Vàng Phú Quý có Tổng giám đốc và kế toán trưởng bị bắt quy mô thế nào?

Trước khi Tổng giám đốc Lê Xuân Tùng và kế toán trưởng Lê Thúy Quỳnh bị bắt vì buôn lậu và trốn thuế, Vàng Phú Quý được xem là một trong những đơn vị kinh doanh có tiếng tại Hà Nội.

Tổng giám đốc và kế toán trưởng Vàng Phú Quý bị bắt vì trốn thuế

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án "Buôn lậu" và "Trốn thuế" xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.

Trong số đó, có 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Trốn thuế" là Lê Xuân Tùng (sinh năm 1980, ở Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh (sinh năm 1979, ở Hà Nội), Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý; 23 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Buôn lậu".

Vàng Phú Quý có Tổng giám đốc và kế toán trưởng bị bắt quy mô thế nào? - 1

Tổng giám đốc và kế toán trưởng Vàng Phú Quý bị bắt vì liên quan đến tội trốn thuế

Cầm đầu đường dây buôn lậu vàng số lượng đặc biệt lớn này là bị can Nguyễn Thị Hóa (sinh năm 1972, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và em chồng Hóa là Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1970, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trong số các bị can còn lại, nhiều người có quan hệ gia đình, thân thích với chị em Hóa và Gái.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Hóa là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ tại các tiệm vàng ở Hà Nội. Từ ngày 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, Hóa đã buôn lậu 310 kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng.

Bị can Gái đã góp vốn cùng bị can Hóa để buôn lậu vàng, thực hiện việc giao dịch, thỏa thuận nhận đặt vàng, giúp Hóa theo dõi tiền mua bán vàng tại Lào và nhận tiền thanh toán.

Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có chủ của nhiều tiệm vàng và quản lý nhiều tiệm vàng gồm: Trần Anh Sơn (Quản lý tiệm vàng Minh Hưng), Nguyễn Thị Vân (Quản lý tiệm vàng Kim Linh), Đặng Văn Định (Chủ tiệm vàng Minh Phúc), Trần Công Quán (Chủ tiệm vàng Nhật Vượng), Đàm Anh Tuấn (Chủ tiệm vàng Tuấn Quang), Nguyễn Khắc Bồng và Lê Minh Tuân (Chủ tiệm vàng Tuân Đức).

Theo thông tin được công bố, những bị can trên dù biết rõ bị can Hóa tổ chức nhập lậu vàng từ Lào về Việt Nam nhưng để có nguồn vàng bán cho khách và làm nguồn nguyên liệu chế tác vàng trang sức bán kiếm lời nên họ vẫn mua số lượng lớn vàng nhập lậu từ bị can Hóa.

Vàng Phú Quý có quy mô thế nào?

Trên trang web, Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý tự giới thiệu là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực Vàng bạc, Đá quý và Kim cương. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn là Kinh doanh vàng miếng, Sản xuất và phân phối sản phẩm Vàng bạc, trang sức, đá quý, kim cương. Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý hiện có 3 địa điểm kinh doanh lớn tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý được thành lập tháng 1/2008 có trụ sở chính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Vàng Phú Quý có Tổng giám đốc và kế toán trưởng bị bắt quy mô thế nào? - 2

Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý hiện có 3 địa điểm kinh doanh lớn tại Hà Nội

Thời điểm tháng 10/2014, công ty thay đổi vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, cổ đông sáng lập từ 4 giảm xuống còn 3 khi cổ đông Phạm Hải Âu chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình. Cơ cấu cổ đông sáng lập của doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH vàng bạc, đá quý Phú Quý góp 30 tỷ đồng, tương đương 12% vốn góp, cổ đông Lê Thị Bích Diệp góp 20 tỷ đồng, tương đương 8% vốn góp, cổ đông Lê Xuân Tùng góp 200 tỷ đồng, tương đương 80% vốn góp. Ông Lê Xuân Tùng, sinh năm 1980 là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Đến tháng 9/2017, cơ cấu cổ đông sáng lập của Vàng Phú Quý tiếp tục có sự thay đổi khi cổ đông Lê Thị Bích Diệp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình. Cơ cấu cổ đông sáng lập của Vàng Phú Quý chỉ còn Công ty TNHH vàng bạc - đá quý Phú Quý góp 30 tỷ đồng, tương đương 12% vốn góp và cổ đông Lê Xuân Tùng góp 200 tỷ đồng, tương đương 80% cổ phần, ở lần thay đổi này ông Lê Xuân Tùng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty. Đến tháng 6/2024, ông Tùng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp.

Không chỉ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý, ông Lê Xuân Tùng từng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH vàng bạc - đá quý Phú Quý - doanh nghiệp được thành lập năm 2003.

Thời điểm tháng 9/2020, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Tùng và cổ đông Phạm Thùy Anh mỗi người góp 25 tỷ đồng, tương đương 50% vốn góp. Ở lần thay đổi này, bà Phạm Thùy Anh sinh năm 1979 thay thế ông Tùng giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Đến tháng 1/2014, Công ty TNHH vàng bạc - đá quý Phú Quý có sự thay đổi về cơ cấu góp vốn của các cổ đông. Theo đó, vốn góp của ông Lê Xuân Tùng tăng lên 49,5 tỷ đồng, tương đương 99% cổ phần, vốn góp của bà Phạm Thùy Anh giảm còn 500 triệu đồng, tương đương 1% cổ phần. Ông Lê Xuân Tùng cũng thay thế bà Phạm Thùy Anh giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Đến tháng 11/2024, sau khi ông Lê Xuân Tùng bị bắt, ông Nguyễn Vũ Tùng sinh năm 1979 được bổ nhiệm giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Nam Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất