Nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn
Tôi lên đường nhập ngũ vào giữa những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người Sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi - Sư đoàn 320B là Tướng Hà Vi Tùng, một vị tướng vừa từ mặt trận Tây Nguyên ra để huấn luyện cho tân binh miền Bắc trở thành những người lính thiện chiến vào miền Nam chiến đấu. Ông Hà Vi Tùng là một vị tướng lẫy lừng. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu chói sáng từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.
Ngày 23/10/1945, thực dân Pháp tiến đánh Nha Trang - Khánh Hòa, ngăn chặn đường tiếp viện của các tỉnh miền Bắc chi viện cho miền Nam. Các cán bộ chỉ huy quân sự như Phạm Kiệt, Thế Lâm, Lư Giang, Hà Văn Lâu, Hà Vi Tùng ra trận. Cùng những lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, trực tiếp là Tôn Thất Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã chỉ huy quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa chiến đấu suốt 101 ngày đêm từ 23/10/1945 đến 2/2/1946 hết sức quả cảm và anh dũng, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, qua các đoàn thị sát chiến trường của Chính phủ do các Bộ trưởng Lê Văn Hiến rồi tiếp đến là Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trực tiếp mang vào.
Nhà cách mạng Nguyễn Minh Vỹ.
…Từ đó tôi bắt đầu được hiểu biết nhiều hơn về những đồng chí đồng đội của Sư Đoàn trưởng Hà Vi Tùng, các tướng lĩnh như Phạm Kiệt, Thế Lâm, Lư Giang, Hà Văn Lâu và đặc biệt là ông Tôn Thất Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Khánh Hòa ngày ấy.
Cuộc đời cách mạng của vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Khánh Hòa ông Tôn Thất Vỹ ngày ấy rất tiêu biểu và thú vị. Ông là nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc. Tên thật của ông là Tôn Thất Vỹ, sinh ngày 17/7/1914 trong một gia đình Hoàng tộc tại Huế. Năm 1927, lúc mới 13 tuổi, Tôn Thất Vỹ được vào học ở Trường Quốc học Vinh. Đến năm thứ hai, ông bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, nên gia đình chuyển ông về học ở Quy Nhơn. Ở đây, chàng thanh niên 15 tuổi Tôn thất Vỹ được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn; được Đảng tín nhiệm giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Có thể nói, ông bắt đầu con đường cách mạng từ đây.
Ngày 19/7/1931, ông bị bắt, giam tại Quy Nhơn, bị Tòa án Nam triều kết án bảy năm tù khổ sai. Cũng vì án tù này, ông không được ở trong hàng ngũ Hoàng tộc nữa, phải đổi theo họ Trương của mẹ và mang tên họ mới là Trương Vỹ.
Năm 1937, Tôn Thất Vỹ ra tù, về lại Quy Nhơn được Tỉnh ủy Bình Định phân công phụ trách vận động công khai phong trào công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức... và phụ trách ngành đường sắt. Trở lại hoạt động cách mạng, Tôn Thất Vỹ lấy họ Nguyễn (nguyên gốc của dòng họ Tôn Thất) và dùng chữ đệm là Minh theo tên của Bác Hồ (Hồ Chí Minh), mang chí lớn của mình là con đường hoạt động trước sau chỉ theo Đảng và Bác.
Lễ ký chính thức Hiệp định Pa-ri ngày 27/1-/1973. Bốn người ngồi hàng đầu (từ trái qua phải) là các ông: Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh tư liệu.
Những năm 1940 - 1941, ông Nguyễn Minh Vỹ được phân công vào hoạt động ở Nha Trang, Khánh Hòa. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước ta, ông đã cùng các cán bộ quân đội chỉ huy quân và dân Nha trang chiến đấu rất dũng cảm với quân xâm lược…
Ngày 17/8/1945, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh Khánh Hòa đã bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, ông Nguyễn Minh Vỹ được bầu làm ủy viên thư ký, rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh.
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Ủy ban nhân dân cách mạng, nhân dân Nha Trang nổi dậy giành chính quyền. Sau đó không lâu, ngày 23/10/1945, Nha Trang - Khánh Hòa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 101 ngày đêm. Ngày 6/1/1946, nhân dân Khánh Hòa cùng nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong tiếng súng của giặc Pháp xâm lược. Ông Nguyễn Minh Vỹ cùng các ông Nguyễn Văn Chi và Đào Thiện Thi được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I. Năm 1954, theo đề nghị của ông, Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ đã ra Nghị định công nhận việc đổi tên, họ của ông thành Nguyễn Minh Vỹ.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, khi có lệnh tập kết ra Bắc, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Hội đồng Tập kết Liên khu V, Chỉ huy trưởng Quân cảng Quy Nhơn, mang mật danh là "Trung tá Nam". Tiếp đó, ông nhận nhiệm vụ là Vụ trưởng Vụ Quan hệ Bắc Nam, Chủ nhiệm Báo Thống nhất, rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Thông tin (cấp ngang hàng với Bộ, sau này sáp nhập với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hoá Thông tin), kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.
Trong những tư liệu lịch sử của Quốc hội còn ghi rõ: Khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", tại kỳ họp Quốc hội khóa II năm 1962, ông Nguyễn Minh Vỹ được giao nhiệm vụ soạn bản dự thảo tuyên bố của Quốc hội tố cáo hành động của đế quốc Mỹ, kêu gọi dư luận tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam. Bác Hồ đã trực tiếp duyệt bản dự thảo này, chuyển Trưởng ban Thường trực Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem lại. Bản dự thảo tuyên bố trên của Quốc hội với bút tích sửa chữa của Bác Hồ, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 25/1/1969, Hội nghị bốn bên ở Pa-ri chính thức khai mạc giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Ông Nguyễn Minh Vỹ được quyết định làm phó đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị. Trước ngày đoàn lên đường sang Pa-ri, Bác Hồ đã thân mật gặp gỡ và căn dặn toàn đoàn: "Các chú sang Pháp lần này sướng hơn Bác sang Pháp năm 1946 nhiều. Ở nhà ta chiến thắng, thế giới ngày càng hiểu ta, ủng hộ ta. Ngồi ở Pa-ri mà tố đế quốc Mỹ thì sướng lắm! Nhưng luôn nhớ Mỹ là nước lớn, nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như trước đây ta hay nói Tây có hai thứ Tây: Tây thực dân và Tây nhân dân, cho nên phải nói năng cho khôn khéo".
Lời dặn của Bác đã in dấu sâu sắc trong toàn đoàn, và họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh ngoại giao và nhiệm vụ cao cả như lời Bác căn dặn trên mặt trận ngoại giao, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc…
Nhớ lại những ngày này, đại sứ Hà Văn Lâu viết trong hồi ký: “Tôi tham gia chủ yếu ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn thăm dò phía Mỹ. Trong khi thăm dò, tôi có nhiệm vụ thay mặt cho đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, gặp gỡ riêng với Cyrus Vance, Phó đoàn phụ trách về quân sự. Trong các cuộc gặp riêng, tôi cùng anh Nguyễn Minh Vỹ (Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin lúc bấy giờ, một thành viên đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - PV) đấu tranh với Vance và Habib - một tay cố vấn rất am hiểu Đông Dương. Qua 12 cuộc gặp gỡ bí mật, ta đánh lùi dần các lập trường và điều kiện của Mỹ theo đúng chỉ thị của Bộ Chính trị, cuối cùng buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện vào ngày 31/10/1968”.
Ông Nguyễn Minh Vỹ mất ngày 29/9/2002, thọ 88 tuổi. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình ngay từ khi còn ở tuổi thanh, thiếu niên cho Tổ quốc. Cuộc đời ông đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đánh giá công lao và thành tích của ông Nguyễn Minh Vỹ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Độc lập hạng nhất cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Năm 2008, nhà báo, nhà hoạt động quân sự, ngoại giao, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Một ngày gần đây, tôi có dịp gặp anh Lê Hải Bình, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong một hội thảo khoa học của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Anh chính là cháu ngoại của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ. Theo bước cha anh, anh từng là Phó Giáo sư ngành Chính trị học, Tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế, từng là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trẻ nhất tính đến thời điểm được bổ nhiệm, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và hiện là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chúng tôi có dịp nói nhiều về ông ngoại của anh, bởi sắp tới đây (17/7) kỷ niệm ngày sinh lần thứ 111 của ông. Và cũng có thể nói thêm, nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc Nguyễn Minh Vỹ hiện có thế hệ con cháu kế tục rất xứng đáng…

Ai cũng biết thành Thăng Long xưa có tứ trấn, tức 4 ngôi đền thờ 4 vị thần hộ vệ kinh thành ở 4 mặt.
Bình luận