá leo thang, 500 nghìn này sao đủ làm 2 mâm cỗ 10 món chứ? Tuy khó chịu trong lòng nhưng tôi chẳng dám nói.

Gia cảnh của tôi kém hơn nhà chồng một chút nên khi anh thành thật nói với gia đình muốn cưới tôi, mẹ anh đã không đồng ý. Nhưng lúc đó chồng tôi không chịu, ai nói gì cũng không nghe nên cuối cùng gia đình đành phải thỏa hiệp, với điều kiện hai vợ chồng phải sống chung nhà vì bố chồng đã qua đời, chồng tôi là con trai trưởng.

Vì hạnh phúc của mình, mỗi bên lùi một bước nên tôi đồng ý. Tuy nhiên, vì mẹ chồng không ưa tôi từ trước nên cuộc sống làm dâu của tôi không hề êm ả. Thời gian đầu, tôi và mẹ chồng cứ như hai người ở hai thế giới. Thậm chí nhiều lúc bức xúc quá, tôi còn khóc lóc đòi chồng thuê trọ sống cho khỏi va chạm.

Mỗi lần như thế, chồng lại động viên:

- Thực ra mẹ hiền lắm. Có lẽ thời gian đầu hai bên chưa hiểu tính nhau nên mới thế thôi. Em cố gắng từ từ sẽ thích ứng được, có gì chưa hài lòng về mẹ thì cứ nói với anh, anh sẽ góp ý với mẹ. Các em ở xa, có mỗi anh ở gần nên anh cũng không yên tâm để mẹ ở một mình.

Chồng nói thế nên tôi đành cố gắng, dần dần mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng đỡ gay gắt hơn trước nhiều nhưng vẫn có nhiều cái chưa hài lòng về nhau.

Mẹ chồng đưa 500 nghìn bảo tôi làm 2 mâm cơm 10 món, lúc đồ ăn dọn ra cả nhà choáng váng - 1

Buổi tối trước hôm giỗ, mẹ chồng đưa tôi 500 nghìn bảo làm 2 mâm cỗ. (Ảnh minh họa)

Cuối tuần rồi là giỗ bố chồng tôi, các cháu lại nghỉ hè nên nhà hai người em chồng về đông đủ lắm. Tối hôm trước giỗ, mẹ chồng đưa tôi 500 nghìn rồi dặn dò:

- Các em mới về đến nhà, lại đi đường xa nên sợ rằng sáng mai không dậy sớm được. Con cầm lấy 500 nghìn đi chợ giúp mẹ nhé. Con làm 2 mâm, 10 món đơn giản thôi là được. Mấy đứa nhỏ để mẹ trông cho, chứ mấy nay mẹ bị đau khớp cũng chẳng xuống bếp được.

Cầm 500 nghìn mà tôi ngẩn cả người. Vật giá leo thang, 500 nghìn này sao đủ làm 2 mâm cỗ 10 món chứ? Tuy khó chịu trong lòng nhưng tôi chẳng dám nói.

Hôm giỗ bố chồng, một mình tôi đi chợ, một mình tôi vào bếp xoay sở với 2 mâm cỗ 10 món, chồng chỉ phụ nhặt được vài cọng rau. Hai nhà em chồng ngủ tới 9-10 giờ sáng, đến giờ thắp hương mới dậy.

Thấy chị dâu bày được 2 mâm cỗ đủ đầy, trang trí đẹp mắt, mấy người em liền khen:

- Chị dâu đỉnh quá! Hôm qua em đi ngang qua phòng chị, thấy mẹ đưa cho chị mỗi 500 nghìn mà chị bày biện được mâm cao cỗ đầy thế này. Em khâm phục chị quá. Sau này cỗ bàn nhà mình cứ yên tâm giao hết cho chị dâu.

Mẹ chồng đưa 500 nghìn bảo tôi làm 2 mâm cơm 10 món, lúc đồ ăn dọn ra cả nhà choáng váng - 2

Hôm làm giỗ, một mình tôi vào bếp và có chồng phụ được đôi chút. (Ảnh minh họa)

Lúc này tôi rút tờ 500 nghìn ra đưa trả mẹ chồng rồi nói:

- Thưa mẹ, tiện đây con cũng muốn nói vài câu. Thực ra chuyện công việc trong nhà cũng là trách nhiệm của con cái, không phải mẹ đưa tiền thì chúng con mới hoàn thành được công việc. Con gửi mẹ lại tiền không phải vì con chê ít hay có thái độ gì cả. Chúng con đã lớn cả rồi, anh chị em chúng con lo được nên mẹ không phải bận tâm những chuyện cỏn con này nữa đâu ạ.

Sau đó tôi cũng nói thẳng với các em:

- Chị biết các em đi đường xa vất vả, nhưng một năm chỉ có một cái giỗ của bố, chị mong các em có thể sắp xếp thời gian để về nhà sớm hơn, giúp chị làm cơm. Làm 2 mâm cơm chẳng đáng là bao, cũng không vất vả gì nhưng đó là tấm lòng của con cái với bố. Các em có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, không góp anh chị cũng chẳng trách. Nhưng mỗi người nên xúm vào một tay vừa để mấy anh chị em chuyện trò, gắn kết với nhau, vì cả năm được mấy dịp chúng ta được quây quần bên nhau đâu.

Cả mẹ chồng và mấy người em chồng đều im bặt. Còn tôi, nói xong cũng xởi lởi không nhắc lại chuyện này nữa.

Thực ra khi mẹ chồng đưa 500 nghìn bảo làm 2 mâm, mỗi mâm 10 món thì tôi cũng bực lắm. Thậm chí nghĩ “ăn miếng trả miếng” bằng cách làm cỗ chay, mua đúng 500 nghìn tiền thực phẩm rồi mặc kệ mẹ muốn làm gì thì làm.

Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, mẹ chồng có tính tiết kiệm từ trước rồi nên đôi khi bà đưa tiền cho tôi không có ý gì xấu cả vì bấy lâu nay chuyện chợ búa đều do tôi phụ trách. Nếu cứ chấp nhặt, “ăn miếng trả miếng” với người nhà thì chỉ có mệt mỏi, đau đầu thêm, đồng thời hạ thấp giá trị, đạo đức của bản thân. Vì thế, tôi quyết định bỏ tiền túi ra làm giỗ bố chồng rồi góp ý thẳng thắn với cả nhà để những lần sau con cháu sẽ góp tiền, góp sức làm giỗ bố.

Thật may, quyết định đó của tôi là đúng đắn. Những ngày sau đó, thái độ của mẹ chồng với tôi thay đổi hẳn, nhã nhặn hơn trước rất nhiều. Những lúc gia đình có công việc, mấy em chồng cũng sắp xếp thời gian về sớm để phụ giúp tôi một tay chứ không dám ỷ lại chị dâu nữa.

Cẩm Tú

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.