Nguyễn Ngọc Bình với nghệ thuật kiến trúc, hội họa và nhiếp ảnh
Xem triển lãm Ảnh Nghệ thuật Nguyễn Ngọc Bình, có người hỏi tôi: “Anh thấy thế nào”? Tôi trả lời: “Đây là một công trình nghệ thuật nhiếp ảnh đích thực, bắt nguồn từ cảm xúc, năng khiếu bẩm sinh, chịu ảnh hưởng qua lại từ nghệ thuật kiến trúc, hội họa… trước khi bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh”.
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức – khoa bảng
Tiếp xúc với Tiến sĩ, Kiến trúc sư, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Bình, cảm giác đầu tiên của tôi: Anh là một con người mẫn cảm, có kiến thức sâu rộng, điềm đạm, được sinh trưởng trong một gia đình học thức.
Tiến sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình
Từ nhỏ, Bình đã yêu thích bộ môn hội họa, âm nhạc và nhiếp ảnh, đã từng say sưa vẽ, chơi đàn violin, chụp ảnh và tráng rửa phim ảnh kỷ niệm của gia đình, bạn bè khi còn đang đi học và khi đương chức. Chỉ đến khi nghỉ hưu mới có điều kiện và thời gian đi sâu nghiên cứu kỹ hơn về hội họa và nhiếp ảnh nghệ thuật.
Cống hiến cho sự nghiệp kiến trúc coi như đã toại nguyện qua sự ghi nhận của ngành, của quan chức các ngành nghệ thuật đánh giá cao thành tựu như: GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam); Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam); Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam); Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Lời giới thiệu sách ảnh Cảm xúc 2 - Cuộc chơi bằng ánh sáng của Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông.
Đặc biệt là ý kiến của nhà giáo Nguyễn Trà - anh trai cả của tác giả, Trưởng dòng họ Nguyễn Đông Tác - Trung Tự, Thăng Long - Hà Nội: “Tôi xúc động về sự miệt mài, chắt chiu trong công việc của em trai tôi đã đóng góp đáng kể vào truyền thống văn học nghệ thuật của một dòng họ khoa bảng - Dòng họ Nguyễn Đông Tác - Trung Tự - Thăng Long - Hà Nội” và tác giả Nguyễn Ngọc Bình đã chứng minh sự thật ấy bằng hình ảnh, nét vẽ qua các tác phẩm hội họa chân dung hiện thực như: Bố tôi, một nhà giáo; Mẹ tôi, người nội trợ mẫu mực và tần tảo; Anh cả tôi, nhà giáo Nguyễn Trà; Anh trai tôi, GS.TSKH Nguyễn Trâm; Anh trai tôi, PGS.TS Nguyễn Thúc Huyên; Anh trai tôi, nhà giáo Nguyễn Chí Bảo; Anh trai tôi, Kỹ sư Nguyễn Thế Vinh; Chị tôi, Bác sĩ Nguyễn Xuân Diễm; Em trai tôi, Đại tá QĐNDVN, Kỹ sư Nguyễn Chính; Em gái tôi, TS. Nguyễn Thị Quy; Em gái tôi, Kỹ sư Nguyễn Bích Thước; Vợ tôi, TS.KTS. Tô Thị Toàn (Đại biểu Quốc hội); Con trai tôi, Thạc sĩ, KTS. Nguyễn Tô Minh...
Quả thực đây là một đại gia đình trí thức khoa bảng đang hiện hữu!
Tranh "Thiếu nữ Hà Nội" của Nguyễn Ngọc Bình
Nguyễn Ngọc Bình với sự nghiệp kiến trúc – hội họa
Tôi đã đọc, cảm nhận sự thẩm định nghiêm túc về sự nghiệp kiến trúc của Nguyễn Ngọc Bình qua các quan chức ngành nghệ thuật kiến trúc, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam), GS.TS.KTS. Nguyễn Ngọc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), TS.KTS. Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)… hầu hết các vị đều đánh giá cao sự nghiệp kiến trúc của KTS Nguyễn Ngọc Bình.
Kiến trúc sư thường là người có tính cách và tâm hồn lãng mạn, có trí tưởng tượng phong phú, đa dạng. Sự nhạy cảm trong tâm hồn họ luôn tiềm ẩn sự tinh tế, khát khao được đam mê, cống hiến, cũng luôn sẵn sàng một sự bùng nổ và chính sự đam mê sáng tạo ấy đôi khi họ quên cả bản thân mình. Là một kiến trúc sư yêu nghề và mang trái tim đa đoan, luôn trải lòng mình với tình yêu cuộc sống, Nguyễn Ngọc Bình cũng nằm trong những người như thế…
“Khi công tác tại Viện Quy hoạch Đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) hay làm việc tại Văn phòng Chính phủ, với cương vị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA)… Nguyễn Ngọc Bình là một Kiến trúc sư đa tài, hoạt động chuyên môn với niềm đam mê, sự cống hiến không mệt mỏi, KTS. Nguyễn Ngọc Bình đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế về kiến trúc, quy hoạch, sau này là hội họa và nhiếp ảnh nghệ thuật” (KTS Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng).
Tác phẩm nhiếp ảnh "Pháo đài ngự phủ Budapest - Hungary" của Nguyễn Ngọc Bình
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - TS.KTS Phan Đăng Sơn: “…Trước khi đến với nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc của anh lại là nghệ thuật kiến trúc. Mà không phải là kiến trúc sư bình thường. Ra trường trải nghề thiết kế ở Viện đầu ngành cả nước, anh đã đoạt giải thưởng quốc tế về kiến trúc và giải quốc gia về quy hoạch. Sau đó, làm luận án Tiến sĩ kiến trúc ở cái nôi phát triển kiến trúc hiện đại, tiên phong của thế giới - BAUHAUS UNI, Weimar - Germany (Đức)… Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, về nước anh được phân công một trọng trách mới ở cơ quan Văn phòng Chính phủ: Chuyên trách Viện quản lý, theo dõi lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc - Phát triển Đô thị trong phạm vi toàn quốc…”.
Hội họa bắt đầu được thực hiện từ những năm làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, những chuyến công tác thực hiện các công trình công và tư trên mọi miền đất nước và tranh thủ ghi những phong cảnh thiên nhiên như: Thu vàng ngoại ô Mạc Tư Khoa, Ban mai Đà Lạt, Xuân về bản, Lãng đãng thu, Sông nước Hậu Giang, Bản Cát Cát (Sapa), Làng chài Bến Tre, Dáng quê, Thu cảm và những bức chân dung thiếu nữ như Mơ màng, Thiếu nữ Hà Nội… dần hình thành cuộc triển lãm tranh và xuất bản sách Cảm xúc I - NXB Mỹ thuật, 2018.
Điều đặc biệt, Nguyễn Ngọc Bình còn có một loạt tranh vẽ chân dung những người thân của mình.
Cảm xúc 2 – sự phát triển “đột biến của Nguyễn Ngọc Bình
Phải 6 năm sau – 2024, Cảm xúc 2 - Cuộc chơi cùng ánh sáng mới được triển lãm và xuất bản sách ảnh (NXB Mỹ thuật, 2024).
Với Nguyễn Ngọc Bình, mới bước vào nghề được 5 năm, tác phẩm của anh cũng chững chạc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đã thuyết phục được những đôi mắt nghệ sĩ lão luyện trong nghề. “Với những cảm xúc tinh tế, ông đã phiêu du cùng ánh sáng, “đóng băng trong khoảnh khắc” để tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đích thực”, như lời nhận xét của NSNA Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, trong lời giới thiệu sách ảnh Cảm xúc 2 - Cuộc chơi cùng ánh sáng.
"Vẽ bằng nước" - Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình
Với Nguyễn Ngọc Bình, thành công trước tiên là cách nhìn, cách cảm và cách thể hiện qua ánh mắt, khóe miệng ông già trong Suy tư, ngẫm ngợi khi đọc tác phẩm Giai điệu ngọt ngào đề cập đến Giữ gìn ngôn ngữ dân tộc. Độc đáo trong Hội hóa trang “Ma bùn 1”, Hội hóa trang “Ma bùn 2”, bởi tác phẩm Phiêu, Mắt biếc, bởi Mơ tưởng 2, Cô bé Tây Nguyên, Thiếu nữ Ấn Độ…
Đặc biệt là tác phẩm Thỏa mãn (T152) hiện qua ánh mắt và những giọt sữa còn dính trên miệng của bé và bầu vú của người mẹ vẫn đọng những giọt sữa đặc quánh, trắng đục. Cái lưỡi của bé đang liếm mép thật đáng yêu như đang “nói” với người xem ảnh: “No rồi!”. Ánh sáng dịu nhẹ vừa đủ để lột tả chủ đề trong tác phẩm, tạo chiều sâu không gian, một nét đẹp vĩnh cửu. Chưa cần chú thích ảnh, tác phẩm khai thác ở dạng này sẽ sống mãi với thời gian.
Trong “cuộc chơi cùng ánh sáng” ta có thể thấy khá nhiều tác phẩm “ánh sáng đẹp” trong sinh hoạt đời thường như Sửa áo, Chọn giống lúa, Đôi bạn, Vui ngày mùa, Tĩnh lặng, Câu chuyện ngày Xuân, Đêm hoa đăng, Mùa vàng, Phơi lưới, Lò gốm thủ công, Cô thợ gốm, Nước nguồn, Giã gạo đêm trăng, Tinh nghịch…
Ảnh chụp làng nghề, nếu tác giả không dùng thủ pháp, cao tay nghề, rất dễ bị dừng lại ở ranh giới thể loại ảnh tư liệu thông tấn.
Tác giả còn “vẽ bằng ống kính”, “Đóng băng trong khoảnh khắc” như Vẽ bằng nước 1, Vẽ bằng nước 2. Tác giả cố định hình ảnh khá sinh động trong Tắm cùng Voi, Áo mới, Hồn nhiên, Xuống chợ, Hề chèo, Đua voi ở Tây Nguyên…
Nguyễn Ngọc Bình đã đưa thế mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật kiến trúc vào các tác phẩm: Pháo đài ngự phủ Budapest-Hungary, Khát vọng hòa bình, Bình minh Santorini-Hy Lạp, Tháp cổ, Chùa Vàng ở Yama, Tháp cổ trên dòng sông Volga-Nga, trong sắc màu lạ Trên cánh đồng Lavender vùng Provence-Pháp, trong Dubai-UAE, trong Tháp Big Bel…
"Mắt biếc" - Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình
Điểm trong Cảm xúc 2 đã có trên 20 quốc gia có tác phẩm của Nguyễn Ngọc Bình, đi nước ngoài nhiều như vậy, kinh phí đâu có ít? Nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam ao ước mà không thực hiện được. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiện có đến trên 1.000 hội viên nhưng ít người có khả năng đi hàng chục quốc gia như cụ Võ An Ninh, cụ Lê Vượng, Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường. Đặc biệt nhiếp ảnh gia Minh Đạo có điều kiện nhiều năm tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đi công tác cùng lắm cũng chỉ trên 7 chục quốc gia là cùng.
Không chỉ hơn 20 quốc gia mà Nguyễn Ngọc Bình đã đặt chân đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một khoản kinh phí khổng lồ! Nghề kiến trúc làm các công trình công và tư trong nhiều năm đã giúp Nguyễn Ngọc Bình có đủ kinh phí để thực hiện, miễn là khi về nước nhất thiết phải có tác phẩm.
Trong công trình sách ảnh nghệ thuật mang tên Cảm xúc 2 - Cuộc chơi cùng ánh sáng, các NSNA Ngô Minh Đạo, Đinh Quang Thành, Vũ Huyến, Hồ Sĩ Minh, Lê Hồng Linh, Lê Nguyễn, Phạm Tiến Dũng… đều có chung nhận xét rất tinh tế, sâu sắc, chỉ ra những nét tinh hoa trong nghệ thuật nhiếp ảnh của Nguyễn Ngọc Bình.
“Là Tiến sĩ, Kiến trúc sư và họa sĩ, bước vào nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Bình mang theo cả hành trang những kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về ánh sáng, bố cục, hình khối, đường nét và màu sắc để cho ra đời những tác phẩm giàu cảm xúc và nhân văn về thiên nhiên, đất nước và con người. Điều đặc biệt trong ảnh của ông là cách mà ông “chơi ánh sáng” khiến mỗi tác phẩm đều trở nên rất ấn tượng, khác biệt và cá tính”. Đó là ý kiến tổng quát về nhiếp ảnh nghệ thuật Nguyễn Ngọc bình của người từng làm công tác quản lý du lịch và ông cũng có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp đến mê hồn - nhà báo, NSNA Bùi Việt Hưng.
Điều cần nói thêm là các tác phẩm trong Cảm xúc 2 - Cuộc chơi cùng ánh sáng được tuyển chọn kỹ lưỡng, ảnh “đẹp như tranh”. Trong ảnh có âm hưởng của thi ca, âm nhạc, hội họa được in với chất lượng cao với sự đóng góp trong công tác biên tập, trình bày mỹ thuật của nhiếp ảnh gia giàu mỹ cảm Nguyễn Kỳ Nam.

Hơn nửa thế kỷ viết văn, làm báo, Minh Chuyên - cây bút hậu chiến đã có số lượng tác phẩm đồ sộ, gồm hơn 70 tập...
Bình luận