Hình ảnh người Thẩm phán, Luật sư, Bác sĩ qua thơ Phạm Hồng Điệp: Sự thấu cảm từ trái tim từng trải
Trong tập thơ “Tuổi thơ trên đồng” của Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, ba bài thơ “Đóa hoa vô thường”, “Thẩm phán công tâm” và “Niềm tin công lý” như những bức họa sống động, vẽ nên chân dung những con người tận hiến trong ngành tư pháp và y tế.
Đây là những nét vẽ khác biệt trong tập thơ dành cho đối tượng chủ đạo là thiếu nhi. Bởi, trong đó là những vần thơ chứa đựng những rung động nhân văn, là nỗi niềm thấu cảm với những vất vả, áp lực và cả những vết thương lòng mà những người Thẩm phán, Luật sư, Bác sĩ phải trải qua.
Qua ngòi bút của tác giả, độc giả không chỉ thấy được vẻ đẹp của sự yêu nghề, mà còn chạm đến những thông điệp sâu sắc về sự cống hiến.
Doanh nhân, Luật sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp.
Đóa hoa vô thường – Mong manh mà bất diệt
Đóa hoa vô thường mở ra một bức tranh vừa gấp gáp, vừa thiêng liêng, nơi những thiên thần áo trắng lặng lẽ giành giật sự sống trong những hành lang bệnh viện ngập mùi thuốc sát trùng. Hình ảnh người bác sĩ hiện lên với bước chân vội vã, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, đôi tay run rẩy nhưng kiên định trước lằn ranh sinh tử:
Giữa bộn bề khẩn cấp, tiếng rên than,
Giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo trắng
Giữa bệnh tật, guồng quay cấp cứu
Bước chân lặng thầm kiên nhẫn, bao dung.
Những câu thơ như đưa ta trở về những ngày đen tối của đại dịch COVID-19, khi cả thế giới chìm trong sợ hãi, còn các y bác sĩ – những chiến binh thầm lặng – không màng mạng sống, quên cả giấc ngủ, để giành lại từng nhịp thở cho người bệnh.
Tác giả đã không tô vẽ họ bằng hào quang lộng lẫy, mà khắc họa sự hy sinh rất thật, rất đời:
“Giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo trắng
Dọc hành lang bước chân đi rất vội”
Bài thơ không chỉ gợi sự cảm phục mà còn truyền tải lòng biết ơn. Ngay từ khổ thơ mở đầu, hình ảnh “màu áo trắng dáng người thầy vội qua” đã cho thấy nhịp sống hối hả, không ngơi nghỉ của những người thầy thuốc. Từ “vội qua” kết hợp với “nắng ngày mới hay hoàng hôn qua cửa” như nói đến sự bất định về thời gian của những người làm y. Với họ, thời gian không đo bằng ngày mới hay hoàng hôn, mà bằng từng giờ, từng phút để giành lấy sự sống cho người bệnh.
Không có sự tô vẽ lãng mạn, tác giả đưa vào thơ những hình ảnh thực tế nơi bệnh viện – nơi mà mồ hôi là thứ gắn liền với từng ca trực, từng ca mổ. Người bác sĩ không chỉ đối mặt với bệnh tật, mà với cả “tiếng rên than”. Trước những phận đời đang gửi gắm vào mình, họ đã chọn “quên phút riêng tư” để “Dùng đôi tay chắp lại những thương đau”, để “giành giật về sự sống”, để “khép miệng những vết thương”, để “trả tiếng cười về cuộc đời êm ái”….
Nhưng dường như tất cả những trạng thái đó: đau thươn, mệt mỏi, niềm vui …đều đang làm nền cho màu trắng của chiếc áo blouse trở lên tinh khôi hơn. Màu trắng đó đã trở thành biểu tượng xuyên suốt bài thơ, được lặp đi lặp lại như đoá hoa mong manh, như ranh giới giữa sống và chết, nhưng kiên cường như ngọn đuốc thắp sáng cõi “vô thường” .
Và câu thơ “Hoa trắng nở ngát hương cõi vô thường” đã nâng nghề y lên tầm cao của sự tận hiến, nơi lòng nhân ái và lời thề Hippocrates hòa quyện, dẫn lối cho những trái tim không ngừng đập vì sự sống.
Đọc Đóa hoa vô thường, độc giả như thắt lại trước những hy sinh thầm lặng, trước những giọt mồ hôi và cả những đêm dài không ngủ. Tác giả dường như khéo léo nhắc ta rằng, dù đâu đó ngoài kia có những câu chuyện buồn về ngành y, thì tấm áo trắng vẫn mãi là biểu tượng của lòng bao dung, của tình yêu thương vô bờ.
Xin hãy thấu cảm, hãy trân trọng những con người ngày đêm đối mặt với hiểm nguy để giữ gìn sự sống. Và cảm ơn Phạm Hồng Điệp, người đã dùng thơ để chạm đến tầng sâu của lòng biết ơn đối với những y bác sĩ nói riêng, và với những người đang công tác trong ngành y nói chung.
Thẩm phán công tâm – Ngọn lửa công lý giữa lằn ranh trắng đen
Bước sang Thẩm phán công tâm, không gian thơ chuyển mình, dẫn ta vào thế giới của lý trí sắc lạnh và trái tim rực cháy. Người thẩm phán hiện lên như ngọn đuốc soi sáng công lý, với “trái tim nóng” nhưng “cái đầu lạnh”.
Mở đầu bài thơ, tác giả viết: “Có ngọn lửa rực sáng tin yêu / Thắp lên bởi công tâm, chân lí” để nói về người Thẩm phá. Họ không chỉ phải có “ngọn lửa” đam mê với nghề, mà còn phải có niềm tin mãnh liệt với công lý, với lẽ phải.
Từng là luật sư tranh tụng, tác giả Phạm Hồng Điệp thấu hiểu hơn ai hết những áp lực đè nặng lên vai người cầm cân nảy mực. Những câu thơ như nhát dao sắc, khắc họa sự giằng xé giữa lý trí và tình cảm, giữa phán quyết và số phận con người.
“Công lý, cuộc đời, những mảng trắng đen
Giữa tình người, chân lí phân vân”
Tác giả đã cho thấy nghề Thẩm phán không phải là con đường trải hoa hồng. Đó là hành trình giằng xé giữa lý và tình, giữa phán quyết và số phận con người.
Ở đây, tác giả không thần thánh hóa nghề thẩm phán. Trái lại, ông cho thấy những khó khăn rất thật: công lý không phải lúc nào cũng rõ ràng “trắng – đen”; có khi nó bị che phủ bởi hoàn cảnh, tình tiết, tình cảm và cả áp lực xã hội.
Hình ảnh “cán cân công lý” không chỉ là biểu tượng, mà là minh chứng cho bản lĩnh thép của người thẩm phán trước những cám dỗ vật chất, trước những cơn bão quyền lực. Bởi sau mỗi phán quyết là một số phận, một gia đình, một đời người có thể đổi thay mãi mãi. Một sai lầm, dù nhỏ, cũng có thể để lại vết thương không thể hàn gắn.
Bài thơ là lời đồng cảm sâu sắc, là cái nhìn nhân ái dành cho những con người ngày đêm đối mặt với áp lực vô hình. Qua đó, tác giả mời gọi độc giả mở lòng, sẻ chia với những khó khăn mà người thẩm phán gánh vác, để trân quý hơn ngọn lửa công lý mà họ gìn giữ.
Niềm tin công lý – Lời tự sự của một trái tim yêu nghề
Niềm tin công lý là khúc tự sự chân thành từ chính trái tim tác giả – một luật sư đã đi qua hàng trăm phiên tòa, đã thao thức bao đêm bên những chồng hồ sơ chất ngất, vời hàng trăm bút lục.
Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi giản dị nhưng mang sức nặng của cả đời người:
Em hỏi anh: “Sao chọn nghề bào chữa?
Đã chọn rồi, anh có hối hận không?”
Cả bài thơ là lời đáp của tác giả, là hành trình ngược dòng ký ức, nơi nghề luật sư hiện lên không hào quang, không danh vọng, chỉ có “gian truân sống với nghề tâm đức”.
Họ đến với nghề bằng ngọn lửa đam mê, bằng khát khao bảo vệ lẽ phải, đứng về phía những người yếu thế:
Cháy ngọn lửa đam mê công lý cuộc đời
Nghề luật sư chính tâm như ánh sáng.
Công lý, nhân dân, cuộc đời, lẽ phải
Là những điều trân quý, em ơi!
Mong ước của họ ca cả là vậy, đẹp đẽ là vậy, những họ cũng là cũng những con người với trai tim nóng, nên trước những mảnh đời họ gặp có “nhọc nhằn đắng đót”, có cả những “sân si hơn thua được mất”…, trước những vụ án họ tham gia, thì: “Nước mắt anh rơi sau những giờ xử án / Em có thấu lòng anh những nỗi đau”.
Những giọt nước mắt ấy không phải dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là minh chứng cho một trái tim biết rung động, biết đồng điệu với nỗi đau của con người. Từ trái tim nóng đó, cùng sự tin yêu với nghề, người Luật sư đã “quên thời gian, quên cả cái mệt nhoài” để “cân lại những chơi vơi”.
Qua bài thơ, tác giả vẽ nên chân dung một luật sư lý tưởng, với “trái tim nóng” để thấu hiểu, “cái đầu lạnh” để công tâm, và “ngọn lửa đam mê” để không ngừng chiến đấu vì công lý. Và đó cũng là điều mà tác giả gửi gắm đến thế hệ luật sư trẻ kế cận.
Khổ thơ cuối chính là sự vỡ oà cảm xúc của người Luật sư, hãy cũng của chính tác giả. Đây cũng là câu trả lời đúng kết nhất, tinh tuý nhất cho câu hỏi ở phần mở đầu bài thơ:
“Hạnh phúc nào hơn được thế em ơi!
Sứ mệnh anh bảo vệ quyền con người.”
Đọc ba bài thơ, độc giả như được sống trong ba thế giới, nơi những Bác sĩ, Thẩm phán, Luật sư hiện lên với tất cả vẻ đẹp của lòng tận hiến. Thơ Phạm Hồng Điệp không chỉ là vần điệu, mà là tiếng nói từ trái tim từng trải, từ những năm tháng ông đi khi còn là chiến sĩ biên phòng, rồi luật sư, đến doanh nhân… Cách ông dùng ngôn từ giản dị nhưng sâu sắc để tôn vinh những nghề cao quý, đồng thời gửi gắm thông điệp rằng: Khi đang mang trách nhiệm lớn trên vai, xin hãy giữ lấy “ngọn lửa rực sáng tin yêu”, để mãi là “đóa hoa tinh khôi” giữa đời thường.

Gần hai mươi năm trước, vào tháng 9/2004, trong một bài viết về CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, tôi đã có đoạn kết...
Bình luận