Nhà thơ Giang Quân và người cháu nội

Năm 1974, từ mặt trận về, tôi nhận được giấy mời của Sở Văn hóa Hà Nội và Hội Văn nghệ Hà nội mời tham dự một trại viết kịch bản sân khấu của Sở và Hội hưởng ứng đợt vận động sáng tác mừng 20 năm giải phóng Thủ Đô (1954-1974). Mừng quá, vội lên tham gia trại, do nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, khi ấy là cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội phụ trách. Một thời gian ngắn sau, lại bỗng nhận được giấy mời của Sở và Hội mời đến dự lễ trao giải thưởng đợt vận động sáng tác, mà vở kịch ngắn viết ở Trại của tôi (“Một buổi sáng nhiều chim”) được trao giải thưởng!

Đứng bên tôi là một người đàn ông trung niên, có nụ cười luôn nở trên môi và rất đôn hậu. Ông là nhà thơ Giang Quân mà tôi được nghe tiếng đã lâu, là cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội. Ông cũng được giải thưởng về kịch bản sân khấu. Thấy tôi mặc quân phục đứng bên, ông xiết tay tôi bày tỏ lòng quý mến: “Trẻ quá, đầy tương lai triển vọng! Chúc mừng đồng chí nhé!”. Nghe ông động viên thế, tôi cảm động lắm, vì ông là một nhà thơ tên tuổi...

Nhà thơ Giang Quân và người cháu nội - 1

Nhà thơ Giang Quân

Năm tháng qua đi, tôi ít có dịp gặp lại ông, cũng như thầy Hoàng Tích Linh. Nhưng cũng thi thoảng cũng được đọc thơ ông trên báo, và qua những người bạn thơ của ông như nhà thơ Hoài Anh, nhà thơ Bằng Việt, tôi hiểu nhiều hơn về nhà thơ cao niên, đôn hậu và rất đáng mến đó.

Về tuổi tác, ông còn hơn cả mẹ tôi, và quê hương ông là mảnh đất nơi đã sinh ra các anh em Tự lực văn đoàn – là huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông yêu văn chương từ thuở cắp sách tới trường, 15 tuổi đã có thơ in báo, 23 tuổi đã có hàng loạt kịch thơ công diễn ở nhà hát lớn Hà Nội, ở các thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, do các Hiệu đoàn học sinh yêu nước tổ chức lấy tiền giúp học sinh nghèo. Năm năm hoạt động báo chí và văn học trong Hà Nội tam chiếm, ông có nhiều những tác phẩm đậm tình yêu nước, kích động lòng người hướng về kháng chiến (Nghĩa là ông vào văn chương và có những thành quả sớm hơn chúng tôi rất nhiều!)

Nhà thơ Giang Quân sáng tác nhiều thể loại, thơ, kịch thơ, chèo, viết văn, viết báo, sưu tầm và nghiên cứu văn nghệ dân gian. Ở lĩnh vực nào ông cũng nhiều lần được giải thưởng. Đặc biệt ông dành cả đời mình cho tình yêu Hà Nội. Với hơn 30 đầu sách viết riêng về đề tài Hà Nội và hàng trăm cuốn sách cộng tác với các tác giả khác cũng về Hà Nội, ông được người đời gọi là “cây Từ điển sống về Hà Nội”. Đây chính là lý do năm 2011, ông được vinh danh là “Công dân Ưu tú Thủ đô”. Đến năm 2015, ông nhận Giải thưởng lớn, Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội...

Một “Ngày thơ Việt Nam” tại Văn Miếu, tôi thấy có hai cô gái xinh đẹp bần thần trước bàn vẽ tốc ký của Nhà thơ - Họa sỹ Trần Nhương. Đoán biết họ muốn được vẽ, tôi nhờ anh Trần Nhương ký họa cho họ. Hỏi ra thì biết cả hai cô đều rất yêu thơ, một cô mãi tận Thanh Sơn Phú Thọ là Phó Giám đốc kho bạc Huyện đã tự lái xe ôtô về dự ngày lễ thơ, còn cô bé mảnh mai là Thạc sỹ kinh tế ở Hà Nội. Hỏi thêm mới biết cô Thạc sỹ ấy là cháu nội của nhà thơ Giang Quân mà tôi từng quý mến đã lâu...

“Tặng Nội cả mùa hoa loa kèn sáng bừng lên sắc trắng

Con bước đi trên cung đường tràn nắng

Chẳng ôm nổi bóng mình trong cõi nhớ miên man

Muốn gửi vào mây lời của gió chứa chan

Nhắn Nội về thăm mái nhà xưa yêu dấu

Nơi ngọn đèn vẫn sáng nửa khuya

Nơi những con chữ kết hoa từ trái tim nồng hậu

Nơi trang sách mở ra những chân trời

Nơi yêu thương cất giai điệu tuyệt vời

Và kỷ niệm mãi hồng tươi như vầng dương mới mọc

Tháng hạ về trong con thầm khóc...”

Bài thơ thật xúc động, không chỉ là một minh chứng đích thực cô chính là một người cháu nội thân thiết của nhà thơ Giang Quân, mà còn là một tín hiệu cho thấy cô chính là “truyền nhân” của nhà thơ Giang Quân.

Nhà thơ Giang Quân và người cháu nội - 2

Tác giả Nguyễn Phương Thùy

Xin hãy đọc thêm những câu thơ khác của cô.

Thơ cho con gái:

Con gái à, nắm chặt tay mẹ nhé!

Ta đi

Sâu thẳm trên cao kia

Lũ sao trời đang nhấp nháy mắt cười và dường như đang hát

Đêm qua, khi con vừa say giấc

Mẹ vội vã đi tìm cô tiên trong khu vườn cổ tích màu xanh

Điều ước của con hiện ra từ mẩu giấy mỏng manh

Những con chữ phút chốc hoá thành muôn đoá hoa rực rỡ

Cô tiên chạm đũa thần ngàn hoa thơm bừng nở

Kết thành chiếc thang lộng lẫy nhất hành tinh

Con yêu ơi! Mẹ con mình bắt đầu cuộc hành trình

Đi hái sao trời về xây mơ ước

Thơ về tình yêu:

“Ta tặng em một chút rét cuối đông

Để xuân về mắt huyền thôi nhung nhớ

Một chút mưa của tháng ngày đã cũ

Gọi mầm xanh thức giấc giữa đêm mơ

Ta tặng em lời hẹn ước bất ngờ

Rơi rất khẽ xuống khu vườn cổ tích

Cánh hoa bay dưới khoảng trời tĩnh mịch

Đậu trên vai nhẹ như chú bướm xinh”.

Và thơ cho chính mình:

Tôi đi tìm tôi

Gọi bình yên nơi mắt lá thầm thì

Hãy nói với tôi về những con đường phía trước tôi đi tới

Tôi đi tìm tôi

Thả ước mơ bay đến chân trời mới

Xếp cánh hoa xinh chờ cơn gió nghịch mùa

Tôi đi tìm tôi

Lặng thầm trăn trở dưới cơn mưa

Hãy khóc cùng tôi đôi giọt nước mắt thôi

Bỗng thấy trong yếu mềm là một tôi mạnh mẽ

Tôi đi tìm tôi

Qua những câu chuyện kể

Lật từng trang thấm thía những cảnh đời

Này tôi ơi!

Trái tim muốn cháy lên muôn tia nắng mặt trời

Thương yêu những kiếp người

Trong khổ đau vẫn lấp lánh như muôn vàn tinh tú…

Tôi không muốn bình luận gì thêm, tự thơ của cô - Nguyễn Phương Thùy - đã nói lên tất cả. Và nếu có gì cần viết thêm, thì chính là lời tâm sự của cô về ông mình: ”Ông quan tâm đến tôi như một người cha và là chỗ dựa tinh thần cho cháu cho tới tận lúc ông qua đời. Tôi làm thơ vì trước hết rất yêu quý ông nội. Tôi muốn thay ông nội viết tiếp những vần thơ tặng cho đời. “Ít nhất trong thơ cô, với tôi, thấy lung linh bóng dáng và hồn thơ của người ông cần mẫn, đôn hậu, tài hoa: Nhà thơ-Nhà Hà Nội học Giang Quân!

*

Đã tưởng như thế là nhiều khi viết về một nữ nhà thơ trẻ, và là cháu nội “truyền nhân” của một một nhà thơ Hà Nội. Một “Công dân Ưu tú Thủ đô” là nhà thơ Giang Quân đôn hậu, tài hoa. Nhưng cón nhiều hơn thế khi mới đây, tôi được cầm trên tay tập thơ đầu tay “Đêm ô cửa” bao gồm 38 bài kỷ niệm tuổi 38 của cô…

Nhà thơ Giang Quân và người cháu nội - 3

Tập thơ "Đêm ô cửa"

“Khi được cầm trên tay cuốn sách đầu tiên của mình, trong tôi trào dâng bao cảm xúc: niềm vui vỡ oà cho những nỗ lực của mình đã được đền đáp; niềm hạnh phúc khi mình đã tiếp bước trên con đường thơ mà Nội đã từng đi; niềm xúc động trước sự nhiệt thành, những chân tình của anh chị em, bạn bè đã giúp đỡ mình trong suốt quá trình sáng tác và hoàn thiện cuốn sách...

Những dòng thơ, trang viết, những status của tất cả bạn bè facebook hay những câu chuyện có thật đến từ cuộc sống thường hằng chính là nguồn cảm xúc bất tận chắp cánh cho những vần thơ của Nguyễn Phương Thuỳ. “Đêm từ ô cửa” với những lời thơ không bi luỵ, tôi muốn vẽ nên những sắc màu của cuộc sống, ở đó có niềm hạnh phúc hân hoan, có những đau đớn, xót xa, có những trầm lắng, ưu tư, có những trăn trở, có những nỗi buồn nhưng phải là nỗi buồn đẹp, là phút lắng lòng để ta nhìn về một ngày mai tươi sáng…”

Cô tâm sự như vậy ở đầu tập thơ. Nhưng cái quý hơn, cùng với trái  tim thơ ca của cô, là một tấm lòng, cũng có thể goi là tấm lòng thơ ca của cô: Tập thơ của Nguyễn Phương Thùy do NXB Hội nhà văn & Vanchuong Media Jsc. phát hành, giá sách: 81.000₫/cuốn.

Từ khi nhận được sách, nhà thơ xắn tay áo lên, hối hả đi gửi bán từng cuốn sách của mình. Bởi lẽ, theo ước nguyện của cô, (dù tự bỏ ra theo nhẩm đoán của tôi chí ít cũng 50 triệu để in tập thơ) thì ước nguyện của cô cũng là “Toàn bộ tiền bán sách, Nguyễn Phương Thùy sẽ giúp đỡ những bệnh nhân bị bệnh Thalassemia (Bệnh tan máu bẩm sinh) có hoàn cảnh khó khăn tại Viện Huyết Học - Bệnh viện Bạch Mai”.

Nhà thơ Giang Quân và người cháu nội - 4

"Tôi làm thơ vì trước hết rất yêu quý ông nội. Tôi muốn thay ông nội viết tiếp những vần thơ tặng cho đời".

Thật xúc động thay thơ và tấm lòng của một nữ nhà thơ trẻ. Cũng xin được nói thêm rằng: Những ngày gần đây, tôi được chứng kiến một nữ Ca sỹ hàng đầu in 5000 CD ca nhạc tiếng hát của mình, không để bán mà chỉ để tặng, và mong muốn  của người ca sỹ đó là “Ai nhận được đĩa có tấm lòn hảo tâm, thì chuyển tiền góp cho quỹ “Những ngôi sao nhỏ” để  trợ giúp cho những tài năng nghệ thuật trẻ ! Lại một người bạn thân của tôi là nhà báo thể thao Hồ Nguyễn ở TPHCM đi tổ chức giải bóng đá lão tướng để quyên tiền giúp cho những cầu thủ bóng đá cao tuổi già yếu, bệnh  tật, gặp  nhiều khó khăn trong cuộc sống. Và hôm nay, một nhà thơ nữ trẻ tự bỏ tiền in thơ của mình, lại tự đi phát hành từng tập thơ để lấy tiền giúp cho các bệnh nhân nghèo!

Chỉ có thể thốt lên một điều: “Cao cả thay những tấm lòng Nhân ái”. Chỉ có thể thốt lên như vậy mà không cần nói gì hơn! 

…Lại nhớ nhà thơ Giang Quân thời trẻ, 23 tuổi đã có hàng loạt kịch thơ công diễn ở nhà hát lớn Hà Nội, ở các thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, do các Hiệu đoàn học sinh yêu nước tổ chức lấy tiền giúp học sinh nghèo. Thật là ông nào cháu ấy…

Nhà thơ Giang Quân (1927-2016) tên thật là Nguyễn Hữu Thái, là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn, nhà báo, quê ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương.

Ông là hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã đoạt nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương như: Giải thưởng thơ của Sở Văn hoá và Hội Văn nghệ Hà Nội, giải thưởng ca dao của báo Văn nghệ năm 1960, giải thưởng kịch của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1974, của Tạp chí Sân khấu năm 1978, của Nhà Văn hoá Trung ương năm 1981, giải thưởng ký của Hội nhà báo Hà Nội năm 1990, giải thưởng Văn học nghệ thuật thủ đô năm 1982.

Nhà nghiên cứu về Hà Nội Giang Quân từng được mệnh danh là “Cuốn từ điển sống về Hà Nội” năm 2015 được  nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, đây là giải thưởng cao quý nhất trong Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất