Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ)

Chiếc xe Honda cũ do một anh công nhân Công ty TNHH Xây lắp điện 4 chở tôi phải dừng ngay dưới chân dốc để lùi về số và lấy đà vượt lên. Con đường đất đỏ tung bụi mù mịt phủ kín chiếc xe đi trước. Anh công nhân kể với tôi, hàng ngày các anh phải đi lên đi xuống mấy lần như thế. Ngày nắng thì đường bụi, ngày mưa thì tất cả phải cuốc bộ. Các anh đã mấy tháng nay ăn, ngủ tại công trường và hầu như không có ngày nghỉ. Công việc thi công đường dây cao thế, nhất là các mạch 500kV thì hầu như địa hình đều khó khăn như thế. Riêng tuyến đi qua tỉnh Lào Cai dài gần 150km thì hầu hết đi qua các vùng núi heo hút, nhiều khoảng néo phải vượt qua từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Chỉ riêng vận chuyển vật tư phục vụ công trình thôi cũng là một công việc cực kỳ khó khăn.

Tại vị trí cột 93 nằm trên đất xã Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng là một hạng mục thi công khó khăn. Để thi công cột móng này phải làm tuyến đường công vụ vượt qua bao nhiêu con suối và đồi đất cao cả trăm mét so với mặt nước biển. Đường công vụ lên vị trí móng số 93 phải thi công thành nhiều đoạn để hạ thấp độ dốc, giúp cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị thuận lợi hơn. Tại công trường, anh Nguyễn Trọng Quyết cán bộ kỹ thuật giám sát thi công thuộc Công ty CP Khảo sát - Thiết kế điện (ICD) cho chúng tôi biết: Do mặt bằng hiện trường hẹp lại không bằng phẳng nên người ta phải thiết kế móng cột số 93 theo dạng lệch, các cột có độ chênh nhau tới 6m. Chiều cao của cột là 83m, riêng thép thiết bị lắp cột cũng lên đến gần 90 tấn.

Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) - 1

Lắp đặt cột số 93 tại Bảo Yên Lào Cai.

Hiện tại phần móng đã hoàn thành, anh em công nhân Công ty TNHH Xây lắp điện 4 vừa tiếp tục vận chuyển vật tư vừa tổ chức lắp cột. Ông Bùi Tuấn Cảnh - Giám đốc Công ty đưa chúng tôi đến tận chân cột và nói: Trong điều kiện thi công vô cùng khó khăn. Mưa cũng khổ mà nắng cũng cũng khổ. Người thợ của công ty bám công trường để tranh thủ làm việc. Với các anh, đường găng tiến độ không chỉ tính theo tuần mà phải tính theo từng ngày. Nếu không tính toán tập kết vật tư đồng bộ gặp mưa, đường lên núi không hoạt động được thì sẽ dẫn đến cột chờ vật tư, tiến độ sẽ ảnh hưởng ngay. Nhiều hôm trời nắng gắt, người thợ phải bám các trụ thép trên cao cả mấy tiếng đồng hồ liền, quần áo mồ hôi thấm ướt rồi lại khô…

Chúng tôi đã từng sống trong cái không khí thi công “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” của Dự án đường dây 500kV mạch III từ Quảng Bình ra Phố Nối (Hưng Yên) năm 2024, thì hôm nay trên công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) không khí thi công cũng quyết liệt như thế. Trên suốt cả tuyến dài 229,5km đều thể hiện quyết tâm cao từ Trung ương xuống đến các tỉnh, các xã và tới người dân.

“Mặc dù Phú Thọ mới bắt đầu vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Nhưng tỉnh đã xác định: công tác GPMB cho đường dây 500 KV là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tất cả các ban, ngành cùng chính quyền xã có dự án đi qua cùng tập trung giải quyết, tháo gỡ nhanh, kịp thời như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo: rõ việc, rõ người, rõ thời gian và rõ kết quả. Đã nói là làm. Công tác GPMB đến nay cơ bản hoàn thành. Người dân đồng thuận, ủng hộ công trình. Chúng tôi nhận thức rõ: Dự án đường dây 500 KV không chỉ phục vụ lợi ích an ninh năng lượng quốc gia mà Dự án cũng sẽ giúp cho Phú Thọ rất nhiều để nâng cao năng lực truyền tải phục vụ sự phát tiển các khu công nghiệp trước mắt và lâu dài”

Trần Duy Đông

Chủ tịch tỉnh Phú Thọ

Khi làm việc với xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai, địa phương có tới 15 vị trí cột đi qua. Chúng tôi càng hiểu quyết tâm không chỉ trên giấy tờ, lời nói mà đã chuyển xuống tới từng người dân. Lâm Thượng cũng như tất cả các xã, phường trên địa bàn cả nước vừa mới bắt tay vào hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp chưa được 10 ngày. Ấy vậy mà lãnh đạo Lâm Thượng không cho phép có độ trễ trong điều hành, trong đó có việc triển khai Dự án đường dây 500kV. Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch xã cho biết: Lâm Thượng có tới trên 70% người dân là dân tộc thiểu số. Cho đến giờ phút này tất cả các hộ dân có vị trí cột đi qua đã bàn giao xong mặt bằng phục vụ thi công. Xã đang tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng hành lang an toàn lưới điện để kịp phục vụ thi công kéo dây.

Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) - 2

Bộ đội Trung đoàn 174 Sư 316 (QK2) làm đường công vụ lên vị trí cột 140 Lục Yên Lào Cai.

Làm việc ở Lâm Thượng một xã vùng cao của Lào Cai đã cho chúng tôi một cảm nhận làn gió mới thực sự đang khơi dậy trong tâm tư tình cảm bà con dân tộc. Có lẽ rất khó hình dung ở một địa bàn xã mới sáp nhập rộng thế, đông dân thế lại ở vùng sâu, vùng xa có điểm cách trung tâm xã tới 16km như Lại Thượng mà sau mấy ngày hoạt động đã có hiệu quả như thế. Việc điều hành phục vụ Dự án 500kV ở Lào Cai cũng như ở Phú Thọ thực sự đã là phép thử cho một cung cách làm ăn mới rất thực tế ngay từ ngày đầu tiên. 

Từ bài học kinh nghiệm khi thi công Dự án đường dây 500kV mạch III Quảng Bình - Phố Nối (Hưng Yên), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai tốt phương châm bốn tại chỗ để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thi công. Ngay từ tháng 6, Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với Ban dự án để đưa bộ đội vào tham gia tại các hạng mục khó khăn nhất. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhiều vị trí cột nằm trên vùng địa hình khó khăn như: vị trí cột ở độ cao cả trăm mét so với mặt nước biển, phải thi công đường công vụ dài trên các sườn núi cao, việc vận chuyển vật tư, thiết bị vô cùng khó khăn. Tại hầu hết các “điểm nóng” ấy đều có lực lượng bộ đội tham gia hỗ trợ.

Tại vị trí cột số 140 ở thôn Nà Khà xã Lục Yên, tỉnh Lào Cai, thượng úy Đỗ Đức Sơn chỉ huy trưởng lực lượng bộ đội Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 Quân Khu 2 đang hỗ trợ thi công ở vị trí đặc biệt khó khăn này đã đưa chúng tôi ra hiện trường. Anh trao đổi: Đơn vị được lệnh hành quân đến đóng chốt ngay tại công trường. Được bà con địa phương tạo điều kiện giúp đỡ như lo cho con em mình từng bữa ăn đến tìm nguồn nước sạch đưa từ suối xa về cho anh em sinh hoạt hàng ngày. Nhà bác Nguyễn Quang Ngồi đã dành diện tích nhà ở để đón bộ đội về sinh sống. Lực lượng bộ đội ở đây chủ yếu là làm đường công vụ và đưa vật tư, thiết bị lên công trình móng trên sườn núi cao. Đây là tuyến đường có độ dốc lớn, nếu đi bộ phải mất gần hai tiếng đồng hồ. Bộ đội đã vận chuyển đá lên kè đường và san lấp hàng trăm mét khối đất đá. Nhiều lần vừa làm xong mưa lớn trôi hết lại phải bắt đầu làm lại từ đầu. Với một tuyến đường dốc ngược núi dài gần 2km, bộ đội đã hỗ trợ vận chuyển vật tư, thiết bị lên công trình để đảm bảo tiến độ thi công. 

Chúng tôi đã được chứng kiến hình ảnh thật xúc động về sự phối hợp, hợp tác giữa những người thợ màu áo vàng của điện lực với màu áo xanh của anh bộ đội ngay trên hố móng nơi cheo leo trên sườn núi cao. Họ đã sống và làm việc với nhau trong điều kiện vô cùng khó khăn như thế để sớm đưa dòng điện lên lưới quốc gia.

Tháng bảy ở công trường thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) - 3

Thi công cột 369 vượt sông Lô.

Không chỉ có lực lượng bộ đội hỗ trợ thi công, Trung ương Đoàn thanh niên cũng đã kịp thời phát động một đợt thi đua dồn sức để Dự án đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) về đích đúng hẹn. Lực lượng thanh niên ở 31 xã có đường dây đi qua đã tổ chức chiến dịch tình nguyện hỗ trợ các đơn vị thi công nhất là công tác phối hợp với chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.

Đi dọc tuyến đường dây đang thi công nước rút, ở đâu chúng tôi cũng thấy không khí làm việc thật khẩn trương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương với ngành điện lực. 

Thời tiết tháng bảy miền Bắc mưa nhiều và nắng nóng gay gắt. Có được chứng kiến cảnh lao động dưới cái nắng như đổ lửa giữa một công trình bề bộn bê tông và sắt thép mới thấy cường độ lao động của người thợ bỏ ra cho từng hạng mục lớn như thế nào. Khi chúng tôi đến vị trí cột số 369 tại xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cũng là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày. Công trường nằm trên những thửa đất trồng lúa và cây màu bên bờ sông Lô. Đây là một trong hai cột vượt sông cao 130m với khối lượng sắt thép mỗi cột trên 351 tấn. Anh Hồ Bá Thắng - thợ lắp cột thuộc một đơn vị miền Trung vừa được tăng cường ra công trình. Anh cho biết: Để giải quyết móng cột điện số 369, công trường đã phải đổ hàng trăm mét khối cát tạo nền trên đất yếu. Hiện tại công trường vừa tổ chức thi công vừa khẩn trương tiếp nhận đầy đủ các loại vật tư thiết bị để chủ động sản xuất ngay cả khi gặp phải thời tiết xấu. Trời nắng nóng, chỉ sờ tay vào các cấu kiện thép đã thấy bỏng, vậy mà các anh đã treo mình trên dàn thép như thế để lắp các khối ống thép nặng cả trăm cân lên cao. Từ dưới nhìn lên bên những khung thép sơn trắng, lóa nắng lại được điểm bởi cái chấm vàng của màu áo thợ đã làm người ta cảm nhận như những bông hoa dã quỳ giữa cái nền nắng mênh mông trải dài ven sông.

Làm việc với Ban quản lý Dự án Điện 1, điều mà các anh tâm đắc nhất khi triển khai Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (Phú Thọ) là sự đồng thuận và vào cuộc quyết liệt của các địa phương; là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các ngành chức năng. Được biết ngay sau khi Dự án được Thủ tướng phê duyệt, ngay tại phiên họp triển khai, Chủ tịch tỉnh Lào Cai khi ấy là ông Trịnh Xuân Trường đã khẳng định: tỉnh Lào Cai sẽ giao mặt bằng sạch sớm nhất cho Dự án kể cả khi tiền đền bù từ Tập đoàn Điện lực chưa chuyển kịp. Và Lào Cai đã làm đúng như thế. Còn Chủ tịch Trần Duy Đông của Vĩnh Phúc (cũ) đã cùng lãnh đạo Ban quản lý Dự án đi khảo sát hiện trường tới 3 lần với từng vị trí móng cột, từng khoảng cách hành lang an toàn. Ngay sau ngày 1/7/2025, khi cả nước thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp thì tại 2 tỉnh Lào Cai và Phú Thọ nằm trong Dự án các công việc vẫn được triển khai bình thường. Các tỉnh giao ban liên tục, mọi vướng mắc đều được xử lý ngay, dứt khoát và nhanh chóng. Lãnh đạo hai tỉnh Lào Cai và Phú Thọ đều khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải huy động tất cả hệ thống chính trị vào cuộc. Điều ấy được khẳng định bằng kết quả thực tế: chỉ sau 4 tháng ra quân với một Dự án đường dây dài 229,5km có 468 vị trí cột và đất phải giải phóng mặt bằng vị trí cột là trên 63ha. Cùng với đó là phải đảm bảo cuộc sống cho 2.189 hộ dân sau khi giao đất có nơi ở mới. Riêng công trình khối lượng bê tông phải đổ lên tới 45.000m3 và tiếp nhận 57.000 tấn cột thép cho toàn tuyến. Những công việc ấy đến nay đã hoàn thành tới trên 93%. Công trình đang trong giai đoạn nước rút để về đích đúng hẹn.

Có mặt tại các công trường vào những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi mới thấy sự thông thoáng trong xử lý công việc, trong điều hành trực tiếp của chính quyền tỉnh, xã và các cơ quan chức năng rất đúng với chỉ đạo “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng phải có hiệu quả tốt nhất.

Ông Bùi Phương Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện 1 khi làm việc với chúng tôi đã tâm sự: Đồng hồ đếm ngược đến lúc này chỉ còn gần một tháng nữa là phải xong. Cũng lo. Quyết tâm thì không phải nói nữa, vật tư thiết bị cũng đã ổn nhưng lo cái thời tiết thất thường sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Các anh đi suốt tuyến thì thấy đấy, vật tư chỗ nào cũng khẩn trương tập kết đến chân công trình. Gần 100% vị trí móng cột đã xong, nhiều khoảng néo chúng tôi đã bắt đầu cho kéo rải dây. Tất cả chúng tôi đều có mặt trên công trường. Phấn đấu để hoàn thành đóng điện vào ngày 19 tháng 8, đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao cho ngành điện và cán bộ nhân dân hai tỉnh Lào Cai, Phú Thọ lập thành tích chào mừng 80 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9.

Mục tiêu ấy đã và đang được thực hiện trên công trường vào những ngày cao điểm này.

“Dự án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua. Người dân đồng thuận cao nên đã tình nguyện giao mặt bằng sớm. Đến ngày 10/7 trên 229,5km chúng tôi đã đổ xong móng cột, tiếp tục lắp đặt cột và chuẩn bị kéo dây. Phấn đấu ngày 15/8 cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ Thủ tướng giao”

Bùi Phương Nam

Giám đốc Ban quản lý Dự án Điện 1

Minh Bài - Tiến Phú

Vấn vương hương cốm làng Vòng
Vấn vương hương cốm làng Vòng

Tôi tin rằng, dù cuộc sống có bộn bề gấp gáp bao nhiêu, dù có du nhập biết bao món ngon từ các nước thì những món ngon...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Đồng yên Nhật tăng nhẹ sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba thất bại trong việc giữ thế đa số tại Thượng viện. Kết quả bầu cử gây ra lo ngại về sự bất ổn chính trị, làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của các cuộc đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ.

Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập và phát triển, vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa đang từng bước làm thay đổi thị hiếu và nhận thức của một bộ phận xã hội. Đối với văn học Việt Nam, sự đổi mới và cách tân nghệ thuật cũng đã tác động không nhỏ đến dòng văn học truyền thống, trong đó, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng - dòng văn học một t

Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc

Đỗ Quảng với cảm hứng thơ hòa hợp dân tộc

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời đã từng phát biểu một cách rất chân thành và dạt dào xúc động. Rằng “Chiến thắng 30/4/1975 là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá bằng nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Vì thế, một sự kiệ