Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo

Công nghiệp văn hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy nội lực văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao giá trị gia tăng trong nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ là lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng, công nghiệp văn hóa còn góp phần bảo tồn, quảng bá di sản dân tộc, hình thành bản sắc quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 541/QĐ – BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội). Sự ra đời của Hiệp hội được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra bước đột phá về phát triển nền công nghiệp văn hoá nước nhà, góp phần đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số và toàn cầu hóa.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 1

Ngày 15/2/2025, tại Không gian nghệ thuật Vương Duy Biên (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Thị trường rộng mở, sức bật còn lớn

Chia sẻ về tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam, NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hàng nghìn di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa và giáo dục truyền thống. Các các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, cùng một nền văn học nghệ thuật lâu đời với nhiều thành tựu là chất liệu quý cho phát triển phim ảnh, hoạt hình, trò chơi điện tử, truyện tranh… Việt Nam có thiên nhiên phong phú với nhiều phong cảnh đẹp, sự đa dạng vùng miền, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, lễ hội, phong tục, âm nhạc, nghệ thuật và trang phục riêng, đây là kho tàng văn hóa quý giá, có thể chuyển hóa thành các sản phẩm sáng tạo độc đáo. Cùng với đó là nguồn nhân lực trẻ dồi dào và sáng tạo, đang ngày ngày tiếp nối truyền thống, góp phần phát triển và làm phong phú nền nghệ thuật đương đại.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 2

Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam – NSND, Họa sĩ Vương Duy Biên. Ảnh: NVCC

Dù là lĩnh vực còn khá mới mẻ, nhưng trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm định hướng và hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như: Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Hà Nội có Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn; Luật Thủ đô năm 2025 điều 27 khoản 7 cho phép Thành phố Hà Nội xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực có vị trí phù hợp quy hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội;… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, đầu tư, thuế, và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sáng tạo cũng đang được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, theo NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên, so với một số lĩnh vực khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này như: khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu nguồn vốn và đầu tư, thiếu chiến lược truyền thông và phát triển thị trường,…

Khai mở các “mỏ vàng” cho công nghiệp văn hóa Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình kinh tế sáng tạo, lấy văn hóa và tri thức làm động lực tăng trưởng bền vững, Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam ra đời được kỳ vọng sẽ góp sức mình cùng với các bộ ngành, các tỉnh thành, địa phương trong cả nước tạo dựng một không gian để những sáng tạo, những sản phẩm đặc biệt về văn hóa được lan tỏa, giúp cho hình ảnh của Việt Nam hấp dẫn hơn trước con mắt của thế giới. Từ đó, góp phần tạo được sự quan tâm, thu hút nhiều hơn nữa lượng khách quốc tế đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những sản phẩm văn hóa nổi bật để “xuất khẩu” ra quốc tế, không chỉ đơn thuần là giới thiệu hình ảnh, việc thu nguồn lợi về kinh tế giống như một số quốc gia đã thành công trong công nghiệp văn hóa cũng cần được quan tâm.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 3

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam.

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên khẳng định: “Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam cùng lúc có thể thực hiện nhiều vai trò, chúng tôi sẽ xây dựng chi tiết chương trình hoạt động của từng năm, và định hướng chuẩn bị, chia ra các lộ trình hoạt động của toàn khóa trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội hóa để góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hiệp hội là nơi gặp gỡ, giao lưu, tập hợp các nhà quản lý, các chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ sáng tạo văn hoá, kết nối các tổ chức, cá nhân có uy tín, có kinh nghiệm và năng lực, nhất là sự đồng hành của các tập đoàn kinh tế, du lịch, giải trí để chung tay phát triển công nghiệp văn hoá. Bên cạnh đó, kiến nghị xây dựng chính sách, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về phát triển công nghiệp văn hoá, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hoá có chất lượng cao, vươn tầm quốc tế”.

Trưởng Ban vận động Vương Duy Biên cho hay, là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mới được thành lập, Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam sẽ có rất nhiều việc cần khẩn trương bắt tay vào làm. Trước mắt, Hiệp hội sẽ tập trung vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà đối tượng đầu tiên là các nghệ sĩ. Hiệp hội mong muốn sẽ tạo được những cú hích để giúp nghệ sĩ say mê sáng tạo hơn, tạo được những tác phẩm có giá trị, vừa mang tính cống hiến cho xã hội, vừa khẳng định được thương hiệu của cá nhân nghệ sĩ và của các tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hiệp hội cũng sẽ chú trọng triển khai các hoạt động đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là góp phần xây dựng một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa – nền tảng quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo phát triển.

Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn 2025-2030, TS. Phạm Thành Trí, Phó Trưởng ban vận động Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ từng bước triển khai các kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu biến văn hóa thành một trụ cột của tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 4

Phó Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam – TS. Phạm Thành Trí (bìa phải). Ảnh: NVCC

Trong đó, ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ đẩy mạnh tổ chức các chương trình biểu diễn lớn như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai "say hi"…; đẩy mạnh giao lưu văn hóa nghệ thuật ASEAN, châu Á và thế giới qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật với các địa phương và các quốc gia; xây dựng các mô hình nghệ thuật truyền thống; xây dựng các chương trình nghệ thuật đường phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống về cải lương, tuồng, chèo, chầu văn, hát bội, xiếc, múa rối… thể hiện theo phương pháp hiện đại như MV Bắc Bling của ca sĩ Hòa Minzy.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 5

Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã khéo léo đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào từng tiết mục biểu diễn. Nguồn ảnh: Internet

Ngành mỹ thuật sẽ tăng cường công tác quảng bá, phổ biến các sản phẩm mỹ thuật thông qua việc đổi mới các nội dung, hình thức hội chợ triển lãm, liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, các cuộc triển lãm chuyên đề…; hình thành sàn giao dịch mỹ thuật; tổ chức trại sáng tác mỹ thuật khu vực ASEAN.

Ngành thời trang sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp thời trang, thiết kế, các ý tưởng sáng tạo đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm thời trang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Ngành phần mềm và trò chơi giải trí sẽ tổ chức các sự kiện lớn phối hợp tổ chức trong khu vực ASEAN, châu Á và quốc tế…

Ngành quảng cáo ban hành Quy hoạch quảng cáo số trong cả nước đến năm 2030; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo; liên kết tổ chức các cuộc thi quảng cáo quốc tế; thiết kế sản phẩm quảng cáo hiện đại; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm “Quảng cáo điện tử”.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam: Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - 6

MV “Bắc Bling” đã khơi dậy niềm tự hào về thiên nhiên, văn hóa tỉnh Bắc Ninh, mở ra tiềm năng phát triển du lịch.  Ảnh: Chi Linh

Ngành du lịch văn hóa xây dựng các chương trình, điểm đến du lịch văn hóa trên cả nước; xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch Thành phố; tổ chức hội nghị thường niên liên kết phát triển du lịch văn hóa vùng; khôi phục các lễ hội truyền thống, đồng thời xây dựng mới các sự kiện lễ hội hiện đại, làm thực cảnh với các địa phương có nhiều truyền thống lịch sử như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa… để giữ chân du khách.

Ngành thủ công mỹ nghệ khôi phục lại các giá trị truyền thống như: gốm Bát Tràng, Chu Đậu, lụa Hà Đông theo xu hướng hiện đại.

Ngành xuất bản phát triển theo hướng chuyển đổi số, tổ chức các điểm văn hóa đọc.

Cùng với đó, sẽ tổ chức đào tạo nhạc, họa cho học sinh để đến năm 2030, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải chơi được một nhạc cụ và biết vẽ cơ bản. Năm 2026 sẽ đào tạo 2.000 giáo viên nhạc và 1.000 giáo viên họa ở trình độ cao đẳng, đại học và các năm tiếp theo.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa. Theo TS. Phạm Thành Trí, Hiệp hội sẽ làm việc với Cục tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính để ra mã số doanh nghiệp Công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực. Làm việc với Cục thuế - Bộ Tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa được ưu tiên về thuế như Thành phố Hà Nội quy định trong Luật Thủ đô. Làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa được ưu tiên về đất đai như Thành phố Hà Nội quy định trong Luật Thủ đô.

Sự ra đời của Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam không chỉ là điểm tựa cần thiết cho cộng đồng sáng tạo, mà còn là lời hiệu triệu dành cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nghệ sĩ và toàn xã hội cùng chung tay kiến tạo một hệ sinh thái văn hóa bền vững, hiện đại và hội nhập. Để Hiệp hội thực sự phát huy vai trò, cần có sự đồng hành mạnh mẽ từ các chính sách nhất quán, cơ chế hỗ trợ thiết thực và sự chủ động tham gia của các chủ thể trong ngành. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn nhận công nghiệp văn hóa như một trụ cột phát triển đất nước trong kỷ nguyên số – nơi sáng tạo trở thành sức mạnh, văn hóa trở thành tài sản chiến lược, và mỗi sản phẩm văn hóa mang trong mình một sứ mệnh kết nối Việt Nam với thế giới. Đồng thời, Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam được thành lập còn thể hiện bước chuyển tư duy quan trọng, từ việc xem văn hóa đơn thuần là lĩnh vực tinh thần, sang việc nhìn nhận nó như một nguồn lực kinh tế, một ngành công nghiệp có khả năng tạo ra giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam vươn lên một tầm cao mới.

Hương Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Trong bối cảnh nhiều người lo lắng vì lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, Jasmine Taylor – một TikToker từng ngập trong nợ nần – đã tìm được lối thoát nhờ phương pháp "cash stuffing" và tư duy ngân sách rõ ràng. Với doanh thu hơn 2,2 triệu USD một năm từ chính phương pháp này, cô cho rằng: “Lỗi lớn nhất là không cho đồng tiền một mục đích cụ thể.”

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.