Nhạc sĩ Nguyễn Đình San với 3 bài hát hay về chống dịch Covid-19

(Arttimes) - Viết được một bài hát hay về đề tài chống dịch Covid đã là quý lắm. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San – tác giả những bài hát nổi tiếng như Chiều nắng, Trên dòng sông Lai Hạ, Khúc quân hành mùa xuân, Có anh ở đảo, Hè về, Tuổi 15… - trong một thời điểm đã viết được những 3 bài đều rất chất lượng là việc xưa nay hiếm. Càng khó tin khi tác giả hiện đã ở tuổi 75. Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật có cuộc trao đổi với nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San với 3 bài hát hay về chống dịch Covid-19 - 1
Nhạc sĩ Nguyễn ĐÌnh San

PV: Thưa nhạc sĩ, viết được trên một ca khúc về cùng một đề tài trong một thời điểm là việc không dễ. Ông lại có những 3 bài, mỗi bài một dáng vẻ khác hẳn nhau, nghe đều rất thú vị. Xin ông “bật mí” cho bạn đọc rõ do đâu ông có thể đạt được điều này?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Vâng. Nhưng trước hết xin mời quý độc giả nghe 3 bài bằng việc mở YouTube. Đó là 3 bài: Bài ca chống dịch Cô-vít, Bản tình ca giữa mùa dịchKhúc ru lúc lên đường. Bài thứ nhất Bài ca chống dịch Cô-vít tôi có ý muốn viết một ca khúc quần chúng (chanson populaire) để cho tất cả mọi người có thể hát với tiết tấu sôi nổi, đĩnh đạc, lạc quan, âm vực toàn bài được khống chế, không mở rộng để cho dễ hát, ai cũng có thể hát được. Đây là dạng bài ta vẫn gọi là chính ca, như loại tranh áp phích, cổ động bên hội hoạ. Bài thứ 2 Bản tình ca giữa mùa dịch tôi muốn dành cho những  đôi lứa, có thể đang yêu nhau, có thể đã là vợ chồng phải tạm xa nhau để ra tuyến đầu chống dịch. Họ có thể là các nhân viên y tế (y, bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên), là công an, bộ đội và mọi đối tượng tình nguyện lên đường. Còn bài thứ 3 tôi giành riêng cho những người mẹ trẻ phải xa con còn thơ bé để ra tuyến đầu.

PV: Tôi đã có dịp nghe nhiều bài về đề tài chống Covid-19, thấy phần lớn hô hào ồn ào và có phần lên gân, khô cứng với lời ca như các khẩu hiệu. Bài “Bài ca chống dịch Cô-vít” của nhạc sĩ đã tránh được tình trạng này, ca từ đã thâu tóm được hết tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ này nhưng nghe vẫn sôi nổi, thể hiện tinh thần lạc quan và ý chí chống dịch nhưng không cứng mà vẫn rất lọt tai, có hiệu quả. Nhạc sĩ có thể tiết lộ bí quyết cho sự thành công này?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Không có gì gọi là bí quyết cả. Mọi bài thể chính ca hoặc hành khúc khác của tôi đều có tính chất như chị vừa nhận định. Ví như các bài chị đã biết: Khúc quân hành mùa xuân, Những công trình vẫy gọi, Hành khúc biên phòng. Do tôi tự hát được tác phẩm của mình nên sau khi sáng tác, đã hát đi hát lại nhiều lần, thấy trôi chảy, thuận miệng, thú vị, không trục trặc, ngắc ngứ mới yên tâm công bố. Còn khi tự thấy không ổn, khô cứng, kém thú vị thì bỏ đi không thương tiếc, coi như chưa sáng tác mặc dù có khi đã mất đến cả tuần để viết nên.

PV: Bài “Bản tình ca giữa mùa dịch” đúng là một bản tình ca. Giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng sâu sắc, chuyển tải những nội dung một cách rất tinh tế, dễ vào lòng người. Ca từ rất hay nhưng xin nhạc sĩ nói rõ thêm vì sao có câu: “Giữ vẹn nguyên màu áo tinh khôi”? Bởi có người thắc mắc: Các chiến sĩ áo trắng làm việc nơi tuyến đầu, có khi phải chuyển bệnh nhân ở ngoài trời nắng, qua nhiều ngày tháng, làm sao có thể giữ được tươi màu áo mà chắc chắn, áo sẽ phải bạc màu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Áo tôi nói trong bài không chỉ là màu áo blu trắng (hoặc xanh) của các nhân viên y tế mà còn cả các chiến sĩ bộ đội và công an. Tôi nói với nghĩa bóng chứ không với nghĩa đen – tức là sự phai màu do mưa nắng. Nghĩa bóng là: Các chiến sĩ nơi tuyến đầu (y tế, bộ đội, công an) luôn tâm nguyện sẽ giữ vẹn nguyên, giữ trọn phẩm chất của mình như màu áo của họ sẽ mãi tinh khôi, tươi mới.

PV: Bài “Khúc ru lúc lên đường” khiến mọi phụ nữ nghe đều không cầm được nước mắt. Làm sao mà nhạc sĩ có thể tạo ra được hiệu ứng như vậy? Xưa nay, bài hát hay thì nhiều nhưng lấy được nước mắt của công chúng thì hiếm. Nhạc sĩ có thể nói rõ bài này được ra đời như thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Thú thực, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta vào đầu năm ngoái (2020), khi nhiều nhạc sĩ đã có sáng tác về đề tài này, cho mãi tới lúc dịch bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4 năm nay, tôi vẫn không có ý sáng tác. Bởi chủ trương của tôi là luôn ưu tiên cho những đề tài mang tính vĩnh hằng chứ không viết về những gì nhất thời, rồi sẽ qua. Nhưng một lần xem ti-vi, tôi thấy sự việc: Một cháu bé nhìn lên màn hình vừa khóc, vừa gọi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Sao mẹ không về với con?”. Số là mẹ cháu là bác sĩ đã vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Cháu nhìn thấy mẹ đã chăm sóc các bệnh nhân nặng ở một bệnh viện dã chiến (trên ti-vi). Cháu khóc khá thảm thiết khiến người bà phải dỗ mãi: “Nín đi con, mẹ sắp về rồi. Mai thôi”. Tôi chứng kiến cảnh này mà mắt cay xè. Thế là tôi ngồi ngay vào đàn viết nên bài Khúc ru lúc lên đường: “Ngủ ngoan con nhé ngủ ngoan. Gió trời lồng lộng ru con ngon giấc nồng…”. Đây là lời người mẹ trẻ ru con thơ, mong con ngủ say, ngoan để mình có thể yên tâm lên đường vào miền Nam chống dịch. Viết đến câu: “Thương con mênh mông mà mẹ giấu trong lòng”, mắt tôi cay xè. Rồi đến câu sau đó: “Con ơi! Bao người mong chờ nên mẹ phải ra đi. Dịch vẫn chưa tan nên mẹ chưa thể về. Thương lắm con ơi, nhớ con vời vợi” thì nước mắt tôi trào ra, rơi xuống ướt đẫm bản thảo. Các nốt nhạc bị nhoè khiến tôi phải chép đi chép lại nhiều lần.

PV: Ở trên mạng Youtube có hai giọng nữ hát bài này đều rất hay. Nhạc sỹ là tác giả ưnng ý giọng nào hơn?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Tôi ưng ý cả hai người hát. Chị Ánh Nguyệt từng là ca sỹ chuyên nghiệp nên  xử lý bài thuần thục, nhuần nhuyễn. Còn chị Kim Khánh là nhà báo nhưng có giọng hát đặc biệt, tươi sáng, giàu xúc cảm. Cả hai chị đều hát hết mình, đi đến được tận cùng cảm xúc. Các chị kể lại là phải thu đi thu lại rất nhiều lần vì nước mắt cứ trào ra, không thể hát.

PV: Bài “Khúc ru lúc lên đường”, lần đầu thấy nhạc sỹ tự hát với câu: “Thương con mênh mông mà mẹ để trong lòng”. Nhưng sau đó hai ca sỹ đã hát là “giấu trong lòng”. Từ “để” đã đổi là “giấu”. Các ca sỹ hát sai hay nhạc sỹ đã sửa lại?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Cảm ơn chị đã nghe kỹ nên mới phát hiện ra. Tôi sửa lại chứ không phải ca sỹ hát sai. Từ “Giấu” hay hơn “để”. Nói “để trong lòng” bình thường quá. “Giấu trong lòng” là người mẹ không muốn bộc lộ tình thương, nỗi nhớ con ra với ai vì nghĩ ai có con thơ mà đi xa cũng sẽ như vậy chứ đâu chỉ có mình. Và trong bối cảnh cả nước chống đại dịch thì ai, gia đình nào cũng lâm vào cảnh khó khăn chứ không chỉ riêng mình.“Giấu” có cái gì đó kín đáo, tế nhị, khiêm nhường, nội tâm hơn. Đó chính là phẩm chất của phụ nữ Việt Nam ta vậy: Luôn giấu kín mọi ưu phiền, thiệt thòi dể thầm lặng chịu đựng một mình.

PV: Nhạc sĩ có nghe được nhiều ca khúc về chủ đề chống dịch Covid-19 không? Nhạc sĩ thấy thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Một số tác giả sau khi sáng tác đã gửi cho tôi nghe hoặc đọc (nếu chưa thu thanh được). Họ đều cố gắng góp tiếng nói vào cuộc vận động sáng tác về đề tài này do nhiều tổ chức vận động. Tôi cũng là một người sáng tác nên khó có thể nhận xét thật cụ thể. Tôi chỉ có thể nói rằng nếu cả một số đông người cùng hô khẩu hiệu trên đường hoặc giữa quảng trường thì hiệu quả nếu thu được là bằng con đường lý trí, còn muốn hô khẩu hiệu trong bài hát thì phải qua sự rung động của trái tim từ khoái cảm thẩm mỹ nghĩa là những ca từ có vẻ khẩu hiệu phải được chuyển tải bằng giai điệu có tìm tòi khó khăn, giàu hình tượng. Ví như bài quốc ca của nước ta có câu kết: “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền” hoàn toàn là một lời hô khẩu hiệu, nhưng đã được Văn Cao chuyển tải bằng một câu nhạc rất đắt nên hát rất “đã”, khép lại toàn bài rất hoàn chỉnh.

PV: 3 bài hát của nhạc sĩ đang được công chúng hưởng ứng, nhất là hai bài dành cho hát đơn ca. Nhiều người muốn hát rồi thu thanh, đưa lên mạng hoặc trang cá nhân của mình. Nhưng họ chưa có dịp liên hệ được với nhạc sĩ, lại sợ tác giả cho rằng vi phạm bản quyền nên còn e ngại. Quan điểm của nhạc sĩ về điều này như thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Cả 3 bài đều đã được đưa lên Youtube như tôi đã nói. Từ khi ra đời mới được chừng 2 tuần, tôi đã nhận được hàng trăm cú điện thoại gọi đến xin văn bản bài hát và beat (phần nhạc đệm). Tôi đều đáp ứng và coi đó là niềm hạnh phúc vì tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Càng vui hơn khi tôi thấy rất nhiều người chia sẻ với những cảm tưởng rất tốt đẹp về các bài hát này. Một tác phẩm văn nghệ khi đã ra được ngoài xã hội tức là của cộng đồng rồi, không còn của riêng tác giả nữa. Ai cũng có quyền sử dụng nó. Tuy nhiên Luật Bảo vệ quyền Âm nhạc chỉ can thiệp khi ai đó sử dụng tác phẩm vào mục đích kinh doanh, ví như làm đĩa, album để bán hoặc biểu diễn ở những sân khấu có bán vé.  Riêng tôi từng có những bài ca sĩ đưa vào đĩa của họ nhưng vì có mối quan hệ mà tôi cũng sẵn sàng không “đòi” tiền tác quyền. Vậy nên ai đó muốn sử dụng các bài trên thì tôi rất hoan nghênh và khuyến khích vì chắc chắn chỉ nhằm mục đích tốt đẹp là động viên, cổ vũ tinh thần chống dịch của toàn xã hội mà thôi.

PV: Nghe kỹ cả 3 bài thì thấy tác phẩm hay, giọng hát có chất lượng nhưng khâu thu thanh chưa được hiện đại, tương xứng. Vậy nhạc sĩ có ý định sẽ cho thu thanh lại ở những phòng thu hiện đại không?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Để làm nên giá trị hoàn chỉnh một tác phẩm thanh nhạc cần ở các khâu lần lượt như sau: tác phẩm, ca sĩ, người phối khí, phòng thu thanh (studio) và người thu thanh. Chị đã ghi nhận hai khâu quan trọng đầu tiên là tác phẩm và ca sĩ. Tôi cũng thấy 3 khâu còn lại chưa được mỹ mãn, như ý. Nhưng suốt thời gian dài qua và hiện tại, chưa có studio nào hoạt động do dịch Cô-vit nên đành phải thu bằng điện thoại. Nhưng nếu có chiếc điện thoại “xịn”, lại thu vào ban đêm thì về kỹ thuật cũng đạt được đến 7-8/10 so với thu ở phòng thu chuyên dụng. Mà chờ đến khi các phòng thu này hoạt động trở lại thì chưa biết đến bao giờ nên vì cần phục vụ kịp thời, tôi buộc phải vừa ý với việc thu bằng điện thoại. Nhưng nghe cũng chấp nhận được, không đến nỗi nào. Sau này đến khi vãn dịch, hết thì càng tốt, khi các phòng thu mở cửa trở lại, có thể tôi sẽ cho thu thanh lại, nếu các ca sĩ sẵn sàng. Đến lúc đó sẽ hay.

PV: Hiện nay, nhạc sĩ có đang đầu tư cho sáng tác nào nữa không?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Tôi đang tập trung vào viết những thứ khác không phải là âm nhạc. Còn sáng tác ca khúc cũng không đòi hỏi phải có kế hoạch đầu tư gì nhiều. Cũng như làm thơ thôi. Cảm xúc, duyên cớ đến bất chợt là có thể ra ca khúc. Một trong những duyên cớ đó là tiếp được một bài thơ thú vị nào đó chẳng hạn, thế là tôi phổ thành bài hát. Ví như một lần tôi đọc được bài thơ Chiều Nhật Lệ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thế Hùng rất hay, tôi nhanh chóng phổ nhạc. Cứ nghĩ chắc phải một thời gian lâu nữa mới cho ra được ca khúc mới, không ngờ chỉ chừng một tháng sau, cũng lại Nguyễn Thế Hùng có bài thơ Thương về Hà Tĩnh đọc rất xúc động. Tôi lại chuyển thành ca khúc chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Hai bài này cũng đã có trên Youtube.

PV: Về đề tài chống Covid-19, nhạc sĩ có nghĩ mình sẽ viết bài thứ 4?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Hiện tại thì không vì sau khi viết được 3 bài, tôi cảm thấy đầu trống rỗng. Không thể gắng gượng trong sáng tác ngay cả khi chỉ viết một bài. Nhưng cũng không nên nói trước điều gì. Ví như thời gian nữa, nước ta dẹp xong được dịch, có thể nói là “ca khúc khải hoàn”, cả dân tộc reo vui, biết đâu đấy tôi lại viết được một bài có tên Chỉ còn một màu xanh chẳng hạn thì sao?

PV: Xin cảm ơn và chúc nhạc sĩ giữ mãi phong độ để tiếp tục sáng tác được nhiều ca khúc hay.

(Bài Tuyên truyền nghị quyết 84/CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguyễn Chi (thực h

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.