Thăng Long - Hà Nội, nghìn xưa và nghìn sau
Những ngày này, dường như mỗi người Hà Nội đều lắng lại. Trên các con đường, ngõ phố, đâu đâu cũng có những hình ảnh, những câu chuyện nhắc nhớ về quá khứ, về dấu son đặc biệt - mốc tuổi 1010 năm.
Người xưa thường tính 25 năm là một thế hệ. Kể từ ngày Vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long thì đã qua hơn 40 thế hệ! Những con số thường khô khan. Nhưng khi đem ra so với đời người, hay rộng hơn, với mỗi gia tộc, thì mới thấy lịch sử một quốc gia, một thành phố kỳ vĩ thế nào. Nhìn xa hơn nữa vào quá khứ, từng có lúc những vùng đất khác nhau của Hà Nội được chọn làm kinh đô. Là Cổ Loa, nơi hai lần giữ vai trò kinh đô dưới thời Thục Phán An Dương Vương, rồi Ngô Quyền - vị Tổ Trung hưng đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Là Mê Linh khi Hai Bà Trưng giành được độc lập trong thời gian ngắn ngủi… Những dấu mốc ấy có thể đem đến cho Hà Nội hôm nay một quá khứ dày dặn hơn, nhưng nhân dân đã chọn năm 1010, khi vị vua khai sáng nhà Lý ban Thiên đô chiếu, dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi thành Thăng Long là cột mốc son cho sự ra đời, phát triển của đô thị đặc biệt này.
Tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khánh thành dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, sẽ góp phần kết nối và phát triển giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô. Ảnh: Duy Linh
Lịch sử thế giới cho thấy, như một quy luật, quyết định dời đô thường được đưa ra khi những nhà lãnh đạo không hài lòng với thực tại. Hoa Lư ngày ấy, địa thế hiểm yếu, lợi cho phòng thủ. Nhưng thế đất chật hẹp, không tương xứng với hoài bão một vị minh quân. Theo cách nói hiện đại, kinh đô mới thể hiện một nhận thức mới, một tầm nhìn mới về sự phát triển của quốc gia. Lịch sử đã chứng minh đó là quyết định đúng đắn, là khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của Đại Việt.
Hơn nghìn năm dằng dặc đã qua, những đền đài, lầu gác và cả “tứ đại khí” triều Lý đều vùi trong lòng đất hoặc chỉ còn được ghi dấu qua sách vở. Nhưng có những giá trị còn mãi với thời gian - đó là nhà Lý “định vị” Thăng Long mang sứ mệnh kinh đô. Mang sứ mệnh kinh đô, Thăng Long - Hà Nội là niềm tin, hy vọng của cả dân tộc trong gian khó. Mang sứ mệnh kinh đô, Thăng Long luôn là nơi hiền tài tụ hội. Đấy không chỉ là những danh nhân văn hóa, là những học giả uyên thâm; ngay khu phố cổ, “trụ” lại được ở kinh đô, nói theo cách của Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ - cũng phải tài hoa hơn người. Chừng ấy năm tháng người tài luôn tụ hội. Văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ như một mảnh đất được phù sa bồi tụ rồi chắt lọc thành một thứ “văn hóa mới”, tiêu biểu cho những gì đẹp đẽ nhất của dân tộc.
Hà Nội hôm nay thừa kế một di sản đồ sộ từ cha ông. Khi nói về di sản Thăng Long - Hà Nội, một cán bộ ngành văn hóa đã nói rằng: “Nếu mỗi năm, một di tích Hà Nội chi vài chục triệu đồng chỉ để quét vôi thôi, thì đó cũng là con số khổng lồ”. Cũng như thế, là khối làng nghề, là những di sản văn hóa phi vật thể. Lĩnh vực nào, Hà Nội cũng “đậm đặc”.
Bích Câu Đạo quán trở thành một địa chỉ tổ chức các canh hát ca trù. Ảnh: Phương HoaTừ lâu, Hà Nội đã có những bước chuyển về nhận thức. Câu chuyện có thể bắt đầu từ chính nơi giữ hồn cốt văn hóa Thăng Long - phố cổ Hà thành. Hơn chục năm nay, tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) hay đền Quán Đế (phố Hàng Buồm), những canh hát ca trù được tổ chức tuần đôi ba bận. Ca trù từng có lúc tưởng mai một. Ấy vậy mà từ trước khi được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, khách tây, khách ta đều có thể được thưởng thức những canh hát ca trù ở trung tâm phố cổ. Thu nhập từ ca trù không phải là nhiều. Nhưng cũng góp phần giúp CLB Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long nuôi dưỡng tình yêu cho các thế hệ sau này. Bây giờ thì nghe những canh hát ca trù, đã trở nên thân quen, được đưa vào lịch trình của các tua du lịch. Tương tự, người dân làng Đào Thục (xã Thụy Lôi, huyện Đông Anh) cũng đang biến nghệ thuật múa rối nước quê mình “đẻ ra tiền”. Trưởng phường Múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị chia sẻ: “Kể cả một vài khách lẻ thì phường vẫn diễn. Khi diễn cho khách lẻ thì các tích trò được “tái cơ cấu” sao cho vẫn hấp dẫn mà đỡ tốn nhân lực nhất”.
Hà Nội định hình du lịch di sản là thế mạnh. Những di tích, di sản như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Hương… từ lâu đều đã tham gia vào công cuộc “phát triển kinh tế”.
Với di sản làng nghề, khối làng nghề không chỉ làm nhiệm vụ bảo tồn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Một điển hình là làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Nhiều năm nay, mây tre đan Phú Vinh đã vượt lũy tre làng vươn ra thế giới. Mây tre xuất hiện trong các phòng khách sang trọng, với những lọ hoa, bình hoa, chụp đèn và cả những bức tranh phong cảnh, cỏ cây... Mây tre ứng dụng cả vào thời trang, với túi xách, khuyên tai, vòng, lắc, khung gương… Mỗi chủng loại sản phẩm lại có hàng trăm mẫu mã. Vốn là làng nghề chủ yếu đan lát dụng cụ lao động, đồ dùng gia đình, nhưng người làng Phú Vinh đã sáng tạo để thích ứng với cuộc sống. Những dòng sản phẩm mới ra đời giàu tính nghệ thuật trên nền của lối đan, cách thức xử lý nguyên vật liệu… kế thừa từ truyền thống cha ông.
Ngay trước thềm thời điểm Hà Nội bước vào tuổi 1010, năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo (TPST) trên thế giới. Lĩnh vực Hà Nội lựa chọn là thiết kế sáng tạo. Để tham gia Mạng lưới các TPST, các thành viên phải phát huy các nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Thủ đô đang hội nhập ngày một thành công hơn vào dòng chảy của nhân loại.
Trước đó 20 năm, Hà Nội được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình.
Những khái niệm này “mới mà không mới”. Bởi Hà Nội đã và đang sử dụng các nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa để phục vụ cho quá trình phát triển. Cùng với khai thác các giá trị di sản, những năm gần đây Hà Nội có thêm nguồn lực mới là hàng trăm không gian sáng tạo - nơi kế thừa những giá trị truyền thống, tạo ra những giá trị mới, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. Song để thật sự trở thành một TPST, như vậy là chưa đủ. Cần phải định vị lại. Văn hóa, sáng tạo phải được đặt ở vị trí cốt lõi của quá trình phát triển.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã chia sẻ, trên thế giới, đã có hàng trăm thành phố thực hiện bước chuyển đổi từ công nghiệp nặng sang công nghiệp sáng tạo. Gia nhập Mạng lưới các TPST chính là thời cơ để Hà Nội tiếp bước những thành phố ấy. Dẫu biết rằng, thực hiện bước chuyển từ một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào công nghiệp sản xuất; công nghiệp văn hóa mới ở những viên gạch đầu của quá trình xây dựng, các không gian sáng tạo phần nhiều còn nhỏ yếu; khối kinh tế làng nghề chưa phát huy tiềm năng, còn là một trong những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng… Song, Hà Nội có lợi thế di sản to lớn mà hiếm thành phố nào có được, cộng với lợi thế nhiệt huyết tuổi trẻ - những công dân sáng tạo và gần đây là những nỗ lực của các cấp, ngành chính quyền.
1010 năm trước, Lý Thái Tổ dời đô. Để làm được điều đó, chỉ có tầm nhìn, tri thức là không đủ. Cần phải có ý chí, quyết tâm, bản lĩnh hơn người, dám rũ bỏ những gì quen thuộc đã được thừa nhận, hướng tới những điều mới mẻ, chưa thành hình hài. TPST tạo hôm nay cũng là một hành trình mới mẻ, thậm chí chưa thể định hình rõ ràng. Nhưng mục tiêu của TPST là phát huy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa với phát triển bền vững - hiểu một cách giản dị là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thật lạ kỳ khi có nhiều điểm tương đồng giữa nghìn năm trước với hôm nay. Năm xưa Lý Thái Tổ đã viết mục đích dời đô là để “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Khó khăn là tất yếu. Nhưng nhắc lại chuyện nghìn xưa, để chúng ta suy nghĩ và hành động, cho nghìn sau…
Theo Nhân dân điện tửBình luận