Nguyên nhân của thiên tai

Nói một cách tổng quát, với những dự án nhất thiết triển khai thì phải chịu tốn phí để tạo ra sự CÂN BẰNG MỚI khi chúng ta đã phá vỡ sự cân bằng mà tạo hóa đã thiết lập từ muôn đời.

Thời gian vừa qua ở cả hai miền đất nước liên tục xảy ra những vụ đồi núi, cầu đường sụt lở, bị chìm ngập trong bùn nước khiến nhiều người chết và gây ra thiệt hại về nhiều phương diện khác.

Gần đây, trong khi Hà Nội cháy chung cư mini làm nhiều người chết thì lũ ống ở Lào Cai cũng đã làm chết và mất tích gần 10 người. Một - hai tháng trước thì đường qua Bảo Lộc sạt lở, vùi chết 4 người; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngập sâu; Sóc Sơn cả chục ô tô bị vùi sau mưa, vùng núi phía Bắc lũ quét trôi nhà, hơn chục người thiệt mạng… Rồi vỡ đập khiến bùn quặng chứa nhiều chất độc ở Lào Cai tràn ngập vô số nhà dân và tỉnh Đắc Nông tuyên bố tình trạng khẩn cấp do nhiều vùng đất bị nứt, lún…

Nguyên nhân của thiên tai - 1

Mưa lũ đêm 12 và rạng sáng 13/9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại Lào Cai, có 9 người chết và mất tích, 5 người bị thương. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)

Để khỏi truy tìm “hung thủ” và truy cứu trách nhiệm, phải chăng cứ đổ tất cả mọi sự vì thiên tai là… gọn nhất. Như sau vụ ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, một vị quan chức đã nói đại ý “vì mưa to quá bất ngờ…”. Điều này có thể không sai, nhưng vấn đề quan trọng hơn là biết vì sao “mưa to bất ngờ” và phải có phương án đối phó thích hợp, ngay từ khâu thiết kế. Sau đo, trên báo điện tử VnEpress, Bộ Giao thông vận tải mới thông tin: đường ngập, do “chưa lường hết khi thiết kế cống…”.

Tôi từng lăn lộn trong ngành giao thông nhiều năm, nên đây là một chuyện quá dễ hiểu. Cao tốc như một con đập, lại muốn làm nhanh và nhiều lợi nhuận, không làm đủ cầu cống bảo đảm thoát nước tốt, phía thượng lưu thì rừng bị phá, nên ngập là tất nhiên. Cũng tất nhiên như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác, hễ mưa là ngập vì các nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, tận dụng từng mét vuông khi cắm dày đặc nhà cao tầng, còn chỗ nào để chứa nước? Đoạn đường sắt qua Quảng Trị - Huế mấy năm trước từng bị nước lũ cuốn trôi, sau phải mở rộng khẩu độ cống. Và điều quan trọng người thiết kế phải biết: mưa lũ hiện nay cường độ khác với những căn cứ tính toán trước đây rất nhiều, do trái đất bị con người khai thác một cách tàn bạo, tất phải tìm cách “trả thù”!…

Đó chỉ là một vài vụ “thiên tai”.

Thực ra, có thể nói hầu như toàn bộ các vụ thiên tai có nguyên nhân chính là “nhân tai”. Xin hãy đọc lại thông điệp từ video nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10/2021), Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã nhấn mạnh: “…Mất đa dạng sinh học, sự sụp đổ của hệ sinh thái và việc đô thị hóa nhanh chóng không có quy hoạch là những nguyên nhân liên quan đến nhau dẫn đến nguy cơ xảy ra những thảm họa thiên nhiên”. 

Cũng Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã phát biểu một cách hình tượng hóa - đó là “một mũi tên không có cơ hội quay ngược chiều”.

Nhà văn đoạt giải Nobel Mạc Ngôn cũng từng khẩn thiết báo động: “… Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển…”.

Với cấp độ báo động như vậy, chứng tỏ là “hành tinh xanh” nuôi dưỡng nhân loại từ ngàn đời đã quá sức chịu đựng trước sự khai thác không giới hạn của con người. Chỉ với cách nhìn, cách nghĩ của một kẻ dốt khoa học hoặc gọi là “người trần mắt thịt”, tôi đã lúc thảng thốt lo nhìn những tòa nhà cao tầng chi chít bên nhau, thầm lo không biết rồi lúc nào chúng sẽ “chìm”, sẽ “tụt" xuống khỏi vỏ trái đấthoặc làm lệch đường di chuyển khiến địa cầu đâm vào một hành tinh khác. Xin đừng tưởng nơi chúng ta ở “vững như bàn thạch” – kể cả những tỉ phủ, tổng thống… ngồi trong những căn phòng bọc thép hay dát vàng; trong vũ trụ bao la, trái đất mong manh không bằng quả bóng trên sân cỏ. Không phải ngẫu nhiên đang có những dự án di cư con người khỏi trái đất.  

Nguyên nhân của thiên tai - 2

Ảnh minh họa

Như thế, với cuộc chạy đua khai thác tàn bạo trên khắp hành tinh xanh - đến những con giun hiền lành sống ẩn dật dưới mặt đất và chỉ làm cho cây lá tươi tốt thêm cũng bị những kẻ hám tiền mang máy điện đến truy sát để bán cho ngoại bang – thì những thảm họa chắc chắn sẽ còn tiếp diển, nếu chúng ta không tỉnh ngộ trước cuộc chạy đua “tăng trưởng”, bất chấp hậu họa, miễn là có lời. Gần đây, một trang tin đã đưa: Mỹ phá 4 đập thủy điện… Đó là một thí dụ về sự “tỉnh ngộ”, biết tôn trọng dòng chảy tự nhiên của các dòng sông. Còn chúng ta thì sao? 

Mặc dù nhiều lãnh đạo nhà nước đề ra chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế tuy vậy thực hiện được điều đó không dễ, khi mục tiêu tăng trưởng vẫn là số một và địa phương nào cũng muốn vươn lên dẫn đầu. Nhưng trước mức độ thảm họa xảy ra ngày càng tăng, con người đã đến lúc phải tỉnh ngộ, thận trọng với những kế hoạch “tăng trưởng”. Phải kiên quyết gạt bỏ những dự án phá hoại môi trường tự nhiên mà mục đích chủ yếu chỉ làm giàu cho một số ít người chứ không phải cho toàn dân. Với những dự án vì lợi ích quốc gia thì phải biết lường trước sự phản ứng quyết liệt của thiên nhiên - môi trường để có phương án đối phó thích hợp - dễ hiểu nhất là phải chịu tốn tiền làm cầu cống khẩu độ lớn, bảo đảm thoát nước tốt nhất, như ở cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. 

Nói một cách tổng quát, với những dự án nhất thiết triển khai thì phải chịu tốn phí để tạo ra sự CÂN BẰNG MỚI khi chúng ta đã phá vỡ sự cân bằng mà tạo hóa đã thiết lập từ muôn đời. Nhận thức này không chỉ phải “quán triệt” đối với những dự án lớn mà cần giải thích cho mọi người, nhất là với dân cư ở vùng núi để khi xẻ chân đồi núi làm nhà hay mở lối đi, nếu không đủ tiền xây tường chắn thì nhất thiết phải bảo đảm vách đồi núi mới tạo ra có độ thoải (từ chuyên môn gọi là “taluy”) thích hợp với từng loại đất để tránh bị sụt lở. Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra sau mưa lũ ở miền núi chính là vì người dân không được nhắc nhở điều này...

Nói như thế cũng có nghĩa là chúng ta không “bó tay” trước những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Nhưng có thật nhiều điều đang bày ra trước mắt chúng ta là “bức thiết” không? Ví như các tiểu thư, phu nhân các đại gia có cả trăm đôi dép và áo dài, các đại quan đến đâu là phải tìm khách sạn đặc biệt, giá tiền có khi bằng trăm lương tháng của công nhân (trong khi dù Ngài to béo cỡ nào cũng chỉ cần cái giường dài 2 mét, rộng 1,4 mét là đủ trăn trở và “công tác”, thêm cái ti vi, tủ lạnh là sống thoải mái rồi!); lại còn những bộ sa lông, sập gụ chỉ để khoe gỗ quý và dày cộp, những bữa tiệc thừa mứa, những công sở, khu chung cư biệt thự bỏ hoang mà báo chí đã bêu dương gần đây là nhu cầu “bức thiết” chăng? Chúng ta không học theo các nhà tu khổ hạnh, nhưng kiểu sống chạy đua hưởng thụ tất yếu phải “ăn” vào tài nguyên thiên nhiên, tác hại đến môi trường-sinh thái. Do vậy, thay đổi cách sống, quan niệm sống cũng sẽ góp phần giảm thiểu thảm họa vì bị thiên nhiên “trả thù”! 

Nguyễn Khắc Phê

Chuyện chép trên cao nguyên đá
Chuyện chép trên cao nguyên đá

Đoàn xe của Hội Nhà văn Hà Nội rời Quốc lộ 2 ở cây số 0 trung tâm thành phố Hà Giang để đi tiếp vào con đường độc...

Tin liên quan

Tin mới nhất