Những đóng góp cho nền văn học từ những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” gần đây

Nhiều năm qua, đều đặn hàng năm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đều phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng”. Thường mỗi trại sáng tác thu hút 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học... tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng và cuộc đời người chiến sỹ. Hai thể loại mà trại viết quan tâm, gần như là truyền thống, đặc sản là đóng góp của NXB Quân đội từ những năm chiến tranh cho nền văn học nước nhà là tiểu thuyết và trường ca. Đây là hai thể loại ưu tiên hàng đầu của các trại sáng tác.

Tính riêng ba trại sáng tác gần đây, tại trại sáng tác tổ chức tại Nha Trang năm 2019 có  19 tiểu thuyết và trường ca về người lính, về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng được hoàn thành và được xuất bản phục vụ đông đảo bạn đọc. Tại Trại viết năm 2020 tổ chức tại Đà Lạt, các nhà văn, nhà thơ đã hoàn thành 16 bản thảo, trong đó có 10 tiểu thuyết, 1 trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học.

Cụ thể là các tác phẩm: Rừng hẹn, Hòa giải (2 tiểu thuyết của nhà văn Hà Đình Cẩn), Người mẹ và cánh rừng (tiểu thuyết của Châu La Việt), Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (Trường ca của nhà thơ Hoàng Quý), Người từ chối vinh quang (tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc), Những tượng đài và hiện tượng văn chương (Nghiên cứu phê bình của GS TS Trần Đăng Xuyền), Khúc bi tráng tháng tư (Tập nghiên cứu phê bình của Bùi Việt Thắng), Nữ tướng rừng xanh (tiểu thuyết của Uông Thái Biểu), Trăng lạnh (tiểu thuyết của Nguyễn Duy Hiến), Lửa hậu phương (tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hương), Hạ cháy (tiểu thuyết Đặng Duy Lưu), Vùng đất thiêng (tiểu thuyết Vương Thu Thủy), Cơm Bắc giặc Nam (tiểu thuyết Phùng Phương Quý), Nhân vật người lính trong tiểu thuyết chiến tranh (nghiên cứu phê bình của Xuân Hùng)...

Những đóng góp cho nền văn học từ những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” gần đây - 1

Đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trao kết quả trại viết cho Nhà sáng tác Vũng Tàu tại lễ bế mạc trại sáng tác năm 2019.

Sau năm 2021 do Covid 19 trại tạm hoãn, bước sang tháng 10 năm 2022, Trại lại tiếp tục được tổ chức tại Cần Thơ, nền văn học đất nước lại có thêm 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học và 5 đề cương tiểu thuyết. Sau tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời” viết tại Trại viết Đà Lạt năm 2020 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, nhà văn Hà Đình Cẩn hoàn thành tiểu thuyết “Muối của đảo” và với sức viết không biết mệt mỏi của “một nhà văn không tuổi”, ông còn tiếp tục hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết kể về những người chiến sĩ Quân khu 6 anh hùng trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  mang tên “Vùng da báo”, được NXB Quân đội đưa vào xuất bản.

Nhà văn An Bình Minh – nhà văn nổi tiếng về truyện ngắn đến trại này hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Bi tráng Trường Sơn”. Tác phẩm của anh mới lạ, được thi triển theo một lối viết mới của dòng văn học đương đại “Tiểu thuyết ứng dụng, rất cuốn hút bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Một nhà văn luôn ở cùng phòng và sóng đôi với nhà văn An Binh Minh là Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc từng là một  người lính làm công tác xuất bản, (Trưởng đại diện của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh), song nghiệp cầm bút của ông đã từng neo chặt trong lòng bạn đọc bằng những trang văn bi thương mà hùng tráng của “Cao hơn bầu trời” - bộ tiểu thuyết đồ sộ đồng thời cũng là bộ phim dài tập từng xuất hiện ở giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam và ở hàng chục Đài truyền hình của cả nước. được hang triệu người xem trên cả nước đón nhận rất nhiệt tình.

Những đóng góp cho nền văn học từ những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” gần đây - 2

Nhà văn An Bình Minh

Ở  trại viết 2022, ông hoàn thành  tập bản thảo “Núi rộng sông dài” - khắc họa chân dung những danh nhân văn hóa, tướng lĩnh và những người anh hùng. Văn của Nguyễn Minh Ngọc kỹ càng, trau chuốt, và rất giàu cảm xúc để ngân vang trong lòng người xem...

Đến “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng tại Đà Nẵng, có nhiều nhà văn từng cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng có nhiều tác phẩm văn học được bạn đọc yêu mến, đều đã cao niên nhưng lại có nhiều đấu hiệu của “Lão hóa ngược”. Nghĩa là càng cao tuổi, các ông càng sung sức, càng tươi trẻ trong sáng tác văn chương. Có thể kể đến nhà văn Hà Phạm Phú nhiều tuổi  nhất trại viết, người trước đây chuyên làm phim, làm thơ và viết truyện ngắn, thì ở trại viết này đã hoàn  thành tiểu thuyết “Một và số nhiều”. Dường  như bao tinh hoa văn chương, bao trải nghiệm cuộc đời và kinh nghiện sống được ông trút hết vào bộ tiểu thuyết dày dăn này.

Những đóng góp cho nền văn học từ những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” gần đây - 3

Các Nhà văn tại Trai sáng tác Đà Nẵng 2023.

Nhà văn Hà  Đình Cẩn cũng làm đồng nghiệp kinh ngạc về sức viết của ông khi hoàn thành tiểu thuyết “Đất mặn” về chiến sỹ đặc công rừng Sác. Hỏi ông trong tiểu thuyết mới này, có mối tình nào hấp dẫn không anh, ông trợn tròn mắt lên, sao không, một mối tình của một đại dội trưởng với nữ y tá trung đoàn, với rất nhiều  những cung bậc cảm xúc và éo le số phận...

Nguyễn Trọng Tân rõ là nhà văn của tiểu thuyết, khi tại trại này, tác giả của “Thư về quá khứ” vẫn rất sung sức cày ải trên cánh đồng văn chương với một bộ tiểu thuyết mới không dưới 300 trang in. Cũng như vậy với nhà văn Nguyễn Minh Ngọc  với tiểu thuyết “ Miền cỏ tranh”, nhà văn An Bình Minh với tiểu thuyết “Im lặng sống”, nhà văn Hoàng Dự với tiểu thuyết” Nước mắt quê hương”.

Cũng xin nói thêm nhà văn Hoàng Dự từng là 1 người lính thiết giáp từng chiến đấu nơi chiến trường Nam Bộ. Kinh qua những năm tháng trận mạc, rồi trưởng thành trên nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút, giờ đây, trên cương vị Tổng Biên tập của 1 tờ báo văn chương hàng đầu Việt Nam (Thời báo Văn học Nghệ thuật), trở về với trại viết lần này, ông như được trở lại chính ngôi nhà xưa của mình.Tiếp nối sự thành công của tiểu thuyết “Đường đời” (từng tái bản tới 9 lần), tại trại viết này, ông đã hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Nước mắt quê hương” - viết về những day dứt của cuộc đời người chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Những đóng góp cho nền văn học từ những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” gần đây - 4

Nhà văn Trần khánh Toàn.

Một hiện tượng cũng lạ của “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” là sự xuất hiện của các cây bút trẻ hơn, như Nguyễn Tam Mỹ, Nguyễn Thanh Hải, Trương Chí Hùng và đặc biệt là Trần Khánh Toàn. Anh vốn là một sỹ quan công an nhân dân, được mời tham gia Trại viết bởi tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về lực lượng cảnh sát biển và  đoạt giải cao trong cuộc vận độn g sáng tác văn học nghệ thuật về Cảnh sát biển. Trong trại sáng tác này, Trần Khánh Toàn lại đặc sắc với  cuốn tiểu thuyết đầu tiên về lực lượng các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ hao bình quốc tế ở Phi Châu.

Hẳn đây chính là đóng góp của những “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho nền văn học chung của chúng ta hôm nay...

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất