Niềm tin vào tương lai và hy vọng ở nhiệm kỳ tới của Đại hội X Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
Như những người chiến sĩ, nghệ sĩ cầm máy ảnh, cầm súng chiến đấu trên mặt trận đã không tiếc máu xương của mình để lưu giữ vĩnh cửu hình ảnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Từ khi Tổ quốc thống nhất, các nghệ sĩ nhiếp ảnh tiếp tục dùng ống kính ghi lại sự phát triển của đất nước. Nhiếp ảnh cho đến nay thực sự là một lĩnh vực nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam và thế giới.
Nếu chỉ tính từ năm 1975, thì ngay từ đầu chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, với hàng chục tay máy bám sát các đoàn quân, đoàn chiến xa ào ạt tiến về Sài Gòn như Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Dương Thanh Phong, Võ An Khánh, người nghệ sĩ trong nội thành Trần Cao Lĩnh với tấm hình “Nhân dân Sài Gòn phất cao cờ giải phóng đón chào đoàn quân chiến thắng” thật sinh động, rất thời sự và cũng rất nghệ thuật.
Ngày ấy đoàn quân báo chí và nhiếp ảnh từ miền Bắc vào do đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng làm trưởng đoàn theo các đoàn xe tiến thẳng vào Dinh Độc lập ngay từ giờ phút đầu. Thời khắc lịch sử ấy, có Đinh Quang Thành, Văn Bảo, Ngọc Đản, Trần Ấm, Trần Mai Hưởng, Lâm Hồng Long, Đoàn Công Tính, Xuân Liễu, Trần Hồng… với hình ảnh chiến sĩ quân giải phóng xông lên Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Máy bay bị bắn rơi tại chỗ trên đường phố Sài Gòn của Đinh Quang Thành. Đại tá, nghệ sĩ Xuân Liễu kịp thời ghi hình ảnh Trên nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn khi các ngài đại sứ Hoa Kỳ hoảng loạn rút chạy không kịp cuốn cờ mang về Mỹ.
Tác phẩm "Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất" của Đinh Quang Thành. Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Lâm Tấn Tài đã ba lần tung hoành trên đường phố đã bị trọng thương để lại nhiều máu và một con mắt, cũng may được nhân dân cấp cứu thoát khỏi tử thần, sau trở thành Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hàng trăm phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh vĩnh viễn ở lại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.
Cuộc chiến xâm lược của quân bành trướng phương Bắc với trên nửa triệu quân, 600 xe tăng, xe bọc thép, hàng trăm khẩu trọng pháo đồng loạt tiến công toàn tuyến biên giới, từ Tây Bắc đến Móng Cái (Quảng Ninh). Nằm giữa vòng vây của quân thù, không còn cách nào khác, Trần Mạnh Thường mặc cho hiểm nguy, tay súng tay máy tranh thủ ghi hình ảnh xe tăng Trung Quốc bị bắt sống, chiếc thì biến thành đống sắt khi chưa kịp thực hiện lệnh phi tang, cảnh chém giết hàng loạt những người dân vô tội, cảnh tù binh Trung Quốc bị bắt hoảng loạn và ngoan ngoãn chịu ngồi viết lời khai tội ác, cảnh các chiến sĩ quân chủ lực, dân quân du kích, bộ đội địa phương anh dũng chiến đấu suốt từ sáng 17/2/1979 cho đến giờ phút nhà cầm quyền Trung Quốc phát lệnh rút quân về nước để rồi nửa thế kỷ sau tác giả công bố cuốn sách Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc-1979- một thiên phóng sự ảnh chiến tranh độc đáo.
Trên đây chỉ là một vài hình ảnh chấm phá tiêu biểu cho đội ngũ những người cầm máy, cầm súng trên mặt trận ấy. Đội ngũ của những người cầm máy cả hai miền Nam - Bắc đã làm đúng như lời Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tại cuộc hội thảo lớn mang tên Nhiếp ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng do Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Bài phát biểu của Đại tướng đã gây xúc động lớn cho những ai được tham dự và gây ấn tượng mãi với giới nhiếp ảnh Việt Nam.
Ông đánh giá cao giá trị nhân văn và nghệ thuật, giá trị tư liệu và tính đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh: “…Với mọi ngành nghệ thuật khác, khi chiến tranh qua đi, người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả lại chiến tranh qua các nguồn tư liệu tin cậy. Nhưng, với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ánh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ánh trực tiếp, sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh và một thế mạnh về tính chân thực của nhiếp ảnh”; “Tất cả những bức ảnh về chiến tranh cách mạng của ta là một tài sản vô cùng quý giá, nó là bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, thời đại ta – Thời đại Hồ Chí Minh”, “Nó là sản phẩm tinh thần của nhân dân ta, tinh thần giải phóng dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ kết tinh trong tư tưởng, thời đại Hồ Chí Minh”.
Nhà thơ Tố Hữu không phải là nhà lý luận về nghệ thuật nhiếp ảnh và cũng không phải là nghệ sĩ sáng tác loại hình nghệ thuật này. Nhưng, trong mấy chục năm liền, với tư cách là một nhà lãnh đạo cao cấp về văn hóa - văn nghệ của Đảng và nhà nước Việt Nam, một nhà thơ lớn, ông đã có những bài phát biểu quan trọng và sâu sắc qua từng giai đoạn. Từ Hội nghị đầu tiên của các nhà nhiếp ảnh nước ta do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam triệu tập trong hai ngày 17 và 18/11/1947, khi ấy Tố Hữu mới chỉ gần 30 tuổi, ông đã sớm đề cập đến 5 quan điểm về nhiếp ảnh. Bài phát biểu này được xem như một văn bản quan trọng đặt nền móng cho sáng tác và công tác nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh.
Tháng 3/1953, Tố Hữu với tư cách Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đã đến khu Đồi Cọ (Thái Nguyên) - Nơi đặt Trụ sở của cơ quan Nhiếp ảnh và Điện ảnh để trao Bản sắc lệnh thành lập “Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953.
Ngày 8 và 9/12/1965, tại Đại hội toàn quốc lần thứ Nhất thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Tố Hữu đã đọc bài phát biểu quan trọng, có giá trị định hướng cho nhiếp ảnh Việt Nam và nhấn mạnh: "Cái đẹp trong nhiếp ảnh Việt Nam là cái đẹp cách mạng, cái đẹp dân tộc và cái đẹp của sự thật”.
Ngày 8/11/1983 tại Đại hội lần thứ II Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, bài phát biểu của ông khá sâu sắc và xúc động mang tựa đề Nhiếp ảnh nghệ thuật của con mắt tinh đời, có đoạn viết: “Nghệ thuật nhiếp ảnh có đặc thù ưu việt hơn mọi ngành nghệ thuật khác, là ghi trực tiếp, ghi nhanh hình ảnh của cuộc sống hiện thực… Cái tài của người chụp ảnh là nắm bắt được hình tượng nói lên bản chất của sự việc, đưa sự việc đó vào ống kính và trong khoảnh khắc trình bày nó một cách trong sáng nhất, sinh động nhất. Đó mới là nghệ thuật, nghệ thuật nhiếp ảnh”, “Người làm nghệ thuật nhiếp ảnh phải có một tình yêu lớn, hiểu biết sâu rộng và phải có tài năng nắm bắt trong khoảnh khắc những nét đẹp và có giá trị của cuộc sống”.
Đánh giá thành tựu của Nhiếp ảnh Việt Nam, ông ghi nhận và tuyên dương: “Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho nhân dân ta một gia tài rất quý báu. Không nhưng cho hôm nay, mà mãi mãi về sau, nhân dân ta rất xúc động trước những tấm ảnh mà anh chị em nghệ sĩ đã chụp bằng cả trái tim, cả tấm lòng và tài năng của mình”
Đến dự Đại hội này, Tố Hữu với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nhưng ông vẫn là người bạn lớn của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Ông qua đời tuổi 82 (1920 – 2002). Tên tuổi của ông, sự nghiệp của ông còn mãi với nhiếp ảnh Việt Nam. Không chỉ riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước ta đánh giá cao, thường đến xem triển lãm, gặp gỡ các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương - Trung tướng Trần Độ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn, Chủ tịch Hội nhà báo, Ủy viên Trung ương Đảng Hữu Thọ; các nhà lãnh đạo quản lý văn hóa văn nghệ như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nông Quốc Chấn, Tô Hoài, Hà Xuân Trường…
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng bức trướng nhân kỷ niệm 70 năm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Đề cập đến nhiếp ảnh Việt Nam - 50 năm một chặng đường không thể không nhắc đến vai trò các đời Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội như Đinh Đăng Định, Hoàng Tư Trai, Lê Phức, Chu Chí Thành - những người chịu trách nhiệm trước nền nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà qua các giai đoạn. Thời Tổng Thư ký Đinh Đăng Định, Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam bắt đầu khởi sắc trong các ngành văn học nghệ thuật Việt Nam, được các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế biết đến. Hoạt động của Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo thời ấy cũng còn đơn giản. Giám khảo trước khi chấm ảnh cần phải cân nhắc kỹ yêu cầu cuộc thi, tên của cuộc thi, số lượng tác phẩm cần tuyển chọn và rất chú trọng tỷ lệ cân bằng và số lượng ảnh các đề tài: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng, y tế, văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật đã được tuyển chọn chưa?
Với quốc tế, ông còn được mời tham dự với tư cách là những nhà nhiếp ảnh được tháp tùng chụp các vĩ nhân Việt Nam như Hồ Chí Minh. Ông còn được mời làm Giám khảo cuộc thi ảnh quốc tế tại Pec-pi-nhăng, thành phố nghệ thuật cổ kính của nước Pháp.
Đến thời Tổng thư ký Hoàng Tư Trai, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả chiều rộng và bề sâu. Ông có chủ trương và biện pháp thực hiện liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, đây được xem như một sáng kiến lớn thổi bùng không khí sáng tác ảnh bắt đầu từ Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng phát triển trên bình diện toàn quốc. Hình thức tổ chức triển lãm đi vào các chuyên ngành như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng, y tế, văn hóa xã hội, văn học nghệ thuật. Ông nguyên là Bí thư tỉnh ủy chuyển sang lãnh đạo nghệ thuật nhiếp ảnh, được nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước quen biết, yêu mến. Các hoạt động lớn của Hội và khi triển lãm khai mạc thường có mặt những nhân vật quan trọng ấy.
Đến thời Tổng thư ký Lê Phức tiếp tục đưa nhiếp ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới. Tổng thư ký Lê Phức mở rộng mối quan hệ giao lưu quốc tế, gia nhập tổ chức Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, người đầu tiên đại diện cho nhiếp ảnh Việt Nam đi dự Đại hội Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP và có bản tham luận gây sự chú ý, được đánh giá cao của các quốc gia thành viên. Lần đầu tiên nhiếp ảnh Việt Nam dự đại hội FIAP và tuyển chọn 10 tác phẩm ảnh đen trắng dự thi, được xếp thứ ba, tặng Huy chương Đồng, bước đầu gây tiếng vang trong làng ảnh nghệ thuật quốc tế.
Tiếng vang cộng hưởng từ nhiều năm, đến thời ông Chu Chí Thành làm Chủ tịch, nhiếp ảnh Việt Nam đã có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế FIAP. Tổ chức này ra đời từ năm 1947. Hơn 40 năm sau (1991), Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mới là quốc gia thành viên, nhưng ngay từ năm đầu tiên tham gia, tên tuổi nhiếp ảnh Việt Nam đã được ghi nhận, được các quốc gia đi trước yêu mến và nể trọng.
Năm 2006, Đại hội FIAP lần thứ 28 tổ chức tại Trung Quốc, ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thay mặt Hội lên nhận Huy chương Vàng của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP dành cho bộ ảnh Cuộc sống đời thường ở Việt Nam tại Thành Đô - Trung Quốc, xếp thứ 2 sau Trung Quốc.
Đặc biệt Đại hội FIAP lần thứ 29 tổ chức tại Slovakia (năm 2008), Việt Nam giành thắng lợi lớn hơn: Đoạt Cúp FIAP với tổng số 219 điểm cho bộ ảnh đen trắng 10 tác phẩm với chủ đề Nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam, xếp thứ Nhất trong 46 quốc gia thành viên dự thi. Có thể nói đây là đỉnh cao vinh quang, giây phút huy hoàng nhất của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Trở lại lời tiên tri của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về nhiếp ảnh Việt Nam sau khi xem triển lãm toàn quốc lần thứ 16 (1992) tại 29 phố Hàng Bài, Hà Nội, có đoạn viết: “…Qua các bức ảnh, tôi đã rung động trước CÁI ĐẸP về cả mặt kỹ thuật cũng như về nội dung. Đặc biệt là những bức ảnh mô tả được sự đổi mới mà Tổ quốc ta, đồng bào các dân tộc Việt Nam ta đang thể hiện hàng ngày. Tất cả những điều này báo hiệu rằng: Ngành nhiếp ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ có những bước tiến vĩ đại và sẽ xuất hiện những nghệ sĩ thiên tài!”.
Đọc những dòng cảm tưởng này, khi tôi cho in trên Tạp chí Nhiếp ảnh, Tổng thư ký Hoàng Tư Trai do dự hỏi:
- Liệu ta có nên đưa những lời cảm tưởng ấy lên công luận không?
Tôi trả lời:
- Đây là lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết, có phải ông Hoàng Tư Trai viết đâu! Nếu Tổng Bí thư đánh giá quá cao thì ta quyết tâm phấn đấu. Cuối cùng ông cũng đồng ý cho in trang trọng trên Tạp chí.
Năm 2008, sau 16 năm, lời tiên tri của Tổng Bí thư Nguyễn Văn linh quả thực linh nghiệm!
Tiếc rằng, hai nhiệm kỳ VII và VIII, thủ lĩnh không còn giữ được truyền thống nữa, để lại dư âm không tốt lành kéo theo hàng năm chưa dứt. Tâm trạng trong hội viên xuất hiện sự bất bình và chán nản.
Đại hội IX được tổ chức thành công tốt đẹp như một luồng gió trong lành, tinh lọc không khí nặng nề trong hội viên. Một Ban chấp hành mới được kiện toàn với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao. Nhiều người trúng số phiếu quá bán vẫn không được vào Ban chấp hành. Người đứng đầu Hội là nữ nghệ sĩ Trần Thị Thu Đông người có học vấn, tác phẩm và tước hiệu có đẳng cấp cao. Từ Chủ tịch Hội nhanh chóng được bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lại trúng cử Đại biểu Quốc hội duy nhất đại diện cho giới văn nghệ sĩ toàn quốc. Không ồn ào, bình thản nghĩ suy, hành động nhịp nhàng và mang lại hiệu quả từng bước đi lên vững chắc.
Chỉ sau ba tháng Đại hội, hàng loạt văn kiện, kỷ yếu Đại hội được kiện toàn, từ Ban chấp hành, các hội đồng, các ban chuyên môn giúp việc Ban chấp hành đến các chi hội cơ sở trên toàn quốc sớm bước vào hoạt động sáng tác, hưởng ứng các cuộc thi khu vực trong nước và quốc tế. Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, nay là Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã hồi sinh trở lại và hoạt động nhịp nhàng, ra đúng kỳ hạn, hoạt động bằng kinh phí xã hội hóa, chưa cần đến kinh phí trợ giúp của Hội.
Ngày 15/3/2023, Hội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí minh ký sắc lệnh thành lập “Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, tổ chức kỷ niệm 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam ra số đầu tiên khá hoành tráng. Hai sự kiện lớn này được cơ quan truyền thông Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng kịp thời và trang trọng.
Khâu xuất bản để lưu lại cho hậu thế mới là những công trình để đời cho thế hệ mai sau. Ngoài các ấn phẩm đã xuất bản như sách ảnh và bài viết về “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước”, sách giới thiệu tác giả - tác phẩm và tước hiệu, lần đầu tiên được xuất bản; sách in các tác phẩm trong triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế được tổ chức tại Hà Nội.
Hội đồng tiến hành xét Giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc năm 2024. Ảnh Quang Hồ
Mới đây lại cho ra mắt những công trình lớn, rất có ích với người xem và các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu hiện tình đất nước, cung cấp một cách nhìn tổng quát về Đất nước - Con người Việt Nam cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX của người nước ngoài chụp về Việt Nam. Ảnh về Đại thắng mùa xuân (1954 – 1975) và cuốn sách ảnh Điện Biên - Điểm hẹn lịch sử phát hành nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 – 2024) và đang triển khai một công trình “khủng” gồm 3 tập giới thiệu hơn 1.000 gương mặt hội viên và cố gắng dứt điểm cuốn Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam để đưa vào xuất bản trước khi kết thúc nhiệm kỳ IX Đại hội (2020 - 2025) Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Một số thông tin hoạt động trong thời gian qua từ sự quan sát, trải nghiệm và ghi nhận của một hội viên cao tuổi như tôi đã từng tham gia Ban chấp hành, là Ủy viên thường trực, Ban thư ký Hội trong hai nhiệm kỳ Đại hội. Với những hoạt động hiệu quả của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX, tôi đặt niềm tin vào tương lai và hy vọng ở nhiệm kỳ tới của Đại hội X Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Triển lãm "Hà Nội – Một thời để nhớ" trưng bày 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của tác giả...
Bình luận