Người hát rong nhạc đỏ
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên khắp các chặng đường Trường Sơn cũng như tại các mặt trận Quảng - Đà, Khu 5, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có một người luôn hát rong cho bộ đội, thanh niên xung phong và bà con nhân dân nghe. Người này sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, có lúc trước cả đại đội, tiểu đoàn, cũng có lúc chỉ một nhóm người, thậm chí một người. Có điều đặc biệt là người hát rong này chỉ hát những bài lâu nay ta vẫn quen gọi là “nhạc đỏ” - những bài hát truyền thống, cách mạng có giá trị sâu sắc về tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật. Người đó là NSƯT Thanh Đính, từng là diễn viên Đoàn văn công Giải phóng. Sau ngày 30/4/1975, ông giải ngũ, về làm việc ở Nhà văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, là Trưởng đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh của thành phố này mãi cho đến mấy năm gần đây, tuổi cao, sức yếu, mới nghỉ.
Thanh Đính bước vào con đường ca hát cũng giống như nhiều nghệ sỹ khác. Ông có may mắn được theo học thanh nhạc hệ đại học chính quy đầu tiên ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1965, tốt nghiệp, ông tình nguyện đi B (ngày ấy là vào chiến trường miền Nam). Gần như cả tuổi trẻ oanh liệt nhất, ông là một chiến sỹ cầm đàn và chiến đấu bằng cả súng và giọng hát. Cũng có mấy năm sau ngày giải phóng miền Nam, ông được được đi tu nghiệp thêm về thanh nhạc ở Bungari (cùng đợt với các nghệ sỹ Tường Vi, Quý Dương…). Nếu nhiều ca sĩỹ khác luôn biểu diễn trong những sân khấu hoành tráng, rực rỡ ánh đèn ở trong nước và nước ngoài thì Thanh Đính lại là người nghệ sĩỹ của chiến sĩỹ và nhân dân ở khắp mọi nẻo đường của chiến tranh.
NSƯT Thanh Đính
Ông đã có mặt ở rất nhiều mặt trận, hát bên các chiến hào, ven rừng Trường Sơn. Chỉ với một cây đàn guitar tự đệm, ông đã thổi bùng thêm ngọn lửa vốn dĩ luôn sôi sục lòng yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta với những ca khúc nổi tiếng một thời: “Nổi lửa lên em”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Bài ca trường Sơn”, “Mỗi bước ta đi ”… Không chỉ ca hát, ông còn không nề hà, ngần ngại để sẵn sàng truyền, dạy cho bất cứ ai yêu thích bài hát nào mà ông biết trong mọi hoàn cảnh.
Một chiến sỹ kể lại: Một lần nghe Thanh Đính hát ở một khu rừng Trường Sơn, anh ta rất thích và nói với người ca sỹ: “-Em rất thích mấy bài anh vừa hát. Lúc nào có dịp, anh dạy em nhé”. Anh ta nói vậy chứ cũng không theo đuổi việc này vì nghĩ Thanh Đính rất vội, không thể có thời gian dạy mình. Nào ngờ, ngay buổi trưa, lúc vừa ăn cơm xong, khi anh bạn trẻ kia còn đang tranh thủ chợp mắt thì Thanh Đính đã lay dậy và nói sẽ dạy bài hát để còn tiếp tục lên đường, sợ không biết bao giờ mới có dịp gặp lại.
Sự nhiệt tình, chu đáo của nghệ sỹ khiến anh chàng rất cảm kích, đã chiến thắng cơn ngái ngủ để trở dậydạy nghe Thanh Đính dạy mình mặc dù cực kỳ mệt mỏi và buồn ngủ. Thanh Đính là như vậy. Ông luôn sẵn sàng hết mình vì đồng đội, sẵn sàng hết lòng hát cho họ nghe bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào có thể khi họ yêu cầu, dù chỉ là một người. Tôi đã chứng kiến điều này.
Một lần, Thanh Đính từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi (sau ngày đất nước ta được thống nhất, ông cùng vợ, con vào sống ở đây dù quê ở Yên Bái). Ông rủ tôi vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 (đóng ở Khương Hạ, Hà Nội) chơi. Lúc này, ông mới đi thực tập ở Bun-ga-ri về.
Trước khi chính thức có cuộc gặp gỡ, giao lưu với toàn thể anh chị em diễn viên của đoàn, Thanh Đính và tôi vào chơi chỗ ở của họ. Mấy bạn yêu cầu Thanh Đính hát một bài nào đó của Bun-ga-ri. Ông đã hát liền mấy bài chỉ cho một vài bạn nghe. Đến khi người Trưởng đoàn nói để lát nữa sẽ được nghe nghệ sỹ hát rất nhiều trên hội trường thì ông mới chấm dứt. Có những lần hát ở rừng Trường Sơn cho một tốp chiến sỹ nghe. Biết có người đang sốt không thể ra nghe, sau đó ông đã vào tận nơi chiến sỹ đó nằm để hát cho một mình họ nghe lại. Và ông còn hát thêm khi chiến sỹ yêu cầu.
Thanh Đính thời trẻ
Chẳng những Thanh Đính không quản mệt nhọc để sẵn sàng hát cả giờ liền phục vụ người nghe mà còn can đảm, không sợ nguy hiểm đến tính mạng trong mỗi lần đi biểu diễn. Trong đời văn công của mình, ông không bao giờ quên kỷ niệm về một lần hát ngay trước kẻ địch. Đó là dịp Nô-en năm 1967. Thanh Đính cùng đoàn văn công Quảng Đà (Quảng Nam và Đà Nẵng) được lệnh diễn ở gần đồn Trà Kiệu là vùng công giáo thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
Đối tượng nghe là bà con giáo dân ở đây. Một số anh em trong đoàn có chút e ngại vì sẽ có nhiều lính Ngụy đến xem, không thể lường được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng Thanh Đính đã động viên anh em là không việc gì phải ngại. Mình sẽ đem lời ca, tiếng hát thuyết phục đám lính Ngụy này. Tin rằng không những họ không có hành tung gì đáng ngại mà có thể còn được giác ngộ.
Đúng như vậy. Tối hôm đó, lính Ngụy ở đồn Trà Kiệu kéo đến xem khá đông. Họ mang súng ống ngồi lẫn với bà con công giáo. Họ ngồi nghe rất nghiêm chỉnh, im phăng phắc, tỏ sự tán thưởng, thích thú đặc biệt. Lần đó, Thanh Đính hát rất thành công bài hát “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến. Bài này sôi động, hào hùng, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân giải phóng, có đoạn: “Mỗi bước ta đi diệt tan quân giặc cướp nước. Mỗi bước ta đi đập tan bao bốt đồn thù. Theo bàn chân ta nơi nơi vùng lên. Mỗi bàn chân ta ghi thêm một chiến công..."
Biết ở dưới có nhiều lính Ngụy nghe, Thanh Đính đã cố hát dõng dạc, thật rõ lời, nhìn, giao lưu với họ. Ông càng hứng khởi khi thấy họ chẳng những không thể hiện sự chống đối gì mà còn gật gù và cùng vỗ tay theo bà con tán thưởng. Sau đó, cùng với công tác binh vận của ta mà các binh lính ở đồn này đã quay súng về với ta rất đông. Thanh Đính nói ông vô cùng sung sướng vì được hát với tư thế của người chiến thắng, “đứng trên đầu thù” và lần ấy đã góp chút sức nhỏ bé vào việc vận động binh lính Ngụy phản chiến, về với cách mạng.
Người hát rong nhạc đỏ
Một kỷ niệm nữa khiến Thanh Đính cũng không thể quên là lần ông tình nguyện vào chiến trường B (miền Nam) công tác vào năm 1966, đã cùng hành quân với nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Ông kể rằng Thùy Trâm rất yêu đời, hay ca hát và hát cũng hay. Biết ông là ca sỹ chuyên nghiệp, có phong cách rất hòa đồng, quần chúng, dễ gần, Đặng Thùy Trâm đã nhờ ông dạy mình nhiều bài.
Thanh Đính cũng sẵn sàng tập cho cô bác sỹ trẻ để có nhiều “vốn liếng” phục vụ các chiến sỹ trên chặng đường vào Nam. Ông cũng tập hát song ca với cô một số bài, trong đó có bài “Trước ngày hội bắn” được người nghe rất thích thú. Đoàn vào chiến trường B lần ấy chỉ có mỗi Thanh Đính là dân văn công. Cứ ở đâu có ông và bác sỹ Trâm xuất hiện là ở đó có lời ca, tiếng hát.
Có lần chỉ hai người đã biểu diễn một chương trình mấy chục bài trong cả tiếng đồng hồ phục vụ người nghe. Sau này, khi nghe tin Đặng Thùy Trâm hy sinh, ông đã lặng người đi hồi lâu, rất thương tiếc người nữ bác sỹ yêu đời và quả cảm. Đến khi có được cuốn nhật ký của cô, ông đọc đi đọc lại rất nhiều lần, thi thoảng lại đem ra đọc để sống lại những năm tháng hào hùng không thể quên trong đời phục vụ, ca hát của mình.
Bạn bè đồng nghiệp và công chúng dễ dàng thấy ở Thanh Đính những phẩm chất ưu tú của một nghệ sỹ đích thực, chân chính khi luôn hết mình phục vụ chiến sỹ, đồng bào vô điều kiện trong khói lửa chiến tranh cũng như trong hòa bình. Ông thực sự là một chiến sỹ kiên cường, dũng cảm trên mặt trận văn hóa, lúc nào cũng đặt sứ mạng phục vụ lên hàng đầu mà bỏ qua quyền lợi cá nhân.
Năm 1974, cấp trên có chủ trương cho một số diễn viên có nhiều công sức phục vụ sang Liên Xô, Trung Quốc vừa để nghỉ ngơi, vừa tập huấn nâng cao thêm nghiệp vụ, trong đó có Thanh Đính. Nhưng ông đã đề nghị được không đi mà trở vào chiến trường tiếp tục phục vụ. Đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục đóng góp cho đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, vừa trực tiếp biểu diễn phục vụ, vừa làm Trưởng đoàn.
Hiện nay, Thanh Đính đã ở tuổi 86 (sinh năm 1937), không thể ca hát được như trước. Nhưng trong ngôi nhà ông ở phố Trần Hưng Đạo (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của một thời hào hùng nhất trong đời nghệ sỹ của mình. Ông xứng đáng được tôn vinh như một người anh hùng trong mặt trận văn hóa vì tiếng hát của ông không để mua vui, giải trí mà thực sự có sức hun đúc, thôi thúc biết bao người lao lên phía trước chiến đấu và chiến thắng. Nếu nói ông là một người hát rong vĩ đại hẳn sẽ đúng vậy thay./.
“Khắc ghi tên Người- Bác Ba Lê Duẩn” là một sáng tác mới, một bài hát rất hay về một nhà lãnh đạo xuất sắc của...
Bình luận