Lửa ấm giữa mùa đông

Sau dịch bệnh Covid-19, rồi bão lũ liên tiếp, năm 2020 đang dần khép lại bằng những đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Với nhiệt độ 10 - 13oC, vùng núi 7 - 10oC, vùng núi cao có nơi dưới 5oC, có nơi xảy ra băng giá, đường đến trường của học sinh một lần nữa lại đối diện với bao gian nan.

Ðể bảo đảm sức khỏe cho học sinh, những ngày qua, ngành GD-ĐT các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ đã kịp thời, chủ động nhiều biện pháp phòng tránh rét dựa trên tình hình cụ thể của từng địa phương. Đa số cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ, học sinh THCS nghỉ học khi thời tiết khắc nghiệt dưới 7 độ.

Lửa ấm giữa mùa đông - 1

Ảnh minh họa/INT

Ở Hòa Bình, trong những ngày rét đậm, rét hại, các trường chủ động điều chỉnh thời gian học buổi sáng muộn hơn so với thời gian quy định để tránh thời tiết giá rét vào lúc sáng sớm. Ở Lạng Sơn, đã có trên 50 trường mầm non và tiểu học cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ trung bình nhiều nơi chỉ từ 8 - 10 độ, thậm chí có nơi 0 - 2 độ. Nhiều trường ở Hà Nội cũng điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm, học sinh cũng không bị bắt buộc mặc đồng phục khi đến trường…

Cùng với những biện pháp trên, ngành GD-ĐT các địa phương còn chủ động sửa sang cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ chăn ấm; trang bị thêm đồ dùng sinh hoạt và tăng khẩu phần ăn cho học sinh. Thầy cô giáo ở các điểm trường xa không quản khó nhọc tăng cường nấu nước ấm, chăm bữa cơm, canh nóng cho trò. Đặc biệt, những nơi học tạm, học nhờ  đã được các địa phương nhanh chóng trang bị cửa chắn gió lùa nhưng vẫn đủ ánh sáng trong lớp. Các trường còn trang bị thuốc, vật dụng, thiết bị cần thiết để chăm sóc khi trò có dấu hiệu bị cảm lạnh, sốt, ho. Kế hoạch dạy bù, dạy từ xa cũng được chủ động để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, không để dạy dồn tiết hoặc rút ngắn chương trình.

Chủ động dốc toàn lực để chống rét, thực hiện kế hoạch dạy học, nhưng ở những nơi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế - nhất là vừa bị ảnh hưởng nặng nề trong các đợt bão lũ kéo dài vừa qua - không ít cơ sở giáo dục vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục không thể giải quyết hết được. Như ở ngay thị xã Sa Pa, dù cơ bản đáp ứng các điều kiện phòng, chống rét cho học sinh trong mùa đông nhưng địa phương này vẫn còn 7 điểm trường mầm non chưa có điện, nên việc chống rét, giữ ấm cho trẻ không như mong muốn.

Hay ở khu bán trú thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị đất vùi lấp, đến nay vẫn chưa thể khắc phục. 69 học sinh của trường phải đi ở nhờ nhà người thân hoặc người dân do trường liên hệ. Một phòng nội trú kiên cố, ấm áp vào mùa đông hãy còn là giấc mơ với nhiều học sinh. Đó là chưa kể giá rét nhiều nơi còn ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều gia đình, qua đợt nghỉ rét có thể  không ít học sinh sẽ nghỉ học. Con đường đưa trò trở lại trường của thầy cô vì thế sẽ khó khăn hơn…

Chia sẻ với học sinh và giáo viên vùng giá rét, song song với sự nỗ lực của ngành Giáo dục, hiện nhiều chương trình thiện nguyện cũng đã khởi động. Chăn, áo ấm, máy nước nóng lạnh, máy sưởi, thực phẩm… do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đang ngược lên các trường học vùng cao phía Bắc. Sự chủ động của ngành cùng những tấm lòng thiện nguyện đã và đang nhen lên những ngọn lửa ấm miền giá rét, cho đường đến trường của học sinh bớt gian nan… 

Theo Báo Giáo dục và thời đại

Nguồn giaoducthoidai.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.