Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; TS Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng - 1 Toàn cảnh Hội thảo

Dòng chảy mạnh mẽ, quan trọng hàng đầu

Trong lịch sử phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng văn học, nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định, dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài này vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ra mắt công chúng trong những năm qua và chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng văn học, nghệ thuật cho thấy: đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng - 2

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Thời gian qua, nền văn học nghệ thuật nước nhà đã có nhiều văn nghệ sỹ tiêu biểu như: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Thế Lữ, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Nguyễn Thế Đoàn… Nhiều người đã anh dũng hy sinh như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân…

Dù không còn giữ vị trí chủ đạo như trong giai đoạn 1945 - 1975, nhưng dòng văn học, nghệ thuật về đề tài trên vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà. Điều này góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, nhất là đối với thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc Việt Nam.

Văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, quá trình phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX đã gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc cùng những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã được phản ánh một cách đậm nét và sâu sắc. Hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc, những chiến công to lớn của lực lượng vũ trang, hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng đã trở thành nguồn cảm hướng vô tận cho việc sáng tác văn học, nghệ thuật. Người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân không những là hiện tượng sáng tạo trong văn học, nghệ thuật mà còn góp phần tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ cho cách mạng, phục vụ cho nhân dân.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng - 3

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong gần 80 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước ta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn văn nghệ sĩ các thế hệ đã đi vào thực tiễn cuộc sống, kháng chiến với nhân vật trung tâm là người chiến sĩ cách mạng; đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng đã được văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thật và sinh động, trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc và trí tuệ của thời đại.

Chặng đường 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào rằng, nền văn học Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời đại mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải "lĩnh ấn tiên phong", là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển.

Tại hội thảo, gần 130 tham luận của các đại biểu tham dự đã tập trung vào những nội dung như đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đồng thời, phân tích, đánh giá vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến. Đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng người chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ. Tham luận của các đại biểu cũng đi sâu vào đánh giá quá trình vận động và phát triển tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo, định hướng, khích lệ dòng văn học, nghệ thuật về đề tài này.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng - 4Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu chủ trì Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Tạp chí Tuyên giáo

Trong các tham luận được trình bày, rất nhiều đại biểu quan tâm đến mảng văn học về chiến tranh, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa… cũng đã có những tác phẩm hào hùng, sống mãi trong lòng công chúng.

Nhiều ý kiến băn khoăn làm sao để phát huy vai trò văn học, nghệ thuật về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới. Làm gì để có tác phẩm đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật về chủ đề này.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ tổng kết từ các tham luận đưa ra nhìn nhận rằng nhiều tác phẩm về đề tài này sau 1975 có sự thay đổi. Chẳng hạn việc khắc họa nhân vật thuộc lực lượng vũ trang cũng có khác. Con người lý tưởng hóa nhường chỗ cho con người đầy nhân văn, nhân bản với những trăn trở, suy tư, khát vọng và cả những toan tính, sai sót….

Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

Minh Quang (tổng hơp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Do những điều kiện lịch sử cụ thể, nhiều thập kỷ qua, dân tộc ta luôn có một số lượng không nhỏ – với các nguyên nhân khác nhau – đã đến sống và lập nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, được gọi chung là “Việt kiều”; trong đó, Việt kiều tại Pháp đã đóng vai trò đáng kể, góp phần vào thắng lợi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên con đường

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phát huy vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh. Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người được may mắn được sống trong hòa bình.