Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời đã từng phát biểu một cách rất chân thành và dạt dào xúc động. Rằng “Chiến thắng 30/4/1975 là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá bằng nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của cả dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu. Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”. 

Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quảng đã có ý thức về tinh thần hòa hợp dân tộc từ những ngày đầu đất nước Việt Nam nối liền một dải, khi ông viết phóng sự về Người di tản với tư cách một phóng viên đặc biệt của báo Nhân Dân. Để rồi, mới đây, như một cố ý, ông đã có nhiều bài viết về tinh thần hòa hợp dân tộc ở hai tập thơ Thương lắm Sài Gòn ơi (2021) và Vui buồn tháng 4 (2024) nhằm đón mừng sự kiện kỷ niệm trọng đại 50 năm Ngày Thống nhất đất nước.

Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc - 1

Một số tập sách, thơ của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quảng

Điểm xuất phát: nỗi lòng trắc ẩn

Tác giả nặng lòng về sự mất mát nặng nề của đồng bào, sự cách ngăn của đất nước do chiến tranh. Nhiều năm trước, Đỗ Quảng đã có nỗi niềm thương cảm sẻ chia giữa nhân dân hai miền Nam - Bắc. Thiên phóng sự Người di tản dài mười trang báo công bố ở báo Độc lập và Đài Tiếng nói Việt Nam, đã được Hội Nhà báo trao Giải Nhất và Bộ Công an trao Giải đặc biệt.  

Khi làm báo, đến các vùng quê, chứng kiến nhiều cảnh ngộ, đồng cảm sâu sắc với nhiều số phận nhân dân, Đỗ Quảng đã tích tụ trong tâm hồn, trong nhân cách tình yêu thương và niềm trắc ẩn đối với đồng loại. Nhà văn lớn nước Nga L. Tônxtôi (1828 - 1910) từng nói: “Nếu bạn biết đau, tức là bạn còn sống. Nhưng nếu bạn biết đau cho nỗi đau của kẻ khác, thì bạn mới thật sự là một con người”. Khi đã ngoài tuổi tám mươi Đỗ Quảng mới làm thơ, bất ngờ thơ ông như máu rỏ. Bởi ông quá rõ, trên đất nước này, ông phải Sống thật như máu (tên một quyển sách in các tác phẩm phóng sự của ông). Bệnh trọng, dạ dày không còn, ông thương thể xác mình (chủ thể) không còn nguyên vẹn, ông lại càng thương nhân dân - đất nước (khách thể) đã và đang trải qua bao gian nan. Miền Nam, một nửa đất nước đã hai mươi năm giặc giã, chẳng may lại bị đại dịch Covid -19, chết đến bốn, năm mươi nghìn người. Miền Bắc cũng bị đại dịch, ông thương xót đã đành, nhưng ông để tâm nhiều đến miền Nam. Tác giả dành riêng cho thành phố Hồ Chí Minh một tập thơ 50 bài rát ruột về sự mất mát bi thảm, đồng thời đề cao, ngợi ca những tấm gương chịu đựng, tinh thần đùm bọc giữa người với người, cùng những hình ảnh lẫm liệt giúp nhiều người vượt qua cái chết oan uổng. Tập thơ vừa ra đời lập tức được nhiều bạn đọc và nhà phê bình chào đón và viết bài hồi âm bình luận. 

Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc - 2

Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quảng. Ảnh: NSNA Hoàng Kim Đáng

Đất nước qua thời đạn bom thì lại vướng đại dịch Covid - 19, còn đau đớn nào hơn đối với Đỗ Quảng. Bởi vậy, như muôn dân đất Việt và toàn cầu, ông yêu hòa bình quá đỗi, đồng thời ông coi trọng sức khỏe tâm hồn và thể xác mình; phải chăng cũng là yêu cái hòa bình còn lại - theo nghĩa hẹp về phía chủ thể. Hãy chung sống hòa bình an lạc, đó cũng là hòa hợp đối với chính bản thân và quốc gia - quốc tế.

Trong bài Cưỡi ngựa trên thảo nguyên Mông Cổ, ông viết: Một chút xao lòng nhớ Hà Nội/ B52 bom rải thảm, năm cửa ô rực lửa cháy/ Vòng tay rộng, cười vui ôm hôn bạn bè/ Thoang thoảng hoa nhài/ Chất Hà Nội/ Thành phố Hòa Bình, Con người phẩm giá/ Ngựa phi trên đồng cỏ, cứ muốn phi về ngay. Và đây, Về quê, tác giả thung thăng với cảnh thanh bình ở cố hương: Xa xứ mấy chục năm/ Náo nức trở về/ Đường làng ta nhẹ bước/ Như đi trên những phím đàn// Nao nao dòng sông cũ/ Bèo trôi, hoa súng nở/ Giếng cổ, bóng nước soi/ Đường làng chạy theo sông/ Mọc lên cái chợ Mọc/ Họp trước Tết ba ngày/ Mỗi năm chỉ một phiên. Nhà báo - nhà thơ trong đớn đau, cay đắng kiếp người, vẫn hạnh phúc hơn nhiều người khác, khi Nhìn ngắm con cười: Con gái cười gì trong giấc ngủ say/ Con gái cười gì trong giấc mơ đẹp/ Gió mùa về mưa rơi giá buốt/ Đớn đau, cay đắng kiếp người/ Nghe con cười, sầu muộn tan hết/ Thể theo gió để vui với đời!

Đỗ Quảng có bài thơ Rượu rót đầy ly mà không uống, đấy là sáng tác viết tặng Giáo sư Nguyễn Quý Hỷ, Nhà giáo Ưu tú, Chủ tịch danh dự Hội Ứng dụng toán học Việt Nam (Thời báo VHNT, 28/3/2024). Bài thơ làm đúng Ngày Quốc tế hạnh phúc, 20/3/2024, cũng là ngày sinh người bạn quý - thật là ngẫu nhiên thú vị. Bởi vậy mới có những lời thơ không chỉ nói đến hạnh phúc của một đôi người mà còn đề cập bao nỗi niềm của cộng đồng thời dâu bể: Bầu bạn thuở hàn vi/ Đất nước nghèo còn nhớ/ Chiến tranh qua rồi/ Nhưng Tổ quốc vẫn chia đôi/ Vĩ tuyến mười bảy/ Cầu Hiền Lương - Bến Hải thời đạn bom máu chảy/ Nghe hát “Xa khơi”, chia cả hai miền.

Nỗi niềm trắc ẩn đối với thương binh - liệt sỹ

Đấy cũng là cảm hứng cao đẹp về mất mát, đau thương của đồng loại. Ông xúc động viết về Ngày giỗ bạn thắp hương kính viếng linh hồn họa sĩ - liệt sĩ Hồ Văn Hiệp và tặng thương binh Tạ Quốc Cường. Ông viết khi về thành cổ Quảng Trị Thăm chiến trường xưa cùng người thương binh: Phượng vĩ bao mùa hoa đỏ, nhú màu xanh/ Trở lại chiến trường xưa/ Đầu bạc/ Chân bước liêu xiêu đẩy xe lăn cho bạn/ Bùi ngùi ngơ ngác tìm bóng dáng đồng đội/ Tuổi hai mươi... (Thời báo VHNT, 25/7/2004).

Đáng chú ý nhất là bài Thăm mộ (tập thơ Vui buồn tháng tư) và bài Đảnh lễ (Thời báo nêu trên), nói đến những ngôi mộ có tên và không tên, thuộc phía bên này hoặc phía bên kia không phân biệt, tất cả đều là những linh hồn của kiếp người đáng thương, được ghi nhận do chiến tranh xảy ra ngoài ý muốn.

Xin được dẫn ra mấy bài thơ hay. Một người con trai Thương mẹ, bà đêm đêm ít ngủ, cứ lọ mọ thắp hương, nhớ thương hai đứa con liệt sĩ, một đã vào nghĩa trang còn một thì mất tích. Nỗi đau mất con khô nước mắt. Người anh của hai đứa em liệt sỹ đã làm ngôi mộ giả ở góc sân, cũng đủ bia đá ghi tên tuổi ngày sinh, ngày mất để mẹ già ngày ngày đêm đêm ngồi bên mộ hai con mà trò chuyện. Đọc Đỗ Quảng, chúng ta cùng với tác giả hiểu rằng mẹ Nam mẹ Bắc đều là mẹ, còn người đã mất rồi thì đừng phân biệt bên địch bên ta nữa.

Đây là Tiễn mẹ: cảnh Con gái ôm con/ Đi tiễn mẹ/ Bay vào tâm dịch/ Sài Gòn đó/ Nơi bà chờ ông từ miền Bắc trở về// Ông ngã xuống/ Lúc địch đầu hàng/ Sài gòn đó/ Những ngày mẹ đưa con gái vào chơi/ Thăm mộ ông bà/ Nằm chung một chỗ/ Nơi ông ngã xuống năm nào. Chỉ mấy dòng thơ ngắn mà như những gạch đầu dòng của sơ thảo một tiểu quyết, ít ra là truyện ngắn, về số phận của con người. Bắc - Nam hòa hợp vì cả hai miền cùng chịu đựng chiến tranh để có hòa bình; hòa hợp vì hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của cộng đồng nhân dân.

Tháng tư, dồn nén tinh thần hòa hợp dân tộc

Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc - 3

Đỗ Quảng và bạn văn trong buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước.

Trong bài báo Đỗ Quảng từ báo chí đến văn chương, tôi đã viết một đoạn ngắn về cảm hứng thơ ca của tác giả này về tinh thần hòa hợp dân tộc. Dễ tìm trong thơ ông những ý thơ về máu chảy ruột mềm, nồi da xáo thịt mà bất đắc dĩ ông phải thốt ra. Có tiếng khóc rấm rứt trong bài thơ Vui buồn tháng tư (trong tập thơ cùng tên đã nêu): Cuộc chiến tàn khốc nửa thế kỷ qua rồi/ Thôi đừng nói bên thắng bên thua nữa// Tháng tư đến, tháng tư hận thù làm gì có/ Đồng bào ta cả da vàng máu đỏ/ Ngày giỗ chung hay gọi ngày thống nhất  (...) Di ảnh hai con, hai chiến tuyến/ Áo lính khác màu, gương mặt nào cũng hòn máu mẹ cha. Nhà thơ vào nghĩa trang khi Chẳng quen ai nơi này cả, tháng tư hằng năm vào đây thăm mộ/ Nén tâm nhang, hoa cúc vàng/ Chia khắp rải trên phần mộ/ Góp chút tình thương nghĩa đồng bào.

Đi thăm chiến trường xưa, ông Ngắm sông mà trước đây dòng sông này đã ngăn cách đôi bờ: Cây cầu vắt ngang, đau như vết chém/ Mấy chục năm bi thương máu chảy/ Nước sông ngầu, hôm nay xanh trở lại// Rưng rưng thương nhớ dân đôi bờ/ Một thời chia cắt quãng đời xót xa...

Và, nếu Nghe hát ở Lát Vê Gát, tác giả cùng vui với Việt Kiều tại Hoa Kỳ khi đoàn nghệ sĩ ở nước nhà sang cùng biểu diễn với nghệ sĩ hải ngoại: Việt Nam, Việt Nam người hát người nghe cùng hô mãi/ Vui quá trời, rưng rưng lệ rơi/ Mấy chục năm máu chảy triệu triệu người chết mới có ngày nay/ Đêm diễn đầu tiên, ngày sum họp đất nước liền một dải/ Chiến tranh qua rồi/ Chúng ta là bạn, chúng ta là anh em thì Buổi trưa điện thoại reo (trong chùm thơ 3 bài, hai bài kia là Buổi sáng điện thoại reo, Buổi chiều điện thoại reo) tức là nửa đêm tại bên kia Nửa vòng trái đất em gọi về/ Chưa nói gì em đã khóc/ Thương anh một mình chẳng ai chăm/ Đêm đêm vẫn cầm bút viết/ Vui buồn kể chuyện đời (...) Chào bạn cũ sĩ quan đang cải tạo/ Trước khi rời Sài Gòn ra đi/ Vì nghịch cảnh, chân bước sống chết phó mặc cho số phận/ Lòng em đau, con tim ở lại/ Mấy năm rồi/ Không còn bên thắng bên thua nữa (...) Em nhớ ngày mai sinh nhật/ Điện về chúc anh thêm tuổi.

Chúng ta mãi mãi là con một nhà, chung một Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đáng chú ý, bài Ngẫm về tội ác được viết khi tác giả thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, cũng có câu Bên thắng bên thua, bên nào cũng có người chết. Theo một hướng khác về tính quốc tế - nhân loại của xúc cảm về hòa hợp, bạn đọc cũng có thể liên hệ đến bài Apsara (tập Thương lắm Sài Gòn ơi). Ấy là câu chuyện xót xa về người lính Việt Nam tình nguyện sang nước bạn Campuchia đánh quân giặc Polpot. Anh gửi về Việt Nam món quà cho con gái, nhưng món quà chưa kịp đến nơi thì anh hy sinh và con gái chết bởi bom giặc.

***

Mọi người cùng có một nhận định rằng thơ Đỗ Quảng là thơ mang đậm chất phóng sự. Có thể bổ sung rằng thơ Đỗ Quảng có yếu tố nhật ký, nói gọn là thơ nhật ký. Hằng ngày ông suy tư trên cơ sở chắt lọc những trải nghiệm đời sống rồi viết thành thơ, viết một cách thoải mái về những suy cảm buột ra từ tấm lòng thành. Ông luôn luôn nặng lòng về tình yêu đối với đời sống của riêng mình và nhân quần. Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn (1881 - 1936) đã nói chí lý rằng: “Khi buồn, người ta có thể sáng tác, nhưng khi hờ hững thì không thể viết được; sáng tác phải bắt rễ từ tình yêu”. Ông ít chú ý đến kỹ thuật làm thơ, ấy vậy mà bất ngờ để lộ một số tứ thơ hay làm tăng hiệu quả truyền cảm đến bạn đọc.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Đồng yên Nhật tăng nhẹ sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba thất bại trong việc giữ thế đa số tại Thượng viện. Kết quả bầu cử gây ra lo ngại về sự bất ổn chính trị, làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của các cuộc đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ.

Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập và phát triển, vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa đang từng bước làm thay đổi thị hiếu và nhận thức của một bộ phận xã hội. Đối với văn học Việt Nam, sự đổi mới và cách tân nghệ thuật cũng đã tác động không nhỏ đến dòng văn học truyền thống, trong đó, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng - dòng văn học một t

Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ)

Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ)

Chiếc xe Honda cũ do một anh công nhân Công ty TNHH Xây lắp điện 4 chở tôi phải dừng ngay dưới chân dốc để lùi về số và lấy đà vượt lên. Con đường đất đỏ tung bụi mù mịt phủ kín chiếc xe đi trước. Anh công nhân kể với tôi, hàng ngày các anh phải đi lên đi xuống mấy lần như thế. Ngày nắng thì đường bụi, ngày mưa thì tất cả phải cuốc bộ. Các anh đã mấy tháng nay ăn, ngủ tại