Chiến lược phát triển và những tụt hậu cần nhận biết để bứt phá

Hội nghị lần thứ VI Khoá XIII, Ban chấp hành Trung ương cơ bản hoàn thành những nội dung có tầm chiến lược để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có vấn đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Quy hoạch này đưa ra những chỉ tiêu chủ yếu, tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và trục Đông-Tây. Mục tiêu là “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao”.

Chiến lược phát triển và những tụt hậu cần nhận biết để bứt phá - 1

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ VI Khoá XIII.

Những quyết sách mang tầm chiến lược

Theo Chiến lược đó, mục tiêu về kinh tế, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm, GDP đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 30-35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm; giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm.

Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 35-40%, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống chỉ còn 20%. Về môi trường, tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, tỉ lệ xử lí và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%, giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính,v.v…

Để đạt các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội trên đây, trước hết tập trung quyết liệt vào 3 khâu đột phá chiến lược: Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lí và các lĩnh vực then chốt; Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hôi số.

Rất lạc quan nhưng cần nhận rõ thực trạng…

Theo nhận định của một số tổ chức quốc tế và ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022 Việt Nam là quốc gia sẽ đạt tăng trưởng 7,5-8% (GDP) và tỉ lệ lạm phát vào loại thấp nhất, du lịch cũng tăng trưởng nhất trong các quốc gia (50-75%). Trong đại dịch COVID-19 Việt Nam là quốc gia duy nhất khối ASEAN thăng hạng,v.v…

Chiến lược phát triển và những tụt hậu cần nhận biết để bứt phá - 2

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nước ta GDP năm 2021 mới đạt 352 tỉ USD, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Nếu GDP tăng 7,5% thì năm nay đạt 354,64 tỉ USD, song lạm phát khoảng 4% nên cũng chỉ còn 353,408 tỉ USD so với năm 2021. Mặt khác, tính theo bình quân đầu người thì so với một số nước ASEAN và khu vực châu Á còn thấp.

Để quốc gia khởi nghiệp thắng lợi, đạt những mục tiêu, chỉ tiêu Đảng đề ra, Nhà nước kiến tạo phải bứt phá, đất nước phải cất cánh để đẩy lùi “nguy cơ tụt hậu” mà Nghị quyết Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kì khoá VII (năm1994) đã xác định là một trong 4 nguy cơ. Trên thực tế, đầu những năm 60 thế kỉ trước, các quốc gia, vùng lành thổ Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan về kinh tế-xã hội giống nước ta.

Vậy mà ngày nay họ có nền kinh tế phát triển gấp chúng ta nhiều lần, thậm chí hàng chục lần như các “con rồng” Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan). Đương nhiên, chúng ta bị chiến tranh kìm hãm nhưng chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, trong khi tiềm năng, lợi thế về địa lí, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lực lao động, truyền thống dân tộc,v.v…hơn hẳn nhiều nước.

Con người Việt  Nam không kém nhiều dân tộc trong khu vực và thế giớí về cần cù lao động, tài năng, trí thông minh nhưng năng suất lao động rất thấp. Năng suất lao động thấp do trình độ học vấn thấp (61,2% lao động mới tổt nghiệp THCS), chỉ có 38.8% lao động tốt nghiệp THPT, người có tay nghề. Năng suất lao động thấp còn do trình độ quản lí và khả năng cơ giới hoá.

Nước ta có hàng trăm nghìn lao động ở nước ngoài song đa phần chỉ là những người làm thuê ít người làm quản lí, chuyên gia cho nước họ. Trong khi đó người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đến Việt Nam chỉ làm chuyên gia và quản trị doanh nghiệp. Cho nên, việc nâng cao kĩ năng, năng lực cho người lao động, tạo cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu là vấn đề cấp bách, đòi hỏi những đột phá trong hệ thống nguồn nhân lực hiện nay.

Nghị quyết trước đây của Đảng ghi rõ, phấn đấu trở thành nước công nghiệp vào năm 2000. Song, cho đến nay nước ta vẫn chưa đạt mục tiêu đó. Nhìn tổng thể, tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp chưa thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng công nghiệp trong GDP thay đổi không lớn. Các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so vớí mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó 76% thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 60-70 thế kỉ trước, 75% đã hết khấu hao, 50% thiết bị tân trang lại.

Trong cơ cấu giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm hơn 60%. Tỉ trọng công nghệ cao trong các doanh nghiệp Nhà nước ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng. Tỉ lệ đổi mới thiết bị, máy móc hàng năm chỉ đạt 10% trong khi các nước tỉ lệ này 15-20% trở lên. Đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 0,5% (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc tới 10%). Trình độ cơ khí lạc hậu so với các nước 2-3 thế hệ. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ mới đạt 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm linh kiện, chi tiết đơn giản, giá trị thấp. Bởi vậy, doanh nghiệp nước ta chủ yếu làm gia công, lắp ráp, chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.

Nông nghiệp, nông đân, nông thôn nước ta có bước chuyển rất tích cực. Diện mạo nông thôn thay đổi nhanh, nhiều địa phương hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đang đi lên nông thôn mới nâng cao. Cùng với Ấn Độ, Thái Lan, nước ta là cường quốc về sản xuất lúa gạo, hàng năm đứng nhất, nhì về xuất khẩu gạo (trên 6 tiệu tấn/năm), xuất khẩu nông-lâm-thuỷ sản chiếm 15-20 % trong tổng hàng hoá xuất khẩu (năm 2021 xuất khẩu hàng hoá đạt 336,31 tỉ USD, riêng nông, lâm thuỷ sản đạt 48,6 tỉ USD).

Tuy nhiên, số ngoại tệ thu về từ xuất khẩu gạo không đủ nhập khẩu ngô, đậu tương để chế biến thức ăn chăn nuôi (năm 2020 xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trị giá 3,2 tỉ USD nhưng nhập khẩu hơn 10 triệu tấn ngô, đậu tương. 7 tháng đầu năm 2022 nhập ngô, đậu tương trị giá hơn 2,7 tỉ USD). Theo các nhà kinh tế, việc nhập khẩu ngô, đậu tương có lợi, rẻ hơn sản xuất trong nước do nông dân canh tác manh mún, năng suất thấp, thu mua khó khăn. Nước ta chưa có những cánh đồng diện tích vài nghìn ha để thực hiện cơ giới hoá, giống cây trồng chưa tốt nên rất hạn chế về năng suất, sản lượng.

Từ đó, Đại hội XIII của Đảng chủ tương: Sản xuất hàng hoá, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống nông dân,v.v…

Đến năm 2050 Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Một vấn đề nữa là giá trị tiền Việt Nam. Do hậu quả của lạm phát “siêu tốc” cuối những năm 80 thế kỉ trước dẫn đến giá trị VNĐ tụt dốc triền miên, đến nay đồng tiền của ta giá trị vào loại thấp trên thế giới.

Có một nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, có tổ chức. Dẫu có nỗ lực, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc thì tham nhũng vẫn là căn bệnh trầm kha, một nguy cơ sự tồn vong của chế độ, gây hậu quả vô cùng nặng nề cho kinh tế, xã hội, tha hoá đạo đức con người, làm nghèo đất nước. Còn tham nhũng còn nguy cơ tụt hậu.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất