Trước khi khởi kiện công ty liên quan đến rapper HIEUTHUHAI, KIDO kinh doanh ra sao?
Trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với Công ty liên quan rapper HIEUTHUHAI, KIDO vừa có năm thứ 4 liên tiếp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM mới đây đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods) và CTCP Dat Viet Media, sau khi xem xét đơn yêu cầu của CTCP Tập đoàn Kido (KDC), bên khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Celano.
Theo đó, Kido Foods bị cấm sử dụng (bao gồm quảng cáo, quảng bá, giới thiệu...) nhãn hiệu Celano. Đồng thời, Dat Viet Media không được quảng cáo, quảng bá, giới thiệu đối với nhãn hiệu Celano trong các chương trình "Anh trai say hi" và "2 Ngày 1 Đêm", kể cả trên các kênh Facebook và TikTok của hai chương trình này.
Vụ việc tranh chấp thương hiệu kem Merino và Celano diễn ra sau khi Nutifood nắm quyền kiểm soát Kido Foods (tháng 9/2024) với 51% cổ phần, trong khi Kido Group giữ lại 49% cổ phần. Cùng với đó, vụ kiện nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi rapper HIEUTHUHAI mới được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc trải nghiệm của thương hiệu kem Celano chưa đầy 2 tháng.
Rapper HIEUTHUHAI giữ vị trí Tổng giám đốc trải nghiệm của thương hiệu kem Celano từ cuối tháng 11/2024
Trước khi khởi kiện Kido Foods và CTCP Dat Viet Media ra tòa về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu kem Celano, KIDO vừa có năm thứ 4 liên tiếp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Cụ thể, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường đã công bố, lãnh đạo tập đoàn báo cáo năm 2024 tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định… Trong nước, với nỗ lực của Chính phủ, tình hình kinh tế, xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, Việt Nam liên tục đối diện với khó khăn bởi tác động thiên tai, bão lụt gây thiệt hại nặng nề chưa từng có, sức mua thị trường có xu hướng giảm, tiêu dùng thắt chặt.
Tại KIDO, ban lãnh đạo đã đề ra nhiều chiến lược, liên tục mở rộng các ngành hàng, ra mắt các sản phẩm mới, phục vụ đa nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, ngành dầu ăn - bơ - gia vị đã cải tiến, ra mắt các sản phẩm mới, triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu từ offline đến online. Ngành bánh đã ra mắt loạt sản phẩm bánh tươi, bánh khô. Mùa trung thu cũng nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ từ người tiêu dùng.
Dù đã triển khai nhiều hoạt động, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các ngành hàng nhưng trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn vẫn chưa đáp ứng kế hoạch kinh doanh đặt ra, một số dự án mua bán, sáp nhập của công ty chưa thực hiện đúng tiến độ và một số khoản trích lập dự phòng chưa được hoàn nhập.
Trong năm 2024, KIDO đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, đây là năm thứ 4 liên tiếp KIDO đặt mục tiêu lợi nhuận trên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2024 cho biết KIDO chỉ đạt 5.776 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13,4% so với cùng kỳ và thực hiện 47,5% kế hoạch năm; lãi trước thuế 70,2 tỷ đồng, giảm 92% và thực hiện 9% kế hoạch năm. Theo như báo cáo sơ bộ của HĐQT thì năm 2024 có thể là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.
Cùng với đó, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), KDC vừa có văn bản công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, ngày 6/1/2025, Tập đoàn Kido đã thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu mã KDCH2126001, giá trị mua lại 250 tỷ đồng, đưa giá trị còn lại của lô trái phiếu về mức 250 tỷ đồng.
Được biết, lô trái phiếu KDCH21246001 được Tập đoàn Kido phát hành ngày 4/1/2021, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Với kỳ hạn 5 năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn ngày 4/1/2026.
Trước đó, Tập đoàn Kido đã 2 lần chi tổng cộng 500 tỷ đồng để mua lại một phần lô trái phiếu KDCH2126001 trước hạn. Cụ thể, ngày 4/1/2023 thực hiện mua lại 250 tỷ đồng trái phiếu; ngày 19/1/2024 tiếp tục chi 250 tỷ đồng để mua lại một phần lô trái phiếu.
Bình luận