Nhận diện về một bút pháp truyện ngắn (Đọc “Ngón mưa”, tập truyện ngắn của Nguyệt Chu, NXB Văn học, quý II năm 2025)
Nguyệt Chu thuộc thế hệ nhà văn lứa tuổi 8x. Chị đang là giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chuyên Sơn Tây, Hà Nội. Nguyệt Chu xuất hiện trên văn đàn đến nay đã hơn chục năm. Lần lượt là các tập truyện ngắn: “Người canh giữ phù dung”, NXB Văn học, 2017; “Chiếc khăn của mẹ”, NXB Văn học, 2019; “Mùi thời gian”, NXB Quân đội nhân dân, 2019. “Ngón mưa” là tập truyện ngắn thứ 4 của chị, NXB Văn học vừa ấn hành trong năm 2025 này.
Tập Ngón mưa gồm 12 truyện. Non một nửa trong tập truyện này Nguyệt Chu viết bằng phương pháp của văn học hiện đại: Có cốt truyện rõ ràng, vững chắc. Khi đọc tác phẩm, đến kết truyện, bạn đọc sẽ cảm nhận được cái điều mà tác giả gửi gắm. Chẳng hạn như Mắt lửa, một truyện ngắn xum xuê, vạm vỡ nhưng cái ý tưởng xuyên suốt tác phẩm có thể cảm nhận: chỉ một chút lầm lỡ thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên mà cuộc đời cô gái (xưng tôi) trong truyện đã phải trượt dài qua bao nhiêu giông gió, thác ghềnh. Nếu không có nghị lực và những vận may hiếm hoi thì có thể bỏ đi một kiếp người.
“Ngón mưa”, tập truyện ngắn của Nguyệt Chu, NXB Văn học, quý II năm 2025.
Truyện Miền gió, tác giả được truyền cảm hứng từ một vụ máy bay rơi mà nhiều người Việt Nam từng biết: Người thiếu nữ xinh đẹp kết hôn với một chàng phi công giỏi giang. Họ rất yêu nhau. Một tình yêu lý tưởng, hoài thai ra một cô con gái dễ thương. Nhưng trong một chuyến bay làm nhiệm vụ, chàng phi công gặp nạn, hy sinh. Người vợ hoá thành thiếu phụ. Thiếu phụ còn quá trẻ, phần đời rất dài còn lại chị sẽ sống sao đây? Đấy là câu hỏi không chỉ một mình chị mà bạn đọc cũng trăn trở, thao thức như chị. Cốt truyện không mới, nhưng cái mới ở chỗ Nguyệt Chu đã làm cho bạn đọc bị cuốn vào tâm lý của nhân vật. Cuối truyện, có thể một nhà văn ở lứa tuổi 70, 80 chắc không kết thúc như vậy. Nhưng ở lứa nhà văn như Nguyệt Chu thì hoàn toàn chấp nhận được.
Tôi xin nói thêm về một truyện có cái cốt rõ ràng nữa là Hồng hoàng. Câu chuyện diễn ra ở Thung Nham, một địa chỉ có thật và khá nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình. Người ta thường đến đây với tư cách là một khách tham quan, du lịch, vì nơi đây non xanh núi biếc, chim ca vượn hót, hoa thơm bướm lượn rất thú vị, và đặc biệt ở đây còn sót lại một loài chim quý đã được đưa vào sách đỏ quốc gia – chim Hồng Hoàng. Còn nhà văn Nguyệt Chu đến đây lại phát hiện ra một câu chuyện rất xứng đáng đưa vào văn học. Ba nhân vật: một cô gái xưng “tôi”, một nhân vật là người cha của cô và Dư, người yêu của cô. Ba người đến Thung Nham với những hành xử và tâm lý rất khác nhau. “Tôi” - cô gái - đến Thung Nham vì tình cha con và vì tình yêu dành cho Dư; người cha đến Thung Nham với một mục đích cá nhân nhuốm màu vị kỷ; Dư đến đây vì tình yêu dành cho “tôi” và tình yêu thiên nhiên nữa, nhưng anh đã phải bỏ mạng sống chỉ vì bảo vệ sự sống của chim Hồng Hoàng. Truyện này ít nhiều gợi cho tôi nhớ đến một truyện ngắn trong tập Bút ký người đi săn rất nổi tiếng của văn hào Ivan Sergeyevich Turgenev.
Tôi còn có thể dẫn ra vài ba tác phẩm nữa có cốt truyện mà đọc xong ta có thể kể lại cho người khác nghe. Nhưng trong phạm vi một bài viết, tôi xin dành số chữ nói về một vài truyện trong mảng còn lại mà cốt truyện không rạch ròi, không dễ kể lại. Những truyện này Nguyệt Chu sáng tác bằng bút pháp hậu hiện đại, trong đó là những trang văn huyền ảo, mạch văn ít nhạc tính, ý tưởng lặn sâu trong câu chữ để bạn đọc tự gỡ mối mà cảm nhận, nghĩa là tác giả và độc giả đồng sáng tạo. Nguyệt Chu huy động cả những truyền thuyết, có khi rất hoang đường để nói những điều tinh tế, sâu thẳm, phức tạp trong tâm lý con người, như truyện Huyết rồng.
Có truyện cái thực và cái ảo cứ đan cài, pha trộn vào nhau, ẩn khuất trong nhau khiến người đọc phải huy động cả những ẩn ức vừa bản năng vừa lý trí để cảm nhận. Cái bộ ba nhân vật, trong đó nhân vật trung tâm tác giả không đặt tên mà chỉ gọi là “chị”; chồng chị đã về thế giới bên kia, để lại cho chị một đứa con gái đặt tên là Mộc Trà. Nhân vật thứ ba là chàng thanh niên có tên là Phan. Phan có cuộc sống không may mắn, có thời điểm bị số phận đẩy xuống tận đáy xã hội, phải ra góc chợ sống bằng nghề khất thực. Đã nhiều lần chị kín đáo, tránh cặp mắt soi mói của người đời, mang thức ăn đồ uống ra lều chợ giúp đỡ Phan.
Tác giả Nguyệt Chu.
Cho đến một ngày Phan đã qua cái thời bĩ cực, trở thành một chàng trai có vóc dáng rất nam nhi. Hình ảnh Phan đã đánh thức bản năng phụ nữ trong con người chị. Cũng thời điểm ấy Mộc Trà qua thời niên thiếu, cũng có tình cảm thầm kín với Phan. Tình thế quả là rất khó cho cả ba, nhưng ngòi bút hậu hiện đại của Nguyệt Chu đã tỏ ra khá già dặn, chỉ dừng lại ở chỗ đủ để cho bạn đọc tự kiểm nghiệm cái bản năng phức tạp và sâu kín của chính mình. Từ đó mà nắm bắt những hiện tượng tưởng như không thể nắm bắt được trong xã hội hậu hiện thực hôm nay.
Một truyện nữa mà tôi thấy cần nhắc đến, đó là Dạ huyết hương. Đây có thể coi là tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp hậu hiện đại trong tập Ngón mưa. Riêng việc tác giả chọn đề tài hát hầu bóng để thể hiện ý tưởng hư hư thực thực của bút pháp trong truyện ngắn này là khá đắc địa. Cô Đôi Thượng Ngàn chuyển tải ý tưởng của tác giả khá thành công.
Văn của Nguyệt Chu chuẩn mực, nhiều trang khắc khoải, nhưng giàu sức biểu cảm và gợi cảm, cách thể hiện nói lên rằng tác giả tôn quý văn chương, trân quý bạn đọc. Phần nhiều các truyện ngắn trong tập tuân thủ theo cách đặt các nhân vật vào những cảnh huống nghiệt ngã, éo le, từ đó mà bộc lộ tính cách, bản chất. Vì thế không gian trong truyện thường nhiều mưa gió, trời đất u ám, đôi khi nặng nề, khắc khoải. Và nếu trong cùng một tập truyện ngắn mà số truyện nghiêng về sắc thái ấy thì tôi thiết nghĩ, bạn đọc còn muốn ở Nguyệt Chu viết những truyện ngắn không cần đặt nhân vật không ở trong một tình huống cam go, nghiệt ngã nào mà vẫn cuốn hút bạn đọc bằng sức sống nội tâm xanh tươi tràn đầy dương khí như hoa cỏ mùa xuân, gây cảm xúc, thậm chí ám ảnh khôn nguôi trong tâm hồn bạn đọc.

Có bản sắc trong thơ đã là rất khó, nhưng chọn lối nào để tới được mình, lại là câu hỏi không dễ trả lời với...
Bình luận