Thơ Phạm Hồng Điệp – Một mảnh hồn Doanh nhân thời 4.0

Tôi có cuộc gặp dở dang với Phạm Hồng Điệp khi có một lần gõ cửa nhà anh với ý định viết một phóng sự dài về cái “thế giới xanh” được bàn tay của Doanh nhân tạo dựng ở vùng đất Nam Cầu Kiền; và kết quả lại lạc vào thế giới thơ nhạc của anh rồi đăng giúp anh được nhạc phẩm “Võ công truyền quốc sử” trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Bỗng dưng đọc tin: Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Thư Ủy quyền từ Liên minh Kỷ lục Thế giới trao tặng bằng xác lập Kỷ lục Thế giới đến luật sư, doanh nhân Phạm Hồng Điệp với nội dung: “Luật sư, doanh nhân sáng tác thơ và có nhiều bài thơ được phổ nhạc với số lượng nhiều nhất”. Cụ thể: trong 3 năm, từ năm 2021 đến nay, Phạm Hồng Điệp đã sáng tác 143 bài thơ với các chủ đề về thiên nhiên, gia đình, tình yêu, quê hương, đất nước Việt Nam… Trong đó, 125 bài đã được 20 nhạc sĩ tên tuổi lựa chọn và phổ nhạc. Kỷ lục này có lẽ chỉ đứng sau một nhà thơ nào đó (tôi chợt quên tên) trong một đêm, nhờ Đức Phật Hoàng báo mộng mà làm tới 400 bài thơ Thiền!

Thú thật tôi thấy rất lạ, càng lạ hơn khi nghe Phạm Hồng Điệp tâm sự là ông chỉ nhận mình là người “đi dạo” trong vườn thơ, chỉ mong ghi lại những cảm xúc vụt hiện trên mỗi hành trình đời mình. 

Đêm nay, một đêm mưa đầu hạ dai dẳng rơi giữa bầu trời sấm chớp, tôi đọc lại  lần nữa, một mạch cả ba tập thơ của ông. Có rất nhiều đề tài mà tác giả gửi gắm nhờ thơ nói hộ trong ấy. Đó là hành trình xuyên Việt để ghi về cảnh đất tình người, có những tâm sự ở xứ người xa xôi và tiếng thở của nhịp sống quê hương Hải Phòng với tiếng biển gọi, màu xanh của mảnh đất quê hương thu nhỏ, nơi ông gây dựng sự nghiệp Nam Cầu Kiền. Đặc biệt nghe thấy tiếng lòng ông dội lại đồng hiện gương mặt mẹ, lời ru bên song cửa, tiếng bạn bè lớp học 12A6, những luống cày trên đồng và cả những bước chân cua, tiếng bật của con tôm cái tép… những điều ấy giúp tôi kết luận: ông là người có hồn thơ.

Hồn thơ! Đây là tố chất quan trọng nhất, bởi dù anh có bằng cấp cao, huân chương, bằng khen cân nặng chục ký, có vàng nặng hàng tấn, thậm chí anh học chuyên ngành văn học… nhưng nếu không có hồn thơ thì các câu chữ anh viết ra giản đơn chỉ là sự ghép vần theo ý tưởng nào đó; nói đơn giản nó chỉ là văn vần mà thôi.

Cần phải nói ngay rằng, tôi đọc khá nhiều thơ của các tác giả “ngoại đạo” với văn chương, trong đó có không ít Nhà Doanh nghiệp tên tuổi và thấy phục vì họ yêu văn chương giữa cái thời văn hóa đọc xuống cấp và bản thân họ từng giờ phải “nát đầu” với những tính toán… nhưng lại buồn vì họ không hiểu “Nàng thơ”. Rất may mắn và trân trọng khi thấy Phạm Hồng Điệp đã không sa vào con đường của họ.

Bởi thế, tôi chọn hòa nhập vào trang viết của Phạm Hồng Điệp để kiếm tìm “độ rung” của hồn thơ ông – điểm khởi phát đầu tiên và quan trọng nhất trước khi nói đến các loại kỹ thuật làm thơ, các nguồn thi liệu được tích lũy từ sách vở và trường đời. Trong quá trình ấy, tôi đã được nghe tiếng của tâm hồn người thơ hình thành từ nhiều dạng thức và vang rung những cung bậc khác nhau.

Thơ Phạm Hồng Điệp – Một mảnh hồn Doanh nhân thời 4.0 - 1

Tác giả Phạm Hồng Điệp.

1. Chất tâm hồn khá nét trong vỉa thơ về hoài niệm; ở đó không gian thời gian quá vãng xô tấp vào anh hối thúc cảm xúc sống dậy thăng hoa.

Theo chân Phạm Hồng Điệp trên cánh đồng thơ của anh, không có cảm giác anh là một Doanh nhân thành đạt, trái lại gần gũi với bóng dáng một thi sĩ hơn. Tôi yêu tên tập thơ “Cánh đồng” mà anh đặt. Có lẽ đây là khúc hát tâm hồn trong trẻo và thuần phác nhất trong các tập thơ ông viết. Tác giả đã mang vào thơ cả “cánh đồng tuổi thơ” đầy thi vị để hồi ức, nhấm nhá vị ngọt ngào thời quá vãng. Ông như thoát xác khỏi ồn ào của thời công nghệ trở lại bản ngã của mình nhờ hồn thơ có sẵn trong ông kéo lại. Bài thơ mở đầu tập lại là “Kho cá”, đọc lên nghe nhịp phách đồng dao rộn rã tất bật nhưng vẫn tươi màu ánh sáng đầm ấm gia đình nơi quê kiểng. Câu chuyện kho cá thôi nhưng phong tục quê trở lại, cây cối quê tươi sống, đồng đất quê sôi động nhịp làm ăn… và gương mặt miền quê thuần nông, đầy thơ hiện dậy. Rõ ràng đây không phải là ánh nhìn trần thuật của Phạm Hồng Điệp tư cách Doanh nhân mà là hồn vía Phạm Hồng Điệp được đánh thức kéo ông về hoài niệm:

Mùa chín vàng hương lúa

Ấm lòng quê thanh bình

Nhóm những bài thơ như vậy xuất hiện khá nhiều: Bắt cua đồng, Bắt rạm lao, chăn trâu, Mò cá mùa đông… nhưng không chỉ có vậy, tác giả như không dứt được mà quấn riết tơ lòng của mình vào những hình ảnh quê mẹ thân thương. Lấy hình ảnh “Bến xưa” làm ẩn dụ, tác giả đã giãi bày lòng mình với cả quê mẹ yêu thương. Thân phận những con người nơi đây một thời dù còn trong gian khó, nhưng họ lại sung sướng vì được sinh ra và lớn lên trong một miền văn hóa. Bài thơ Bến xưa nỗi hoài niệm của tác giả như dẫn dụ người đọc vào miền quê thấm đẫm nghĩa tình theo câu hát Đúm:

Ta về nghe lại câu hát Đúm

Dự hội làng ta cất câu ca

Và :

Lật giở từng trang dòng kí ức

Hương cam vương vít gió hiên nhà.

Ở thời điểm mà đến trái tim người cũng đang bị xâm thực bởi công nghệ, riêng mảnh đất Hải Phòng và Thủy Nguyên quê anh đã đô thị hóa. Trong cái không khí đầy nhiễu động ấy, con người ào ạt ném mình vào dòng chảy Tiền – Hàng, vui với cảnh tự giam mình và hóa những con kiến li ti trong những khối bê tông cao tầng chất ngất như núi; mê đắm với son phấn, chìm trong ly rượu cao cấp… thì chút “Chân quê” còn lưu giữ được là một điều khác biệt. Cũng có khi vì níu giữ nó còn bị “người phố” chọc là “quê mùa”… thì tác giả lại đưa ra một kết luận bất thường: “Chân quê chỉ thế là vui/ Để bao người tiếc như là cõi tiên”. Tư tưởng của bài thơ này tương đồng như rất nhiều bài thơ ông viết; chất quê kiểng làm ông “Say vị quê hương”, “say” hương sắc màu thu, “say” ánh nắng hè hay để hồn “hát” lên “Ngẫu hứng với trăng thu”…

Đọc câu thơ, ý thơ vừa dẫn ta thấy không phải Phạm Hồng Điệp cố gắng tô hồng, đánh bóng hoặc nâng cấp thiên vị cái chất quê kiểng mà ngược lại, đó là sự tri nhận của một tâm hồn văn hóa. Thực tế hiện nay, khi con người giàu sang lên thì chất tâm hồn lại trở thành đói rách theo phép tính tỉ lệ nghịch! Con người, theo quan niệm thiêng liêng luôn có hai phần: thể chất và linh hồn. Nếu bỏ rơi mảnh hồn mình hoặc bi kịch hơn là đánh mất nó thì anh còn lại nửa cái trần tục trơ trọi mà thôi. Bình luận vậy, để thấy nhà Doanh nghiệp có tiếng này luôn coi trọng tâm hồn và nhờ có nó ông mới thấy hương vị và đời sống chân quê là cõi tiên, ông chủ động hòa nhập vui sống với nó. Và ông tuyên ngôn về nó như một triết lý đã trải nghiệm đồng thời rút ra kết luận chắc chắn. Điều quan trọng là triết lý sống ấy có được lại nhờ tâm hồn trục vớt, được kết thành một nét trong bản ngã sống của người thơ; nó cũng giúp ông đứng vững trong thời điểm gió lành và gió độc cùng ào ạt chảy về.

Người đọc cũng tìm thấy những khúc thức thương nhớ đầy vơi, niềm yêu kính, sự biết ơn… trong những bài thơ ông viết về người thân yêu. Người mẹ trong tâm thức của tác giả hiện dậy mang dáng nét đặc trưng của bà mẹ vùng châu thổ sông Hồng, thanh sơ, tần tảo và quan trọng hơn là người sinh ra những hạt lúa vàng:

Mẹ của tôi thân áo mỏng manh

Từ nắng mưa chiu chắt hạt lúa vàng

(Mẹ)

Trong bài thơ “Thương cha”, tác giả dựng dậy nếp sống dường như thường nhật của một mái ấm vùng đất ven biển với ba nhân vật: Cha - Mẹ và cậu bé. Người cha nhỏ bé xuất hiện giữa đêm khuya đối mặt với biển cả để mưu sinh để nuôi sống gia đình; người mẹ lặng lẽ bước trên cát ngóng đợi chồng cùng với bóng thuyền về; và đứa con ngây thơ dưới ánh bình minh đón cha cùng mẻ cá… là những hình ảnh đẹp, nó lan tỏa hơi thơ chan chứa yêu thương gắn kết ở một thời xa gian nan đói khổ. Trong chùm bài những xúc cảm về gia đình nhỏ bé của tác giả, tôi có ấn tượng với hai câu thơ trong bài “Lời ru bên song cửa”: “Ầu ơ con hãy ngủ yên/ Lời ru ba mẹ con yên giấc nồng”. Cái tinh tế ở đây không phải là nghệ thuật ngôn từ mà là tình cảm thật lưu trong ký ức người viết. Lời ru cất lên không đơn thuần chỉ có tiếng mẹ theo cách phản ánh thông thường trong các câu thơ; nó có tiếng “cha” và tiếng “mẹ” đồng vọng. Đứa con lớn lên nhờ đồng thời cùng “uống” và được “mớm” bởi khúc ru thắm đượm công cha nghĩa mẹ. Tiếng ru của cha không chỉ gợi nhớ một tình cha sâu đằm mà còn cho biết một tình con với cha và mẹ đồng thời cùng thắm thiết chẳng dễ nguôi ngoai.

Dựng dậy được những hình ảnh ấy là nhờ đôi cánh tâm hồn bay ngược thời gian vớt lại, và cái sản phẩm được thu về gói lại trong bài thơ giúp ta nhìn thấy một nét chân dung tác giả; đó là tấm lòng đau đáu hướng về quá vãng, một mảnh trời không bao giờ chìm khuất trong tâm hồn, nơi ấy có cha, có mẹ và thuở ấu thơ được nâng niu che chở.

Trong một bài thơ khác “Bố vẫn đi tìm”, tác giả viết về bước chân cha mình đi tìm ông nội một chiến sĩ đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên bây giờ hồn cốt lạc giữa rừng bia mộ, Cuộc kiếm tìm chỉ là le lói hi vọng, một hành trình bi tráng nhưng bước chân của người con không mỏi và trong trái tim tác giả người ông như vẫn còn đang sống như vẫn tồn tại trong thương nhớ ở sâu thẳm hồn mình:

Ông ở trong tim mãi ngàn đời tưởng nhớ

Tổ quốc ghi công mãi mãi với non sông

Giữa điệp trùng mấy ngàn bia mộ

Bố vẫn mải miết tìm…

Ông biết phải không ông?       

Xin chọn một vài thi phẩm vậy để minh chứng cho cái chất tâm hồn trong thơ Phạm Hồng Điệp ở vỉa thơ hoài niệm bởi ở vỉa này với tác giả là quá mênh mông, quá nhiều thời gian và không gian hồi ức nhớ thương vơi đầy.

2. Tâm hồn tác giả rung ngân vì sự va đập của ngoại giới, ở đây là những cảnh mới tình mới, sự kiện mới… hối thúc câu thơ cất cánh.

Bước chân của Phạm Hồng Điệp trong thơ dường như lưu dấu trên mọi miền địa lý: dọc chiều dài đất nước, đến trời Âu qua biển Mỹ…Ở những vùng đất ngoài quê hương mà ông đến tình và cảnh tác động đến tâm hồn nhạy cảm của ông và những câu thơ ra đời. Rõ ràng chỉ và chỉ khi sợi tơ lòng rung ngân vời vợi da diết với ngoại giới và hiển hiện thành câu chữ của thơ, thì sản phẩm ấy chỉ thuộc về những người có hồn thơ. Ở Phạm Hồng Điệp, những chuyến đi ấy, tôi chắc không chỉ là du lịch mà là gắn kết hoặc cả chuyến đi chỉ với mục tiêu “làm ăn” bởi anh là nhà Doanh nghiệp. Thế nhưng, có nhiều khoảng thời gian trái tim ông lại vượt khỏi ý thức để tìm đến ngoại giới và chưng cất tình cảnh ở những không gian ông đến thành thơ.

Đọc tập “Miền đất Việt” cảm giác nếu gom lại nó sẽ hóa thành một trường ca về các vùng nước Việt. Hình ảnh 63 tỉnh thành hiện dậy qua từ Bắc, đến Trung và vào Nam qua các khúc thơ chảy “Hương rừng Trung du”, “Bên dòng sông Hồng”, “Miền Trung thương nhớ”, “Cao nguyên gió ngàn”, “Tình đất phương Nam” và “Sông nước Cửu Long”…

Hồn thơ Phạm Hồng Điệp ngân vang hào sảng ở đất đầu trời Hà Giang, mảnh đất ngàn năm vùng biên ải gắn với những mất mát hy sinh, những chiến công giữ nước của cha ông, nơi thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Trong cái không khí đẹp tươi và hào hùng của quá khứ và hiện tại ào ạt chảy vào tâm hồn và một hình ảnh đẹp đã được “chốt” lại ở lòng người thơ:

Cột cờ Lũng Cú tung bay thắm đỏ

Hiên ngang vùng biên viễn Việt Nam

(Hà Giang, nơi đá nở hoa)

Qua “Hà Nội dịu thơm”  với muôn màu muôn vẻ, chất thâm trầm của kinh thành cổ kính với nắng, với gió xô vào cảm nhận khác biệt của ông; và chính tác giả tự thú cái ngoại cảnh mơ mộng đó làm tiếng tâm hồn ông ngân lên:

Gió đong đưa, nắng thả nghiêng đầu

Làm phiêu đãng trái tim thổn thức

(Hà Nội dịu thơm)

Đôi khi sự tác động của ngoại cảnh khiến cho tơ lòng mong manh của ông bật dậy tiếng thơ, mặc dù đối tượng ấy chỉ là một dáng hoa, áng mây trôi hay chút vị trà nơi đất miền Trung thương nhớ:

Thưởng trà, ngắm áng mây trôi

Tình nghiêng soi bóng quê mình Nghệ An

(Tuyệt tác Thanh Chương)

Có lúc ông thốt lên thành tiếng reo vui, trước giá trị của một sản vật núi rừng Tây Nguyên: “Ơi Ngọc Linh của núi/ Ơi Nàng Sâm của rừng”. Và nhiều khi là hình ảnh kỳ vĩ của suối thác Tây Nguyên phối cảnh với “em” để tạo ra thế giới riêng thơ mộng, nó thúc đẩy trí tưởng tượng của tác giả bay xa và ông tự hóa thân thành nhân vật trữ tình “anh” trong cuộc đợi chờ đẫm mùi tin yêu lãng mạn:

Thác Dray sap, em nghiêng tóc bên ghềnh

Đợi anh về bên chiêng vang lộng gió

(Tiếng gọi Đăk Nông)

Cứ như vậy, trái tim thơ của thi sĩ va đập với ngoại giới để cất tiếng thơ; dường như bước chân ông đến đâu chỉ cần con “mắt xanh” chiếu trúng điểm nhìn là thơ cất cánh. Điểm nhìn rất chân thực đó là: Dòng sông Hàn Đà Nẵng, dáng phố cổ Hội An, hoặc bóng kơ nia Đăk Nông, tán lá cao su Bình Phước hay câu chuyện chàng Công tử Bạc Liêu…

Ở những vòm trời xa xứ mảnh tâm hồn của người thơ khi chạm vào tình, va vào cảnh là “say”: “Sóng biển say cùng rượu rum mật/ Anh ngất ngây thiên cảnh nơi đây” (Một thoáng Cu Ba). Rồi con sóng Volga nơi xứ sở Bạch dương ngậm men hồn tác giả mà hóa sóng tình:

Đôi mắt nhìn trái tim anh loạn nhịp

Gió hương bay bên má mái tóc mềm

(Hãy yêu anh bên sông Volga)

3. Tự đối diện với lòng mình mà suy cảm, đó là một cách làm thơ. Với cách ấy Phạm Hồng Điệp để tâm hồn mình tự do bay bổng về miền yêu thương, về những bến bờ đau, tiếc nuối…

Đọc Phạm Hồng Điệp cũng thấy được một cách thức anh tổ chức hình thành thi phẩm; đó là nhờ sự tỉnh thức của tư duy để soi vào hiện thực đời sống đã từng với những vui buồn cõi vô thường, rồi nhờ tâm hồn “chưng cất” thành thơ:

Anh phiêu bạt nửa đời quên tìm kiếm

Để chiều nay tỉnh lại nỗi mênh mang

 (Hải Phòng chiều thu)

Ở vỉa thơ này, chất tư duy đôi khi mạnh hơn, ông nhờ vào thơ để nói cái ý tưởng, cái “chí” cái ông muốn ngợi ca hay thần tượng nó. Ở bài thơ “Trí trai đất Việt” có dáng dấp như một tuyên ngôn của mình, ông viết “Là trai phải ghi dấu ấn núi sông”. Cách nói ngang tàng là vậy nhưng không như Nguyễn Công Trứ chỉ vì riêng mình: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”; ý tưởng thơ của Phạm Hồng Điệp lại là truyền một thông điệp sống tự chủ cống hiến và vì tổ quốc: “ Ta vẫn là ta bôn ba sông núi/ Bước chân trần giữ trọn hào khí Việt Nam”. Ông tự họa chân dung của ông và đồng nghiệp ông - những Doanh nhân thời 4.0:

Từ muôn phương nuôi trí tâm ta hướng về

Góp cho đời từ khối óc con tim

Vì nước Việt bay lên tầm cao mới

Tự hào ta là Doanh nhân Việt Nam.

(Doanh nhân Việt Nam)

Người Doanh nhân thì dùng “khối óc” là chuyện đương nhiên, nhưng dùng cả “con tim” mà làm doanh nghiệp là một câu chuyện mới. Tôi chắc ý tác giả muốn diễn đạt là con tim hướng tới quê hương đất nước, tới Nhân dân và người lao động. Là Doanh nhân vì sự hưng thịnh của doanh nghiệp mình là không có gì bàn cãi nhưng vì “tầm cao mới” của Việt Nam thì lại là mục tiêu, là khát vọng cống hiến lớn lao, cái riêng đã được hạ thấp, cái chung được nâng cao. Đọc mảng đề tài này, ta thấy hiện dậy bức chân dung được phác thảo bằng thơ về thế hệ Doanh nhân Việt Nam thời mở cửa. Họ là những người lính trên mặt trận ngành Công thương “Doanh nhân Việt Nam bền chí kiên gan/ Như người lính dặm đường xa không mỏi” - (Việt Nam khúc hùng ca). Họ sống và làm việc vì những giá trị nhân văn cao cả; nó hoàn toàn không phải hình ảnh của những được mất, của những toan tính giữa ầm ào tiếng gào thét của dòng chảy Tiền - Hàng. Đây là biểu hiện của nét văn hóa trong tâm hồn con người đích thực theo những phạm trù pháp luật và bản sắc luân lý Việt Nam.

Có một số thi phẩm tác giả không dùng cách nói khái quát mà viết cụ thể về trải nghiệm của chính công việc gắn bó với đời mình gần một phần tư thế kỷ, biết bao chìm nổi vui buồn. Ở đây chiều sâu của cái “nghĩ” quyện hòa với cái “chân” của cảm xúc nên những ngôn ngữ hình tượng ùa đến tự nhiên và ông bỏ được vào túi thơ mình những câu thơ giàu sức ám gợi khá hay:

Shinec tuổi đôi mươi

Là bao ngày xuôi ngược

Là máu thịt anh nuôi

Là thanh xuân em ơi

Một đời anh vun xới.

(Shinec khát vọng tuổi đôi mươi)

Có những câu thơ ông tự họa mình gân guốc, ngang tàng phóng túng đứng “Bên bờ sóng vỗ”. Cái lí trí tự soi xét đào sâu, tự nhận định về bản thân mình thoát xác dành cho cảm hứng đầy lãng mạn dâng lên và câu thơ ra đời rất ấn tượng. Ý thơ tạo ra “dư ba” lan rộng như dựng dậy hình ảnh của những con người thành phố Cảng thuộc thế hệ của ông:

Anh là người trai sinh ra từ muối biển

Từ mặn mòi cha mẹ tạc mà nên

Ngực trần khối bắp mang hơi gió

Chát mặn thẳm sâu dấu in hằn.

*

Với số lượng bài thơ khủng mà Phạm Hồng Điệp làm được trong một lim thời gian quá ngắn, ta có thể đọc được mảnh hồn tác giả tích tụ, nén chứa bao điều trong năm tháng thời gian… giống như cây hoa ăn nắng mưa, uống gió dông… khi đến thì, sẽ tự nở. Những bông hoa ấy tự nói Phạm Hồng Điệp là người có hồn thơ – thứ khí chất bắt buộc phải có ở các nhà thơ.

Có thể còn có những điều khác bàn về thơ Phạm Hồng Điệp, cũng như muốn ngỏ đôi điều với ông về những điều cần phải có khác ở một nhà thơ, nhưng chợt nhớ rằng đại lộ mà ông dành nhiều tâm huyết là sự nghiệp của một Doanh nhân, còn vườn thi ca như ông tự bạch đó chỉ là “đi dạo”. Nếu so sánh khập khiễng một chút thì ông với cỗ xe doanh nghiệp của mình băng băng chạy trên đại lộ dài rộng mang tên Công thương thì thơ như một trạm dừng chân. Thơ không làm nên sự nghiệp chính của ông, nhưng thơ bồi đắp và làm cho ông hoàn thiện hơn. Ở cái trạm dừng nghỉ ấy, những nhọc nhằn vơi bớt đi, năng lượng mới được tái tạo để ông đi tiếp cuộc hành trình. Những câu thơ mà ông trút bầu tâm sự vào trở thành những sinh thể sống, những người bạn trung thành; nó khác biệt với sự ồn ã nhiều mặt của nhân gian nơi thương trường, khiến hồn ông tươi mới lại vững tin mà bước đi. Và tôi tin chắc rằng trong những phút yếu đuối, trong những thung lũng buồn đau ông gặp phải trong bước đi của số phận mình thì thơ là chiếc gậy nâng đỡ ông đứng dậy bước tiếp hướng về ánh sáng.

Và chỉ ngần ấy, những câu thơ của ông viết ra đã là hữu ích với cuộc sống mà trước hết là hữu ích với ông.

Thơ Phạm Hồng Điệp – Một mảnh hồn Doanh nhân thời 4.0 - 2

Tác giả bài viết - Nhà văn Nguyễn Đình Minh.

Nguyễn Đình Minh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn

Nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn

Tôi lên đường nhập ngũ vào giữa những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người Sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi - Sư đoàn 320B là Tướng Hà Vi Tùng, một vị tướng vừa từ mặt trận Tây Nguyên ra để huấn luyện cho tân binh miền Bắc trở thành những người lính thiện chiến vào miền Nam chiến đấu. Ông Hà Vi Tùng là một vị tướng lẫy lừng. Cuộc đời binh nghiệp của ô

Hạ viện Thái Lan thông qua luật tăng thời gian nghỉ thai sản

Hạ viện Thái Lan thông qua luật tăng thời gian nghỉ thai sản

Ngày 16/7, Hạ viện Thái Lan đã thông qua Dự Luật Bảo hộ Lao động với nội dung nổi bật là điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 98 lên 120 ngày, chồng của họ cũng được nghỉ phép có lương tối đa 15 ngày để hỗ trợ chăm sóc con.