Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.

Sau thời gian dành 4 năm đi thực tế sáng tác và cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” - tác phẩm đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác văn học về lực lượng Cảnh sát biển năm 2023 được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đặt hàng in ấn phát hành. Mới đây, nhà văn Trần Khánh Toàn, Hội Nhà văn Hà Nội lại ẵm giải B trong cuộc thi viết do Bộ Công an tổ chức với đề tài “Cảnh sát Cơ động - lá chắn bảo vệ bình yên cuộc sống”.

Là tác phẩm tham gia một cuộc thi viết trong thời gian chỉ có 3 tháng nhưng  tiểu thuyết “Vang mãi khúc quân hành” của nhà văn Trần Khánh Toàn mang sức nặng của thể loại tiểu thuyết lịch sử chứng tỏ anh đã dày công sưu tầm tư liệu và nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đối tượng của đề tài. Anh tâm sự “Trong gần 40 năm công tác trong ngành Công an, tôi đã có 20 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát Bảo vệ (nay đổi tên thành Cảnh sát Cơ động) và từng tham gia viết sử về lực lượng Cảnh sát Bảo vệ Thủ đô giai đọan 1974-1999. Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Cảnh sát Cơ động tôi cũng dành 3 năm nghiên cứu trên 6.000 trang tài liệu và hơn 50 video về những chiến công và thành tích của lực lượng Cảnh sát Cơ dộng với ý định viết một cuốn sách để tri ân những người đồng đội thì biết có cuộc thi viết nên tham gia dự thi luôn”.

Với kết cấu gồm 15 chương, nội dung của cuốn tiểu thuyết “Vang mãi khúc quân hành” xoay quanh số phận của các thành viên trong đại gia đình binh nghiệp gồm: ông Thanh và những người con, người cháu là các chiến sĩ Công an, Quân đội trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Họ là những người lính Công an nhân dân vũ trang bảo vệ nội địa (sau này chuyển đổi mô hình thành Cảnh sát Bảo vệ, Cảnh sát Cơ động) đã chiến đấu dũng cảm khi tiễu phỉ ở Đồng Văn, tham gia bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ (an ninh vũ trang miền Nam), họ cũng là những chiến sĩ dũng cảm tham gia hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên. Đồng thời, lớp hậu duệ của họ là những chiến sĩ Cảnh sát Cơ động ngày nay cũng dũng cảm, mưu trí trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, trong phòng chống lụt bão, dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ cứu nạn… vì cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân.             

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ - 1

Từ những câu chuyện xúc động trong công tác, chiến đấu và đời sống sinh hoạt của các chiến sĩ Cảnh sát Bảo vệ, Cảnh sát Cơ động các thời kỳ xen kẽ với các sự kiện có thật với nhiều tình tiết cam go, hấp dẫn đôi khi được hư cấu (tên nhân vật, địa danh), toàn bộ lịch sử, truyền thống và những khó khăn gian khổ trong công tác, chiến đấu cũng như các hoạt động phong phú của lực lượng Cảnh sát Cơ động được phản ánh một cách sinh động. Bước chân những người lính Cảnh sát Cơ động đã in dấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng núi biên cương xa xôi đến các vùng đồng bằng, thành thị, hễ nơi nào khó khăn gian khổ thì có những bước chân thầm lặng của họ đến chia sẻ nguy nan.

Những trang viết thấm đẫm nước mắt, những tình huống trớ trêu của lịch sử pha những nét trẻ trung, tươi mới của thế hệ hôm nay trong tiểu thuyết “Vang mãi khúc quân hành” đã cho ta thấy được hình ảnh những người lính Cảnh sát cơ động trung thành với Tổ quốc, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, kiên quyết trong  đấu tranh chống tội phạm, tận tụy trong công việc nhưng cũng không kém phần hồn nhiên trong sáng, gắn bó với đồng đội, ấm áp nghĩa tình với nhân dân.

Cách chọn không gian, thời gian và xây dựng tính cách nhân vật trong tiểu thuyết “Vang mãi khúc quân hành” khá đặc biệt thể hiện qua lối viết đan xen giữa quá khứ và hiện tại cùng thủ pháp hư cấu, so sánh, dẫn chuyện mà như không dẫn, giữa trực tiếp và gián tiếp, đôi khi sử dụng những lời thoại thay câu văn mô tả tâm lý nhân vật khiến cho câu chuyện không bị khiên cưỡng. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động như: Đoàn nghi lễ Công an nhân dân, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố và Trung đoàn Không quân Công an nhân dân cũng được lồng ghép giới thiệu một cách khéo léo, tài tình, tạo sự sinh động và cuốn hút.

Có thể nói “Vang mãi khúc quân hành” là bản anh hùng ca về lực lượng Cảnh sát Cơ động, một binh chủng đặc biệt của Công an nhân dân Việt Nam. Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát cơ động trung thành với Tổ quốc, vững vàng trước mọi thử thách sóng gió, dũng cảm ngoan cường bảo vệ sự bình yên cuộc sống và gắn bó máu thịt với nhân dân trong tác phẩm “Vang mãi khúc quân hành” cũng chính là quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát cơ động qua 50 năm thành lập.

Được biết, nhà văn Trần Khánh Toàn đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết “Thao thức phía hoàng hôn” viết về lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội ta ở châu Phi. Đó cũng là một đề tài chưa từng có ai khám phá. Hy vọng độ chín và sức sáng tạo của nhà văn Trần Khánh Toàn sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thú vị, mới mẻ trong mảng văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” trong giai đoạn mới.

Viết để tri ân đồng đội nên có lúc tôi giam mình trong phòng, viết như “lên đồng”, nửa đêm vẫn “khóc, cười” cùng nhân vật – Nhà văn Trần Khánh Toàn

Lộc Hà

Các chú bộ đội ở nhà tôi
Các chú bộ đội ở nhà tôi

Chú bộ đội tên là Quang ở nhà tôi viết chữ rất đẹp, hay giúp đỡ tôi. Chú đóng vở học giúp tôi và ở trang đầu mỗi...

Tin liên quan

Tin mới nhất