Chú bé 7 tuổi, ông lão U80 và một bài hát của Phạm Duy
Khoảng năm 1951- 1952, nghệ sĩ Tân Nhân về sống tại làng tôi. Cô ở ngay trong nhà của người chú họ của tôi, chú Võ Văn Yêm. Chúng tôi, bọn trẻ vẫn gọi là cô Tân Nhân. Cô thường hay qua chơi với mẹ tôi vì cùng là “đồng môn” của trường Đồng Khánh ở Huế, mặc dù khác thế hệ. Mẹ tôi và các cô các chị của tôi vẫn nói, cô Tân Nhân hát rất hay.
Làng tôi thời đó thường rất hay họp. Họp toàn thể dân làng thì gọi là họp nhân dân. Rồi thì họp phụ nữ… Cô Tân Nhân thường xuyên ra dự họp và hát. Mỗi buổi họp khác nhau cô thường hát các bài khác nhau. Tôi thường đòi theo mẹ ra các buổi họp phụ nữ để được nghe cô hát.
Bắt đầu buổi họp, mọi người nhao nhao: “Tân Nhân hát đi, mẹ già cuốc đất trồng khoai đi!”. Mọi người cứ nhao nhao như thế một lúc. Rồi cô Tân Nhân cất tiếng hát: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày…”. Cả đình làng lặng yên như tờ nghe cô hát.
Ca sĩ Tân Nhân
Cô hát đến đoạn: “Quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ cắt đầu…”, bắt đầu có tiếng sụt sùi. Rồi đến câu: “… đem khăn gói đi lấy đầu…” thì tiếng sụt sùi càng nhiều hơn. Cô hát đến câu: “Mẹ già nấu nước chờ ai…”, thì cô tôi hát theo rồi mọi người cùng hát theo. Hát xong, mọi người vỗ tay, làng bắt đầu vào họp. Tôi đòi ra về, mẹ bảo người trông trẻ đưa tôi về trước.
Năm 1953, cô Tân Nhân rời làng. Tôi không đòi theo mẹ ra đình làng dự họp nữa. Tôi không còn được nghe cô Tân Nhân hát. Nhưng bài hát “mẹ già cuốc đất trồng khoai…” tôi vẫn được nghe các cô các chị tôi hát. Bài hát cứ thế ngấm dần vào tôi! Rồi một thời gian dài, tôi không nghe các cô các chị hát, tôi đòi họ hát. Mọi người bảo: “Không được hát nữa, bị cấm rồi!” Tôi hỏi vì sao lại cấm? Mọi người trả lời, vì của Phạm Duy! Cho đến lúc đó, tôi vẫn không biết tên bài hát là gì, Phạm Duy là ai! Tôi chỉ biết bài hát mở đầu là câu: Mẹ già cuốc đất trồng khoai… Vì của Phạm Duy nên bị cấm!
Năm tháng dần qua. Tôi cũng quên đi bài hát!
***
Năm 1960 tôi theo gia đình ra Hà Nội sống và đi học. Năm lên học cấp 3 (bây giờ gọi là THPT), tôi chơi thân với một người bạn. Nhà anh ấy ở phố Hàng Đào. Anh ấy hơn tôi một tuổi, lại là con của một chủ hiệu buôn nổi tiếng trước đây. Các món vui chơi đàn ca sáo nhị anh ấy sành điệu hơn tôi rất nhiều. Tôi phải học theo bạn. Anh ấy lại quí tôi ở việc học, vốn là sở trường của thanh niên xứ Nghệ thời đó.
Một lần lên căn phòng của bạn ở trên gác 2, thấy anh ấy ôm cây ghita, mắt liếc nhìn vào một tập nhạc đã rất cũ, vừa đàn vừa hát. Tôi cầm tập bản nhạc, lật xem trang bia, thấy in hình một chàng trai tuổi ngoài 30, mặc áo vét, đội mũ phớt, ôm cây ghita, nhìn rất lãng tử, cùng với hai chữ Phạm Duy. Tôi vội lật đi lật lại nhiều lần. Anh bạn tôi hỏi:
- Tìm gì mà ghê thế?
Tôi nói:
- Tìm một bài hát của Phạm Duy!
Bạn tôi:
- Bài nào?
Tôi nói:
- Tao không nhớ tên, chỉ nhớ câu mở đầu: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai…”
Bạn tôi cười, một nụ cười rất hiền lành và thân thiết:
- Khoai với sắn đâu đây, đây là tập nhạc tình của người ta!
Rồi anh ấy bảo tôi hát mấy câu đầu. Tôi khẽ hát mấy câu đầu, đến câu: “… Mẹ mừng con đánh giặc hay…” thì anh ấy ngắt lời tôi và nói:
- Bài này trước đây tao cũng có nghe người ta hát, nhưng không biết tên bài hát là gì. Bài hát này chống Pháp. Hồi trước khi ta tiếp quản Hà Nội, người Pháp không cho phổ biến bài hát này ở Hà Nội. Một bài hát Ta và Tây đều cấm! Bây giờ thì cả các bài này cũng bị cấm!
Bạn tôi chỉ tay vào tập nhạc tình của Phạm Duy, rồi nói tiếp:
- Mày không được kể với ai là tao hát Phạm Duy!
Tôi cười:
- Yên tâm, kể lại thì cả tao và mày cùng chết!
Mọi việc qua đi theo thời cuộc!
***
Năm 2005, nhạc Phạm Duy được phép lưu hành. Tôi lại lần tìm bài hát có câu mở đầu: mẹ già cuốc đất trồng khoai… Tôi mới biết tên bài hát đó là: BÀ MẸ GIO LINH. Tôi lại tìm trên Wikipedia, biết xuất xứ của bài hát đó. Bài hát kể lại một câu chuyện có thật của thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài hát ca ngợi những con người thật của cuộc đời thật. Tôi đã được biết câu chuyện bi hùng của các bà mẹ: Diêu Cháu, Hoàng Thị Sáng. Tôi lại biết tên làng Mai Xá. Tôi khâm phục những người mẹ làng Mai Xá, Gio Linh, Quảng Trį. Những bà mẹ Việt Nam kiên cường, có trái tim khác người!
Nhạc sĩ Phạm Duy
Tôi cũng được biết Mai Xá, Gio Linh là quê của cô Tân Nhân. Càng hiểu vì sao cô hát bài này hay đến thế!
***
Cách đây vài tháng, tôi đi chơi golf với các anh N V A , Ph Th , N Tr Đ. Lúc về, anh N V A nói anh Ph Th mở IPad nghe nhạc, để quên đi thời gian trên chặng đường về. Anh Ph Th quên không mang theo IPad. Tôi đành bật YouTube trên IPhone. Tôi mở nhạc tiền chiến, sau đó là các bản nhạc thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Đến bài “Bà mẹ Gio Linh “tôi mở hai lần, nghe đi rồi nghe lại.
Anh N V A nói:
- Phúc có vẻ thích bài này!
Tôi nói:
- Vâng, em thích bài này từ năm lên 7, đến nay đã hơn 70 năm!
Tôi đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện như tôi vừa kể, rồi nói:
- Thế mà bài hát này một thời bị cấm!
Mọi người lại nói chuyện về những bài ca bị cấm, có những bài cả hai bên cùng cấm!
Chuyện của một thời!
Tôi lại mở IPhone: Mẹ già cuốc đất trồng khoai…
Năm 1974, từ mặt trận về, tôi nhận được giấy mời của Sở Văn hóa Hà Nội và Hội Văn nghệ Hà nội mời tham dự một...
Bình luận