Nhà thơ Phạm Hồng Nhật - giấc mơ về sóng cát lăn tăn

Nhà thơ Phạm Hồng Nhật mời tôi đến tư gia. Ngôi nhà bảy tầng, dù trong ngõ nhưng gần phố chính, làm tôi choáng ngợp. Ngó thư phòng biết chủ nhân là người “trọng chữ”. Nói ra điều này có vẻ ngoại logic, nhà thơ, nhà văn không trọng chữ thì kỳ vọng ai trọng đây? Biết vậy, nhưng nhìn cái cách anh làm giá sách, gìn giữ tác phẩm của anh và bạn bè thì phải nói thêm như thế.

Phạm Hồng Nhật, lẻ loi một mình. Người vợ tào khang của anh đã rời bỏ anh về miền mây trắng cách đây mấy năm vì bạo bệnh. Trên tường treo khung ảnh anh chị. Chị là người phụ nữ đẹp, nhân hậu. Phạm Hồng Nhật không giấu giếm tôi điều gì, dẫu đã nghe đâu đó, từ nhà thơ - người bạn vong niên, nhà thơ Ngô Xuân Hội nhưng anh vẫn kể lại.

Anh đưa tôi trở lại vùng hồi ức. Đó là một ngày đáng nhớ của Phạm Hồng Nhật khi anh ra Bến Nứa - bến xe phía Bắc của Hà Nội xưa, giáp chân cầu Long Biên, mua vé về thăm gia đình ở thị xã Bắc Giang. Gọi là Bến Nứa, có lẽ vì khi người Pháp xây xong cầu Long Biên, địa điểm này trở thành nơi giao thương hàng nông sản, lâm sản như tre, nứa, luồng… từ Tây Bắc xuôi theo sông Hồng về Hà Nội. Thế hệ 9X trở lại đây, muốn tìm hiểu về Bến Nứa, chắc phải sử dụng đến công cụ tìm kiếm trên ứng dụng internet, bởi từ lâu bến xe này đã trở thành địa điểm của bến xe bus.

Nhà thơ Phạm Hồng Nhật - giấc mơ về sóng cát lăn tăn - 1

Phạm Hồng Nhật, Trần Đăng Khoa và nhà thơ Trần Viêm tháng 8/1971 tại Hải Phòng.

Anh ra Bến Nứa từ rất sớm vào một ngày tháng ba năm 1980 để xếp hàng, nhờ vậy được “giữ chân” thủ bút ghi tên người xếp hàng. Anh vinh dự được làm người xếp hàng đầu tiên. Đúng lúc ô cửa bé ti ti chuẩn bị mở bán vé thì một cô gái hớt hải ào đến, níu vai anh, giọng hổn hển: “Chú ơi, giúp cháu với, không mua được vé cháu nhỡ buổi dạy học”. Sau đó mới biết đó là cô giáo dạy Toán ở một trường phổ thông trên Lạng Giang.

Vò đầu gãi tai, sẵn tính thương người, vả lại bị đôi mắt đẹp của cô giáo hút hồn, nên trên tờ giấy ghi thứ tự và tên khác, trước số 1 Phạm Hồng Nhật ghi thêm số 0 và đề tên “Đặng Thị Vân”- tên cô giáo vào. Dù bị khách phía sau thắc mắc, nhưng anh bình tĩnh giải thích “Số 0 là số bắt đầu của dãy số tự nhiên. Hệ chữ số nước nào cũng thế. Bà con thông cảm”.

Chỉ mới nói được đến thế thì cửa bán vé mở, anh đưa luôn cho người bán vé danh sách và kéo khách Đặng Thị Vân lên mua trước mình. Khi lên xe, do ngồi cùng băng ghế, cô giáo hỏi anh: “Vợ chú làm nghề gì?”. “Cũng làm nhà giáo như cháu thôi”, Phạm Hồng Nhật nhẹ nhàng. Dù cô giáo cảnh giác, nhưng đó là khởi đầu của một mối tình và sau bao gian khổ, thử thách, tình yêu giữa hai người lớn lên. Họ cùng nhau vượt qua cơm áo, gạo tiền của những ngày gian khó.

Có lẽ vì thế, trong đề tài thơ về gia đình, Phạm Hồng Nhật luôn dành cho người vợ tào khang của mình cảm xúc thiêng liêng: “Em đừng trốn anh nữa / ở đâu hãy hiện ra / cứ bóng đêm ập xuống / hoang vu phủ kín nhà”, (Em đi rồi). Là nhà thơ, không ai không có nỗi buồn; hay nói cách khác, nỗi buồn là “gia tài” của người làm thơ. 

Trong tập thơ Lá cỏ, W.Whitman - nhà thơ vĩ đại người Mỹ có câu thơ rất hay: “Rồi mai đây nếu muốn tìm tôi, bạn hãy nhìn xuống đế giày của bạn”. Nhà thơ là người luôn cúi xuống nỗi buồn thân phận, lúc đó mới hiển lộ bản thể.

Phạm Hồng Nhật không phải ngoại lệ. Nhìn ông trong căn phòng “hoang vu phủ kín nhà”, tôi nhớ mấy câu thơ của ông: “Bây giờ anh đứng giữa trùng khơi/ Lòng buồn bã thẫn thờ như chiếc lá/ đơn độc quá ngẩn ngơ trong suy nghĩ/ cứ chập chờn như biển sáng triều lên” (Lan man trước biển). Trái tim Phạm Hồng Nhật đầy ắp nỗi buồn.

*

Phạm Hồng Nhật là người gốc Hải Phòng, nhưng sau Toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946, khi chưa đầy tuổi tôi, cậu bé đất Cảng đã phải theo gia đình tản cư về Hiệp Hòa, Bắc Giang. Trọn vẹn tuổi thơ anh sống ở đây. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) anh được phân công về Nhà máy Cơ khí Hòn Gai, một đơn vị của Công ty Than Hòn Gai. 

Sẵn có năng khiếu, tâm hồn, Phạm Hồng Nhật làm thơ từ sớm. Có thể nói anh nổi danh cùng đất mỏ, từ Đất Mỏ, vì Đất Mỏ. Đây chính là lý do anh là người bạn tâm giao với nhà thơ gốc Nghệ, Ngô Xuân Hội. Các anh là đồng nghiệp, hay nói sát hơn, đều là công nhân vùng mỏ, dẫu bây giờ Phạm Hồng Nhật sống ở Hà Nội, Ngô Xuân Hội sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Ngô Xuân Hội kể rằng, bây giờ trẻ em mê game online như thế nào thì thời đó mê thơ, nói chuyện thơ, đọc thơ say sưa như thế. Cứ 16 giờ chiều hàng ngày rủ nhau ra bưu điện chờ mua báo từ Hà Nội chuyển về, thấy ai có thơ được đăng là vui nổ trời. 

“Ở Hòn Gai, ngoài nhà thơ Trần Nhuận Minh, còn rất nhiều người làm thơ ngành than và địa phương nên anh em hay tụ tập, vui lắm. Khu tập thể Nhà máy cơ khí Hòn Gai nơi Phạm Hồng Nhật ở lại cách trụ sở Hội Văn Nghệ có một quãng nên hay gặp nhau”, nhà thơ Ngô Xuân Hội kể.

Hồi đó Phạm Hồng Nhật viết như “lên đồng”, viết về vùng mỏ, thợ mỏ, thợ gầm, thợ gò, thợ hàn… bài nào cũng được đăng báo, từ báo trung ương đến báo địa phương. Chất liệu đời sống khúc xạ qua tâm hồn Phạm Hồng Nhật mà thành thơ. Và chính cái hiện thực lao động ấy ám ảnh ông mãi đến bây giờ.

“Sắt thép có thể đổi màu/ riêng thợ gò ai ai cũng thế/ vững chân đứng mắt nhìn không do dự/ nghề thợ hàn là phải thẳng lưng” (Thợ gò). “Ấp má vào than ấm áp hơi người/ gương than bóng nghiêng mình soi thấy được/ tấm lòng thợ trong hòn than Đất Nước/ nên hòn than nào cũng có chất kim cương” (Than trên băng chuyền). Hai bài thơ này Phạm Hồng Nhật sáng tác năm 1968 và năm 1969, lúc ông về làm công nhân vùng mỏ.

Cuộc sống của người công nhân vùng mỏ từ trên khai trường lộ thiên đến vào hầm lò, vinh quang vì “làm than cho Tổ quốc” nhưng cũng biết bao cơ cực, dẫu đã khúc xạ qua lăng kính tâm hồn nhưng luôn ám ảnh. Chính các nhà thơ đàn anh như Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh lúc ấy từng để ý đến tác giả mới Phạm Hồng Nhật. Riêng với bài thơ Thợ gò, Nguyễn Xuân Sanh nhận xét: “Niềm tự hào của người thợ nói lên cái khỏe khoắn của hình tượng trong thơ Phạm Hồng Nhật”.

Phạm Hồng Nhật là nhà thơ luôn dành sự cô đơn cúi xuống thân phận. Vì thế, tôi thích mảng thơ này của anh. “Khổ đến bao giờ chị tôi không biết/ bao nhiêu miệng ăn, hai con thất nghiệp/ một mình chị lo...” (Chị tôi đi mò sò). “Cát không còn cát của thiên nhiên/ sóng cũng thế và mặt trời cũng thế/ cả thế giới này là của các con/ riêng áo cơm là các em không thể”, (Giấc ngủ của trẻ lang thang); “Bay về đâu hỡi những đàn chim/ mang sóng sông Hồng bay theo từng nhịp cánh/ luồn lách qua thung sâu se se lạnh/ lau phất phơ trắng cả rối bời” (Sông Hồng).

Thơ Phạm Hồng Nhật chặt chẽ về tứ. Khởi đầu anh thường khơi đúng mạch ngầm để lời thơ tuôn chảy. Tứ thơ cứ thế dẫn dắt mạch trữ tình nhắm đến chủ đích nghệ thuật. Nếu không có tứ thơ chỉ đạo, dẫn dắt, ý thơ sẽ tản mạn. Phạm Hồng Nhật thường kết thúc các bài thơ bất ngờ. Nhờ đó thơ Phạm Hồng Nhật thường được nâng thơ lên một tầm mới về ý nghĩa khái quát cũng như hiệu quả thẩm mỹ.

Cho đến nay, nhà thơ Phạm Hồng Nhật đã in 8 tác phẩm, kể ra với người làm thơ sớm, có trong tay hàng ngàn trang bản thảo thì số lượng ấy là quá ít. Tập thơ mới nhất là Phạm Hồng Nhật - con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, 2020. Đây là một tác phẩm đồ sộ với hơn 1.800 trang. Hỏi ông còn in nữa không, “Còn chứ, còn sáng tác thì còn in mà sáng tác thì anh chưa dừng lại”, ông cười rất “chất mỏ”.

Trong gia tài thơ của Phạm Hồng Nhật, nơi anh hiển lộ bản thể cũng chính là thơ về đề tài vùng mỏ. Tuy nhiên, không chỉ có thế. Không gian và thời gian cảm xúc của thơ Phạm Hồng Nhật có biên độ rộng lớn, từ đề tài làng xóm, quê hương, đến Tổ quốc và đất nước; từ trữ tình đến thế sự, thơ thiếu nhi; từ trong nước đến ngoài nước.

Thi pháp trong thơ Phạm Hồng Nhật cũng đa dạng, có nền truyền thống đến thơ tự do. Tuy nhiên, Phạm Hồng Nhật biết giữ nền truyền thống để cách tân thi pháp.

Nhà thơ Phạm Hồng Nhật - giấc mơ về sóng cát lăn tăn - 2

Từ trái sang phải: nhà thơ Ngô Đức Hành, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Phạm Hồng Nhật.

Phạm Hồng Nhật đi nhiều, tâm hồn ăm ắp kỷ niệm. Không chỉ trong nước, anh từng có 20 năm công tác ở nước ngoài, từ năm 1988 đến 2007, từng rong ruổi khắp Liên Xô, thời gian cuối làm Bí thư Ban Cán sự Đảng ủy vùng Dnipropetrovsk, Ukraina. Đây có lẽ cũng là lý do Phạm Hồng Nhật ít in tác phẩm và đến năm 2020, anh mới thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

“Trong giấc mơ anh đã kiếm tìm/ ngoài giấc mơ thân cò lặn lội/ cứ dùng dằng bàn tay ai chới với/ giấc mơ đêm tan bọt sóng mất rồi” (Lan man trước biển). Người ta nói thơ là nghiệp trời đày, với Phạm Hồng Nhật cái nghiệp ấy đang làm cho tâm hồn anh lênh đênh giữa thực và ảo, giữa những bến bờ cảm xúc.

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Diễn biến của giá dầu sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật

Diễn biến của giá dầu sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật

Sau ba phiên giảm liên tiếp, giá dầu thế giới đã nhích lên trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, nhờ dấu hiệu tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như thông tin cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ giảm – dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang phục hồi.