Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam - được gọi là khóa Kháng chiến (1950-1954), do danh họa Tô Ngọc Vân dẫn dắt. Ông cũng từng tu nghiệp chuyên ngành trang trí sân khấu tại Học viện Mỹ thuật Suricov, Nga (1955-1962).

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 1

Chân dung họa sĩ Trần Lưu Hậu

Sau một thời gian lâm bệnh, họa sĩ Trần Lưu Hậu - một tài năng lớn của mỹ thuật Việt Nam, đã qua đời tối 29/2 tại Hà Nội. Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn luôn nỗ lực chống chọi với bệnh tật, vẽ trên xe lăn. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: Cuộc đời, sự nghiệp hội họa đồ sộ duy mỹ, sự dấn thân khiến họa sĩ Trần Lưu Hậu sẽ còn là một bậc thầy của mai sau.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê ví sự ra đi của họa sĩ Trần Lưu Hậu giống như một ngôi sao vụt tắt. “Dẫu biết ai rồi cũng trở về với cát bụi nhưng lại như vô lý vì những bức tranh của anh Hậu không cho ta cái cảm giác thời gian trôi. Nó như đọng trong hiện tại sức sống thật tràn trề, viên mãn trong sự vội vã níu kéo tự nhiên vậy” - họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nhớ lại: “Ngần ấy năm gánh vác trách nhiệm nặng nề trong gia đình, những tưởng Trần Lưu Hậu phải gác lại những ước mơ và hoài bão, vậy mà anh đã vực lại một gia đình, đi qua gian khó, giành giật lại niềm tin xác tín với nghệ thuật. Anh nói với tôi khi đến thăm tôi, hay khi tôi ở phòng trưng bày tranh của anh tại nhà, rằng: “Chẳng có gì là muộn cả”. Và gia tài nghệ thuật mà anh để lại là một minh chứng.

Với những thế hệ học trò đã được thầy Trần Lưu Hậu dìu dắt trong những năm tháng ông gắn bó với giảng đường thì sự nể phục và lắng nghe cũng luôn luôn song hành. Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân lý giải “Đó là bởi con mắt mỹ học tinh đời và mẫn cảm hội họa bẩm sinh nơi ông”.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 2

Tự họa của Trần Lưu Hậu.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cũng như các họa sĩ khóa kháng chiến, Trần Lưu Hậu là sự kết nối đẹp đẽ giữa thế hệ họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương với các thế hệ họa sĩ sau này.

"Lớp họa sĩ khóa kháng chiến, trong đó có những bậc thầy xuất sắc Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngô Tôn Đệ, Lê Huy Hòa… đã có sự đóng góp rất lớn cho sự thay đổi quan trọng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó họa sĩ Trần Lưu Hậu là một đóng góp riêng biệt", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Ngoài những đóng góp cho sự thay đổi của hội họa Việt Nam thời kỳ kháng chiến và thời kỳ đổi mới sau này thì họa sĩ Trần Lưu Hậu còn đóng góp quan trọng trong đào tạo mỹ thuật Việt Nam cũng như đóng góp cách tân mỹ thuật sân khấu Việt ở giai đoạn kịch trường Việt Nam cần thay đổi quan điểm về không gian sân khấu.

Riêng về sự nghiệp đào tạo mỹ thuật, họa sĩ Trần Lưu Hậu được coi là một người thầy rất tận tụy, đáng kính mà "không phải thời kỳ nào cũng có được một người thầy như vậy".

Ông Lương Xuân Đoàn nhận thấy mình may mắn khi từng được theo học thầy Trần Lưu Hậu, nhờ đó mà tiếp nhận được những ảnh hưởng từ ông như tư duy độc lập trong sáng đạo, tự do theo đuổi tôn chỉ nghệ thuật của mình.

Là một người thầy giỏi, họa sĩ Trần Lưu Hậu có biệt tài phát hiện nhanh khả năng của các sinh viên ngay khi họ còn khuất lấp trên ghế nhà trường, giúp sinh viên đó ý thức được tài năng, ý thức về con người cá nhân của mình để rèn luyện thành một nghệ sĩ sáng tạo.

Một phẩm chất nghệ sĩ rất đáng trọng nữa trong họa sĩ Trần Lưu Hậu, theo ông Lương Xuân Đoàn, là lòng can đảm của người nghệ sĩ dám chấp nhận sự thay đổi.

"Ông mất là một tổn thất cho mỹ thuật đương đại Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới cần rất nhiều sự chuyển mình, thay đổi. Nhưng ông sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới các thế hệ sau", chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 3

Tranh bột màu Tĩnh vật của họa sĩ Trần Lưu Hậu

“Sự khoan dung thẩm mỹ, tôn trọng tự do cá nhân, những thiên hướng cá tính khác nhau mà họa sĩ Trần Lưu Hậu có là phẩm chất của những ông thầy giỏi”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quân chia sẻ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, trong ba thập niên đầu sự nghiệp, họa sĩ Trần Lưu Hậu còn sáng tác cầm chừng, nhưng đến ba thập niên sau, khi đã bước sang tuổi lục tuần, họa sĩ Trần Lưu Hậu như thể được “khai thông long mạch sáng tạo”, các tác phẩm của ông cũng trùng với sự đổi mới của kinh tế thị trường. Những tác phẩm hội họa của họa sĩ Trần Lưu Hậu thể hiện được trí óc lịch duyệt, kinh nghiệm từng trải trong một trái tim thanh xuân và tâm hồn trẻ.

Thuộc nhóm họa sĩ trẻ, họa sĩ Phạm Bình Chương cho rằng, họa sĩ Trần Lưu Hậu là một con người có những phẩm chất của người nghệ sĩ. “Ông say nghề và cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Ngoài tài năng và những cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam, tôi muốn nói thêm về những phẩm chất và tính cách của ông”- họa sĩ Phạm Bình Chương tâm sự.

“Họa sĩ Trần Lưu Hậu rất yêu nghề. Ông vẽ đến hơi thở cuối cùng theo đúng nghĩa đen. Họa sĩ Trần Lưu Hậu dành phần lớn thời gian cho sáng tác. Đối với ông, không được vẽ là một cực hình.Về giai đoạn cuối đời, khi phải ngồi xe lăn ông vẫn vẽ. Khi tới mức hai tay yếu đến không cầm nổi bút, ông vẽ luôn bằng xe lăn. Ông nhờ con cháu dải toan lên sàn, đổ màu lên và dùng xe lăn đưa màu.

Ông còn phàn nàn rằng vẽ bằng xe lăn không theo được ý muốn của mình, chứng tỏ ông làm việc nghiêm túc chứ không phải lấp chỗ trống hay chỉ là giải khuây để giết thời gian. Tôi có thể liên hệ tới Henri Matisse, về cuối đời ngồi xe lăn cắt dán thay vì vẽ do mắt kém, hay Chuck close cũng ngồi xe lăn vẽ đến hết đời. Họ vẫn cho ra những tác phẩm để đời và đó là phẩm chất của danh họa. Ở Việt Nam, có lẽ Trần Lưu Hậu là số một về lòng yêu nghề.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 4

Tác phẩm của họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Trần Lưu Hậu là họa sĩ tiên phong ở Việt Nam với phong cách biểu hiện và ông cũng truyền cảm hứng cho các thế hệ sau theo dòng này. Để có được phong cách đó duy trì suốt cả một giai đoạn không hề dễ. Trước tiên họ phải có sức khỏe. Ông thường vẽ tranh khổ lớn, làm việc nhiều giờ trong một ngày. Ở độ tuổi 80 ông vẫn một mình lên Sa Pa (Lào Cai) sáng tác hàng tháng. Vẽ dòng tranh cảm xúc rất mất sức nhưng tranh ông không hề có sự do dự. Thứ hai phải duy trì được cảm xúc. Trần Lưu Hậu là một con người yêu đời và lạc quan”.

“Giai đoạn sung mãn của Trần Lưu Hậu là vào giai đoạn 70 đến 90 tuổi” - họa sĩ Phạm Bình Chương nhớ lại -“Có cảm giác hơi trái quy luật tự nhiên nhưng sự thực là vậy. Nghệ sĩ không có tuổi hưu và đỉnh cao thì luôn ở phía trước. Đó là cái sung sướng nhất của người nghệ sĩ, và tôi có cảm giác ông được trời ban cho sức khỏe để được làm việc mình thích”.

“Về nghệ thuật, ông luôn đề cao sự tự do. Ông nói: “Phải có tự do họa sĩ mới thăng hoa”. Sự tự do bao gồm tất cả: tư tưởng, tư duy, điều kiện sáng tác, và hơn hết là sự “không lệ thuộc” vào bất cứ thứ gì. Để đạt được điều đó người ta phải trải qua nhiều giai đoạn, từ trau dồi học hỏi đến việc phải vượt qua “cơm áo gạo tiền”. Lúc khó khăn ông vẽ trên giấy, lúc bán được tranh thì vẽ sơn dầu và khổ lớn. Gần đây ông vẽ acrylic vì những phẩm chất của nó là khô nhanh, không mốc. Ít ai có thể vẽ acrylic giỏi hơn ông, vì thường chất liệu này gây cảm giác hơi nhựa. Nhưng xem tranh ông cứ tưởng là sơn dầu. Bí mật lớn nhất là khả năng vẽ liên tục, và hơn hết chính là sự tự do trong sáng tác”.

“Tiêu chí quan trọng nhất của ông trong nghệ thuật, đó là sự bất ngờ”- họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ -“Ông nói: “Tôi phục những người vẽ giỏi, nhưng tôi thích những tác phẩm bất ngờ hơn”. Bất ngờ là hiệu quả nằm ngoài sự toan tính hay kiểm soát của họa sĩ. Nó như một cái gì đó vượt lên chính mình, tức là cái mà họa sĩ không thể làm nổi từ năng lực sẵn có của mình. Nó cũng như phần thưởng vậy. Chất liệu nào cũng có thể đem lại sự bất ngờ, từ sơn dầu, màu nước cho tới sơn mài. Ông đánh giá cao sơn mài, vì nó là chất liệu ta khó kiểm soát nhất nhưng hiệu quả đem lại lại rất cao.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 5

Tác phẩm của họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Trong cuộc sống, Trần Lưu Hậu là con người cởi mở và đôn hậu. Ông tự đi xem các triển lãm và trò chuyện với các họa sĩ bất kể có được mời hay không. Ông luôn cổ vũ động viên các thế hệ sau và gặp ông như được uống một liều thuốc bổ. Phong cách nào ông cũng ủng hộ và ông cũng rất thích hiện thực.

Vậy thì chúng ta còn muốn điều gì ở ông nữa? Ông đã có tất cả, tiền tài, danh vọng, sức khỏe, gia đình… nhưng hình như ông không có thời gian cho những thứ đó, vì ông đã tận dụng từng phút để vẽ. Chúng tôi luôn coi Trần Lưu Hậu như một tấm gương lớn và là nguồn cảm hứng vô tận, vì đó chính là cuộc sống của người nghệ sĩ đích thực. Đúng như tên ông, ông đã lưu lại một sự nghiệp vĩ đại. Thật may mắn cho những ai được tiếp xúc với họa sĩ Trần Lưu Hậu”.

Còn với họa sĩ Thu Trần, “người mở toang cánh cửa với nghệ thuật trừu tượng trong đầu tôi là họa sĩ Trần Lưu Hậu - người nghệ sĩ để lại một bảng màu tươi đẹp và lạc quan”.

Cuối năm 2015 trong cuộc triển lãm đấu giá “Ký ức Nhà Lang” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Thu Trần nhìn thấy họa sĩ Trần Lưu Hậu và Mai Long chống batong vào xem. Hai họa sĩ đi xem một vòng và dừng lại trước bức tranh của họa sĩ Thu Trần ngắm nghía. Thấy vậy, chị ra chào và hỏi và giới thiệu về bức tranh của mình. “Cháu đang loay hoay lắm ạ”. Chị chia sẻ rồi bày tỏ lòng đam mê với những tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Trần Lưu Hậu. Nghe xong, ông nói với chị: “Tranh hay quá, cháu cứ thế mà vẽ rất tốt đấy cháu nhé”.

Câu nói của bậc tiền bối làm chị rất vui. Khi học đại học, cao học chị bắt đầu đi tìm ngôn ngữ hội hoạ. Ngoài ngôn ngữ hội hoạ của các trường phái hội hoạ trên thế giới, họa sĩ Thu Trần đặc biệt quan tâm tới các bậc tiền bối trong nước đi trước của Việt Nam. Những người mà chị được học là các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…. “Nhưng quả thực tôi quan tâm tới họa sĩ Trần Lưu Hậu hơn cả. Họa sĩ là người mở toang cánh cửa cho tôi khỏi run sợ trước những gì mà tôi học ở trường, những thứ mà tôi thấy trong đầu tôi là cả một sự rối tung, chẳng giống xung quanh tôi chút nào, ai cũng đi tìm một câu chuyện nắn nót hoàn hảo nào đó”.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Bậc thầy hội họa Việt - 6

Tác phẩm của họa sĩ Trần Lưu Hậu

Họa sĩ Thu Trần chia sẻ: “Gần đây nhất tôi được nghe một người bạn nói đợt vừa rồi ông vừa vẽ được mấy tác phẩm đẹp lắm, đẹp bất thường, có lẽ cụ cũng đã trút hết năng lượng đẹp đẽ của mình trong những tác phẩm đó. Tôi cũng đang chờ đi cùng nhạc sĩ Dương Thụ đến nhà thăm ông, vậy mà rất tiếc, chưa kịp đến để chào tạm biệt, ông đã qua đời… Một lượng sáng tác khổng lồ trong khoảng những năm khi 70 tuổi và 80 tuổi và cho đến gần đây thêm một kho tàng tác phẩm mang tên Trần Lưu Hậu. Những gam màu tươi đẹp, đầy tình yêu của những tác phẩm cuối cùng của ông là một câu hỏi đẹp đẽ trong đầu tôi, trái tim tôi về con đường hậu bối đang đi.

Tôi rất cảm ơn ông đã cho tôi thấy người ở ngay đất nước này, người đã tiên phong vứt bỏ cái bảo thủ để các thế hệ sau mạnh dạn dấn thân vào con đường đã chọn”. 

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam - được gọi là khóa Kháng chiến (1950-1954), do danh họa Tô Ngọc Vân dẫn dắt. Ông cũng từng tu nghiệp chuyên ngành trang trí sân khấu tại Học viện Mỹ thuật Suricov, Nga (1955-1962). Từ năm 1962-1989, ông giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam)…

Trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Trần Lưu Hậu vẽ nhiều thể loại, nhưng được đánh giá là người lão luyện trong sử dụng màu gốc, màu nguyên bản ở tranh trừu tượng. Đề tài trong tác phẩm của ông thường về kháng chiến, phong cảnh thiên nhiên, phố phường Hà Nội, nông thôn, tĩnh vật... Các tác phẩm của ông được triển lãm và sưu tập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Pháp, Đức, Singapore, Nga, Hong Kong (Trung Quốc)... Nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiêu biểu là bức “Vịnh Hạ Long”...

Họa sĩ Trần Lưu Hậu được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001.

Pv (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…