Kiến tạo không gian công cộng: "Bài toán nhiều suy tư"

Hướng tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022 và Cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, trong hai ngày 4 và 5/10, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức chuỗi tọa đàm, tập huấn về “Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội”.

Sự kiện là dịp chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong thiết kế, quy hoạch, vận hành và quản lý các không gian văn hóa sáng tạo công cộng và nghệ thuật công cộng cũng như khuyến khích hình thành các ý tưởng sáng tạo và đổi mới.

Cụ thể, trong phiên tọa đàm thứ nhất với chủ đề “Không gian công cộng: Kết nối truyền thống với tinh thần đương đại”, các đại biểu tập trung làm rõ về vai trò của nghệ thuật công cộng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và không gian văn hóa sáng tạo công cộng gắn với phát triển bền vững của đô thị.

Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp trong phát triển các không gian công cộng, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến Hà Nội cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của tổ chức này.

Kiến tạo không gian công cộng: "Bài toán nhiều suy tư" - 1

Diễn giả tham gia tọa đàm (từ trái sang): TS.KTS Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Emmanuel Cerise - Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (Ảnh: Phạm Hằng)

Tọa đàm còn có sự tham dự của ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, học giả khác trong lĩnh vực liên quan.

Kiến tạo không gian công cộng trở thành không gian văn hóa thực thụ

Bắt đầu từ năm 2022, Hà Nội có bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển Thành phố Sáng tạo. Trong đó, thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng được coi là hướng đi phù hợp, bởi Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế về tổ chức các không gian công cộng mang tính sáng tạo.

Thực tế, Hà Nội vẫn được các du khách nhìn nhận như một thành phố sôi động và náo nhiệt của các sinh hoạt công cộng. Tuy thế, phần lớn các hoạt động này thường bám theo những không gian khó định hình như vỉa hè, góc phố… hơn là tại những không gian cụ thể dành riêng cho công cộng như những quảng trường ở châu Âu.

Theo kiến trúc sư Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội), quảng trường là định nghĩa phổ biến nhất cho không gian công cộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết quảng trường có vai trò giống như một đảo giao thông hơn là nơi hội tụ những hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, mang bản sắc địa điểm và tinh thần nơi chốn.

Kiến tạo không gian công cộng: "Bài toán nhiều suy tư" - 2

Toàn cảnh tọa đàm diễn ra tại trụ sở Hội Kiến Trúc sư Việt Nam (Ảnh: Phạm Hằng)

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần.

“Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng”, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Bài toán nhiều suy tư

Gần đây, Hà Nội bước vào thời kỳ nở rộ trào lưu sáng tác nghệ thuật cho không gian công cộng, với các dự án, công trình công cộng nổi bật như con đường gốm sứ, tủ điện nở hoa, nhà gương gắn gốm, nghĩ về sân chơi trong phố… cùng sự hình thành của một loạt nhà ga tàu điện ngầm hay các công viên, vườn hoa đang nằm trong diện cải tạo, quy hoạch cũng là gợi ý đầy tiềm năng cho các sáng tạo nghệ thuật thể nghiệm.

Tiến sĩ Emmanuel Cerise - Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam bày tỏ, gìn giữ di sản không nhất thiết phải bám vào các giá trị hiện có, mà còn là cho di sản một giá trị mới, cuộc đời mới. Ông Emmanuel Cerise cũng lưu ý, cần chú trọng đến tính bền vững cho các công trình, do không gian công cộng mang đặc thù là ở ngoài trời, chịu nhiều tác động về thời gian, khí hậu.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển hai dự án bích hoạ Phùng Hưng và dự án nghệ thuật Phúc Tân cho rằng, bản thân dự án không được gọi là nghệ thuật công cộng mà chỉ là cải tạo cảnh quan, chính vì vậy, khái niệm về nghệ thuật công cộng hay không gian công cộng chưa chính danh.

Theo các chuyên gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị là hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công trong việc quy hoạch và đầu tư xây dựng. Nội dung đó được cụ thể hóa bằng các định hướng và giải pháp như:

Các cấp chính quyền đô thị cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật cho các không gian công cộng vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Cần xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư.

Kiến tạo không gian công cộng: "Bài toán nhiều suy tư" - 3

TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Phạm Hằng)

Nhấn mạnh việc kiến tạo không gian công cộng ở Hà Nội còn là một bài toán nhiều suy tư và chưa trở thành hiện thực, TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam kỳ vọng, những ý kiến đóng góp của chuyên gia trong tọa đàm cùng sự quyết liệt của chính quyền Hà Nội trong phát triển Thành phố Sáng tạo sẽ nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu quan trọng là xây dựng nền văn hóa cốt lõi của người Việt, làm cho nhân dân có một đời sống tinh thần thật sự thăng hoa.

“Hà Nội đang trong lộ trình xây dựng thành phố sáng tạo nên chúng tôi rất kỳ vọng những không gian công cộng sẽ được khoác áo mới tạo nên những địa điểm nghệ thuật công cộng đầy cảm xúc khẳng định giá trị văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến”, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội bày tỏ.

Chuỗi tọa đàm, tập huấn về “Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội” sẽ kéo dài đến hết ngày 5/10, với chủ đề “Tính đặc thù của địa điểm trong sáng tạo nghệ thuật công cộng” - tập huấn về thiết kế, thực thi, duy trì và quản lý các tác phẩm nghệ thuật công cộng cho các đối tượng là tài năng thiết kế nghệ thuật trẻ tại Hà Nội.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tác phẩm văn nghệ cần có giá trị bền lâu

Tác phẩm văn nghệ cần có giá trị bền lâu

Có nhiều thứ giá trị: Trước mắt, nhất thời và bền lâu, vĩnh hằng. Loại nào cũng cần. Nếu gấp rút, thiết thực, người ta nghĩ tới giá trị trước mắt. Không như vậy, thì nghĩ tới bền lâu nhiều hơn. Nhưng qua đi những nhiệm vụ nhất thời thì văn nghệ cần hướng tới những giá trị đích thực, vĩnh hằng. Đó mới thực sự làm nên giá trị của một nền văn nghệ lớn.

Bình chọn những bản hùng ca đất nước tiêu biểu, xuất sắc

Bình chọn những bản hùng ca đất nước tiêu biểu, xuất sắc

Tối 18/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề “Những bản hùng ca đất nước”.