Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam: Định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức đã diễn ra vào ngày 15/4, tại Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham dự của: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; đại diện các vụ của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Bộ Tư pháp, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc... cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Văn hóa và di sản văn hóa thể hiện sâu sắc bản lĩnh dân tộc Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; góp phần thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đất nước Việt Nam tươi đẹp, có nền văn hóa đặc sắc lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em đã đồng lòng tạo nên một lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm, có sự gắn kết cộng đồng, trong đó mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, đó là đặc trưng đồng thời là quy luật phát triển của văn hóa nước nhà. Đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam góp phần định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam: Định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - 1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Ảnh: Phạm Hằng 

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 “Văn hóa còn là dân tộc còn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, văn hóa và di sản văn hóa thể hiện sâu sắc bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa do các thế hệ người Việt Nam không ngừng bồi đắp xây dựng, hun đúc để tạo nên sức mạnh văn hóa dân tộc. Những thành quả đó luôn được gìn giữ và trao truyền kết thành một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức đồ sộ, phong phú và độc đáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết, nhân ái vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng, nhân loại. Ngoài ra, con người Việt Nam còn có khả năng thích ứng linh hoạt, có bản lĩnh vững vàng khi phải đối mặt với những thách thức lớn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để chúng ta xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia, dân tộc, giải quyết những thách thức của thời đại.

“Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hóa văn hoá. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hơn ai hết, chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ rằng, một quốc gia không chỉ cần có quân đội mạnh, có một nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Chính văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

“Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Để khai thác được nguồn lực văn hóa, phát triển con người chúng ta cần phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong đó, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chúng ta cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan có vai trò đóng góp, thúc đẩy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho sự phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam: Định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - 2

Đồng bào các dân tộc trình diễn, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Phạm Hằng 

Bộ trưởng mong muốn, về phía Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hoá, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hoá, đào tạo nhân lực văn hoá.

Các bộ, ban, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tổng thể tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa những di sản có nguy cơ mai một, thất truyền. Triển khai thực hiện các chiến lược, đề án quy hoạch, chương trình phát triển loại hình du lịch - văn hoá, dịch vụ văn hóa ở các cộng đồng dân tộc, biến những giá trị văn hóa trở thành tài sản văn hoá, nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển bền vững.

Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, tham gia và hưởng thụ văn hóa, cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, truyền dạy và thực hành văn hóa; kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới nhằm xây dựng con người có những giá trị phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn lực phát triển doanh nghiệp bền vững. Các doanh nghiệp cần quan tâm tăng cường đầu tư cho văn hoá; khai thác yếu tố văn hóa để nâng cao tính sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp cũng cần khẳng định vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong việc tham gia đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, tạo ra các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam phục vụ công chúng, người tiêu dùng và xuất khẩu... Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.

Đối với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình để tổ chức các hoạt động sáng tạo và hợp tác phát triển văn hoá; phát huy vai trò làm cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và với các tầng lớp trong xã hội, cộng đồng nhân dân trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, phản biện xã hội.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các tộc người. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của một tộc người lại tạo ra một loại nguồn lực văn hóa khác nhau, góp phần củng cố thêm cho tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Trần Bình (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách, chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai rất tích cực và thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác vận dụng. Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ được phát huy; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc thiểu số được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số được phát hành. Những cố gắng đó đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc trong nhiều năm qua.

Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam: Định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - 3

Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thu hút sự quan tâm sâu rộng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và đồng bào các dân tộc. Ảnh: Trần Huấn 

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Bình bày tỏ sự lo ngại, trước tác động của hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, hiện nay bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn. Văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có dân số ít (từ 20.000 người trở xuống) đang trong quá trình mai một. Ngôn ngữ của một số tộc người đang bị đẩy đến nguy cơ tiêu vong.

Phạm vi giao tiếp của các ngôn ngữ đó ngày càng bị thu hẹp dần, thậm chí nhiều ngôn ngữ chỉ còn được sử dụng trong gia đình. Tình trạng song ngữ, đa ngữ phổ biến trong tất cả các dân tộc thiểu số. Nhiều tộc người ngoài tiếng mẹ đẻ, họ có thể sử dụng thành thạo 2 đến 3 ngôn ngữ khác. Trong đó có tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Ba Na. Hiện tượng này đang gây sự bất ổn đối với sự sinh tồn tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số...

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) khẳng định, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, coi văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là khẳng định sự phong phú đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đó là một nền văn hóa lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tinh thần, nhằm mục tiêu xây dựng con người - nguồn lực cơ bản nhất trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất