Cần một “tấm lọc” văn hóa thời hội nhập

Thời kỳ đất nước mở cửa, theo quy luật tất yếu phải có sự giao lưu văn hóa. Bên cạnh văn hóa tinh túy thì cũng có văn hóa không lành mạnh hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt. Việc nhận diện và loại trừ văn hóa độc hại, tiếp thu sự tinh túy của văn hóa quốc tế song hành với việc gìn giữ văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là một vấn đề cấp bách.

Hiện tượng “Văn hóa bẩn”

Trong bối cảnh hiện tại các thành phố là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của văn hóa nước ngoài. Tại đây, cùng với sự đổi thay, phát triển về kinh tế, các thành phố phải chấp nhận hiện tượng giao thoa văn hóa trên địa bàn của mình. Các trào lưu, làn sóng văn hóa của thế giới trong đó không ít những dạng văn hóa xa lạ với truyền thống dân tộc, thậm chí đôi khi còn phi văn hóa, đồi trụy… được “nhập khẩu” tự nhiên vào cư dân.

Tại Việt Nam, các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng trước đây đã từng xuất hiện trào lưu “Free Hugs” (Vòng tay yêu thương). Ý tưởng của trào lưu này là ôm mọi người trên đường để chia sẻ. Tuy nhiên  nó chỉ phù hợp ở môi trường văn hóa phương Tây, thực hiện điều này ở nơi có văn hóa Á Đông thì trở nên phản cảm. Phong trào này rộ lên trong một thời gian rất ngắn và thường xuất hiện ở các khu vực các tuyến phố vắng, vườn hoa công viên, cổng các trường đại học… rồi chết yểu.

Cần một “tấm lọc” văn hóa thời hội nhập - 1

Các cô gái, chàng trai trong chương trình Free Hugs Vietnam

Theo GS,TS Nguyễn Văn Vĩnh (Học Viện HT-HCQG), sở dĩ phong trào này không phát tác mạnh là do số cư dân lao động ở các thành phố Việt vẫn là chủ yếu, mặt khác vốn văn hóa cổ lành mạnh được kết cấu hàng nghìn năm còn đang rất mạnh tạo nên một cộng đồng văn hóa chống lại thói sa đọa của một nhóm thanh niên học đòi.

Tuy nhiên, hiện tượng “văn hóa bẩn” hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt, vẫn cứ tồn tại như những ngọn lửa “ma” gây nhức nhối. Tại các thành phố vẫn tồn tại và phát triển nhiều sinh hoạt văn hóa đậm màu sắc phương Tây. Bên cạnh những lễ hội trang nghiêm tâm linh như Lễ Noen thì lại có chương trình lễ hội ma quỷ Halloween.

Cần một “tấm lọc” văn hóa thời hội nhập - 2

Giới trẻ hóa "ma quỷ" dạo phố dịp lễ hội Halloween.

Trên các tuyến phố lớn, thậm chí ngay trên các thị trấn ngoại thành, xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi dành cho ngày Halloween với những bộ xương người, mặt nạ ma quỷ, mặt nạ người chết, các trang phục ma-cà-rồng… Thực tế, người Việt biến nhiều lễ hội mang sắc màu văn hóa ngoại quốc thành thú chơi thời thượng, hoặc vô thức chạy theo “hội chứng đám đông”, mà không lường được những di chứng của nó để lại.

Cần một “tấm lọc” văn hóa

Những năm gần đây, văn hóa ngoại vẫn không ngừng du nhập vào nước ta từ nhiều con đường khác nhau. Trong hệ thống các kênh truyền hình, điều dễ nhận thấy là những kênh phim nước ngoài chiếm vị trí áp đảo. Việc xuất bản sách cũng có vấn đề, với mục tiêu câu khách nên nhiều sách cho thanh thiếu niên có dấu hiệu bạo lực, ma quái, ít chất nhân văn.

Cần một “tấm lọc” văn hóa thời hội nhập - 3

Truyện “Ngôn tình”

Đặc biệt  trên không gian mạng xuất hiện các truyện “Ngôn tình”, “Đam mỹ”, phim bạo lực, khiêu dâm… dẫn dụ những thanh niên thiếu hiểu biết rơi vào mộng ảo hoặc kích thích những bản năng tầm thường, xa rời thực tế cuộc sống lao động và học tập…Hay hiện tượng “nhái nhạc” bằng cách viết lời Việt dựa trên nền nhạc các bài hát nổi tiếng của nước ngoài, thậm chí nhiều bài hát với ca từ ngô nghê tầm thường, dung tục, tạo ra những ca khúc lai căng, thiếu bản sắc dân tộc…

Trước thách thức mang tính xu thế toàn cầu trong bối cảnh công nghệ số thời kỳ 4.0 phát triển mạnh mẽ, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa là: ứng xử với những luồng văn hóa ngoại lai như thế nào để đồng thời tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, và bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc?

Cần một “tấm lọc” văn hóa thời hội nhập - 4

Tổ chức ngày hội sách để gới thiệu tác phẩm cho học sinh tại THPT Lê Quý Đôn (hải Phòng)

Cần nhận thức sâu sắc rằng một đất nước có một nền văn hóa ngoại lai chính là tự đánh mất bản sắc văn hóa của chính mình. Đi xa hơn cần hiểu nó như cuộc chiến tranh “mềm” với sức mạnh đồng hóa dân tộc; một kiểu mất nước mà không phải bằng cuộc chiến tranh nhờ sức mạnh bom đạn.. Đây là một nhận thức cần được trang bị toàn dân. Muốn vậy, thiết tưởng rằng: mỗi nhà quản lý văn hóa cần phải thấu hiểu và yêu mến, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc, có chiến lược xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mặt khác cần có thái độ ứng xử .chủ động với văn hóa nước ngoài theo phương châm: tiếp thu là kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, tham gia vào môi trường văn hóa quốc tế, chúng ta “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Trước thách thức của sự giao lưu văn hóa thời kỳ mở cửa, chúng ta cũng cần có những cơ quan chuyên môn định hướng việc tiếp thu văn hóa nước ngoài, tạo ra những “tấm lọc” cần thiết để tránh sự xâm hại của văn hóa độc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.

Nguyễn Đình Minh

Tin liên quan

Tin mới nhất