Lời nói dối cần thiết

Thế hệ chúng tôi và rất nhiều người trẻ hơn hầu như không ai không biết, thuộc lòng bài thơ “Bầm ơi!” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu. Bởi đây là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thơ ca của ông. Còn bởi vì thời chúng tôi học phổ thông, bài thơ này được đưa vào sách giáo khoa. Chúng tôi đã được thầy giáo yêu cầu học thuộc lòng. Vì bài thơ rất hay nên chúng tôi đã thuộc một cách dễ dàng. Và bài thơ đã đi theo tôi cho đến tận hôm nay qua hơn nửa thế kỷ.

Lời nói dối cần thiết - 1

Tranh minh họa bài thơ "Bầm ơi!" của Tố Hữu trong sách giáo khoa.

Bài thơ rất quen biết là thế nhưng không mấy người đã biết rõ sự ra đời. Tác giả sáng tác ở đâu, thời gian nào, trong hoàn cảnh ra sao? “Bầm ơi!” có xuất xứ thật đặc biệt, độc đáo, ai biết rõ cũng thấy thú vị, bởi được ra đời từ một lời… nói dối, một cú…“lừa ngoạn mục”. Nhưng cú “lừa” này lại xuất phát từ lòng thương cảm, nhân hậu, đậm tính nhân văn của tác giả và các đồng nghiệp. Số là…

Những năm 1947-1948, trên đường lên Việt Bắc, một số văn nghệ sĩ lúc đó đã dừng chân rồi trụ lại một thời gian ở xóm Cây Gạo, thôn Gia Điền, xã Hùng Cường, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Đây là một vùng rừng núi khá hẻo lánh. Nhóm văn nghệ sĩ là những tên tuổi quen biết: Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Kim Lân. Nơi đây cũng là địa điểm diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng tại đây, số báo Văn nghệ kháng chiến đầu tiên được xuất bản.

Nhóm văn nghệ sĩ ở nhờ nhà bà Nguyễn Thị Gái tại địa điểm nói trên (xóm Cây Gạo). Bà đã già, có đứa con trai là chiến sĩ vệ quốc, tòng quân lúc nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp (cuối năm 1946). Bà sống một mình, đã xuống ở gian bếp để nhường nhà trên rộng rãi cho nhóm văn nghệ sĩ tá túc. Các nhà văn, nhà thơ vừa cảm kích, biết ơn, lại rất thương bà cứ vò võ một mình, sống âm thầm, lặng lẽ.

Rồi đêm nào họ cũng nghe tiếng bà khóc thút thít. Hỏi thăm, họ được biết bà vô cùng nhớ và lo cho đứa con trai đi bộ đội đã được hơn một năm mà biệt vô âm tín, chẳng biết sống chết thế nào. Các khách quý rất thương bà, chỉ biết động viên và nói hoàn cảnh kháng chiến khó có thể liên lạc thư từ. Rồi mọi người nghĩ ra một kế: Sẽ vào vai người con trai của bà gửi thư về cho mẹ, nhưng viết bằng thơ lục bát là thể thơ dân tộc quen thuộc, ai cũng dễ làm được. Công việc được trao cho Tố Hữu.

Ở vùng Phú Thọ, mọi người không gọi người cao tuổi là “cụ” như dưới xuôi mà thay vì là “bủ” và con gọi mẹ là “bầm” chứ không “mẹ”, “u” như các nơi khác. Và Tố Hữu đã nhanh chóng hoàn thành bài thơ chỉ trong một đêm. Ông đã nhập vào vai chàng bộ đội là con trai của bà Gái viết bài thơ gửi về cho bầm nhắn gửi tình thương yêu, nhớ mong, dặn bầm hãy yên tâm ở nhà chờ mình trở về sau ngày kháng hiến thắng lợi, sẽ lại “sớm hôm cùng bầm”.

Lúc đầu, Tố Hữu đặt tên bài thơ là “Thư gửi mẹ”. Nhưng Xuân Diệu góp ý là ở Phú Thọ, con gọi mẹ là “bầm” chứ không “mẹ” và sửa tên bài là lời gọi của đứa con: “Bầm ơi!”. Ai cũng tán thành lời góp này. Và bài thơ thật xúc động với lời lẽ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, gần với ca dao, rất phù hợp với tình cảm và suy nghĩ của người con trai ở nơi tiền tuyến gửi thư về cho mẹ ruột của mình:

“Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm

Bầm ơi! Có rét không bầm

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn”…

Ngay ngày hôm sau, mọi người nói với bà Gái là có thư của con trai từ ngoài mặt trận gửi về. Vì bà không biết chữ nên họ đã đọc lá thư – là bài thơ - cho bà nghe. Bà như nuốt từng lời của “đứa con”. Mặt bà rạng rỡ nhưng những giọt nước mắt rơi ra, lăn trên đôi gò má nhăn nheo, xạm nắng. Bà nói với các nhà văn, thơ:

- Thằng Khải nhà tôi nó hiền và ngoan lắm. Bận đánh giặc mà lúc nào cũng nghĩ đến tôi. Lại còn viết thư về bằng thơ.

Rồi bà khoe nuôi sẵn lợn để khi nó về sẽ cưới vợ ngay cho nó. Bà luôn tin là kháng chiến sắp kết thúc mặc dù khi ấy vẫn đang ở giai đoạn cầm cự.

Ngày nào bà cũng nhờ anh em đọc lại “thư” của con gửi về cho mình nghe. Sau vài ngày thì bà thuộc lòng, đọc lại cho các vị khách nghe. Tố Hữu và mọi người cảm thấy hạnh phúc vì thấy bà rất vui, đêm đêm không còn khóc như trước nữa. Cứ có thời gian là bà lại kể chuyện con trai cho họ nghe.

Ở Gia Điền một thời gian, nhóm văn nghệ sĩ rời xóm Gốc Gạo lên chiến khu Việt Bắc. Cuộc chia tay với bà Gái diễn ra rất cảm động. Có bao nhiêu khoai và sắn, măng trong nhà, bà lấy ra tặng các văn nghệ sĩ. Các khách nói với bà là thể nào cũng sẽ gặp được con trai bà, sẽ kể lại những ngày đầy kỷ niệm này.

Rồi hoà bình lập lại (1954). Sau đó khá lâu, vào một ngày năm 1981, Tố Hữu thấy có người khách lạ là một đại tá quân đội tìm đến thăm mình tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Anh giới thiệu mình là Phùng Văn Khải - con trai bà Gái ở xóm Cây Gạo, Gia Điền ngày xưa. Lúc này, anh Khải đã thuộc lòng bài “Bầm ơi” từ lâu, vì ngay lúc còn chiến đấu, chưa hoà bình, anh đã thuộc vì bài thơ lan đi rất rộng, được nhiều người ưa thích và thuộc lòng. Khi ấy, anh không thể ngờ bài thơ lại liên quan đến mẹ mình như vậy.

Tố Hữu rất vui khi gặp anh Khải. Ông tặng lại đại tá  3m vải lụa là quà của Bác Hồ tặng ông khi Người chưa qua đời. Anh về đưa cho mẹ, nói của nhà thơ Tố Hữu tặng. Bà Gái sung sướng lắm, đã may áo. Chỉ những ngày vui, lễ, Tết bà mới lấy ra mặc và không quên dặn anh Khải nhớ mặc chiếc áo ấy khi bà nhắm mắt. Anh đã thực hiện đúng lời mẹ dặn khi bà qua đời.

Năm 1997, Tố Hữu trở lại Gia Điền, cho xây tại xóm Cây Gạo một bia lưu niệm để ghi nhớ nơi diễn ra Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất và ra đời Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Lúc này bà Gái đã qua đời được 10 năm (bà mất năm 1987).

Ngoài bài thơ “Bầm ơi”, tại ngôi nhà bà Gái cùng thời điểm đó (năm 1948), Tố Hữu còn sáng tác bài “Bà bủ” cũng rất hay, được nhiều người thuộc:

“Bà bủ nằm ổ chuối khô

Bà bủ không ngủ, bà lo bời bời…”

Bà bủ lo gì? Bà lo đứa con trai đi bộ đội không biết giờ đang ở đâu, ra sao vì không có tin tức gì. Ở nhà còn có lá chuối khô lót ổ cho ấm khi đông về, đứa con ngoài tiền tuyến nằm ngủ ra sao khi không thể có lá chuối lót ổ? Bà bủ trong bài thơ này cũng chính là bà Gái ở xóm Cây Gạo – người mẹ ngóng con đêm nào cũng khóc khiến Tố Hữu tạo nên lá thư bằng bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi!” như đã nói ở trên.

Lời nói dối cần thiết - 2

Nhà thơ Tố Hữu

Trước Tết năm 1976, tôi có dịp gặp nhà thơ Tố Hữu khi ông nhắn Đài Tiếng nói Việt Nam mời tôi đến để ông nói về sự ra đời bài thơ “Với Đảng, mùa xuân” với ý muốn tôi hiểu sâu sắc thêm tác phẩm để khi thể hiện trên làn sóng sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Xong việc chính, tôi đã hỏi Tố Hữu về sự ra đời hai bài thơ “Bầm ơi!” và “Bà bủ” vì trước đó, có nghe chuyện ông viết hai bài thơ này ở Gia Điền nhưng chưa biết thật cụ thể. Cũng vì địa phương này là nơi tôi theo cha mẹ tản cư hồi kháng chiến chống Pháp. Khi đó, tôi vừa ra đời.

Năm Tố Hữu sáng tác hai bài này ở nhà bà Gái, tôi mới hơn 1 tuổi, lẫm chẫm biết đi. Sau hoà bình (1954), tôi lại theo cha về Hà Nội nên khi ấy đã không biết gì về sự có mặt của nhà thơ tại mảnh đất mình tản cư đó. Tố Hữu đã kể lại việc ông viết nên hai bài thơ. Ông cho tôi biết có một câu trong bài “Bầm ơi” ông viết nguyên văn là “Giặc tan, con lại về luôn với bầm”. Không hiểu vì sao, do đâu, các bản in sau này đều bị sửa thành: “Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm”.

Tôi cũng nhớ rõ là hồi học phổ thông, đã thuộc “về luôn với bầm” chứ không phải “sớm hôm cùng bầm”. Tố Hữu nói: “Về luôn với bầm” diễn tả sự nóng lòng, luôn đau đáu nhớ mẹ của người con đang đánh giặc ngoài tiền tuyến. Và cách nói cũng giản dị như khẩu ngữ đời thường. Nhưng khi hoà bình lập lại, người con về gặp mẹ, nếu lại phải đi công tác, không luôn ở bên mẹ thì sao? Khả năng này là nhiều hơn. Vậy thì “sớm hôm cùng bầm” sẽ không chính xác.

Từ ý định sẽ nói dối “người mẹ chiến sĩ” đã ra đời một bài thơ hay. Tôi cho rằng đây là một trong những bài thơ hay nhất nói về mẹ từ trước đến nay. Nhưng không hiểu vì sao bây giờ đã không còn trong sách giáo khoa trường phổ thông mà thay vì là những bài thơ yếu kém, ít giá trị, không thể so được với “Bầm ơi!” Bà Gái, đại tá Khải con bà và các nhà văn, thơ tên tuổi nhắc tới ở trên đều đã qua đời nhưng “Bầm ơi” thì vẫn sống mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất