“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” (Nhân đọc bài thơ “Sứa vô ưu” của tác giả Phạm Hồng Điệp)

Tôi đọc bài thơ “Sứa vô ưu” của tác giả Phạm Hồng Điệp do một người bạn gửi tới với lời nhắn “đây có phải là một triết lý cuộc đời không”. Tôi đã đọc và ngẫm từng con chữ từ “Sứa vô ưu” và thấy bài thơ như một thông điệp cho cuộc sống mà tác giả Phạm Hồng Điệp (tôi được biết tác giả không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp) đã đưa tới người đọc đó là: Sống trong lành để vượt qua giông gió cuộc đời.

“Sứa vô ưu” với sáu khổ thơ đã như đúc kết về cuộc đời của mỗi con người từ hình hài con sứa biển trong suốt nhưng cũng đầy vô ưu. Vô ưu là không ưu tư vướng bận với những tham sân si của cuộc đời này để vẫn hướng về phía mặt trời giữ một bản ngã trong lành, thấu suốt. Như Phạm Hồng Điệp đã trực diện về nỗi niềm đó khi mở ra trong “Sứa vô ưu”:

“Giữa miền xa bao la xanh vô tận

Hoà với biển một màu trắng trong

Sứa vắt mình trong veo như muốn nhủ

Cõi phù du, chỉ quý giá tâm tình.

Lang thang hoài biển xanh và sóng vỗ

Phiêu du khắp chân trời, đáy bể, phía mặt trời…

Sứa khép mình như đoá hoa giữa biển

Chợt ánh lên điểm bạc trùng khơi”.

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” (Nhân đọc bài thơ “Sứa vô ưu” của tác giả Phạm Hồng Điệp) - 1

Ảnh minh họa.

Đây là cách mở thơ rất khó, song tác giả Phạm Hồng Điệp đã có một điểm nhìn để đưa từng câu chữ có tầm triết lý khá biện chứng. Hai câu thơ “Đời không tin vẫy vùng rong ruổi/ Nhẹ như không mà nặng cũng vô cùng”. Sự so sánh của hai điểm cực trong cuộc đời của mỗi con người khi cất tiếng chào đời bằng một tiếng khóc và cũng là một sự xác lập chính thức đi vào cuộc đời với những thăng trầm và vinh quang. Để được rong ruổi trong cuộc đời mỗi con người đều phải vượt qua những thách thức “Nhẹ như không mà nặng cũng vô cùng”. Đúng như vóc dáng của con sứa trong suốt nhưng để được trong suốt nó cũng phải lăn trải trên những bờ cát ở biển xanh, và cũng chịu bao cơn sóng vỗ. “Sứa vô ưu” của Phạm Hồng Điệp đã có sự kết nối tư duy cho người đọc từ liên tưởng sự trong suốt của con sứa với “Trên thân mình vạn đốm nhỏ li ti”. Cái hay của câu thơ này là không đao to búa lớn về những triết lý cuộc đời mà chỉ bộc ra một cuộc đời con người muốn trong suốt thiện lành cũng có những chấm li ti của “tham sân si” ở mỗi cuộc đời con người mình:

Cõi đời người cũng vô tận vậy thôi,

Nỗi ưu lo và mưu cầu cuộc sống

Cũng vui buồn, đến đi như sóng biển

Phiêu du những tình khúc đơn côi.

Con sóng vỗ dạt dào tình biển cả

Dải sóng kia chạy mãi cuối chân trời

Sứa mềm mại thân mình đầy sa khoáng

Giúp ích cho đời, mà nhẹ bẫng, trong veo.

Thế đấy, một cuộc đời của mỗi con người đang hòa mình vào dòng chảy cuộc sống, cái chính là hướng tới để được hưởng cõi vô ưu, sống an lành và được dâng hiến cho cuộc sống, cho dòng chảy cuộc đời. những “từ, bi, hỷ, xả” để người với người sống để yêu nhau rồi được thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay (Tố Hữu). để được “thẳng lưng” để bước đi trong cuộc đời này là cả một quá trình tôi luyện về tư chất và bản lĩnh của mỗi con người và hình như Phạm Hồng Điệp cũng nhắc nhớ trong “Sứa vô ưu” về triết lý ở cuộc đời này đó là biết buông bỏ nhưng cũng biết cầu thị, biết hy sinh là để cống hiến. cái sâu xa trong các tầng ngữ nghĩa của mỗi con chữ trong “Sứa vô ưu” của Phạm Hồng Điệp đã truyền tải đến với sự cảm thụ của người đọc về ý nghĩa của cuộc đời này, giá trị của mỗi hạnh phúc. Tác giả Phạm Hồng Điệp đã biết ẩn mình rồi khe khẽ thủ thỉ với người đọc về cuộc đời, giá trị nhân sinh thật sâu sắc. Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã đúc kết về sự vô ưu của cuộc đời và để có sự vô ưu trong cuộc đời đó là:

“Mỗi ngày tôi chọn đường mình điĐường đến anh em đường đến bạn bèTôi đợi em về bàn chân quen quáThảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngàyVà như thế tôi đến trong cuộc đờiĐã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vuiCùng với anh em tìm đến mọi ngườiTôi chọn nơi này cùng nhau ca hátĐể thấy tiếng cười rộn rã bay”.

Còn với Phạm Hồng Điệp ở “Sứa vô ưu” là:

“Dạt lên bờ mang theo màu của biển

Trên thân mình vạn đốm nhỏ li ti”

Quả thật đọc “Sứa vô ưu” của Phạm Hồng Điệp người đọc không thấy những mỹ từ xa xỉ hoặc gò ép mà chỉ bằng những từ ngữ giản đơn mộc mạc, không gò ép nặng nề nhưng lại tạo ra những giá trị sống từ con sứa thật và cảnh đời thật. Sự khúc triết của “Sứa vô ưu” là tạo ra một cái nhìn cho một cách sống “chân thiện mỹ” mà Phạm Hồng Điệp đã làm được và đã tạo được cho mỗi người đọc:

“Đời là bao, cuộc sống cũng là bao

Mà sân si, nặng nề tham vọng

Kiếp phù du sứa chẳng giấu gì, trong trẻo

Nhẹ thân mình cho một cuộc rong chơi”.

Cái kết của “Sứa vô ưu” là sự nhắc nhở bỏ đi những sân si, bỏ đi những tham ái, tham vọng để trong con tim của mỗi con người biết hòa nhập cái đẹp cái thiện ở cuộc đời đầy bộn bề với những toan tính. Buông đi, xả đi những ưu phiền bon chen để được trong veo và được cười tươi mỗi ngày. Đúng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn niềm vui cho mỗi ngày đó là:

“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên

Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình

Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống

Vì đất nước cần một trái tim!”

Con sứa trong suốt chập choài bên trên bờ cát biển gồng mình trước những sóng xô của biển rồi vẫn trở về để vô ưu với cuộc đời này. Đó cũng chính là lời tâm sự của tác giả Phạm Hồng Điệp ở “Sứa vô ưu”.

Bài thơ “Sứa vô ưu” là một tác phẩm thơ đáng để đọc để nhớ, để mỗi con người có được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Hà Thành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Vua Ếch

Truyện cổ tích: Vua Ếch

Một hôm, quả cầu vàng tung lên lại không rơi vào tay nàng mà rơi trượt xuống đất rồi lăn thẳng xuống giếng nước...