Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục  Nghệ An tổ chức Hội thảo Ảnh hưởng của Mạng xã hội đến học sinh, sinh viên - Thực trạng và giải pháp khắc phục

Mạng xã hội ra đời là một bước tiến của khoa học công nghệ. Bên cạnh những thành tựu, lợi ích, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lợi thế của mạng xã hội để tự do truyền tải thông tin không chính xác phục vụ cho mục đích riêng, đi ngược lại lợi ích của những người dùng mạng xã hội chân chính. Bởi vậy nếu sử dụng mạng xã hội không tỉnh táo thì người dùng, trong đó có lực lượng lớn là học sinh, sinh viên sẽ gặp phải những hệ lụy khó lường. Để học sinh, sinh viên tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Ảnh hưởng của Mạng xã hội đến học sinh, sinh viên - Thực trạng và giải pháp khắc phục”.

Hội thảo được tổ chức vào ngày 4 tháng 10 năm 2024, với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo với mục đích đề xuất những giải pháp giúp các nhà trường, các cấp quản lý giáo dục sớm đưa ra những chủ trương hoàn thiện, kịp thời để khắc phục tiêu cực mà người dùng mạng xã hội là học sinh, sinh viên đang gặp phải. 

Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục  Nghệ An tổ chức Hội thảo Ảnh hưởng của Mạng xã hội đến học sinh, sinh viên - Thực trạng và giải pháp khắc phục - 1

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo là NGƯT. TS Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh Nghệ An. Tham dự hội thảo có 50 đại biểu gồm: Đại diện Lãnh đạo Công đoàn giáo dục, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An, các Ủy viên Ban chấp Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh, cán bộ quản lý và chuyên viên các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng và đại diện một số trường THPT, cao đẳng, đại học trong tỉnh cùng 18 tác giả có bài tham luận tại Hội thảo.    

Trong phần khai mạc Hội thảo, NGƯT. TS Nguyễn Văn Khoa đã nêu rõ tầm quan trọng của mạng xã hội đối với đời sống và hoạt động học tập, lao động của mọi cá nhân và khẳng định về tác động tích cực của mạng xã hội đối với đối với lĩnh vực giáo dục. Đồng thời nhấn mạnh việc mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy do người dùng mạng xã hội đưa đến cho học sinh, sinh viên. 

Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục  Nghệ An tổ chức Hội thảo Ảnh hưởng của Mạng xã hội đến học sinh, sinh viên - Thực trạng và giải pháp khắc phục - 2

NGƯT - TS Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Nghệ An phát biểu

Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An mong muốn tại hội thảo này, các đại biểu tham gia Hội thảo tập trung tham vấn, đề xuất các giải pháp để phát huy tác động tốt của mạng xã hội và hạn chế những tác động tiêu cực.

Hội thảo đã dành thời gian nghe 8 trên tổng số 18 bản tham luận gửi về tham gia hội thảo và một số ý kiến trao đổi của các nhà khoa học về các bài tham luận đã trình bày nói trên. Sau đây là lược trích một số ý kiến đã được đưa ra trong các bản tham luận:

Với tham luận: Thực trạng ảnh hưởng của Mạng xã hội đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay, thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng Công tác tư tưởng - Giáo dục  thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tóm lược các chủ trương giải pháp mà Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã và đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh  thực hiện. Có 5 giải pháp chính:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục thông qua môi trường mạng như xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, hình ảnh, tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho học sinh sinh viên trên trên website của Sở, của các Phòng GD&ĐT; Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên; Các cơ sở giáo dục xây dựng chế tài xử phạt người ứng xử vô văn hóa trên mạng xã hội tiến tới xây dựng bộ quy chế văn hóa trên không gian mạng; Đơn vị các cơ sở giáo dục phải tuyên truyền phổ biến Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Học sinh cần có kỹ năng, kế hoạch sử dụng mạng xã hội thông minh, hợp lý; Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý, giáo viên trong việc sử dụng mạng xã hội và phát huy vai trò định hướng đơn vị trong việc sử dụng mạng xã hội cho học sinh, sinh viên và người học.

Nghiên cứu sinh Lê Thị Hương Quê - Phó trưởng Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trong trong tham luận Tác động của mạng xã hội đối với giáo dục đã đề xuất 4 giải pháp:

Trang bị những kiến thức về mạng xã hội cho học sinh, sinh viên; Thay đổi tư duy thói quen sử dụng mạng xã hội; Trang bị hệ thống máy tính và mạng Internet đảm bảo chất lượng; An toàn bảo mật thông tin cá nhân.

Bà Từ Thị Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong với tham luận Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên đã phân tích một số ảnh hưởng của mạng xã hội đến học tập, sức khỏe của học sinh và thực trạng quản lý học sinh sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội. Từ đó bà Vân đề xuất 4 giải pháp: Tăng cường giáo dục kỹ năng sống; Tạo môi trường học tập lành mạnh; Phối hợp với gia đình để quản lý học sinh, sinh viên; Cần có quy định cụ thể về việc sử dụng mạng xã hội trong các trường học.

Trong tham luận Tăng cường công tác giáo dục, quản lý học sinh trên địa bàn huyện Đô Lương đối với việc sử dụng mạng xã hội, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng Phòng GD&ĐT Đô Lương nêu 4 giải pháp đã được thực hiện ở huyện Đô Lương:

Thứ nhất, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục chủ trương đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, của ngành giáo dục và các địa phương; Phát triển  và quản lý các trang thông tin điện tử của nhà trường về chính trị tư tưởng đối với học sinh trên mạng xã hội; Phát huy vai trò trách nhiệm của người cán bộ đảng viên; Hoàn thiện quy chế phù hợp để quản lý, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội bảo đảm an ninh thông tin trong học sinh; Cần tăng cường xây dựng đẩy mạnh hoạt động của các cá nhân, đơn vị có uy tín trên không gian mạng; Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động của truyền thông xã hội và không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Tham luận Biện pháp quản lý sớm ảnh hưởng của mạng xã hội đối với học sinh THCS, ông Hồ Đức Bang - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu nhấn mạnh: Hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn; Kiểm soát sớm nội dung sử dụng mạng xã hội của học sinh; Kiểm soát sớm thời gian sử dụng mạng xã hội.

Bà Hoàng Thị Thập - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 (Trường học thuộc địa bàn vùng núi cao của Nghệ An) trong tham luận Một số giải pháp giáo dục học sinh miền núi đối phó với nạn bắt nạt trực tuyến đã nêu rõ những công việc mà nhà trường đã làm:

Tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về bắt nạt trực tuyến và thực hành kỹ năng cho học sinh về chống bắt nạt trực tuyến qua các hoạt động ngoại khóa; Thành lập trang Facebook, mở kênh tư vấn online, thiết lập kênh thông tin với gia đình trong vấn đề giáo dục kỹ năng ứng phó với bắt nạt trực tuyến; Xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý trong tiết sinh hoạt lớp.            

Trong phần thảo luận của hội thảo, ông Nguyễn Thái Học – Phó hiệu trưởng Trường THPT Đông Hiếu huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Trường THPT Đông Hiếu đã được Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Nghệ An cho phép thành lập Chi hội khoa học Tâm lý. Căn cứ vào Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT nhà trường đã thành lập Tổ tư vấn Tâm lý học đường. Tổ tư vấn tâm lý  đã trở thành bộ phận quan trọng của nhà trường trong việc tư vấn, hướng dẫn và quản lý học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội cho phù hợp cho sinh hoạt và học tập".

Ông Nguyễn Đình Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An đề nghị, đã đến lúc các cơ sở GD&ĐT và các cấp quản lý phải quan tâm tới việc giảm nghiện mạng xã hội của học sinh, sinh viên bằng việc đưa ra những quy định riêng ngoài các quy định của Nhà nước đã ban hành. Phổ biến cho phụ huynh về tác hại của căn bệnh xã hội nghiện mạng xã hội đến mức làm ảnh hưởng tới thời gian học tập ở trường và tại nhà của học sinh, sinh viên, nhất là học sinh phổ thông. Quan tâm tới hình thức tổ chức ký cam kết giữa nhà trường với phụ huynh về việc phối hợp quản lý học sinh quy định về thời gian được dùng mạng xã hội trong ngày với những điều khoản thật cụ thể. Trong đó có nội dung cam kết hai bên nhà trường và phụ huynh có thư từ phản hồi về việc thực hiện quy định về quỹ thời gian mà học sinh được phép dùng mạng xã hội trong ngày, đặc biệt là thời gian ở nhà. Các nhà trường đầu năm học cần dành cho giáo viên chủ nhiệm có một buổi sinh hoạt để giáo viên làm rõ cho học sinh về ích lợi và những hệ lụy có thể xảy ra khi dùng mạng xã hội.    

Kết luận Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Nghệ An Nguyễn Văn Khoa thay mặt Hội và Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận những ý kiến tham vấn được đưa ra tại hội thảo để tiếp tục bổ sung những chủ trương của Sở giáo dục trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do mạng xã hội đưa đến cho học sinh, sinh viên và nhấn mạnh các cơ sở giáo dục phải chú ý làm tốt các vấn đề sau để giảm thiểu mặt tiêu cực của học sinh, sinh viên  khi tham gia mạng xã hội:

Ưu tiên công tác tuyên truyền cho việc nâng nhận thức về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên. Phải có phương pháp sử dụng mạng xã hội thật sự có hiệu quả trong đời sống, sinh hoạt và học tập của học sinh, sinh viên. Cùng với chủ trương  “Nói không với việc sử dụng điện thoại trong buổi học” mà các trường học ở Nghệ An đang triển khai phải làm tốt việc tạo các sân chơi bổ ích cho học sinh trong giờ ra chơi. Thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội để chủ động dành thời gian cho học tập. Tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm việc có hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện tốt Đề án 585… Tổ chức tốt các câu lạc bộ, các diễn đàn để cho học sinh tham gia như một sân chơi bổ ích. Tăng cường công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Phối hợp với địa phương để mời các nghệ nhân chia sẻ, giáo dục truyền thống. Tư vấn chia sẻ những cuốn sách hay. Thay đổi hình thức kỷ luật học sinh theo hướng tích cực (Ví dụ như phạt học sinh bằng cách yêu cầu học sinh đọc sách và chia sẻ giá trị cuốn sách đến nhiều người, đến nhiều bạn bè). Xây dựng mô hình Trường học gắn với bản sắc văn hóa… Đồng thời phải khai thác tối đa mặt tích cực của mạng xã hội để phục vụ cho học tập và cuộc sống.

Nguyễn Đình Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.