Một không gian kỷ niệm đang lùi vào ký ức

Ngoại thành, trong tập thơ thứ sáu của Bùi Việt Mỹ - “Ký ức ngoại thành” (Nxb Quân đội nhân dân, 2025) là một không gian mang tính biểu tượng. Nó không hẳn gắn với một thành phố cụ thể, mặc dù ngoại thành ấy liên quan, ở một chừng mực nhất định, với Hà Nội. Bởi vậy, ngoại thành trong thơ Bùi Việt Mỹ là không gian nông thôn rộng dài, theo bước chân tác giả để lại những kỷ niệm cho tâm hồn hoài nhớ: “Như chợt thấy mùa thu đã qua/ Em khép cửa để ngoại ô mình thay áo mới/ Có gì đâu mà ngày cứ vội/ Hạt đã khô giòn, còn nỗi nhớ vẫn tươi nguyên.” (Chiều ngoại ô).

Dẫu đã nhiều năm sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Bùi Việt Mỹ mãi cứ là con -người - nông thôn, mãi cứ không chịu nhiễm “mùi” thành phố. Cái tuần hoàn của thời gian, của mùa không thể lay chuyển cái chất dân thôn ấy rời bỏ tâm thức làng quê đã ăn sâu, đã kết đọng thành nỗi nhớ: “Có lẽ nào không thức với Giêng, Hai/ Ta trẻ lại từ những điều cởi mở/ Để thu sắc chìm sâu vào nỗi nhớ/ Để sức vươn đối diện với riêng mình.” (Thức với ngoại thành). Cái Giêng, Hai ấy, cái sắc thu ấy không thể nói đến sự khác biệt đối nghịch giữa nông thôn và phố thị, nhưng vẫn nhận ra sắc thái khó đồng nhất vì môi trường sống của hai nơi cư trú không giống nhau, có chiều hướng ngày thêm cách biệt sâu sắc.

Phải chăng, Bùi Việt Mỹ (mà chẳng riêng Mỹ đâu) lâu nay vẫn đứng nơi ranh giới của hành trình cách biệt ấy, như thuở nào anh đã nhận ra: “Quê hương mình lạ lắm em ơi/ Em có biết nơi cắm diều và nơi dừng cơn mưa là đường biên ngoại thành phía bắc/ Nơi ta gặp nhau và thương nhau/ Cho hẹp lại khoảng không gian xa lơ xa lắc” (Tản mạn ngoại thành); một mong mỏi, một khắc khoải… khó lấp đầy, khi mà tự mình phải thốt ra sự nợ nần trằn trọc: “Chưa bao giờ tôi đi hết một ngày./ Một nửa hay một phần ba, chừng ấy/ Còn nợ nắng, gió, mưa và nợ bạn bè.// Ngày ngày mang nợ/ Những muộn phiền theo đó cứ gia tăng.” (Nợ vô hình).

Cái nợ trằn trọc ấy sẽ dần nguôi ngoai khi tốc độ đô thị hóa ở nước ta tăng mạnh, tăng nhanh hơn nữa, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin bùng nổ với “bước sóng” ngày càng ngắn lại (?). Có lẽ. Bởi, từ thuở khai thiên lập địa, đô thị nói chung, trong đó có Thăng Long - Hà Nội, là phép cộng của các làng, của cư dân nông thôn thành phường, thành phố, của người nông dân chân lấm tay bùn thành người thị dân, thành người kẻ chợ.

Trong hành trình “hóa” ấy, tình làng nghĩa xóm không quên “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, v.v., nên có sự gắn bó khăng khít “buôn có bạn bán có phường”, và trong thời gian dài “màu” dân dã thôn quê khó lạt phai, mỗi khu cư trú trong thành phố vẫn phảng phất bản sắc văn hóa vùng miền. Nay, mỗi chuyển dịch dân cư từ nông thôn vào thành phố đã nhiều đổi khác, cả về mục đích đến hình thức lẫn nội dung, mà vì thế sự giống nhau lan truyền khắp các đô thị, từ chỗ cư trú (chung cư) đến sinh hoạt (quán xá nhiều thời gian hơn ở gia đình), các thói quen (nhất là sử dụng thiết bị công nghệ thông minh), dần nhiễm “thói” vươn lên “đẳng cấp”, dù vẫn “con nhà lính” nhưng “tính nhà quan”, tính tiết kiệm nhạt đi nhường chỗ cho “bóc thì ngắn mà cắn thì dài”, thậm chí giống cả đến các loại bệnh tật (bệnh do công nghiệp hóa và do đô thị hóa).

Một không gian kỷ niệm đang lùi vào ký ức - 1

Tập thơ “Ký ức ngoại thành” của nhà thơ Bùi Việt Mỹ.

Có gì đó đọng lại ở những vần thơ: “Ngày vượt cạn mang xuân vắt qua năm/ Lời hát cũ nguyên trong mình sức mới/ Chỉ mái đầu không còn xanh màu tuổi/ Và miệng cười vơi cạn đến nôm na.// Bao ghềnh thác của một thời đã qua/ Đem gửi nhớ, gửi quên vào vốn sống” (Viết ngày cuối năm). Dường như Bùi Việt Mỹ muốn bứt ra khỏi sự trằn trọc của mình, nhưng gặp khó vì vốn sống của anh là sự góp gom những nhớ những quên, vì sức mới trong anh còn nguyên lời hát cũ, chỉ mỗi mái tóc không cưỡng được thời gian nghiệt ngã. Thoáng chốc, mặt trời vừa dát vàng vào lối mé tam quan đã chìm sâu xuống chân thành cổ; thời gian vừa mới mở mắt, đã lại lùi về quá xa của một đời.

Nghiệt ngã hơn cả thời gian là ký ức quá ăn sâu: “Chỉ lúa mới biết được năm nhuận hai tháng Tư/ Nên đứng chờ giáp hạt/ Thì con gái, nước lưng cây ngọt mát/ Mặt nguyên hoa phấn đòng đòng.” (Ngày nhuận sắc). Đừng nghĩ rằng “Chỉ lúa mới biết” năm nhuận này rơi nhằm tháng Tư là không logic - logic lắm chứ, logic của thơ, nên lúa mới “đứng chờ giáp hạt”, liên quan đến tháng Ba ngày Tám, cho dù vẫn thì con gái mặt hoa da phấn mà đến độ đứt bữa thì sao khỏi xót xa, đắng đót. Cái chất con người của nông thôn, nông nghiệp nó đeo đẳng trong con người công chức, ở nhà tầng, làm nơi công sở khiến những kỷ niệm trong Bùi Việt Mỹ cứ lang thang - lang thang một cách tất bật đến vậy (!)       

Khái niệm “ngoại thành” trong thơ Bùi Việt Mỹ mở rộng phạm vi thành “nông thôn”. Sự mở rộng ấy chứa đựng hai mặt, một mặt biểu thị xu hướng tăng tốc của quá trình đô thị hóa như một tất yếu: bản đồ phân bố địa bàn cư trú dân cư thay đổi qua từng chu kỳ, chu kỳ sau gấp gáp hơn chu kỳ trước, tràn ra để biến cảnh quan nông thôn thành cảnh quan thành thị dày thêm mật độ; mặt khác, sự biểu cảm (bằng thơ, qua thơ) phần nào thiếu tập trung. Vì vậy, nỗi nhớ trong thơ Bùi Việt Mỹ nghiêng về kỷ niệm hơn là nghiêng về ký ức.

“Khoảng không gian nghèo nàn/ Bỗng dưng thành chật chội/ Chút em đầy bối rối/ Chút mưa đầy hơi xuân.” (Chợt em và mùa xuân) - những câu thơ cho thấy Bùi Việt Mỹ cảm nhận một cách thật thà những “nghèo nàn”, “chật chội”, “bối rối” trong “chút mưa đầy hơi xuân”. Đến đây chắc chắn nảy sinh câu hỏi: “ký ức” khác “kỷ niệm” căn bản ở chỗ nào? Câu trả lời ngắn gọn: kỷ niệm gần như đóng khung ở thời gian nhất định, trong khi ký ức lấy quá khứ làm điểm tựa để hiểu hiện tại một cách sâu sắc hơn và từ đó đẩy khát vọng có thêm chiều kích khác (so với suy nghĩ trước đó).

Những câu thơ sau thể hiện khá rõ cái hai mặt của khái niệm “ngoại thành” mà Bùi Việt Mỹ chủ động mở rộng: “Xin hầu anh chén rượu, nhành hoa/ Để tạ lỗi trước đây chưa ai mời anh chén nước/ Thời khốn khó nào ai tính được/ Có thể tôi may mắn hơn anh.” (Trò chuyện ở Thành Cổ Quảng Trị); hay “Thành phố như ùa ra bởi những bước chân, vòng quay, sắc màu và những tiếng.../ người lớn bắt đầu đặt cược những bề bộn chung, riêng/ và trẻ em xếp hàng qua bậc cửa một mùa thiêng.” (Phố sớm)  

Tuy nhiên, chủ động mở rộng phạm vi khái niệm “ngoại thành”, Bùi Việt Mỹ góp phần nuôi dưỡng ở người đọc sự thức nhận về chiều sâu những kỷ niệm cần gìn giữ và truyền cho thế hệ nối tiếp những giá trị của quá khứ, và từ đó đẩy lên thành ý thức trân trọng hiện tại, yêu cuộc sống, biết thương mình để biết thương người. Nhất là đối với những chàng trai, cô gái từ nông thôn, rời đồng ruộng đi học, đi nghĩa vụ, đi làm các lĩnh vực khác (phi nông nghiệp) khắp nơi, thì trong tâm thức của họ luôn và mãi trĩu nặng những hồi ức, những kỷ niệm và kết tủa thành những ký ức về quê cha đất mẹ, về nơi cắt rốn chôn nhau, cùng thuở ấu thơ êm đềm và hồn nhiên, để rồi nhiều khi trằn trọc, với lương tâm và trách nhiệm của người đã trưởng thành, của nghĩa vụ của người công dân, trước những cơ hội và thách thức trong cuộc sống.

Bùi Việt Mỹ, bằng thơ, đã mang tiếng nói của riêng mình, thông qua những kỷ niệm, giờ đây đã lùi xa, mờ xa, lùi dần vào ký ức và nỗi trằn trọc, hòa chung cùng tâm tư của cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên Bùi Việt Mỹ viết: “Con tầu vô tình đi/ Tất cả nào ai ngủ được/ Ngàn ý nghĩ, mỗi cuộc đời mỗi hướng/ Nhưng đêm nay cùng tịnh tiến một chiều.” (Chuyến tàu đêm cuối năm), vừa ẩn dụ cũng vừa thực tế; mặc dù anh nhận thấy hoàn cảnh của sự biến đổi: “Quầy sách báo mùa hè phơi giữa lòng tay/ Những con chữ ngước nhìn trời cùng em nhỏ nhẹ/ Trời bao la còn cánh chim nhỏ bé quá/ Có một khách thơ chọn mua đúng thơ mình.” (Mắt chữ). Và, vì thế, Bùi Việt Mỹ thức nhận, như một câu trả lời cho chính mình: “Một bước nhầm chỗ rẽ/ Không còn lối quay đầu/ Lỡ một câu thưa bẩm/ Phận mưa nắng dãi dầu.” (Ký ức). Âu, đấy cũng là một lối suy tư văn hóa về thực trạng hiện thực xã hội!

Đi thật nhiều, thật xa, cuối cùng cái tình với hạt lúa, với đồng quê lại giục Bùi Việt Mỹ quay về với làng xóm, trằn trọc và suy tư: “Giờ, chiến tranh đã lùi xa/ Không anh,/ chỉ công trường, bê tông tràn chen đồng lúa/ gốc bứa - nơi mình chia xa, đường lớn mở qua mất dấu/ chân ruộng chỏng chơ, hoang hóa đã lâu.// Có hôm, đàn Cò trắng sà thấp xuống đồng/ nào đâu còn tôm,cá!/ Hay, chúng quen mùi máu của cha, mồ hôi của mẹ - và giọt lệ nơi em/ đã nhỏ xuống đồng côi cút?// Nhưng,/ chúng đã nhớ tìm về/ sao cứ vội bay đi ?!” (Những luống cày vắng mùa). Đúng vậy, trong cái đô thị hóa, cũng không phải ai cũng nhanh chóng hòa nhập với đời sống thị thành.  Đúng là nỗi niềm nơi người nông dân sau mỗi luống cày lật lên, đầy mồ hôi và nước mắt, mà Bùi Việt Mỹ cảm nhận từ xa: “Ngồi gác ba Giảng Võ thả miên man”, nơi đô thị “Không gian hẹp nhanh, thời gian chầm chậm/ ta không biết ước định gì” (Thành phố không phải thế)

Thơ Bùi Việt Mỹ chân chất như con người anh - con người của ruộng đồng làng quê, mải miết, không hề chịu khuất lấp trong không gian đô thị phồn hoa mà chật chội, luôn đau đáu hướng về vùng đất Thái Bình trù phú, thân thương: “Một bên lúa/ Một bên cửa biển/ Nhìn mây trời trong vắt/ Gió mang màu nắng xanh.” (Ngày về). Cái hình ảnh, cái tập tục làng quê ấy được tác giả mang sống chung với không gian vùng đồng bằng sông nước, gió, mưa, nắng xung quanh thành Hà Nội. Vậy nên Bùi Việt Mỹ rất thành công với mảng thơ của ngoại thành. 

Và, khi khép lại tập thơ, trong tôi đọng lại dư ba của những câu thơ nhuần nhị của Bùi Việt Mỹ: 

Một xuân hẹn những bốn mùa

Một giờ thôi đã về trưa muộn mằn.  

Hay:

Câu thơ làm động một miền

Mình em đấy cả thiên nhiên chuyển mùa…  

                                                       

Cao Ngọc Thắng

Nhà văn và văn đàn
Nhà văn và văn đàn

Nhà thơ nhà văn thuở nhỏ cũng được sinh ra như mọi người. Lớn lên được đi học hoặc phải kiếm sống như mọi người....

Tin liên quan

Tin mới nhất