Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến, là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc, hệ thống tượng pháp tiêu biểu và còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá từ thế kỷ 13.

Tối 21/4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức Chương trình “Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy, Quốc Oai - Hà Nội 2023”.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; lãnh đạo các sở, ngành thành phố và huyện Quốc Oai…

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy - 1

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi động hành trình du lịch văn hóa lịch sử. Ảnh: Phạm Hằng 

Chương trình “Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội 2023” là hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.

Đồng thời, đây còn là dịp kết nối và khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử của Thủ đô; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”; góp phần tích cực vào sự phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến, là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc, hệ thống tượng pháp tiêu biểu và còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá từ thế kỷ 13.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy - 2

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hằng 

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của Lễ hội Chùa Thầy, phát triển “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu huyện Quốc Oai tập trung phát triển kinh tế gắn với quy hoạch xây dựng đô thị, chú trọng phát triển thương mại dịch vụ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch chùa Thầy, trong đó có một phần chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, kết nối với các khu điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành thành phố quan tâm phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, liên kết với các điểm du lịch của thành phố nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy - 3

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa và trao quyết định công nhận Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy. Ảnh: Phạm Hằng 

Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu đánh giá cao những nỗ lực của Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Quốc Oai trong việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh chóng, phục hồi và phát triển bền vững trên địa bàn và coi du lịch văn hoá là một trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch của Thủ đô.

“Sự kiện hôm nay là một dấu mốc quan trọng đối với nhân dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, đã khẳng định được tầm vóc mới của du lịch Thủ đô với những điểm đến du lịch vô cùng đặc sắc. Lấy văn hoá du lịch là điểm nhấn, là sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội và việc khai trương một tuyến hành trình du lịch văn hoá nhân dịp một mùa du lịch mới đã chứng tỏ Sở Du lịch Hà Nội đã đón nhận được xu hướng của du lịch Việt Nam trong năm nay”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy - 4

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hằng 

Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động: Trình diễn hoạt cảnh “Một ngày khám phá Quốc Oai”, tôn vinh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Quốc Oai; giới thiệu các điểm du lịch văn hóa, lịch sử của Thủ đô; công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, (Quốc Oai, Hà Nội).   

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy - 5

Thực hiện nghi thức thả hoa đăng tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hằng 

Bên cạnh đó còn có trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử của Thủ đô diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy từ 9h - 17h, ngày 22/4. Tại đây còn có các gian hàng giới thiệu tour, tuyến du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch nông nghiệp - nông thôn với các chương trình khuyến mại, kích cầu dành cho khách du lịch của khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất