Đưa trẻ đến 2 nơi này thường xuyên, tăng khả năng vượt qua thất bại và EQ
Đứa trẻ nhạy cảm cần được bố mẹ dành tình yêu thương, sự quan tâm nhiều hơn.
Trong xã hội hiện đại, một trong những vấn đề đáng chú ý là sự yếu đuối và nhạy cảm ngày càng tăng ở trẻ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. còn tác động đến khả năng đối phó với những thử thách trong cuộc sống. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, và việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ tìm ra phương pháp nuôi dạy con hiệu quả.
Vì sao trẻ em ngày càng trở nên nhạy cảm?
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Trẻ em thuộc Đại học Harvard cho thấy, trẻ lớn lên trong môi trường được bảo bọc quá mức có hormone căng thẳng cao gấp 3 lần so với trẻ bình thường khi gặp phải thất bại.
Hormone căng thẳng, mặc dù là một phản ứng tự nhiên giúp cơ thể nhanh chóng điều chỉnh trạng thái và đối phó với những tình huống khẩn cấp, nhưng khi tiết ra quá nhiều và kéo dài, có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe. Điều này giống như những bông hoa trong nhà kính: Chúng có thể trông đẹp đẽ và phát triển mạnh mẽ, nhưng lại khó chịu đựng được những cơn gió mạnh hay mưa bất chợt.
Nhiều trẻ trở nên nhạy cảm.
Một người mẹ kể rằng, cách đây không lâu, chị đưa con trai tham gia trận bóng đá ở trường. Khi cậu bé ra sân, người mẹ luôn để mắt, thường xuyên chạy đến lau mồ hôi và cung cấp nước cho con. Khi đứa trẻ vô tình ngã trong lúc chơi, phản ứng đầu tiên không phải là tự đứng dậy mà là quay lại tìm kiếm mẹ, như thể sự hiện diện của mẹ là điều kiện tiên quyết để cậu cảm thấy an toàn.
Tình huống này gợi nhớ đến khái niệm trong tâm lý học được gọi là “Bố mẹ bảo mẫu.” Điều này có nghĩa là bố mẹ luôn cố gắng giải quyết mọi trở ngại trước khi khó khăn xảy ra, nhưng không nhận ra rằng hành động này tước đi cơ hội phát triển của trẻ.
Thay vì để trẻ tự trải nghiệm, học hỏi và rèn luyện khả năng đối phó với thử thách, bố mẹ vô tình tạo ra một môi trường đầy bảo bọc, khiến trẻ không thể phát triển các kỹ năng cần thiết để xử lý áp lực và khó khăn trong cuộc sống.
Sự thiếu hụt này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, trở nên nhạy cảm, nhút nhát khi trẻ phải đối mặt với những tình huống thực tế mà không có sự hỗ trợ.
Hãy đưa trẻ đến hai dịp này, giúp rèn luyện khả năng chống lại thất vọng, cải thiện EQ
Trên thực tế, khả năng chống lại sự thất vọng của trẻ được phát triển thông qua thực hành.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên giúp trẻ tăng cường sự trải nghiệm, nhằm nuôi dưỡng sự tự tin, cải thiện tâm trạng và EQ tốt hơn.
Những dịp tăng tính cạnh tranh: Trò chơi, cuộc thi, biểu diễn trên sân khấu
Một số trẻ thường dễ khóc khi thua trò chơi và trở nên khó chịu, hờn dỗi nếu không có món đồ chơi yêu thích. Sự nhạy cảm này không phải là điều hiếm thấy trong quá trình phát triển của trẻ.
Theo góc nhìn tâm lý, mặc dù trẻ hay khóc khi thua cuộc, nhưng trải nghiệm liên tục sẽ giúp tâm lý được tôi luyện và trưởng thành. Khi trẻ đối mặt với nhiều tình huống khác nhau hơn, sẽ học cách xử lý cảm xúc của mình một cách bình tĩnh, biến mọi thất bại thành bài học quý giá và một bước tiến mới.
Ví dụ, trẻ đã trải qua 100 lần thất bại thường có khả năng chịu đựng sự thất vọng mạnh mẽ hơn nhiều so với một đứa trẻ chỉ trải qua 10 lần thất bại.
Hãy đưa trẻ đến những nơi có tính cạnh tranh, như các cuộc thi, buổi biểu diễn...
Cũng giống như việc tiêm vắc-xin, một lượng "kháng nguyên" gây ức chế thích hợp thực sự có thể kích hoạt hệ thống "miễn dịch" về mặt tâm lý của trẻ. Những trải nghiệm khó khăn, khi được vượt qua, sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần và khả năng phục hồi, giúp trẻ trở nên dạn dĩ hơn trong những tình huống khó khăn trong tương lai.
Vì vậy, thay vì bảo vệ trẻ khỏi mọi thất bại, hãy cho trẻ cơ hội để đối mặt, học hỏi và trưởng thành từ những trải nghiệm này.
Bố mẹ có thể tạo điều kiện đưa trẻ đến những nơi có tính cạnh tranh, như các cuộc thi, buổi biểu diễn... Nhưng khi tham gia thi đấu, bố mẹ nên dạy trẻ 3 điều.
- Thất bại không phải là điều tồi tệ. Khi trải qua thất bại, trẻ mới biết cách thành công ở lần sau.
- Hãy khiêm tốn khi chiến thắng và hiểu rằng luôn có những người giỏi hơn mình, để không trở nên kiêu ngạo.
- Dù kết quả thế nào, sự kiên trì vẫn rất quý giá và tiến bộ sẽ được tích lũy từng ngày.
Những dịp tăng tương tác xã hội: Họp mặt gia đình, hoạt động cộng đồng, môi trường mới
Một số phụ huynh phàn nàn rằng mình là "kẻ bắt nạt" ở nhà, nhưng lại ngoan ngoãn khi ra ngoài, trở nên nhút nhát và ngại giao tiếp.
Nguyên nhân chính là do trẻ có quá ít kinh nghiệm xã hội và chưa biết cách giải quyết xung đột.
Nghiên cứu về khoa học thần kinh đã phát hiện, môi trường xã hội phức tạp có thể kích hoạt vỏ não trước trán của trẻ, trung tâm quản lý cảm xúc và ra quyết định.
Giống như học bơi, trẻ phải xuống nước và luyện tập nhiều lần. Đối với giao tiếp, trẻ cũng phải luyện tập trong những tình huống thực tế.
Tăng những dịp tăng tương tác xã hội.
Nếu muốn cải thiện EQ cho trẻ, bố mẹ tham khảo ba phương pháp sau.
- Tạo thêm nhiều bối cảnh xã hội, để trẻ tự hỏi giá khi ở siêu thị, hay tự gọi đồ ăn khi đi ra ngoài.
- Dạy trẻ một số câu giao tiếp thông dụng, chẳng hạn như: "Mình có thể chơi chung với cậu không?"...
- Chơi trò nhận biết cảm xúc, chẳng hạn như che biểu cảm của các nhân vật trong sách tranh và yêu cầu trẻ đoán cảm xúc.
Phương pháp giáo dục tốt nhất không phải là bố mẹ luôn bảo vệ trẻ khỏi gió mưa, hay xây nhà kính, mà cung cấp "giàn giáo" kịp thời khi trẻ cần và gỡ bỏ khi cần thiết. Sự hỗ trợ ấm áp này chính là "áo giáp tâm lý" mà trẻ cần để vượt qua mọi trở ngại trên hành trình trưởng thành.
Bình luận