Nhìn từ văn hóa Pháp – văn hóa là nền tảng của xã hội

Nhân dịp cuối tháng 8 năm 2022 này, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, tổ chức kỷ niệm 60 năm Khoa tiếng Pháp lại nhớ cuối năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tâm sự với thầy Đoàn Nồng khi ấy là Hiệu phó trường Chu Văn An, Hà Nội: “Gần một thế kỷ đô hộ, thực dân Pháp đã cướp đi của ta biết bao tài nguyên quý giá. Vậy chẳng lẽ chúng ta không giữ lại của họ được cái gì, kể cả tiếng nói của họ hay sao?”. Vậy văn hóa Pháp có gì mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy muốn ta học hỏi?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gợi ý mọi người suy nghĩ, tổ chức cho thanh thiếu niên Việt Nam học tiếng Pháp, một nhu cầu ngoại giao, kinh tế và văn hóa bằng ngôn ngữ này đã hiện hình. Ít lâu sau, Bộ Giáo dục đã tổ chức một cuộc gặp gỡ, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chủ trì, trao đổi vấn đề mà Thủ tướng đặt ra.

Hiện diện trong cuộc gặp gỡ ấy là giáo sư Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội bấy giờ, thầy giáo – thi sỹ Vũ Đình Liên, cán bộ giảng dạy văn học ở Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Đoàn Nồng, một người am tường tiếng Pháp hàng đầu thời ấy.

Sau đó, quyết định thành lập Khoa tiếng Pháp, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký đã được ban hành. Tháng 9 năm 1962, những sinh viên khoa tiếng Pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được triệu tập về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nhập học. Thầy Vũ Đình Liên được cử làm trưởng khoa.

Vượt qua nhiều khó khăn thuở ban đầu, Khóa I đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ. Khoa Pháp cứ thế phát triển, đào tạo và cung cấp hàng nghìn cử nhân cho mọi lĩnh vực xã hội, góp phần cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Những bạn trẻ dùng tiếng Pháp đã và đang cống hiến đắc lực cho tiến trình giao lưu văn hóa hiệu quả giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp, cộng đồng Pháp ngữ, cho việc hiểu biết và tương giao ngày càng mãn ý giữa nước ta và các quốc gia toàn cầu…

Xin trân trọng giới thiệu bài viết sau đây, như một tâm sự xúc động về vai trò của văn hóa, qua những kỷ niệm, những câu chuyện, những sự kiện, những nhân vật… đáng trân trọng, chủ yếu là chuyện Pháp, người Pháp…

                                                                 * 

Cộng hòa Pháp có thể được xem như biểu tượng hoàn mỹ nhất của văn minh nhân loại, hiểu theo nghĩa mọi thành viên của cộng đồng đều nghiêm chỉnh gìn giữ cái riêng và tự nguyện tôn trọng cái khác biệt của đồng loại. Sự bao dung đó là lý tưởng của cộng đồng Pháp ngữ mà Pháp là một chủ lực khởi xướng và kiến tạo.

Nhìn từ văn hóa Pháp – văn hóa là nền tảng của xã hội - 1

Tháp Eiffel - Biểu tượng của nước Pháp

Lý tưởng ấy là nền tảng của sự chung sống tất yếu trong những mối ràng buộc mà mọi ý đồ “chơi trội” hay “khôn lỏi” đều tác động tiêu cực tới quá trình phát triển chung cần lành mạnh và cần coi lợi ích tập thể là tối thượng. Việc càng ngày càng nhiều quốc gia nhìn nhận được vai trò cốt tử của bao dung đối với sự tồn vong và đi lên của nhân loại cho thấy rõ ràng rằng văn hóa là động lực của phát triển.

Văn hóa Pháp bền bỉ phấn đấu suốt bao nhiêu năm cho sự thắng thế của lòng bao dung, sự phấn đấu đồng bộ và toàn diện, khiến chúng ta vừa khâm phục tự hào vừa lạc quan bất tận vào nền văn hóa ấy nói riêng và vào lương tri và lương tâm con người nói chung.

Không nền văn hóa nào lan tỏa sâu rộng hầu khắp hành tinh chúng ta như văn hóa Pháp. Sở dĩ như vậy, trước hết là nhờ tiếng Pháp. Các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc vẫn dùng tiếng Pháp như một ngôn ngữ làm việc quan trọng. Nếu tiếng Anh chủ yếu là ngôn ngữ thương mại, thì tiếng Pháp là ngôn ngữ ngoại giao và văn hóa. Có lẽ tiếng Pháp, từng một thời được giới quý tộc châu Âu sử dụng để phân biệt với ngôn ngữ dân thường, là ngôn ngữ đẹp.

Từ hai đặc điểm ưu việt vừa nêu, nhà văn Pháp Maurice Druon (1918-2009) đã phát biểu cô đúc và cực kỳ thuyết phục rằng “Ngôn ngữ là tâm hồn của mỗi dân tộc: ai đánh mất ngôn ngữ là đánh mất tâm hồn mình”. Sức lôi cuốn của tiếng Pháp do đó không hề suy giảm. Cộng đồng Pháp ngữ có chừng 220 triệu người ở 71 nước và vùng lãnh thổ nói tiếng mẹ đẻ của Honoré de Balzac hay Victor Hugo.

Cộng hòa Pháp hiện đang đưa văn minh Pháp tới hầu hết các khu vực trên thế giới, thông qua 857 trung tâm văn hóa Pháp tại 135 quốc gia trên toàn cầu. Các trung tấm văn hóa Pháp thường xuyên thu hút không dưới nửa triệu bạn trẻ sở tại theo học tiếng Pháp. Vẻ đẹp kỳ lạ của tiếng Pháp, tức của văn minh Pháp, khiến cho nó và quê hương của nó trờ thành thánh đường mà bất kỳ nghệ sỹ hay người dân nào cũng mơ ước được đặt chân tới chí ít một lần trong đời.

Từ đầu những năm 1990, Cộng hòa Pháp chiếm vị trí số một thế giới về số lượng bình quân hàng năm du khách nước ngoài. Số đó tăng thật nhanh trong vòng một thập kỷ.

Lý do quan trọng nhất của sức hấp dẫn của Cộng hòa Pháp đối với mọi người là văn hóa, thứ nhất, lịch sử văn hóa vừa sinh động vừa đầy rẫy bất ngờ. Thứ hai, cư xử văn hóa, qua đó, con người được tôn trọng và khẳng định. Thứ ba, lạc quan từ văn hóa, yếu tố căn bản phân biệt vũ trụ động vật và vũ trụ con người.

Trong bối cảnh chung trên hành tinh, văn hóa bị núp bóng trăm hình ngàn vẻ để trục lợi, văn hóa Pháp đích thực vẫn đứng vững. Du khách nước ngoài đến Pháp để được chiêm ngưỡng những di tích hay di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn, không có dấu tích của việc làm mới hay hiện đại hóa, thời sự hóa một cách rẻ tiền, từ đó, cảm nhận được quá khứ của nhân loại, một đi không trở lại…

Một cây cầu, nghĩa địa, một cánh rừng, một pháo đài, một núi đá, một tu viện, một chợ đen…, tất cả xưa sao giờ vẫn vậy, tất cả gợi lên không khí có một không hai, tất cả tự trò chuyện với người tới thăm, về những khát vọng sâu xa và da diết, về những tâm tình không dễ diễn đạt thành lời. Người hôm nay cảm thấy được người xưa trọng thị, còn minh, tri ân người xưa bao nhiêu cũng không đủ. Cả xưa lẫn nay chỉ quan tâm tới việc làm sao con người văn minh hơn, cách xa muông thú càng nhiều càng tốt. Không hề thấy bóng dáng của hợm hĩnh, của chăm chăm quy tất thảy thành tiền…

Bên cạnh Disneyland, Paris mỗi năm đón khoảng 14 triệu khách, cánh rừng Fontainebleau 13 triệu, hay Bảo tàng Le Louvre 9 triệu, Tháp Eiffel hơn 7 triệu, ngôi làng nhỏ Roqueville ở Haut-Rhin; núi đá Monte-Carlo, nghĩa trang Mỹ ở Colleville… cũng hút về mình vài triệu khách ngoại quốc không ngại đường xa, tốn kém và vất vả.

Thành phố Paris, “thủ đô văn hóa toàn cầu”, mỗi năm “mở cửa” cho trên dưới 30 triệu người từ mọi chân trời. Hầu như văn nghệ sỹ thực thụ hay tiềm năng nào, dù ở đâu trên trái đất, đều coi Cộng hòa Pháp là quê hương thứ hai của họ, ít nhất cũng về tinh thần. Có điều kiện, họ đều đến sống và làm việc tại Pháp.

Từ quan hệ nồng đượm lạ thường và phức tạp đáng kinh ngạc với tiếng Pháp và đất nước Pháp, kỹ sư Thụy Điển Alfred Nobel (1833-1896) đã phấn đấu trở thành một trong những trí tuệ và lương tâm vĩ đại nhất của nhân loại, với những giải thưởng mang tên ông. Những giải Nobel đều đặn trao hàng năm luôn luôn nhắc nhở không chỉ các nhà khoa học về thảm họa lạm dụng lòng tốt, lạm dụng các sáng tạo vì hạnh phúc của con người.

Thật khó hình dung, nếu không đến Pháp, Frédéric Chopin (1810-1849) người Ba Lan, có thể tồn tại và để lại cho muôn đời một tiếng lòng yêu nước thiết tha đến vậy. Vincent Van Gogh (1853-1890) người Hà Lan, nhờ đất và người nước Pháp, trở thành một trong vài họa sỹ vĩ đại nhất lịch sử. Tương tự là “ông khổng lồ” Pablo Picasso (1881-1973).

Trong điện ảnh, chẳng hạn, Roman Polanski người Ba Lan sinh năm 1933 và Michel Hazanavicius, gốc Lituania, sinh năm 1967 từng lăn lộn làm phim ở Ba Lan, Anh quốc và Hoa Kỳ, cuối cùng, Polanski chọn Pháp làm bến đỗ. Ở đây, ông thực hiện được tác phẩm “Nghệ sỹ dương cầm” (The Pianist), Cành cọ vàng 2002, một kiệt tác đáng nể.

Từ năm 1920, ông bà nội Hazanavicius được Cộng hòa Pháp cưu mang, khi họ rời bỏ tổ quốc quê hương đang quá nhiều bất ổn. Hai nền văn hóa đã âm thầm tác động tới tâm hồn cậu bé Michel Hazanavicius, kết tụ thành phim  “Nghệ sĩ’ (The Artis) giành giải Oscar cho phim hay nhất năm 2012, qua đó, sứ mệnh của nghệ sỹ nói riêng, của các nhà văn hóa nói chung, không phân biệt biên giới lãnh thổ, chính kiến, tôn giáo và sắc tộc, được nhấn mạnh, là vì an bình và hạnh phúc của mọi người trên thế gian, cũng không bị phân cách bởi bất kỳ lằn ranh nào như đối với các nghệ sỹ.

Không có văn hóa Pháp, điện ảnh Pháp, không có Liên hoan phim Cannes, chắc chắn không có Michael Haneke (người Áo, sinh năm 1942) ngày hôm nay, với “Tình yêu” (Amour), “Cành cọ văng” 2012, Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất 2013, bản tụng ca xúc động tình yêu đôi lứa và sức sống kỳ diệu của nhân dân lao động…

Văn nhân thế giới quy tụ về Pháp nhiều hơn nghệ sỹ các loại hình nghệ thuật khác. Với họ, tiếng Pháp và nước Pháp là cái cửa rợn ngợp nhưng ẩn chứa phép màu kỳ ảo, mà họ nhất thiết phải qua để đi vào nhân loại, được ghi nhận và bất tử.

Khuyến thiện không gì hơn văn hóa, hay nói cho cùng, nhất thiết phải bằng văn hóa. Văn hóa đây dĩ nhiên phải vì số đông, phải do số đông xây dựng và thụ hưởng. Người lao động là nhân vật trung tâm của thế giới, là chủ nhân của văn hóa. Chân lý này thể hiện rõ nét trong văn hóa Pháp. Không bỗng dưng, người Pháp khởi xướng hầu hết những sự kiện văn hóa và thể thao chủ chốt trên toàn cầu.

Nhà sư phạm Pierre de Coubertin (1863-1937) phục hồi Thế vận hội sau hơn 1600 năm tê liệt. Nhà báo Géo Lefevre (1877-1961) đề xuất cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (bắt đầu từ năm 1903), hiện được cả hành tinh đón chờ và theo dõi. Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup, từ 1930) thì do một nhà báo mê bóng đá kiên trì vận động tạo dựng, ấy là Robert Guérin (1876-1952).

Nhìn từ văn hóa Pháp – văn hóa là nền tảng của xã hội - 2

Robert Guérin, người khởi xướng Giải vô địch bóng đá thế giới.

Ngày hội âm nhạc (từ 1982) đang lan ra toàn cầu, hiện đã có 110 nước tham gia, thì do bộ trưởng văn hóa bấy giờ Jack Lang, sinh năm 1939, khai sinh và hết mình “dưỡng dục”. Từ 1995, một lễ hội âm nhạc đặc biệt ra đời do công của René Martin, sinh năm 1950, một nhạc sỹ kiêm nhà hoạt động âm nhạc cự phách. Mang tên Những ngày Nantes điên rồ.

Tiếp đó, từ 1999, mùa xuân của các nhà thơ đang được nhiều quốc gia hưởng ứng nhiệt liệt. Nó được “khởi động” bởi ngài Jack Lang nói trên và Emmanuel Hoog. Triển vọng không kém là Ngày hội điện ảnh hay Đêm trắng Paris…

Ấy là chưa kể Nghệ thuật thứ bảy, nghệ thuật đại chúng nhất hiện nay, thực sự do Louis LePrince (1841-1890) phát minh ra năm 1888 và đến 1895, được anh em nhà Lumière, Auguste Lumière (1882-1954) và Louis Lumière (1884- 1948) chính thức đưa vào đời sống nhân loại. Từ bấy, điện ảnh Pháp vẫn trung thành với sứ mệnh đích thực là cổ vũ tính hướng thiện của con người. Nó hạn chế tối đa và hạn chế được tính thương mại đang hoành hành ở nhiều nền điện ảnh khác, chủ yếu là điện ảnh Mỹ.

Văn hóa đại chúng Pháp vậy là bao giờ cũng đúng mực, coi niềm vui và ý nguyện của người thưởng thức là cốt lõi. Nó không lao vào lam tiền cho số ít, dưới những mỹ từ mỗi ngày một trống rỗng. Nguy cơ lợi dụng văn hóa, nhất là văn hóa đại chúng đã được nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) cảnh tỉnh từ năm 1943 một cách chuẩn xác đáng giật mình. Trong một bức thư gửi một viên tướng, ông lo lắng về một tương lai đáng sợ, ở đó, không ít người hoặc có thể nói là số đông, biến thành những cỗ máy vô cảm, số khác, ít hơn nhiều, thường tự xưng là tinh hoa, là những con mối nhằm vào những gì là tinh túy nhất mà đục khoét.

Văn hóa Pháp coi trọng tính hướng ngoại. Hướng ngoại không phải để khoe khoang hay kiếm lợi, mà chính yếu là để góp phần hòa giải, hòa hợp và thúc đẩy cộng đồng nhân loại hoạt động hợp lý, phù hợp tối cao với khát vọng cơ bản của đông đảo dân thường. Một ví dụ hướng ngoại tiêu biểu của quá khứ là việc năm 1886, nhân dân Pháp tặng nhân dân Hoa Kỳ tượng thần Tự do, hiện vẫn tọa lạc ở New York, đó là công trình của Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904), kiến trúc sư Pháp lỗi lạc.

Một ví dụ hôm nay, đó là Liên hoan phim Cannes, về cơ bản vinh danh chính xác và kịp thời những thành tựu điện ảnh của bất kỳ xứ sở nào. Cannes cũng đồng thời tượng trưng cho sự đồng tâm hiệp lực của hai nền điện ảnh lớn nhất thế giới, Pháp và Mỹ, nhằm giữ cho Nghệ thuật thứ bảy toàn cầu không sa đà vào vô vàn cái bẫy chuyên “chế tạo những người – máy và người - mối” như Antoine de Saint-Exupéry, cha đẻ của “Hoàng tử nhỏ” thấp thỏm.

Nhìn từ văn hóa Pháp – văn hóa là nền tảng của xã hội - 3

Liên hoan phim Cannes 2022.

Văn học Pháp có lẽ vẫn là nền văn học tiên phong, và được kỳ vọng bậc nhất trên văn đàn nhân loại, vì biết đi vững chãi trên hai chân hướng nội và hướng ngoại. Một số tác giả đương thời đang nỗ lực kế tục xứng đáng những nhà cổ điển không chỉ của văn học Pháp. Những cây bút hàng đầu hôm nay vẫn đi theo định hướng mà văn học cổ điển Pháp vạch ra: phụng sự số đông, bởi lẽ chính những con người này kiến tạo và duy trì thế giới.

Định hướng đó được thể hiện không thể hay hơn trong “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (1802-1885), bản hùng ca lao động, mà dưới bất cứ góc độ thẩm mỹ nào, cũng tỏ rõ chất nhân bản chí lý và tính khoa học tuyệt kỳ. Cho tới bây giờ, Victor Hugo dường như là nhà văn duy nhất nêu lên chính xác đến thế bản chất của xã hội loài người, phương thức bảo tồn bản chất ấy.

Nhìn từ văn hóa Pháp – văn hóa là nền tảng của xã hội - 4

Victor Hugo năm 18 tuổi

Bản chất này là tính cao thượng của cuộc sống chung mà đa phần sinh linh chung sức chung lòng gây dựng nên và bảo trì trải suốt thời gian từ khi Con Người xuất hiện. Tính cao thượng ấy là văn hóa, căn cốt phân biệt xã hội loài người với xã hội loài vật. Văn hóa là tương tác chuẩn mực giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể. “Chuẩn mực” đây là tự trọng và quý trọng đồng loại, hỗ trợ nhau cùng vui sống, chứ không xử sự với nhau theo luật rừng: lẽ phải, phần hơn và quyền quyết định là của kẻ mạnh…

Tiền đề của mọi tiền xây dựng và điều hành xã hội ấy là đa số phải là người chủ. Chân lý này hiện hình vĩnh viễn thuyết phục qua nhân vật chính Jean Valjean của “Những người khốn khổ”.

Từ lâu, vai trò quyết định đó của văn hóa được nhắc nhở và nhìn nhận liên tục và thiết thực ở hai sự kiện mà các nhà hoạch định chính sách thực lòng vì nhân loại đã và đang suy ngẫm. Một, đó là hợp tác chân thật, thay cho đua tranh hơn kém bằng thủ đoạn và xương máu dân thường. Điều đó thể hiện qua việc Pháp và Đức đi đến hiệp ước Elysée, ký năm 1963. Hai, nguyện vọng và đạo lý của số đông là cốt lõi của mọi quyết sách của người cầm quyền.

Nguyễn Vạn Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất