Nghĩ về thơ

Thế hệ thơ chúng tôi hồi ấy có một điểm xuất phát chung: làm thơ như một hành động sống, một hành động thơ. Như một tỏ bày, tỏ bày thơ. Như một tình yêu: yêu đất nước mình, yêu nhân dân mình, yêu mẹ mình. Một tình yêu trong vắt, không hề biết tính toán.

Nghĩ về thơ - 1

Ảnh minh họa

“Yêu Tổ quốc là một điều nghiêm trọng”, chúng tôi thường đọc cho chính mình nghe câu thơ ấy của một nhà thơ Tây Ban Nha.

May mắn thay, bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn giữ được cho mình tình yêu ấy.

Hoá ra, Saddam Hussein trước khi chết dưới giá treo cổ cũng… làm thơ. Đến một anh độc tài vốn coi thơ và nhà thơ chả là cái đinh gì, rồi cuối cùng, khi tuyệt vọng nhất, cũng chỉ biết lấy thơ làm bạn.

Nhiều lúc lẩn thẩn tự nghĩ: nếu không có thơ, mình sẽ có gì. Nếu không làm thơ, mình sẽ làm gì. Câu trả lời chắc không khó, nhưng có lẽ không bao giờ tôi tự trả lời được.

Trẻ, tự nó, đã thấm đẫm thơ. Thơ dành cho mọi lứa tuổi, nhưng bao giờ tuổi trẻ cũng được hưởng phần đẹp nhất, tươi rói nhất của thơ. Trẻ mà không làm thơ là uổng lắm!

Nhưng thơ lại không dành cho người háo danh. Thiếu gì cách để nổi tiếng, mà phải víu đến thơ! Hãy để cho thơ được tĩnh lặng và càng cách xa bao nhiêu càng tốt những tính toán xô bồ, chi li, thê thiết.

Lúc nào không làm được thơ thì thôi, đừng cố. Ăn cố hay uống cố cũng mệt, nữa là làm thơ cố.

Tôi nghĩ, bắt đầu từ thế hệ 8X, 9X, rồi sang thế hệ Z, một chương mới của con người Việt Nam đã được mở, không chỉ trong thơ hay trong văn học. Mọi lĩnh vực của đời sống bắt đầu thay đổi từ chính những thế hệ này. Họ khác thế hệ 4X, 5X chúng tôi, và đó là hồng phúc cho dân tộc Việt.

Tôi chỉ là một người làm thơ hồn nhiên, làm thơ vì thích, vì có thể không biết làm gì khác (ngoài làm báo, như một nghề kiếm sống). Thời còn học đại học, có lúc tôi nghĩ không biết sau này mình làm được gì. 

May quá, mấy anh em bạn bè học cùng lớp chơi thân với nhau và “chém gió” với nhau rằng chúng mình phải viết văn, làm thơ, phải thành một nhóm sáng tác như các cụ ta ngày trước. Và muốn thế, phải đi rừng lấy nứa về bán cho các thầy làm chuồng gà, đặng có ít tiền mua trà Thái Nguyên (hồi sơ tán ấy chúng tôi học ở một làng sát chân núi thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Mua trà uống, thức đêm bàn luận văn chương với nhau, đọc sách cùng nhau, đọc những gì mình mới “sáng tác” được cho nhau nghe, rồi lắng nghe bạn mình góp ý…

Chúng tôi hồi đó là vậy, ngây thơ lắm, mà thơ viết ra cũng ngây ngơ lắm. Tôi nghĩ, như thế mới là tập làm thơ, mới là thơ trẻ đúng nghĩa là còn trẻ con, còn ngây thơ.

Sau khi ra trường, dòng sống cuốn chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Có những bạn tôi không làm thơ hay viết văn nữa, những lại thành đạt ở lỉnh vực khác, như ở nghề dạy học, nghề công chức, hay nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế. Làm nghề gì cũng được, miễn là lương thiện. Nhưng không biết có lúc nào, mấy người bạn cũ của tôi có nhớ một thời mình đã từng có khát vọng làm thơ hay viết văn? Có khi nhớ chỉ để mà nhớ, sau một cái lắc đầu, lại quên. 

Nhưng thơ vẫn sống trong tâm hồn một số người bạn tôi thuở còn đi học. Trong đó, có tôi.

Thanh Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất